Rừng xưa xanh lá: Tùy bút của Bùi Ngọc Tấn (Chương IV: Lê Bầu – Người hiểu giá trị của thời gian)

Càng già càng ngại đi xa. Lên Hà Nội thôi cũng ngại. Vì bè bạn ở Hà Nội toàn nghèo. Nhà cửa chật chội. Rất ít tiện nghi. Tuổi già lại sinh lắm thói quen xấu. Như cái gối không đúng độ cao quen thuộc là khó ngủ rồi. Như hay dậy sớm. Như hay tiểu đêm. (Nói bóng bẩy theo kiểu Nguyễn Tuân là yếu cái chân thận.) Như hơi bị lạnh là hắt hơi. Dù không gây nguy hiểm như cái hắt hơi trong Cái chết của viên công chức của Tsê-khôp nhưng cũng là phiền. Còn vợ bạn. Con bạn… Cho nên có việc lên Hà Nội tôi hay ở nhà Lê Bầu. Anh sống độc thân. Lại trung tâm thành phố: Số 105 Phùng Hưng. Ðó là một di tích lịch sử đã được xếp hạng. Ở mảng tường sát cửa ra vào có gắn một tấm biển đá khắc chữ vàng: Nơi đây là trụ sở Báo Tin Tức cơ quan của Ðảng trong thời kỳ mặt trận Bình Dân năm 1936-1939. Một căn nhà hai tầng mặt tiền, mỗi tầng chỉ có một buồng, do Sở Văn hoá Hà nội quản lý. Buồng tầng trệt ngăn đôi. Buồng trên gác không ngăn. Bên trên bốn cán bộ ở. Bốn chiếc giường cá nhân đặt bốn góc theo kiểu nhà tập thể. Cả bốn người đã hưu, đã về quê, khoá cửa để đấy, mỗi tháng chỉ ra một lần họp chi bộ và giải quyết gạo dầu thịt mắm theo cách nói của Lê Bầu, nghĩa là mua các thứ định lượng trong phiếu theo giá cung cấp. (Từ khi xoá bỏ tem phiếu, bốn ông không ra Thủ đô nữa, căn buồng ấy các ông cho thuê lại.) Buồng trệt chỉ có hai người ở trong hai nửa đã ngăn đôi, tiêu chuẩn dành cho những người sáng tác. Một là Lê Bầu. Một là ông Lúa tháng năm kén tằm vàng óng Huyền Tâm. Lớp cót ngăn ngày càng cũ, càng xộc xệch, bên này thở mạnh bên kia cũng nghe thấy. Căn buồng vốn hẹp ngăn ra lại quá hẹp. Nó như một cái ống, mỗi bên chỉ có một cửa sổ và một nửa cửa ra vào. Ðể có thể đi lọt nửa cái cửa ra vào ấy, người ta đã phải chữa lại, làm lại cái sống giữa hai cánh cửa cho nó hơi thụt vào bên trong. Làm như vậy khi hai cánh cửa hai buồng (thực ra là hai nửa buồng) cùng đóng thì tạo ra một góc tù chứ không thành một mặt phẳng. Mỗi cánh cửa của một hộ độc thân nhờ đó rộng ra được một ít xăng ti mét tính theo hệ đo lường Pháp hay mấy inh sơ tính theo hệ đo lường Ăng lê.

Buồng hẹp như vậy nên khi còn đi làm (Lê Bầu là biên tập viên nhà xuất bản Hà Nội), được cơ quan thưởng một cái quạt cần Trung Quốc, anh không có cách nào sử dụng được nó. Quạt cao, cánh rộng, để trong nhà thì nó quạt gió ra vỉa hè, chỉ những người đi trên vỉa hè qua cửa nhà anh mới mát, nên anh làm ngược lại: Ðem nó ra vỉa hè, đặt nó ở chỗ bậc lên xuống giữa nhà ông Huyền Tâm với nhà anh. Nó cứ đứng ở vỉa hè, lênh khênh, ngạo nghễ như của một gia đình thừa mứa của cải mà quạt, mà lùa gió qua cái cánh cửa van vát chênh chếch đã được cải tiến vào nhà. Nhà Lê Bầu chỉ có thể tiếp được một người khách là đã hơi chần chật. Thế nhưng khách đến nhà anh đâu chỉ một người. Khi một, khi hai, khi ba, khi bốn. Những bậc lão thành như Ngọc Giao, Thanh Châu, những lớp cùng tuổi như Mạc Lân, Hứa Văn Ðịnh, như tôi. Lại những thế hệ sau như Hoà Vang hay như những ai mà tôi không biết. Tôi nhớ một tối đi cùng Bùi Viên, đạo diễn truyền hình đến nhà anh thì đã thấy nhạc sĩ Nguyễn Ðình Phúc ngồi đấy. Hai người ngồi bàn về nhạc cho phim Số Ðỏ mà Hứa Văn Ðịnh sắp chuyển thể lên màn ảnh nhỏ. Nguyễn Ðình Phúc nói phải đưa những nét nhạc gợi một thời như Trong com lê thì đặc ông Hoàng. Mó đến túi thì túi không xu. Tôi lễ phép chào nhạc sĩ bằng thầy. Nguyễn Ðình Phúc trố mắt không hiểu. Lê Bầu bảo:

– Nó cũng học Hàn Thuyên đấy.

Tôi nói rõ hơn:

– Thầy có về trường Hàn Thuyên kéo vi-ô-lông cho chúng em nghe bài Phiên chợ Ba Tư. Và thầy dạy chúng em làm nhạc không son-phe. Thầy có hát cho chúng em nghe một bài hát của một anh bộ đội sáng tác vo, không son-phe mà thầy bảo là rất hay. Thầy còn nhớ không?

Thầy Phúc không nhớ. Dù thầy bảo là rất hay nhưng thầy không nhớ. Tôi hát. Hát một mình. Ðược vài câu Lê Bầu đã nhớ ra, hát theo.

Trên cao một ánh nắng vàng soi xuống

Dưới một đoàn lính xiết tay bóp cò

Ðến cuối bài thì chính thầy Nguyễn Ðình Phúc bật lên hát theo thành một tam ca:

Ngắm điểm đen chụm ba viên một

Anh bóp cò nín thở đồng chinh không rơi

Hoan hô! Hoan hô!

Anh hùng xạ kích nêu gương

Nay mai ra chốn chiến trường

Ðạn anh tìm tới quân thù

Quân thù tung xác lên…

Bị lây cái kích thích của hồi ức về một thời đã qua gian khổ nhưng tràn ngập niềm vui, Bùi Viên yêu cầu rượu. Rượu thì lúc nào Lê Bầu cũng có. Rượu quê. Anh không biết uống nhưng (hay chính vì vậy) trong nhà lúc nào cũng có rượu. Dành cho những giờ phút thăng hoa như thế này. Chúng tôi uống và đồng ca tiếp bài hát Nguyễn Ðình Phúc tiến cử làm nhạc nền cho phim Số Ðỏ:

Ði đăng xinh thì đi che tàn

Ði xuống xóm thì xách va li…

Bỗng một vị khách nữa ghé vào. Trời! Tôi vốn có một thói xấu là giữa lúc mình đang vui với những người mình hiểu mình quen mà lại có một thành phần lạ nào xuất hiện thì rất chi là ngán ngẩm. Nhưng Bầu reo:

– A! Vào đây! Vào đây!

Tôi đã quên tên người khách mới đến này. Chỉ nhớ anh ta ở mãi đâu khu Cao Xà Lá, mới đi Hoà Bình về. Anh kể biết bao nhiêu chuyện về nông trường chè trên ấy, về cái sự khoán, về nhiều chị em công nhân nông trường nay là chủ vài đồi chè khoán, nhỡ thì quá lứa cứ muốn giữ anh lại trong vương quốc của họ để biến anh thành ông hoàng vương quốc. Ông hoàng ấy suốt ngày cơm rượu và chỉ có mỗi nhiệm vụ giúp họ sản xuất ra một đàn con. Nhưng anh không dám ở lại. Anh sợ vợ. Với lại anh cũng không có lực. Bởi vì nếu ở lại thì không thể chỉ là ông hoàng của một vương quốc. Còn nhiều vương quốc lắm. Câu chuyện bắt đầu chan hoà, lại một ông khách nữa đến. Cảnh khách như thế này không phải hiếm nên nhiều lúc tôi tự hỏi không biết Bầu viết vào lúc nào?

Bầu có một sức khoẻ phi thường để ngồi tiếp khách. Người ta đến Bầu vì lòng quý mến, vì đấy là nơi có thể thổ lộ những ý nghĩ nghiêm túc nhất về thời cuộc, về nghề nghiệp, hay ngược lại là một chỗ tạt vào uống chén trà, nghỉ ngơi tí chút rồi lại lang thang đường phố Hà Nội. Có thể nhiều người đến Lê Bầu vì đang nhức đầu nhức óc do một chuyện gì đấy, và cũng như tôi, coi Lê Bầu là một thứ at-pi-rin, pa-ra-xê-ta-mon hay một loại thuốc gì tương tự. Quả thật, nghe chuyện Bầu kể, nghe tiếng Bầu cười, tự nhiên những mỏi mệt phiền muộn, thậm chí cả bực bội nữa cũng biến đi đâu hết, ít ra điều đó là có thật với tôi.

Chuyện Bầu kể phần lớn là chuyện vui, chuyện cười. Có những thông tin làm ta bực mình, những thông tin đáng buồn nào đó thì ngay sau những thông tin mà anh đang lấy hết vẻ nghiêm trọng ra mà nói, ta vẫn thấy như có nụ cười đang ẩn đằng sau làn da căng thẳng, đôi môi đang mím, cặp mắt đang nhíu lại kia. Bởi vì những điều gay go nhất đã đến với anh từ những năm nào kia rồi. Hay chí ít anh cũng đã quen với những loại chuyện ấy rồi. Anh không còn ngạc nhiên với bất cứ điều gì và cái chuyện anh đang kể ra đây chẳng có gì là lạ. Cuộc đời tất yếu nó như vậy. Ví như anh kể về nhà thơ T.H., một nhà thơ cũng được nhiều người biết đến:

– Ðể tôi kể cho ông nghe. Ông xem có thằng nào như thằng T.H. không. Ðầu năm 1968 thời gian ông đang rất gay go, còn tôi ở Hội Văn nghệ Hà Nội cũng đang điêu đứng vì bị nghi vấn có dính líu đến một vụ gián điệp, bị gọi hỏi nhiều lần, không được viết, không được in. Chỉ làm thủ quỹ, hàng tuần xách bị đi căng-tin mua bánh kẹo cho anh em. Trong cơ quan có hai ông nằm điều dưỡng ở Quảng Bá là ông T.H. và ông Huỳnh Tâm. Ông Huỳnh Tâm là tổ trưởng sáng tác bị dãn phế quản, không bao giờ ra khỏi cổng trạm điều dưỡng vì quá lo cho sức khoẻ. Thế mà hôm ấy dù mắc thêm bệnh viêm kết mạc, đau mắt nặng vẫn lù lù từ Quảng Bá về đền Ngọc Sơn, nói với tôi: “Bố cậu T.H. bị ô-tô kẹp chết ở Hải Phòng. Ông là thủ quỹ. Ngày mai mang tiền thay mặt anh em xuống viếng.” Sau đó chánh văn phòng Hội Văn nghệ cũng chính thức giao nhiệm vụ cho tôi về Hải Phòng. (Nhân vật này đã đưa một bài thơ của tôi sang công an, tôi sẽ nói với ông sau.) Cơ quan từ chính quyền tới Ðảng, công đoàn đều rỗi việc. T.H. lại là người rất gần có thể nói là xoắn xuýt với lãnh đạo. Thế mà không ai đi. Lại cử tôi. Tôi hiểu ngay. Ðiệu hổ li sơn đây. Người ta cần tôi đi. Ðể khám buồng tôi ở. Làm gì có chuyện bố thằng T.H. chết. Nếu chết thật thì đã chẳng đến lượt tôi đi viếng. Sáu giờ chiều thằng T.H. lại dẫn xác đến đền Ngọc Sơn. Nó bảo nó đến ngủ với tôi để sáng mai cùng đi một thể. Chà chà! Không cho mình xoay xở cái gì mặc dù chẳng có gì cần đối phó xoay xở. Sáng hôm sau chúng tôi lên tầu về Hải Phòng. Rồi đi bộ về nhà thằng T.H. Ðến cửa nhà nó thấy bố nó đang ngồi tiện gỗ ở sân. Tôi bảo nó: “Bố mày không chết đâu T.H. ạ. Thôi tao đi đây.” Mặt nó tái đi. Ông đừng nghĩ nó tái mặt vì bố nó vẫn sống, nó ngượng với mình. Không đâu. Nó tái mặt vì mình về Hà Nội ngay trong khi chưa khám xong nhà mình thì thành ra nó chưa hoàn thành nhiệm vụ. Mình bảo: “Bình tĩnh. Mai tao mới về Hà Nội. Tao còn ở chơi Hải Phòng đã. Cứ yên tâm.” Thế rồi tôi đến nhà ông.

Anh cười dòn tan. Cuộc gặp gỡ với Lê Bầu đầu năm 1968 ấy tôi không nhớ được. Chỉ biết rằng đó là thời gian thật gay go của chúng tôi. Tôi cũng không được làm báo nữa. Mà là cán bộ cải tiến quản lý hợp tác xã. Một bước đi cũng bị theo dõi. Nghỉ ở nhà tôi một ngày đêm, sáng hôm sau Bầu về Hà Nội. Bước vào căn buồng của anh trong đền Ngọc Sơn, Bầu biết ngay là nó đã bị khám.

– Ông biết không. Khi thằng T.H. chưa đến ngủ, tôi đã kịp đóng một cái đinh nhỏ một phân ở bên trên bậu cửa phía trên cửa ra vào, treo một cái rá vào đấy. Cái rá hơi chờm xuống một cánh cửa. Trên cái đinh ấy tôi đóng một cái đinh năm phân to. Khi tôi về nhà thấy cái rá không treo ở chiếc đinh nhỏ nữa mà treo ở cái đinh năm phân. Nghĩa là đã có người đẩy cửa vào nhà, làm rơi cái rá và lại treo lên. Vì cái đinh nhỏ rất khó nhìn thấy nên ai chả treo cái rá lên cái đinh to phía trên.

Anh cười, rất khoái về chi tiết có vẻ Sê-lốc Hôm ấy. Và anh đã cao tay hơn người khác.

– Còn cái này nữa. Tất cả sách mình xếp đều quay gáy vào trong. Vì gáy sách toàn dán hồ, sợ dán cắn. Với lại sợ mất cắp. Thế mà khi từ nhà ông về, các gáy sách đều quay ra ngoài! Thì ai xếp sách lên giá mà chả quay gáy ra ngoài!

Anh lại cười dòn tan. Và nhẩy sang một chuyện khác cũng mệt mỏi không kém, nhưng vẫn cứ là với một giọng rất vui:

– Về sau mình không được làm thủ quỹ nữa mà được giao nhiệm vụ đi Chèm sưu tầm văn học dân gian. Hàng ngày đi đi về về hai mươi ki-lô-mét. Thực chất là một sự đầy ải. Nhưng ngày nào cũng đạp xe hai mươi ki-lô-mét, mình khoẻ ra. Sức khoẻ mình bây giờ tốt có lẽ cũng một phần là nhờ những ngày tập luyện ấy. Ngày nào cũng đi qua cầu Thăng Long đang xây dựng, mình mới xin cơ quan cái giấy giới thiệu để tham quan công trường. Xin rồi, được rồi, đút túi, định sáng hôm sau đi. Nhưng ngay buổi chiều hôm ấy cơ quan cho người đến thu giấy lại. Mình nhờ ông cán bộ thu giấy nói với cơ quan là sáng mai và cả chiều mai mình sẽ lên công trường cầu Thăng Long. Mình sẽ báo cáo thu hoạch với cơ quan sau. Sáng hôm sau tôi đến công trường gặp Giáp cận. Ông có nhớ Giáp cận không nhỉ. Nó học lớp tôi và làm trưởng phòng lao động tiền lương công ty cầu. Nó đưa đi. Buổi chiều thì cán bộ phiên dịch Thanh Vân cùng học lớp phiên dịch với tôi đưa đi. Tham quan xong mình cũng đến cơ quan báo cáo thu hoạch như đã hứa.

Lại cười. Sảng khoái cười. Cười cho cái sự mình cứ nhơn nhơn ra mà sống, nhơn nhơn ra mà yêu mà ghét, mà xót xa, nhơn nhơn ra mà làm việc. Ngay chuyện cái tên của anh thôi. Dạo ấy anh đã ký Lê Bầu trên các báo, kể cả cái tin mấy chục dòng trên báo Nhân Dân viết về gương cứu nạn sập hầm máy bay Mỹ. Nhưng bài của anh in trên những ấn phẩm của nhà xuất bản Hà Nội, nghĩa là ngay cơ quan anh, cái tên Lê Bầu bao giờ cũng bị giám đốc xoá đi, và viết vào đó một cái bút danh khác của anh, bút danh anh dùng trong thời gian khó khăn nhất: Phan Hà. Giai đoạn thay tên đổi họ đã qua rồi. Sao vẫn…? Anh nghĩ vậy và hỏi thẳng giám đốc. Giám đốc đầy thân ái và thông cảm: “Bọn mình có muốn làm thế này làm gì đâu. Ðây là chỉ thị của Thành uỷ.” Anh im lặng. Và hỏi phó giám đốc vào một lúc khác. Vốn thẳng thắn hồn nhiên, phó giám đốc bảo: “Làm chó gì có chuyện ấy.” Bầu bảo phó giám đốc: “Anh cho phép tôi đưa chuyện này ra cơ quan có được không? Anh cũng biết rằng đây là chuyện rất hệ trọng đối với tôi. Nhưng nếu anh thấy không nên đưa thì tôi sẵn sàng thôi, không có ý kiến gì.” Vẫn hồn nhiên thẳng thắn như bản chất của mình, ông phó giám đốc trả lời: “Ðưa thì đưa. Sợ chó gì.”

– Thế là họp cơ quan tôi trình bầy lại sự việc và nói: “Như vậy trong hai ông giám đốc và phó giám đốc cơ quan ta có một thằng nói dối. Hớ. Hớ hớ.

Lại tiếng cười của Lê Bầu. Tiếng cười sảng khoái ngay khi đang vận hạn. Càng sảng khoái khi vận hạn nguy hiểm đã qua.

° ° °

Trong một lần đi dạo trên đường phố Hà Nội, Vũ Bão nói với tôi về Lê Bầu:

– Khốn nạn. Ðã rách. Ðã phải vào ban chấm thi để kiếm cơm. Cuộc thi đã phát động. Các nơi gửi truyện về. Ban giám khảo đã đọc, đã chấm xong. Chọn được giải rồi. Nhưng kế hoạch xin tài trợ bị vỡ, không đạt như dự kiến ban đầu. Tiền thưởng rút xuống một nửa. Tiền bồi dưỡng ban sơ khảo, ban chung khảo có nguy cơ không có. Mình bảo: Ban giám khảo ai không có cũng được. Chứ đừng để Lê Bầu không có. Cái đầu máy hơi nước này cổ lỗ từ hồi đầu thế kỷ nhưng phải kéo 11 toa. Không có cho nó là gay lắm.

Những trường hợp như Vũ Bão nói không phải là cá biệt. Tiền thù lao thường xuyên bị đe doạ. Có. Nhưng ít. Và muộn. Cuộc thi truyện ngắn của báo Người Hà Nội (mà Bão Vũ được giải nhất với truyện Trầu têm cánh phượng) thù lao cao nhất: Mỗi thành viên ban giám khảo được một triệu rưỡi. Nhưng nửa năm sau mới có. Cuộc thi của báo Người cao tuổi tưởng không có thù lao. Sau được một triệu một người. Cũng là phải chờ đợi tháng này sang tháng khác.

Bầu làm mọi việc để nuôi sống gia đình. Tôi đã thử một con tính, thấy Vũ Bão cộng nhầm. Danh sách những người Bầu phải nuôi hoàn toàn hoặc phải chi viện thường xuyên (mẹ, vợ, con dâu, con gái, cháu nội, cháu ngoại) lên tới 12 người.

Anh ra sức kiếm tiền và chi tiêu thật tiết kiệm đến nỗi về cuối đời có người bảo anh: Hãy tập tiêu tiền cho mình đi ông Bầu ạ. Anh viết báo. Anh sáng tác. Anh vào ban sơ khảo, giám khảo các cuộc thi. Anh dịch sách, dịch báo. Ðể có tiền nuôi mẹ, giúp vợ con, nuôi cháu. Anh nấu lấy. Nấu một bữa ăn hai bữa. Thức ăn phần nhiều là một món nửa xào nửa canh. Anh dễ ăn. Anh ăn ngon miệng. Món quà trời phú cho anh. Anh tiết kiệm cả ruy-băng máy chữ, xin mực in về nhuộm lại khi nó nhạt mầu. Anh dùng giấy người ta đã dùng một mặt, bỏ đi. Có ram pơ-luya mới nào, anh nâng niu cất đi để dành. Ðôi khi cũng bị nhiều vố: Những ram giấy tốt anh cất đi ấy làm mồi cho mối. Anh chỉ hút thuốc lá rẻ tiền: Thăng Long, Thủ Ðô, những thứ thuốc oanh liệt một thời nhưng giờ đây đứng cuối bảng giá. Còn bao ba số Bão Vũ cho, đút túi để dành lại rơi đâu mất.

Anh tham gia các tổ cộng tác viên của các ngành kinh tế, đặc biệt là ngành giao thông vận tải (đường sắt, đường bộ, hàng không) cùng với các danh nhân khác: Vũ Bão, Ngô Văn Phú, Phạm Ngọc Cảnh… Ðể có thể đi mà không phải mua vé, không phải mất tiền. Ðể có thể đến được nhiều nơi trên đất nước.

Nhận lời mời của xí nghiệp Ðầu máy xe lửa Vinh, anh đã vào đó viết bài. Chỉ một mình anh. Anh không ngại xa. Anh sẵn sàng thu xếp mọi công việc đi đến nơi mời. Ðang là mùa đông, mưa dầm gió bấc anh cũng chấp.

Tới nơi, anh viết và gửi đăng báo Ðường Sắt một bài ký về những tác giả một đề tài khoa học đã được giải thưởng. Ông Sen giám đốc xí nghiệp, ông Chơi trưởng phòng kỹ thuật, anh Hiến phụ trách thi đua rất quý anh. Một thời gian sau, ông Sen lại cho anh Hiến thi đua ra Hà Nội mời Lê Bầu. Kết quả của lần đi thứ hai này là hai bài báo của anh được in. Một đăng số Tết. Một đăng số thường. Có phong bao. Có đồng nhuận bút. Việc tưởng cũng chỉ đến thế. Bỗng một hôm Lê Bầu nhận được thư của ông giám đốc Sen. Không phải thư cảm ơn về hai bài báo của Bầu. Mà là thư bầy tỏ muốn được giúp đỡ Bầu trong việc thu xếp việc làm cho thằng cháu đích tôn 16 tuổi của anh. Không hiểu sao ông Sen lại biết ngọn ngành tình cảnh nhà anh như vậy. Anh viết thư cám ơn về dự định giúp đỡ tốt đẹp của ông giám đốc.

Ngay sau đó anh thi đua Hiến có mặt ở Phùng Hưng, nơi Lê Bầu ở.

– Anh Sen cho em ra gặp anh để nói với anh: Từ nay đến sau Tết, bất kỳ lúc nào anh đưa cháu vào cũng có việc làm ngay. Anh Sen cũng nói: Tổng cục chỉ thị giảm 15 phần trăm biên chế, nhưng anh Sen sẽ làm việc với Tổng cục về trường hợp cháu. Giấy tờ anh Sen lo hết. Anh đừng ngại. Cứ đưa cháu vào.

Ðến lúc ấy anh mới biết ông giám đốc Sen có nhận được một bức thư của ai đó (anh không thể nào biết ai là tác giả nhưng chắc chắn đó là một người bạn tốt) nói đại ý: Anh Lê Bầu không muốn nhờ ai cái gì, nhưng gia đình rất khó khăn. Hiện có một thằng cháu đích tôn chưa có việc làm…

Bầu về Bắc Giang. Nói chuyện với con dâu (con giai anh đã mất). Hỏi thằng đích tôn năm ấy 16 tuổi. Nhấn mạnh về tương lai tiền đồ, công ăn việc làm của cháu. Trách nhiệm của cháu với mẹ với các em. Phân tích khó khăn. Rồi thuận lợi. Hỏi đích tôn mấy lần, đích tôn đều đồng ý.

Thế là hai ông cháu vào Vinh. Tầu đêm. Giường nằm đàng hoàng. Dù tốn kém. Vì đây là chuyến đi lịch sử: Ông đưa cháu đi lập nghiệp, xây dựng tương lai.

Tới Vinh là năm giờ sáng. Hai người vào nhà khách nguyên là nhà chuyên gia Bỉ ở, rất sang trọng. Giám đốc Sen nói với hai ông cháu:

– Anh đừng lo lắng gì thủ tục giấy tờ. Tôi bao hết. Công việc của cháu thì thế này: Mấy tháng đầu làm lao động phổ thông cái đã. Không phải một lúc mà bố trí việc này việc kia ngay được. Ba tháng sau chuyển cháu làm bảo vệ. Nhàn thôi. Nhưng cháu phải đi học bổ túc, kiếm lấy cái bằng phổ thông. Bác sẽ cho cháu đi học lái tầu. Ðồng ý như vậy thì để ông cháu về. Cháu ở đây.

Hôm sau Hiến và trưởng phòng hành chính gặp Bầu, khuyên anh nên gặp Long, trưởng phòng tổ chức. Lời khuyên có lý. Anh tìm Long. Không gặp Long mà lại gặp giám đốc. Giám đốc bảo:

– Anh về phòng tôi. Ðể tôi bảo Long đến gặp anh.

Ba người ngồi. Bầu trình bầy vấn đề và đề nghị trưởng phòng tổ chức giúp đỡ. Long bảo anh:

– Xí nghiệp em chưa nhận ai không biết một nghề gì. Anh đưa cháu về học bất cứ nghề nào cũng được. Học xong em nhận ngay.

Ðang ngồi ngả người trên ghế, Sen chồm nhoai lên bàn:

– Long ạ. Việc này là mình xin anh Bầu chứ không phải anh Bầu xin mình đâu.

Và ra lệnh cho trưởng phòng tổ chức: Sáng nay làm xong giấy tờ. Chiều cho cháu học nội quy an toàn lao động. Sáng mai bố trí công việc.

Bầu đi theo Long nhận những tờ khai. Long bảo:

– Trường hợp của anh là trường hợp thứ ba. Hai trường hợp trước là con hai ông thư ký công đoàn và giám đốc đã về hưu.

Sáng hôm sau xong giấy tờ, động viên dặn dò cháu đâu đấy, Bầu về Hà Nôi bằng vé của xí nghiệp. Anh rất cảm động về lòng tốt tuyệt vời của những người bạn thành Vinh. Và mừng vì đã gửi được cháu vào những nơi tin cậy. Nghĩ và tin rằng nó sẽ được học tập, rèn luyện và trưởng thành.

Ðêm hôm sau đang ngủ, có tiếng gõ cửa. Anh ra mở cửa: Ông cháu đích tôn! Ông cháu đích tôn đứng lù lù giữa cửa!

– Cháu về. Cháu không làm ở đấy nữa.

Và dù đang mùa rét cũng nêu một lý do hoàn toàn xác đáng:

– Cháu sợ gió Lào!

° ° °

12 toa tầu chia thành nhiều cấp độ khác nhau: Nuôi hẳn, chi viện thường xuyên, chi viện theo chu kỳ, chi viện đột xuất. Ðâu phải chỉ có vậy. Còn bao việc khác. Thay cái cột nhà bị mọt. Lợp lại cái mái. Bắc ống nước. Lắp công tơ điện. Rồi còn hiếu, còn hỷ, còn lúc ốm lúc đau. Khi mẹ anh bị tai biến mạch máu não còn bệnh viện, thuốc men. Lại phải cơi cho cụ cái buồng riêng…

Bầu làm việc như một con ngựa. 15 năm liền anh giữ một chuyên mục cho tuần báo Ðộc Lập, mãi tới khi báo đình bản. Ðó là khối lượng công việc của riêng một phóng viên chuyên nghiệp. Các báo Văn Nghệ, Tiền Phong, Lao Ðộng, Tuổi Trẻ, Tuổi Trẻ cười, Kiến Thức ngày nay, Hàng Không, Du Lịch, Ðường Sắt… nghĩa là gần như tất cả các báo trong Nam ngoài Bắc đều đã đăng các bài của anh viết hay dịch. Vũ Bão xếp anh nằm trong Ngũ Hổ: Năm nhà văn nhà thơ viết báo khoẻ nhất Hà Nội: Lê Bầu, Nguyễn Hà, Băng Sơn, Tạ Hữu Yên, Phong Thu. (Thực ra Vũ Bão đứng đầu Ngũ Hổ. Nhưng do khiêm tốn nên có ai nhắc, anh chỉ cười: Năm người thôi. Mình vào đó thì thành ra Lục Súc chứ đâu còn là Ngũ Hổ nữa.)

Trong cái nghiệp dịch của Lê Bầu, cùng với những sáng tác văn học có giá trị của Kim Dung, Giả Bình Ao…, anh đã dịch hai tác phẩm đã được dựng thành phim nhiều tập và được công chúng Việt Nam rất yêu thích: Ô-sin và Tể Tướng Lưu gù.

Ô-sin dịch theo đặt hàng của nhà xuất bản Hà Nội. Khi đó phim Ô-sin đã được chiếu cả tháng trời trên màn ảnh nhỏ. Nhà xuất bản yêu cầu phải có sách bán trước khi phim kết thúc. Và càng có sách sớm càng tốt. Anh dịch theo bản tiếng Trung Quốc nghĩa là những tên Nhật đã được Trung Quốc hoá. Không thể dịch những tên ấy theo âm Hán -Việt. Nếu vậy Ô-sin sẽ thành A Tín như Huy-gô sẽ thành Vũ Quả, Xi-mô-nôp sẽ thành Tây môn nhược phu, Phi-đen Cat-xtơ-rô sẽ thành Phi đắc nhĩ kha tư đặc lạc vậy. May. Anh có nội công. Chị Hương Liên phát thanh viên đài truyền hình Việt Nam đã phô-tô một bảng tên nhân vật giúp anh.

Theo quy định, cứ vài ngày nhà xuất bản lại cho người đến lấy những trang mới dịch đi làm vi tính. Chỉ ít ngày sau khi anh dịch xong, Ô-sin đã được bầy bán trong các hiệu sách. Hàng ngàn quyển hết veo. Vì phim Ô-sin vẫn còn đang chiếu tiếp. Vì Vũ Bão, một người sợ biến thành Lục Súc nên nhất định không chịu đứng trong Ngũ Hổ đã viết một bài rất ăn khách trên báo Tiền Phong và Thế Giới Mới với cái tít giật gân: Ô-sin đã dọn về phố Phùng Hưng để quảng cáo cho công việc của Bầu, quảng cáo cho tập sách và cũng là để kiếm tiền sao cho xứng với một người… đứng ngoài Ngũ Hổ.

° ° °

Mỗi khi đến 105 Phùng Hưng lấy những trang Ô-sin mới dịch, anh cán bộ nhà xuất bản Hà Nội không thể vào nhà mà chỉ đứng dưới lòng đường gọi để Lê Bầu mang bản dịch ra. Bởi vì trước cửa nhà Lê Bầu là quầy bán vải. Ðó là thời gian chợ Ðồng Xuân bị cháy lần thứ hai. Lê Bầu ngồi dịch sách giữa những cây vải chất đống bên cạnh, chất đống sau lưng. Cô hàng vải nhìn chủ nhà làm việc không còn chỗ cựa quậy, đi mua bánh cuốn, bún hoặc bánh mì về cho bố ăn sáng.

Hai lần cháy chợ Ðồng Xuân, hai lần nhà Lê Bầu thành kho vải, thành sạp vải, hai lần Lê Bầu gặt hái.

Lần cháy chợ đầu tiên tôi đến nhà Lê Bầu, rất bực bội vì phải chen lách từ mãi đầu Cửa Nam lại, khi dưới lòng đường, khi trên vỉa hè. Ðến nơi thì không có chỗ để xe, không có chỗ len chân vào nhà. Tôi cằn nhằn:

– Ðến nhà ông khổ quá. Bao giờ cho hết cảnh này.

Bầu giẫy nẩy:

– Ấy chết ông ơi. Tôi mong cảnh này kéo dài vĩnh viễn. Chợ không họp ở đây nữa là tôi đói đấy.

Anh giảng cho tôi cái gốc cây sữa trước cửa nhà anh giồng ở vỉa hè, sát lòng đường cũng là tiền đấy. Hai mét chiều ngang mặt tiền của anh bỗng nhiên có giá. Cháy chợ Ðồng Xuân, hàng vải dọn về Phùng Hưng. Mỗi tháng cụ cứ ngồi viết, đọc sách hay đạp xe đi đâu đó cũng đút túi ba trăm ngàn đồng, nghĩa là một chỉ vàng (vàng lên ba trăm rưởi, các con giả lên ba trăm rưởi, không để cụ thiệt). Một chỉ vàng ngày ấy có giá trị lớn lắm, không như một chỉ vàng bây giờ. Vàng còn đang là mặt hàng được săn lùng, ít có trong tủ các gia đình.

Có tiền là Bầu mua vàng. Tiền cho thuê buồng làm kho. Tiền bán vỉa hè trước mặt. Tiền thưởng ba lợi ích và tiền lao động ở cơ quan. Bầu gọi việc mua vàng là chống lạm phát. Phải chống lạm phát vì còn phải dự trữ phòng khi ốm khi đau đột xuất. Phải chống lạm phát vì anh chưa về nhà ở Bắc Giang ngay được. Phải chống lạm phát vì lạm phát đang phi mã. Trong đợt chống lạm phát dài ngày này, anh mua được bao nhiêu vàng không ai biết nhưng chắc chắn có chiếc xe đạp nội hóa Viha, do đó chiếc xe đạp Thanh Niên số khung 00012A, biển đăng ký BN 928 mua đầu năm 1959 được nghỉ hưu sau khi đã phục vụ anh một thời gian non nửa thế kỷ.

Hơn một năm sau chợ Ðồng Xuân mới đã xây xong.

Chợ vải lòng đường Phùng Hưng giải tán.

Bạn bè tới tấp chia buồn với Lê Bầu.

Thì chợ Ðồng Xuân lại cháy. To hơn trước. Trụi hơn trước.

Nghe tin chợ Ðồng Xuân cháy ai cũng nghĩ tới Lê Bầu. Anh sẽ lại có nguồn phụ thu nhưng là chính thu quan trọng. Người ta còn nói: Khéo chính Lê Bầu đốt chợ. Không ai bảo ai, bạn bè trong Nam ngoài Bắc đều gọi anh là “kẻ đốt chợ Ðồng Xuân” mặc dù cuộc điều tra cho biết cháy chợ là do chập điện.

Lần cháy chợ sau, Bầu thắng lớn hơn nhiều.

Một cái vỉa hè nhưng chia làm hai dẫy. Một dẫy sát mép cống ngồi quay mặt vào. Một dẫy ngồi sát tường quay mặt ra. Giữa là lối đi. Ðúng là tấc đất tấc vàng. Bầu cười. Ôi! Nụ cười của anh mới hãnh diện làm sao!

– Ông ạ. Khi chợ vải sắp chuyển về, bọn đầu gấu ngõ Hàng Hương căng giây chiếm dẫy phía ngoài. Mấy cậu thanh niên nhà bên bảo tôi: Chú phải bảo thằng Ð đi. Chứ không nó chiếm mất của chú. Tôi mới gặp nó. Cháu ơi. Chỗ gốc cây sữa để lại cho chú. Chú có lời với cháu như vậy. Rồi sau cháu tính thế nào thì tính. Nó rất lễ phép: Vâng. Chú yên tâm. Cháu biết chỗ ấy rồi. Chỗ ấy là của chú. Bảo là nó nghe ngay. Hình như nó sợ nghề viết văn của mình hay sao ấy!

Lại cười. Hớ hớ.

Tháng đầu tiên trong đợt cháy chợ lần thứ hai Lê Bầu đút túi hai triệu (dạo ấy to lắm, bây giờ cũng vẫn to). Giáp tường là một triệu ba. Giá gốc cây là bẩy trăm nghìn. Thật may. Anh mới nghỉ hưu. Thu nhập đang kém.

Nhưng chỉ được một tháng đầu thôi. Tháng sau công an dẹp cái dẫy phía gốc cây quay mặt vào.

– Thôi thì con cứ gửi ông một triệu. Những tháng sau con lấn dần được ra con gửi ông thêm.

Lê Bầu bỗng nhiên có xe máy. 81 chót chét kim vàng giọt lệ. Vua chiến trường ngày ấy. Xe máy của vợ chồng người bán vải nhưng đứng tên Bầu. Hoá ra anh ta người Hà Ðông, “xin ông cái tên” để có biển đăng ký 29 đèo hàng cho dễ.

– Con muốn nhờ ông đứng tên cho con cái đăng ký kinh doanh.

Hoá ra chị ta không có đăng ký ở chợ Ðồng Xuân. Cũng là ghé vào chỗ nào trong chợ. Cháy chợ thì giạt ra Phùng Hưng.

– Ông đứng tên kinh doanh, khi chợ xây xong chúng con còn được vào chợ.

Bầu lắc đầu:

– Ðứng tên xe máy thì được. Ðứng tên đăng ký kinh doanh thì ông không đâu. Ngộ nhỡ anh chị kinh doanh có gì trục trặc hay thua lỗ, vỡ nợ, trốn thuế, ông phải ra toà à. Ông không đâu. Ông cứ nói thật.

Sự thành thật của ông có lý. Chị vợ cũng thành thật với ông:

– Con thuê của ông là vải của con không phải đánh dấu. Con thuê nhà xích lô bên kia, đánh dấu mà cũng mất bao nhiêu là vải.

Biết ông không ăn cắp vải nên anh chị buôn vải cứ có hàng nào đẹp lại mang vào tận bàn viết của Bầu:

– Ông xem. Vải này ông có ưng không? Con xé biếu ông để ông đi may.

Ông lắc đầu. Ông cứ ngồi dịch. Ông cứ ngồi viết. Sáng nào cũng phải chờ đến tám giờ, con dọn vải ra sạp xong ông mới làm việc được. Rồi đang làm việc lại ngừng vì con nhập vải. Ông dịch, ông viết và những lúc mệt quá ông lại ư ử mấy câu của Quản Trọng thời Ðông Chu liệt quốc:

Nhất niên chi kế

Mạc như thụ hoà

Thập niên chi kế

Mạc như thụ mộc

Bách niên chi kế

Mạc như thụ nhân 1

Trong căng thẳng mưu sinh, Lê Bầu vẫn hoàn thành những việc phải làm. Chỉ kể những sáng tác gần đây của anh: Tập truyện Những năm tháng trôi qua, tiểu thuyết Ngã ba cô đơn, tập truyện được giải thưởng của Hội Văn Nghệ Hà Nội Hai người buồng bên kia, rồi Gương mặt buồn, Dòng sữa trắng… Và dịch: Nỗi hoài hương dằng dặc, Thị trấn Phù Dung, Ô-sin, Giả Bình Ao, Tể tướng Lưu gù… Riêng cái ông Tể tướng gù lưng Lưu Dung này làm hàng triệu người mê thích nhưng cũng làm anh ngất xỉu và phải nằm bệnh viện khi đang đọc lại những trang cuối cùng.

° ° °

Lần đầu tiên trong đời, tôi dự một trại sáng tác tập trung. Trại sáng tác quân đội Ðồ Sơn, mùa đông năm 1999. Hơi trái khoáy về thời tiết. Nhưng chỉ về mùa đông trạm điều dưỡng quân khu Ba mới có buồng trống cho chúng tôi ở không tính tiền.

Cùng dự trại với tôi có Lê Bầu.

Chúng tôi ăn cùng nhau. Những ngày nắng ấm hiếm hoi, chúng tôi rủ nhau đi tắm biển. Biết bao nhiêu chuyện. Từ thời còn cùng nhau học Hàn Thuyên. Chuyện thầy cũ bạn cũ. Chuyện bây giờ. Mới ngày nào còn cắp sách đến trường, hôm nay đã là những ông lão cả rồi.

Khi đợt rét đầu mùa ập đến, Lê Bầu đi chợ Ðồ Sơn mua quần áo Sida.

Cái áo đầu tiên mua về giá hai mươi ngàn đồng, anh định cho tôi, nhưng bị đại tá Nam Hà mua lại ngay trong bữa cơm vì tôi đã có áo rét rồi. Lần thứ hai anh mua cái quần cũng hai mươi ngàn đồng, “người mẫu” Ðình Kính mặc thử và không rời ra nữa.

Lần thứ ba anh mua bộ com-lê, giá sáu nhăm ngàn. Phải nói bộ này rất đẹp, mặc vào ai cũng khen:

– Cứ thế này đi họp Ðại hội Nhà văn được rồi.

Bầu cười:

– Nhưng còn xem có trúng đại biểu không đã chứ.

Lê Lựu bảo:

– Thế là com-lê có rồi. Chỉ còn chờ được bầu là đi Ðại hội Nhà văn thôi.

Rôi Lê Lựu hỏi:

– Anh Bầu cao bao nhiêu nhỉ?

– Một mét sáu tư.

– Ðưa đây xem nào.

Vừa nói Lựu vừa cầm lấy bộ quần áo Bầu mới cởi ra.

Lê Lựu mặc vừa như hàng may đo. Sur mesure!

Và không ai có thể cởi được bộ com-lê Lê Lựu mới mặc vào người. Lựu rút ra tám mươi nghìn đồng đưa cho Bầu. Ðây. Giả cả lãi nhé. 65 nghìn vốn này. 3 nghìn xích lô này. 12 nghìn lãi này. Em biếu không anh cái quần cũ em vừa mặc nữa đây này…

Nói vậy thôi chứ quần cũ của Lê Lựu ai mà dám mặc. Lê Bầu lại phải đi mua quần áo chống rét (một thứ tập tiêu tiền cho chính mình). Lần này có tôi đi tháp tùng. Ðến lúc ấy tôi mới biết đi mua quần áo hàng thùng là lâm vào một tình thế rất gay. Ba cô bán hàng liền nhau. Treo ba dẫy quần áo liền nhau. Cô nào cũng trẻ đẹp. Cô nào cũng chèo kéo mời chào. Vào hàng này là có lỗi với hàng khác. Vào hàng này cứ lấm lét nhìn sang hàng khác như người ăn vụng bị bắt quả tang. Cô bán hàng đưa áo cho Bầu xem, nói toạc móng heo:

– Anh nhìn vào cái áo này này. Không phải vừa xem áo vừa nhìn sang bên ấy.

Chúng tôi mang áo về còn nghe một cô rủa sả sau lưng:

– Mua với bán. Ngữ ấy có lấy ba vợ nó cũng bỏ.

Tôi và Bầu phá lên cười.

Càng về cuối trại, càng rét. Có cái áo mới mua, Bầu yên tâm ngồi viết.

Và những ngày chủ nhật, anh chị em về hết, cả trại chỉ còn hai người. Một là trưởng trại. Một là Lê Bầu. Bởi vì như Vũ Bão nói:

– Ông Bầu thì cứ có ai nấu cơm cho ông ấy ăn là ông ấy ở. Rồi ở đâu có nhà tắm là ông ấy không rời ra được nữa.

Ðúng là ở 105 Phùng Hưng phải tắm giếng ngoài sân. Ðúng là ở 105 Phùng Hưng phải nấu lấy ăn. Nhưng cũng không hoàn toàn như vậy. Anh ở lại trại và làm việc. Ít trại viên ngồi lì (với cái máy chữ) được như anh.

Hơn ai hết, Lê Bầu hiểu giá trị của thời gian.

Ðồ Sơn 11-1999

——————————–

1 Có nghĩa là: Kế hoạch một năm/ Không gì bằng trồng lúa/ Kế hoạch mười năm/ Không gì bằng trồng cây/ Kế hoạch trăm năm/ Không gì bằng trồng người.

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder