Ranh giới – Truyện ngắn của Thương Trần

Vanhaiphong: giới thiệu một truyện ngắn của cộng tác viên từ Hà Giang gửi về ( Trần Mỹ Thương -Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội tỉnh Hà Giang, đóng tại xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang)…

Vanhaiphong: giới thiệu một truyện ngắn của cộng tác viên từ Hà Giang gửi về (Trần Mỹ Thương -Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội tỉnh Hà Giang)

Vừa cầm đến đũa xêu vào miệng bát thì điện thoại của Huấn có chuông reo.

– A lô ạ!

Vầng, vầng, em sẽ vào ngay!

Vầng, vầng! (Chồng Vân, vẫn cái chất xã giao quen thuộc ấy).

Thay vì gặng hỏi những câu cần thiết, Vân lặng lẽ đứng dậy lấy thêm chiếc bát tô với chiếc đĩa múc ra ít rau, canh để phần chồng và dặn: “Xong việc anh về ăn cơm luôn kẻo nguội.”

– Ừ, anh vào khu quản lý tiếp nhận người nghiện mới. – Vừa bước ra cửa, anh vừa đáp.

Làm chung một nghề, sự thông cảm và hiểu nhau cứ mặc nhiên như thế.

***

Tháng năm. Tiết trời oi ả. Cảm giác ngột ngạt, bức bối càng trở nên nặng nề đối với một thai phụ. Công việc phong trào luôn đòi hỏi bộ mặt Vân phải tươi sáng, dù mệt đến đâu.

Thưa cô (cách mà các học viên cai nghiện xưng hô đối với cán bộ quản lý), chương trình tập lần này em muốn giới thiệu với cô một thành viên mới thú vị lắm ạ! Huy, đội trưởng đội văn nghệ học viên hồ hởi nói.

Đôi mắt uể oải của Vân chậm hướng theo tay Huy chỉ về phía người đàn ông dáng người thâm thấp, đầm đậm đang cầm trên tay cây sáo, đứng dựa mình bên ngoài lan can của hội trường. Cô nhắc Huy vào quán xuyến đội văn nghệ tập duyệt chương trình, còn mình thì tiến lại gần người đàn ông cầm cây sáo dọc, vẻ mặt có chút bần thần, đang dõi mắt về một cõi vô định, xa xăm.

– Em là học viên mới à? – Vân nghiêng mặt hỏi với vẻ thân thiện.

– Vâng, cô là “cô giá” (cô giáo) ở đây à? Hôm qua em vừa và (vào) đay. – Học viên mới đáp lời, đôi mắt không chú tâm cho lắm.

– Ừ, cô tên Vân. Còn em tên gì? – Cô xởi lởi.

– Em là Cớ. Em ở Ia Min (Yên Minh, Vân đoán vậy). Những câu từ gọn gẽ, có nhiều phần thiếu nét của người đàn ông ấy không khiến cô bật cười vì dù sao cũng từng được tiếp xúc nhiều lần với người Mông ở vùng cao, phần lớn họ đều như vậy.

Nhưng tại sao em nghiện? Cuộc sống nơi vùng cao vốn đã khốn khó thế, mà sao em còn nghiện? Tò mò, Vân đã muốn hỏi, như một sự quan tâm đúng nghĩa mà bản thân cô cũng chẳng hiểu sao lại muốn dành cho một kẻ nghiện mới gặp trong số hàng trăm người nghiện mà cô từng gặp qua. Nhưng nhìn vào hình dáng ấy, đôi mắt có gì đó nặng trĩu, u uất, chẳng nỡ nào cô mở miệng. Rồi, buột mồm cô hỏi một câu bâng quơ mà như điểm đúng tâm trạng chàng trai người Mông: “Em đang nhớ đá à? Quê em chắc nhiều đá lắm, có nhớ không em?”

– Sao cô giá biết?

– À, trước kia cô may mắn được lên mạn đó khá nhiều lần. Qua tìm hiểu nữa, cô biết đá là linh hồn đối với họ. Người ta dùng đá kê chân cột nhà, cối đá xay ngô làm mèn mén, làm hàng rào đá, đá kè nương bậc thang, gùi đất với phân dê lên tra ngô trên lòng đá. Và cả khi người ta chết đi, cũng làm ma bầu bạn với đá mà… Vân nói một tràng dài dặc, những dấu ấn về vùng đất khắc nghiệt, lạnh giá lại hiện lên trong cô như thể những chuyến thăm ấy mới vừa hôm qua.

Cớ gật gù: “Thế là cô giá biết nhiều về quê em đáy. Khi ở nhà thì thớ vớ vả vì ít đớt, nhìa đá quá, khó là ang, nên thớ ghét đá. Lú xa rồ mới biết nhớ, biết thưa đá vì quê em chả có gì ngoài đá và mỏi thứ được làm ra từ đá cô ạ. (Khi ở nhà thì thấy vất vả vì ít đất, nhiều đá quá, khó làm ăn, thấy ghét đá. Lúc xa rồi mới biết nhớ, biết thương đá vì quê em chả có gì ngoài đá và những thứ được làm ra từ đá cô ạ. – Vân hiểu nôm na thế, với chút kinh nghiệm trò chuyện xã giao của mình).

Cuộc trò chuyện tự nhiên, chân thành khiến cái mệt mỏi của một bà bầu tan biến hết. Còn đôi mắt một mí ấy, cũng ấm áp, trong sáng hẳn lên, tạm quên cái ánh nhìn về phía xa xăm vô định. Hai cô trò vui vẻ cùng vào tập chương trình với đội.

Chương trình văn nghệ kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh được đội văn nghệ học viên tổ chức thành công rực rỡ, dưới sự dẫn dắt hấp dẫn của Vân, mặc dù cô đang có bầu, đã mang lại thật nhiều tiếng cười, niềm vui và động viên tinh thần lớn lao cho những mảnh đời sa ngã đến tập trung tại môi trường chữa bệnh này. Phải kể đến cả đóng góp của Cớ, dù mới vào môi trường mới, tuy tính tình cũng khá trầm, nhưng chương trình hôm đó anh đã tham gia hát bài Người Mèo ơn Đảng bằng tiếng Mông, rồi như gửi nhiều tâm tư của mình vào bài sáo Mông “Gọi bạn”, làm cả hội trường rộn rã tán dương, cổ vũ.

Sau một vài chương trình như vậy, Vân dường như nhận được nhiều mến mộ của học viên, bao gồm cả Cớ. Anh thật thà, chất phác, đúng với bản chất người Mông xứ đá, cho dù anh ta nghiện. Những câu chuyện về gia đình mà anh ta thường bỏ dở chừng, lấp lửng, khiến nội tâm Vân suy nghĩ nhiều hơn về con người ấy. Tại sao anh ta nghiện? Gia cảnh đến nỗi nào?… Có vô vàn lí do nghe chừng quá thuyết phục cho những hoàn cảnh xô bồ, đưa đẩy khiến người ta sa đà nghiện ngập, người đời vẫn nói: “Chớ nghe người nghiện trình bày”. Nhưng cái vẻ mặt đăm chiêu, bần thần mỗi khi một mình một góc nào đó của Cớ cứ ám vào tâm tư của Vân mãi.

Cho đến một ngày đầu tuần cuối đông rét buốt, trong cuộc họp giao ban chuyên môn của phòng, một cán bộ quản lý buồng báo cáo thông tin Cớ nhịn ăn mấy bữa nay mà chưa biết lí do cụ thể ra sao, ai hỏi cũng không nói, khuyên thế nào cũng không nghe. Lòng Vân bồn chồn lo lắng lạ. Giữ im lặng trước tập thể cán bộ phòng, cô mạo muội xin phép Ban Giám đốc cho trực tiếp gặp riêng Cớ tại phòng làm việc. Ngồi đối diện Vân, đôi mắt một mí trùng xuống, im lặng. Thực tình không biết mở lời ra sao để gặng hỏi cho ra câu chuyện.

Ngón trỏ xoay xoay, di di cốc nước đường pha ít gừng ấm nóng mà cô vừa rót mời, Cớ cất lời trước sau một khoảng lặng: “Con cô giá được mấy thá rồi? Em cúng có con, ba đứa. Nhưn mà chúng nó khổ vì cá thàng bố như em, thàng bố nghịa ngập.”

– Thế bây giờ các con em ở với mẹ chúng à? Thế thì vất vả quá. Em phải cố gắng… – được dịp, Vân đang cố dẫn dắt câu chuyện cần nói nhưng chưa dứt câu thì phải bỏ dở vì Cớ bỗng dưng run run bật khóc.

– Em uống nước đi! Rồi nói cho cô nghe chuyện gì đang xảy ra với em. Nếu có thể giúp, các thầy cô nhất định sẽ giúp em mà.

Kiên nhẫn chờ đợi nhưng Cớ vẫn chỉ im lặng, cặp mắt một mí trùng hẳn xuống, khuôn mặt rám nắng cúi cắm xuống mặt bàn, nhìn khắc khổ. Đàn ông mà phải khóc thì trông thật thảm hại.

Vân chủ động phân bua: “Cô biết em thực sự hối lỗi và lo cho gia đình. Nhưng càng vì thế em càng cần phải xác định tư tưởng chữa bệnh, cai nghiện thành công rồi trở về nhà làm lại tất cả. Vợ và các con cần em. Đừng bao giờ tự cho phép mình buông xuôi để rồi không đủ sức bước qua được khốn khó em ạ. Mặc dù cô không biết em đang có chuyện gì, nhưng chắc chuyện phải nghiêm trọng lắm, đến mức em không thể ăn cơm. Và cô rất hy vọng em sẽ lấy lại tinh thần, tiếp tục trị liệu để sớm được về với các con.” – Nói rồi, cô nhẹ đặt bàn tay mình lên đôi vai vẫn đang run run ấy, như thể đang cố truyền cho người đàn ông bất hảo và bất hạnh chút nghị lực lúc anh ta đang đuối sức. Cô biết học viên của cô sẽ chẳng thể nói gì thêm vào lúc này nên khuyên em về phòng nghỉ ngơi, tĩnh tâm suy nghĩ.

Ngày thứ tư, Cớ mới chịu ăn chút cơm. Cả Trung tâm từ cán bộ quản lý đến tập thể học viên ai nấy thở phào. Riêng Vân, dường như vẫn còn nhiều băn khoăn xen lẫn sự yên tâm lúc này.

***

Kẻng báo giờ đi ngủ khi đồng hồ điểm đúng 9 giờ tối.

Cớ co ro ôm chăn, thu mình vào một góc phản trong bóng tối. Tiếng trẻ nhỏ trêu đùa, đuổi bắt nhau trong khu tập thể cán bộ vang vọng trong tâm trí anh, trong trẻo, lảnh lót. Tiếng bố mẹ chúng là những người cán bộ quản lý đang gọi con giọng cưng nựng, yêu chiều sau những giờ làm việc, nghe đầy hạnh phúc. Những thứ đẹp đẽ ấy đang gọt vào tâm trí anh. Nhưng ở đâu đó trong tim anh lại như bị gai chọc rỉ máu khi bên tai cứ văng vẳng những câu nói của người em chú hôm cuối tuần lặn lội xuống thăm anh: “Chị dau bỏ đi rồi, đưa theo đứa Máy, sang Trung Quốc cùng chính thàng anh cả của nhà mình, thàng khố nạn. Không ai tìm thấy nứa. Còn đứa Sua và đứa Chơ, tao đưa về nhà tao ở. Nhưng mà bứa no bứa đói thô. Nhà tao cúng nghèo, mày không trách tao được nhá, chúng nó cúng không được đi học nứa đâu!”

Cớ ôm đầu, cào mạnh từng đường móng tay vào kẽ tóc đau điếng. “Chả thà Vư đừng nói cho ta biết hết mọi sự xấu xa ở nhà, chả thà đừng thật thà đến ác như thế. Nhưng mà Máy ơi, Sua ơi, Chơ ơi! Chúng mày ở đâu hết rồi, chúng là con ta mà, làm được gì đây khi biết chúng nó khổ vì người bố, người mẹ không ra gì này? Làm gì khi bản thân ta đang phải cai nghiện? Đứa bị mẹ đưa đi, sang Trung Quốc toàn bị bán thôi mà, như nhiều đứa ở làng ta trước nay vẫn thế. Đứa bé hơn ở nhà chú thì nghèo quá, lấy gì ăn đây? Sao ta lại nghiện? Sao ta lại vô trách nhiệm, làm khổ các con ta? Cái thàng Tính, thàng anh rai cùng cha khác mẹ của ta sao mà nó ác? Nó rủ ta dùng thuốc phiện, rồi chính nó tống ta vào trại này để ở nhà hú hí với con vợ của ta, giờ nó còn rủ cả vợ ta đưa con gái vượt biên nữa. Mà sao có loại đàn bà không có tình người, sao nỡ bỏ con cái mà đi theo một thàng trai chả khấm khá gì hơn ta thế?” Trăm ngàn câu hỏi cứ lặp đi, lặp lại trong đầu. Cớ tự ghì đầu mình mạnh hơn, buốt nhói. Trong cơn đau anh vẫn nghe loáng thoáng tiếng trẻ con vui đùa trong trẻo quá, đáng yêu quá. Nhưng sao lại nghe cả tiếng đứa gái nào khóc lóc van xin mẹ với bác đừng kéo nó đi…

Sớm tinh mơ, buổi sớm mùa đông còn tối đen như mực. Thầy quản lý mở cửa xuất đội bếp đi nấu cơm sáng cho toàn đội. Cớ tranh thủ lẻn ra trong lúc mấy thầy trò đang soi đèn pin điểm đội, chưa kịp khóa cửa buồng. Anh trèo tường chạy trốn giữa màn trời rét buốt thấu xương.

Kẻng báo thức lúc 6 giờ sáng, điểm đội thể dục trị liệu thì cả thầy trò tá hỏa khi phát hiện thiếu Cớ trong hàng. Ngay lập tức, lực lượng cán bộ quản lý được chỉ đạo chia hướng đi tìm.

Cớ dùng chiếc đòn gánh phân của đội rau dựng lên làm thang đệm, dẫm lên đầu đòn rồi cố leo qua tường, cứ thế vụt lao đi qua mỏm đồi bên ngoài khu quản lý rồi hướng theo đường cái ra phía trung tâm huyện. Việc trốn chạy mới chỉ lóe lên trong đầu anh lúc tối, nên anh chẳng kịp nghĩ sẽ mặc đủ ấm cho mình trong tiết trời khắc nghiệt phía ngoài kia. Anh cứ thế lao đi, vấp váp, đổ mồ hôi hột hòa cùng nước mắt lăn dài từ trán xuống gò má, ngấm cả vào kẽ môi, mặn chát. Mồ hôi ngấm từ chiếc áo ngủ ra đến áo nỷ đã cũ sờn. Quãng đường vắng vẻ từ trung tâm đến phố huyện dài chừng 6 ki lô mét, vậy mà anh chạy nhanh đến nỗi ra đến bến xe thì trời mới tờ mờ sáng. Đoán chừng đó cũng là lúc kẻng báo thức ra thể dục, các thầy điểm đội sẽ phát hiện ra nên Cớ càng luống cuống. Anh cố nài nỷ, lắp bắp nói dối là đi làm thuê, trên đường về thăm con bị móc túi hết tiền và cuối cùng thì anh cũng được một người đàn ông tốt bụng lái xe chở hàng cho đi nhờ lên thị trấn Yên Minh. Ngồi trên ca bin, Cớ im lặng và lâu lâu lại ngoái nhìn phía sau như một phản xạ.

Khoảng giữa trưa, xe đến thị trấn Yên Minh và Cớ xin xuống xe ở ngã ba vào xã. Anh cầm chặt trên tay hai chiếc bánh mỳ và chai nước khoáng mà người lái xe tải tốt bụng đã cho trước khi xuống xe. Cớ dưng dưng nước mắt, đứng bần thần như mất phương hướng một lúc không lâu. Cuộc trốn chạy không cho phép anh có nhiều thời gian để suy tính. Việc đầu tiên anh sẽ làm là chạy bộ về phía làng, qua những dãy núi, những đường mòn dốc đá để gặp các con. Chúng có lẽ đang đói rét một lũ ở nhà chú ruột. Không đói rét sao được, khi mà cả nhà chú cũng đang nghèo rách tả tơi. Ôi, sao mà cái thứ thuốc xấu xa làm cuộc đời ta chả khác nào hòn đá lăn từ vách núi xuống vực thẳm. Ta mất hết rồi, vợ ta, đứa gái lớn của ta… Xót xa quá, càng nghĩ, bước chân anh càng thất thểu cố chạy, lồng ngực mỗi lúc một dâng lên cảm giác hậm hực, tức tối. Đến xế chiều, ngôi làng quen thuộc của anh chỉ còn cách đó không xa, nhưng gối đã chùn, bàn chân tứa máu vì vấp cây, vấp đá, máu đã khô lại thành cục, loang lổ, hòa lẫn vào màu bùn đất của đôi dép tổ ong, khoang bụng trống rỗng, kiệt sức, anh ngồi thụp xuống một tảng đá, thở dốc, cổ họng khô khan vì thiếu nước cứ bật lên từng cơn ho khòng khọc, đau rát. Anh cố chống tay vào đầu gối, gượng dậy, lê lết những bước chân, cái bụng tự nhủ: “Sẽ chạy thẳng về nhà thằng Vư xem đứa Chơ với đứa Sua một tí, rồi phải ngược lên đường mòn men núi sang bên kia tìm hai con người xấu xa kia, phải tìm cho ra đứa Máy về nhà, phải thế, phải thế…”. Cơn ho lại khòng khọc bật lên không thể kìm lại. Cớ thấy toàn thân tê buốt. Anh rùng mình, cơ thể cứ thế run bần bật, lồng ngực như có cả tảng đá đè lên nặng trịch. Những suy nghĩ lan man giục anh cố bước, nhưng đôi chân đã tím tái, cứng đờ bất ngờ vấp mạnh vào mỏm đá khiến anh ngã nhào bất tỉnh vì kiệt sức và cảm lạnh.

Khi tỉnh dậy, Cớ lơ mơ nhận ra mình đang nằm trên chiếc giường cũ kỹ cạnh bếp lửa, trong căn nhà trình tường của thằng Vư. Rồi bất chợt anh bật dậy, thu mình lại một góc vì phát hiện những người đang ngồi xung quanh anh không chỉ có em chú và các con anh, mà còn có cả hai người cán bộ quản lý trong trung tâm cai nghiện nơi anh vừa trốn ra nữa.

Huấn trấn tĩnh: “Em đừng sợ, các thầy đến để giúp em. Có giúp được các con em thì em mới ổn định tư tưởng, yên tâm cùng các thầy quay lại trung tâm để tiếp tục chữa bệnh”.

– Thưa thầy, em …

– Thầy hiểu. Em cứ nghỉ ngơi đi đã. – Huấn nhẹ vỗ vai bảo Cớ nằm xuống nghỉ.

Đưa mắt qua đốm lửa lập lòe, Cớ trào nước mắt khi đứa Sua với đứa Chơ đang thập thò sau cánh cửa, má đứa nào đứa ấy lấm lem, những cặp mắt tròn xoe, lo âu không thôi hướng về phía bố.

Anh vẫy tay gọi các con đến gần, chúng rón rén bước đến giường bố, nói với bố những câu tiếng Mông mà Huấn và người cán bộ đi cùng không thể hiểu. Những giọt nước mắt thơ ngây lăn ra, đáng thương vô tận.

Huấn rút trong túi ra một tờ giấy, nói với Cớ rằng đó là văn bản của Giám đốc Trung tâm đề nghị Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh tiếp nhận, cưu mang hai con của Cớ trong thời gian anh cai nghiện cho đến khi anh trở về và kiếm việc làm để có thể tự nuôi con.

Gò má của Cớ lại thấm đẫm nước mắt, cúi đầu lí nhí những câu cảm ơn.

Huấn mỉm cười: “Nếu em thực sự biết ơn, hãy cùng các thầy quay về Trung tâm yên tâm chữa bệnh. Đó là cách tốt nhất để em nói lời cảm ơn, mà phải là cảm ơn cô Vân đấy nhé, cô ấy là người cất công tìm hiểu gia cảnh nhà em và tham mưu cho thầy Giám đốc làm văn bản đề nghị này đấy. Từ lúc các thầy lặn lội lên đây, cô Vân đã gọi điện hỏi thăm tình hình mấy lần rồi.”

Cớ gật đầu lia lịa, mồm liếng thoắng câu “vâng, vâng”.

Từ trong gian nhà tối nhìn ra cửa, ánh mắt Cớ vẫn còn đau đáu một điều không thể nói hết.

Vư như hiểu ý, lại vỗ vai anh trai: “Thôi, còn đứa Máy, nó sang Trung Quốc với mẻ nó rồi, sướng khổ gì chắc cũng chả đến nối mẻ nó bán nó đâu. Mày cứ lo mà chứa bểnh cho tốt, sao nài về lo là ang mà nuôi ha cá đứa nài thô. Ít ra tết nài hai đứa con mày được Nhà nước cho ăn no mặc ấm rồ, không lo nứa”.

Huấn động viên: “Có những cái, nó vượt quá tầm kiểm soát của bản thân và chúng ta phải một phần chấp nhận. Phải chấp nhận thôi em ạ. Hôm trước, đấy là em kiệt sức không đi nổi nữa, các thầy mới có thể tìm thấy em. Chứ lúc ấy mà em còn đủ sức, chắc đã qua bên kia biên giới rồi, chả biết sẽ ra sao khi đã vượt qua ranh giới ấy. Vẫn may, em ạ.”

Cớ lặng im, xiết chặt những đôi tay bé nhỏ của Sua và Chơ, gật gật, nước mắt anh lại lăn dài trên gò má./.

T.T.

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder