Rất cần Tự do và dân chủ, kể cả dân chủ với “địch”- Nguyễn Trọng Tạo

Vanhaiphong.com: Đây là phát biểu của Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo trong  hội thảo “Các xu hướng vận động của văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay, thực trạng và định hướng phát triển”, diễn ra ở Hạ Long ngày 5 -12- 2017, chúng tôi xin đăng lại…

Vanhaiphong.com: Đây là phát biểu của Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo trong  hội thảo “Các xu hướng vận động của văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay, thực trạng và định hướng phát triển”, diễn ra ở Hạ Long ngày 5 -12- 2017, chúng tôi xin đăng lại.

1. Các xu hướng VHNT cách mạng VN từ Đổi mới:

– Cuối thế kỷ 18 sang thế kỷ 19 phương Tây đã có nhiều chủ nghĩa như Hiện thực, Lãng mạn, Tượng trưng, Lập thể, Siêu hình, Hiện thực huyền ảo, v.v… Nhưng VHNT cách mạng chỉ chú trọng vào chủ nghĩa Hiện thực và thêm vào 4 chữ Xã hội chủ nghĩa. Đến phương pháp sáng tác cũng quy định phương pháp sáng tác XHCN. Vì thế mà VHNT rất đơn điệu. Đến Đổi mới cuối thập niên 80 thế kỷ 20 mới được giải thoát khỏi cái khung đơn điệu đó. Và rất nhiều khuynh hướng VHNT trên thé giới đã được du nhập vào VHNT cách mạng VN. Như vậy là chúng ta bị chậm rất nhiều so với thế giới.

– Nổi bật lên là khuynh hướng Nude – Tình dục. Từ không chấp nhận tranh, ảnh, tượng bán Nude đến sự bung ra tràn lan Nude Body để được chiêm ngưỡng những đường cong tuyệt đẹp của con người. Từ o bế Thơ tình đã mở ra cả trào lưu Thơ tình dục, văn học đậm yêu tố Sex. Theo tôi, tình dục là một yếu tố không thể thiếu trong đời sống hoạt đông của con người, thâm chí nó chiếm một tỷ lệ lớn, và VHNT không thể thoát khỏi đời sống con người, xã hội. Tây Du ký hấp dẫn qua nhiều thế kỷ là nhờ có nhân vật Trư Bát Giới ham gái; nếu tiểu thuyết này mà bỏ đi nhân vật ham gái này thì chắc không tồn tại đến hôm nay. Trong yếu tố của chủ nghĩa Hiện đại, người ta rất coi trọng yếu tố tình dục. Vì vậy, không nên quá thiên khiến với yêu tố tình dục trong sáng tạo VHNT mới.

– Khuynh hướng ngôn ngữ nghệ thuật Hiện đại xuất hiện ở nhiều ngành nghệ thuật là điều đáng mừng. Từ việc xem những điệu múa dân gian, dân tộc, hoặc truyền thống cách tân đơn điệu, ta thấy múa hiện đại gần đây đã làm thay đổi nhịp điệu sống và lối thưởng thức nghệ thuật mới. Từ chuyên môn ở ta gọi là Múa Đương đại. Ngôn ngữ này cũng xuất hiện ở nhiều ngành nghệ thuật khác. Văn học, âm nhạc cũng đã thay đổi. Trong sáng tạo VHNT thì việc sáng tạo ngôn ngữ VHNT mới là vô cùng quan trọng, nó ghi lại dấu ấn thời đại.

– Cũng xuất hiện cả khuynh hướng thay thế sáng tạo văn học bằng những yếu tố phi văn học. Nhưng những thái độ lệch lạc này đã không tồn tại lâu dài được. Nó tự chết.

Và còn nhiều khuynh hướng khác nữa, đã làm cho đời sống VHNT Việt Nam ngày càng phong phú và đa dạng hơn.

2. Tự do và Dân chủ trong sáng tạo:

– Trong sáng tạo và tiếp nhận VHNT nếu thiếu Tự do Dân chủ, thì như là thiếu không khí để thở. 20 năm trước tôi sang thăm hội nhà văn Trung Quốc, thấy họ chấp nhận rất nhiều khuynh hướng VHNT, tự do đua nở. Họ cho in cả những loại sách chỉ để cho đối tượng hàng xén ở chợ hay bình dân đọc. Có loại họ cho in đến cả chục triệu bản, nhưng họ cũng nói rằng, đó là “văn học giấy vệ sinh”. Và họ chấp nhận: “Mở cửa thì gió mát tràn vào, kể cả ruồi nhặng cũng vào”, nhưng không sao. Đấy cũng là phát triển Tự do, tự nhiên. Và tôi nghĩ, VHNT hiện này không những cần Tự do Dân chủ để sáng tạo, mà còn cần Tự do, Dân chủ giữa các khuynh hướng, trường phái với nhau, giữa các phe phái với nhau trên cơ sở toàn cầu hóa.

– Ở ta, xu hướng chấp nhận Phản biện là xu hướng tốt. Nhưng tôi nghĩ, chúng ta cần nghĩ tới chấp nhận cả Đối lập. Hàng trăm nước đã chấp nhận đối lập mà cụ thể là đảng đối lập trong hệ thống thể chế chính trị họ, vấn đề là họ cùng yêu nước, cùng xây dựng đất nước. Trong VHNT nước ta thời chiến tranh chống Mỹ nhằm thống nhất đất nước, VHNT hai miền hai chế độ chính trị phát triển theo 2 ý thức hệ khác nhau như một cặp phạm trù đối lập. Hà Nội gọi VNCH là địch, là ngụy, Sài Gòn gọi VNDCCH là cộng sản, là việt cộng, nhưng các nhà văn cả 2 miền đều sáng tác ra những tác phẩm văn học của họ. Họ được dân đọc, được nhà nước đề cao, và họ trở thành những nhà văn nổi tiếng. Cặp từ “Địch – Ta” được dùng cho nhau. Đến nay đất nước đã thống nhất, nhưng sự hòa hợp giữa các nhà văn vẫn còn rất nan giải. Hội Nhà Văn vừa rồi có chủ trương tốt là muốn “đoàn kết các nhà văn” hai phe ngày xưa lại với nhau, mời các nhà văn hải ngoại (tôi nghĩ anh Hữu Thỉnh rất muốn mời các nhà văn ngày xưa là đối phương, là “địch” cùng về). Một mong muốn rất tốt như thế mà vẫn chưa thành. Vì vậy tôi nghĩ, chúng ta không chỉ Dân chủ với nhau, mà cũng cần Dân chủ với cả “địch” nữa. (có người nhắc tôi nên gọi “đối phương” cho dễ nghe). Vâng, có lẽ thế. Gần đây tôi có ghé thăm anh Nguyễn Khoa Điềm, anh có nói một ý rất hay: Các tác phẩm thời Trịnh – Nguyễn, hai bên cũng coi nhau là địch, nhưng giờ đều đã được xuất bản cả rồi. Ở ta, nhiều tác phẩm của Sài Gòn cũ cũng đã được in lại. Nhiều nhà văn “đối phương” cũng đã về nước. Nhà xuất bản Hội Nhà Văn thử lựa chọn khoảng vài chục tác phẩm xuất sắc nhất của họ thời đó in ra để người đọc hiện nay hiểu họ, thì sẽ dân chủ hơn. Tôi nghĩ, dù là một ủy viên BCT đã nghỉ hưu, nhưng tôi tin anh Điềm vẫn còn nhiều trăn trở tâm đắc với VHNT nước nhà.

Tóm lại, tôi vẫn tha thiết về sự đổi mới hiện nay hơn bao giờ hết là, rất cần trân trọng phản biện và trân trọng cả đối lập nữa; rất cần Tự do và Dân chủ, kể cả dân chủ với “địch”. Tôi xin nhắc lại điều đó một lần nữa.

N.T.T

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder