Rừng xưa xanh lá: Tùy bút của Bùi Ngọc Tấn (Chương VIII: Một ông già sống cho đến khi chết)

Khi cái chết đến với một con người thì cũng từ đó một cuộc sống mới nẩy sinh. Ý nghĩa lớn nhất của cuộc sống vẫn còn tiếp tục sau cái chết có lẽ là sự công bằng, điều cả loài người mong ước như một khát khao hướng thiện.

Nhà thơ, nhà giáo, nhà hoạt động cách mạng Lê Ðại Thanh đang sống cuộc sống thứ hai đó trong mỗi chúng tôi, những người dân thành phố Hải Phòng, thành phố của hoa phượng, của xi-măng, của Ao Than, Quán Nải, Máy Chỉ, Máy Tơ, Ca-rông, Xac-rích ngày xưa, của Duyên Hải, tổ đá nhỏ ca A vang bóng một thời, của những khu công nghiệp tập trung trong thời đổi mới hôm nay. Và Hải Phòng của biển, của những hòi còi tàu cất lên chào bến cảng.

Hải Phòng từ lâu đã là một thành phố của giai cấp, của phong trào, của công nghệ. Nhưng Hải Phòng không chỉ có thế. Hải Phòng còn là một địa chỉ của Văn Hoá, một ngọn nguồn Văn nghệ với những người đã góp phần to lớn vào dòng chẩy của dòng sông văn nghệ Việt Nam: Thế Lữ, Khái Hưng, Lan Sơn, Lê Ðại Thanh, Nguyên Hồng, Trần Tiêu, Lê Thương, Hoàng Quý, Phạm Ngữ, Canh Thân, Ðoàn Chuẩn, Văn Cao, Nguyễn Ðình Thi, Ðỗ Nhuận…

Giữa những tên tuổi ấy, Lê Ðại Thanh là một trong những người đi trước. Và trong số ấy cũng chỉ có Lê Ðại Thanh với Nguyên Hồng là gắn bó cả đời với Hải Phòng. Cuối cùng, theo phép rút gọn chỉ còn một Lê Ðại Thanh là duy nhất đã sinh ra, lớn lên, sống và chết ở Hải Phòng theo cả nghĩa đen.

Mảnh đất mặn phù sa nước mắt Hải Phòng đón nhận ông. “Chết là trở về với tinh thể sao trời. Trả trái đất những gì vay mượn trước” như thơ ông viết.

Linh hồn ông đã trở về với trời sao. Thể xác ông từ đất lại trở về với đất. Vậy là ông đã sạch nợ nần với vũ trụ. Không những thế, ông còn trả cả lãi. Ðó là món nợ với con người, là những gì trong nghệ thuật ông để lại cho chúng ta, thứ “thập loại chúng sinh” còn sống, chưa “xuống ga đời” chưa “trả lại vé quê hương”.

Ông làm chúng ta vui lên, ông làm chúng ta yêu đời, ông làm chúng ta có thêm nghị lực sống.

Ông là sự hấp dẫn hãy hiến dâng trọn đời cho nghệ thuật, cho cái đẹp, nhưng cũng là lời cảnh báo cho những ai muốn bước vào con đường nghệ thuật, hãy xem xét lục lọi hành trang của mình: Có đủ tình yêu và lòng dũng cảm hay không? Và đừng bao giờ coi nghệ thuật là đồ trang sức. Càng không thể chơi trò chơi văn nghệ.

Trong lễ mừng thọ ông 80 tuổi, nhà thơ Dư Thị Hoàn ngày ấy mới sáng tác những bài thơ đầu tiên, đã đọc một bài thơ tặng ông, nói lên tác động của ông đối với những thế hệ tiếp theo, những người ngoại đạo đứng nhìn vào “đám đông nghệ thuật”:

Tôi như một đứa trẻ

Bị hất hàm đuổi ra khỏi đám đông

Huyền thoại là ông

Người ta nói về ông kỳ dị

Khắc hoạ ông quái lạ

Một hoang mạc không có bến cho tuổi già

Tôi nấp

Tôi nghe

Tôi nín thở

Tất cả trong tôi vỡ vụn ra

Sức cộng hưởng đang tàn phá

Tôi bắt gặp thi ca.

Sinh năm 1907, mất năm 1996, Lê Ðại Thanh đã cõng trên lưng gần trọn thế kỷ 20, một thế kỷ mang trên mình

Bao nhiêu mầm ung độc

Bao nhiêu nụ hoa đời

Như Huy Cận đã viết.

Trong bản lý lịch hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Lê Ðại Thanh viết: “Mẹ tôi đẻ tôi sau những năm Nga-Nhật chiến tranh trên bờ sông đào Hải Phòng. Thế giới của tôi là cái thành phố công nhân mới tạo lập đầy những đầm ao, đầy những tiếng ếch, tiếng ễnh ương, tiếng hát của Tây say, của đám lính thuỷ Pháp đổ bộ vào các nhà chứa. Tôi yêu tha thiết cái thế giới nhỏ bé của tôi. Ðó là trường học do ông Thông Vôi lập ra ở phố Cầu Ðất”.

Mười hai tuổi Lê Ðại Thanh mồ côi mẹ. Sau này nhớ lại nỗi đau ngày ấy Lê Ðại Thanh nghẹn ngào:

Mẹ xa con năm mẹ ba mươi tuổi

Tôi như người chết đuối

giữa dòng đời

Tôi là con chim se sẻ

lạc giữa rừng người

Mỗi gà gáy canh năm ai đánh thức tôi?

Ai đưa tôi ra trường học

Tôi đói trọn đời một hương hoa ngâu ướp suối tóc

Không còn người mẹ “áo mớ ba mớ bẩy”, suối tóc ướp hoa ngâu, gánh chiếu hoa đi chợ bán, kinh tế gia đình gặp khó khăn.

Bù lại, “con chim se sẻ lạc giữa rừng người” cậu học sinh nghèo Lê Ðại Thanh học rất giỏi.

Hai mươi tuổi, tốt nghiệp Cao đẳng, khoa sư phạm, ông đã được bổ nhiệm chính ngạch và được đặc cách dạy lớp Nhì, lớp Nhất tại trường Jules Ferry (Nam Ðịnh). Học trò ông ở đây có nhà văn Nam Cao, nhà cách mạng Ðỗ Ðức Dục. Ngày ấy Nguyên Hồng cũng học ở Jules Ferry nhưng ở lớp khác.

Bốn năm sau do kết bạn với những người cách mạng, những thanh niên có tư tưởng tiến bộ mà nhà nước bảo hộ liệt vào loại thành tích bất hảo như Ngô Gia Tự, Ðỗ Ngọc Du, Nguyễn Công Mỹ, Bùi Ðình Ðổng… ông bị chuyển lên mạn ngược, dạy ở trường Nước Hai (Cao Bằng). Ở đây một loạt học sinh của ông sau này trở thành các tướng lĩnh: Bằng Giang, Quang Trung, Nam Long… Và cũng ở đây, những người bạn của ông như Ngô Gia Tự, Bùi Ðình Ðổng… vẫn đến thăm ông.

Chắc chắn ông không chỉ dạy học trò cách cộng trừ phân số, quy tắc tam suất hay học thuộc lòng lịch sử Pháp bằng tiếng Pháp theo chương trình bắt buộc “Nos ancêtres sont des Gaulois” (Tổ tiên chúng ta là người Gô-loa). Thầy giáo Lê Ðại Thanh đã thổi vào tâm hồn học sinh của mình lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tình yêu nhân dân đang rên xiết dưới ách thống trị của thực dân đế quốc.

Rồi ông được chuyển về làm đốc học ở trường Hàng Kênh thuộc huyện Hải An, tỉnh Kiến An. Chánh mật thám Hải Phòng, tri huyện Hải An đã nói thẳng với ông đốc học cao lớn, đẹp trai, một nhà thơ trẻ thuộc nhiều thơ Pháp, một võ sĩ Judo, một võ sĩ quyền Anh nghiệp dư là Lê Ðại Thanh rằng ông không được đi quá Hải Phòng-Kiến An 30 ki-lô-mét mà không xin phép Kiểm học.

Chỉ tới năm 1941, khi Lê Ðại Thanh về dạy trường Bonnal, tức trường phổ thông trung học Ngô Quyền ngày nay, lệnh ấy mới được nới lỏng. Ông được phép đi tới Hà Nội và cũng chỉ tới Hà Nội mà thôi.

Những cán bộ thay mặt Ðảng phân công ông hoạt động hợp pháp, công khai trong hai phong trào: Truyền bá quốc ngữ và thể dục thể thao (do Ðuy-cu-roa khởi xướng). Ông đã quyên tiền mua súng cho cách mạng.

Là một người nổi tiếng, các đảng phái lôi kéo ông. Nguyễn Tường Tam tức nhà văn Nhất Linh, bạn văn của ông, nhiều lần bàn bạc rủ rê ông hoạt động cho Quốc dân đảng. Ông từ chối. Ðại Việt quốc gia liên minh, một đảng thân Nhật hứa dành cho ông chức thị trưởng Hải Phòng. Ông từ chối.

Tháng 5 năm 1945, ông bị hiến binh Nhật bắt. Biết trước tin này, nhưng dựa vào tính hợp pháp của mình, ông không rút vào bí mật. Nhật bắt ông khi ông đang diễn thuyết ở hội quán AFA. Ðỗ Ðức Phin đã đưa hiến binh Nhật đến. Ít lâu sau Phin bị bắn chết. Người thi hành bản án này là Văn Cao, bạn ông.

Cách mạng tháng Tám thành công, ông được đề cử làm phó chủ tịch uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời thành phố, nhưng ông chỉ nhận chức uỷ viên tuyên truyền phù hợp với ông.

Trong giai đoạn cách mạng còn đang trứng nước, dựa vào thế lực Tầu Tưởng sang tước khí giới, giải giáp quân đội Nhật, Việt Nam Quốc dân đảng đã bắt ông.

Ðích thân đồng chí Lê Quang Ðạo, lúc ấy là bí thư thành uỷ, sau này là chủ tịch quốc hội, chỉ huy cuộc đấu tranh đòi chúng phải thả ngay Lê Ðại Thanh và hai cộng sự của ông. Hàng nghìn người đứng chật quảng trường Nhà hát lớn. Súng đã nổ. Máu đã chẩy. Một số người bị thương trong cuộc đấu tranh này. Trước sức mạnh ấy của quần chúng, Việt Nam Quốc dân đảng đã phải trả tự do cho ông. Ông lại trở về với nhân dân, với cách mạng.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông vào bộ đội, tự nguyện làm chiến sĩ trung đoàn 42. Làm báo Quân Bạch Ðằng của quân khu Ba. Tham gia chiến dịch Trần Hưng Ðạo. Rồi làm báo Cứu Quốc.

Hoà bình lập lại, ông được điều về biên tập thơ cho báo Văn Nghệ. Cùng với Hữu Loan, Quang Dũng, Trần Lê Văn…

Năm 1958 ông trở về Hải Phòng, thành phố chôn nhau cắt rốn sau khi đã in dấu chân trên bao nẻo đường kháng chiến.

Sống. Học. Ðọc. Làm thơ. Viết truyện. Viết kịch. Trường ca. Hồi ký. Cho đến cuối đời.

Chắc chắn cuộc đời Lê Ðại Thanh sẽ rẽ sang một hướng khác nếu ông không mắc phải hội chứng thi ca. Có thể ông đã tiến bước vững chắc trên quan lộ. Có thể ông chỉ là thầy giáo bình thường.

Và như vậy hôm nay chúng ta chẳng có gì để nói về ông.

Và như vậy hôm nay Hải Phòng chẳng có một Lê Ðại Thanh thi sĩ. Hải Phòng sẽ nghèo đi, mất đi một nét độc đáo của mình.

Trong những tán lá cổ thụ của khóm rừng văn học nghệ thuật Hải Phòng, chỉ có hai người: Ông và Nguyên Hồng mang tính cách riêng đến thế.

Ông như dẫy quán hoa trước cửa Nhà hát thành phố, chỉ Hải Phòng mới có.

Ông như sông Lấp, sông Tam Bạc chỉ Hải Phòng mới có.

Ông như phố Cầu Ðất chỉ Hải Phòng mới có

Ông như Nguyên Hồng chỉ Hải Phòng mới có.

Chúng ta quen nhìn ông đi trên đường phố Hải Phòng, cao gầy, quần áo nhầu nát, ca vát xộc xệch, mũ phớt, tóc bạc xoã, khuôn mặt nhăn nheo khắc khổ, đôi mắt sáng, bước những bước chậm rãi trên đường, như mộng du lại như dẫm nhừ từng cây số theo cách nói của Mai-a-kôp-xki.

Chúng ta đã quen nghe giọng ông, chất giọng tuyệt vời của một giáo viên, một diễn viên, trầm ấm sang sảng trong những buổi gặp mặt cùng ông.

Chúng ta đã quen nghe những bề bộn giãi bầy của ông về sáng tác, về học ngoại ngữ.

Lê Ðại Thanh làm thơ được đăng báo từ những ngày còn đi học.

Tài năng văn nghệ của ông khá đa dạng: Làm thơ, viết văn xuôi, hoạt động kịch nói trên cả ba phương diện: Sáng tác kịch bản, diễn viên, đạo diễn.

Tập san Sân Khấu đã viết về ông:

“Gác bỏ những lĩnh vực hoạt động khác thì trong bước phôi thai của kịch nói hình thành để rồi tự khẳng định là một loại hình sân khấu, ông Lê Ðại Thanh có đóng góp của mình.

Mãi mãi còn đó một ban kịch Anh Vũ của Thế Lữ và kịch sĩ Lê Ðại Thanh đã từng thủ vai nhà tư sản Trần Thiết Chung trong vở Kim Tiền của Vi Huyền Ðắc. Thời ấy những việc làm đó có giá trị lớn của sự tiếp nhận và giao lưu và thiếu gì cả những ý nghĩa của sự khai trí.”

Cũng thời gian ấy vở kịch Hai người trọ học của Lê Ðại Thanh được giải thưởng Tự lực văn đoàn cùng với Bỉ Vỏ của Nguyên Hồng, một giải thưởng như Kim Lân nói, rất uy tín vì không uỷ viên chấp hành nào trúng cả.

Vở Ông giáo Mỹ của ông được công diễn liên tục tại Nhà hát lớn Hà Nội.

Ban kịch Lan Sơn-Lê Ðại Thanh là ban kịch sáng giá của cả nước.

“Những năm kháng chiến, sinh hoạt kịch ngắn, độc tấu như một sở trường của Lê Ðại Thanh. Năm 1994, vở Nàng tiên cóc của ông được Sài gòn Audio-Video thực hiện và còn dang dở đó kịch bản Người thi sĩ lấy nữ thần mặt trời và hài kịch triết học Sác lô lên trời.” 1

Lê Ðại Thanh kịch sĩ, Lê Ðại Thanh văn xuôi, Lê Ðại Thanh nhà giáo, Lê Ðại Thanh nhà cách mạng, nhưng trên tất cả, chúng ta có một Lê Ðại Thanh thi sĩ.

Cũng như mọi hoạt động nghệ thuật khác của ông, chúng ta hiện nay có trong tay rất ít thơ ông.

Mà ông lại sáng tác rất nhiều. Dường như có cả hàng chục năm ông không in dù ông viết ngày đêm. Bởi đã có một thời gian ông làm người ta sợ.

Tai nạn ập đến khi những bạn bè ông lập ra tờ báo Nhân Văn. Trên tờ báo đó, người ta thấy trong mục Hộp thư có tên ông. Và có tên ông trong danh sách những người ủng hộ tiền cho báo, một số tiền nhỏ vào thời điểm đó: 20.000 đồng.

Ðang là biên tập viên báo Văn Nghệ, ông được cử đi thực tế Hải Phòng.

Hết đợt, ông có quyết định ở lại Hải Phòng, công tác tại sở Văn Hoá mà không về Hà Nội nữa.

Tại đây ông được giao những việc lặt vặt. Lúc là biên tập cho mấy tờ bướm về chăn nuôi, về thuỷ lợi. Lúc xuống nhà in sửa mo-rát. Lúc dựng kịch cho các huyện. Việc rất ít. Khi có khi không.

Ông không thể không làm việc mà vẫn cứ lĩnh lương. Ông cần thời gian để viết trong khi hàng ngày phải đến nhiệm sở làm những việc để mà làm hoặc không làm gì cả.

Mọi người dần dần xa lánh ông.

Năm năm như vậy là quá đủ, quá dài. Năm 1963, ông làm đơn xin nghỉ hưu non.

Năm ấy ông mới 56 tuổi và còn đang rất khoẻ. Nếu chia tỷ lệ với cái tuổi 90 khi ông qua đời thì còn đang độ tuổi tráng niên.

Ðã có những đêm ông thức trắng.

Ðã có những đêm ông ngồi một mình rất lâu trước bức tranh Trên sự yên tĩnh đời đời của Lê-vi-tan.

Ông ghi vào nhật ký: “Tôi nghĩ đến cái chết như một chuyến đi xa”.

Ðã có những phút mềm yếu, những lúc chán nản. Và ông đã vượt qua. Phùng Quán viết về mình:

Có những lúc ngã lòng

Tôi lại vịn câu thơ đứng dậy

Lê Ðại Thanh cũng vậy. Ông lại vịn câu thơ đứng dậy.

Ông viết. Học tiếng Nga để đọc Lec-môn-tốp trong nguyên bản. Học tiếng Anh. Học tiếng Ðức. Và viết. Viết như một lẽ sống. Như một cứu cánh. Như một người bị dồn đến chân tường.

Nhưng người ta im lặng trước những sáng tác của ông. Bởi vì dưới những bài thơ, những truyện ngắn ấy ký một cái tên Lê Ðại Thanh. Ba tiếng Lê Ðại Thanh ngày ấy đồng nghĩa với ba tiếng có vấn đề. Có vấn đề không là gì cả nhưng lại là tất cả.

Ba tiếng Lê Ðại Thanh còn làm chính những người trong gia đình ông lo âu, sợ hãi.

Ngày ấy các con ông đều bỏ đi chữ Ðại ở giữa.

Lê Ðại Châu đổi thành Lê Minh Châu.

Lê Ðại Chức thì bỏ hẳn chữ Ðại. Chỉ còn Lê Chức.

Lê Ðại Chúc cũng chỉ là Lê Chúc.

Hình như các con ông không xuất thân từ dòng họ Lê Ðại. Bởi vì có những dấu hiệu bệnh có vấn đề mang tính di truyền.

Lê Ðại Thanh hoàn toàn cô đơn. Một người cô đơn ngoài ý muốn. Ðúng hơn, một người bị bỏ quên giữa cuộc đời này. Mà ông cần biết bao một người chia sẻ. “Bạn” là khát vọng của ông.

Bạn là một nửa bản thân tôi

Nửa da thịt

nửa trái tim

khối óc

Bạn là núi

Tôi là cánh buồm mây đỏ rực

Hoàng hôn vàng nồng nhiệt tới buông neo

Hơn ai hết, ông biết khi có bạn, ý chí, sức mạnh con người vừa tăng theo cấp số cộng, vừa tăng theo cấp số nhân:

Bão tố cuộc đời, tôi không còn e sợ

Tôi có bốn cánh tay ngăn sức gió

Tôi được nhân lên khi bạn cộng với tôi

Tôi mạnh hai lần

Bạn giầu gấp đôi.

Khát vọng đơn giản ấy làm sao có được. Một mình ông, ông phải có bốn cánh tay ngăn sức gió, ông phải mạnh gấp hai lần. Và ông đã mạnh gấp hai lần.

Năm 1965, mặc dù còn đang hoàn toàn khoẻ mạnh, ông vẫn thấy cần làm bản tổng kết cuộc đời và cần để lại di chúc. Không phải di chúc cho con cháu phân chia của cải mà là di chúc với đời. Bản Di chúc mới thanh thản làm sao.

Chết là trở về với tinh thể sao trời

Trả trái đất những gì vay mượn trước

Chào những bộ hành tuổi xanh xuôi ngược

Tôi xuống ga đời gửi lại vé quê hương

Thanh thản vì cái chết là quy luật. Thanh thản vì cả đời ông gắn bó với cách mạng. Vì cả đời ông gắn bó với thi ca, nghệ thuật, gắn bó với cái đẹp. Và thanh thản vì cả đời ông không làm hại một ai. Ông luôn nghĩ tốt, đối xử tốt với mọi người.

Cuộc sống là một hành trình có hạn. Chúng ta ai cũng mong có được tấm lòng thanh thản như ông khi lìa đời, khi trả lại vé quê hương.

Năm 1965 đang là thời gian khắc nghiệt nhất của ông. Tuy nhiên ông vẫn thốt lên:

Hạnh phúc làm sao được sống mãi làm thơ

Chưa bao giờ Lê Ðại Thanh là một người bất mãn, một kẻ chán đời. Sống làm thơ với ông là một hạnh phúc. Dù thế nào chăng nữa.

Bài Di chúc không được in, tất nhiên. Nhưng nhiều người đọc, rồi lại đọc cho người khác. Chép rồi lại chép cho người khác. Bài thơ có tên tác giả. Rồi không có tên tác giả. Không biết nó đã bay đến tận những phương trời nào.

Nhà thơ Tế Hanh thuật lại vào giữa thập kỷ 80, khi ông đang đi trên bờ hồ Thiền Quang (Hà Nội) một thanh niên đã lễ phép hỏi ông hai câu thơ “chào những bộ hành tuổi xanh xuôi ngược, tôi xuống ga đời gửi lại vé quê hương” có phải của Ta-go (nhà thơ Ấn Ðộ-giải Nô ben) không. Ông đã trả lời: “Tôi không biết có phải của Ta-go không. Nhưng chắc chắn đó là hai câu trong bài Di chúc của Lê Ðại Thanh”.

Lại thêm một minh chứng về sức sống của thi ca dù không được in ấn, không được đề cao, không được các phương tiện thông tin đại chúng giúp đỡ.

Lê Ðại Thanh sáng tác rất nhiều. Ông sáng tác để thoả mãn nhu cầu sáng tạo của bản thân. Việc in ấn không đặt ra. Chỉ cần đọc cho một người bạn. Chỉ cần một người nào đó hiểu ông.

Có lẽ trong đời làm thơ của ông, duy nhất có một bài thơ được in, được phổ biến rộng rãi đến thế. Ðó là bài Chương Dương hành khúc dài đúng 100 câu, độc vận.

(…) Nam nhi!

Nam nhi!

Ðêm nay trăng tỏ soi trăm dặm

Lau kiếm trường vĩnh biệt thê nhi

Ngày mai đi giữa rừng thương giáo

Hành quân mắt dõi bóng kinh kỳ

Ðường lên ải Bắc quanh co khuất nẻo

Ðường vào Chiêm Thành gẫy khúc chữ chi

Giặc kìm kẹp ta giữa hai mũi sắt

Ðất nước giục giã đâu ta cũng đi

Thăng Long bị chiếm triều đình chuyển dịch

Lê dân rời thành lệ ướt hàng mi…

Bài thơ tràn đầy tinh thần quật cường dân tộc như một bài hịch được đọc trong những buổi hội họp, được in 3000 bản và phân phát như một thứ truyền đơn trong những ngày sục sôi cách mạng trước và sau Tổng khởi nghĩa.

Nhưng ngày ấy đã qua lâu rồi. Giờ đây còn lại tuổi già và sự cô đơn. Mà lòng ông thì không nguội được. Không bao giờ nguội được.

Lê Chúc hẳn đã rất hiểu bố mình nên thường vẽ ông trong trang phục màu đỏ, một gam màu nóng.

Trong một bài thơ gửi hoạ sĩ Thọ Vân, Lê Ðại Thanh viết:

Tôi một hoả diệm sơn ngùn ngụt

Nhìn quanh chân mình những dòng sông lửa lưu huỳnh

Và trong bài Thời gian ông viết:

Tôi đang suy nghĩ về em với trái tim núi lửa

Trái tim ông như vậy. Một núi lửa tình yêu. Nó là nỗi đau. Nhưng cũng lại là sức mạnh.

Ngón đòn của số phận có thể làm ai đó gục ngã. Nhưng Lê Ðại Thanh thì không. Trái tim ông đã cứu ông. Hay đúng hơn, chính nàng thơ, nghiệp chướng của đời ông đã cứu ông. Trong tấm áo choàng rực rỡ huyền ảo mỏng manh của thi ca, Lê Ðại Thanh là bất khả xâm phạm. Không một ngọn roi nào chạm được tới người ông. Vòng kim cô không xiết được đầu ông vì trong đó đầy ắp thi ca, đầy ắp tình yêu cuộc sống.

Ông yêu đời, ông yêu người, ông yêu thơ. Trong thơ, nhiều lần ông nói thẳng ra điều ấy mà không dùng hình tượng, không cần dùng một cách diễn đạt bóng bẩy nào. Tôi yêu chuyện cổ tích nước tôi. Tôi yêu cô hát chèo răng nõn hoa cau. Tôi yêu dải đất… Hệt như khi mình thổ lộ với người mình yêu. Phải nói ra những điều chất chứa trong lòng một cách đơn giản nhất. Ông không để ý tới con số phần trăm bậc lương hưu cán sự 2 2 mà ông hưởng cho đến lúc chết. Việc ông không được công nhận lão thành cách mạng, không được huân chương, và tất nhiên không có những khoản phụ cấp kèm theo cũng không làm ông bận tâm suy nghĩ. Ta có thể biết chắc điều ấy. Bởi vì khi đó có một học trò của ông làm phó bí thư thường trực Thành uỷ. Một người học trò khác làm trưởng Ban tổ chức chính quyền thành phố. Mà đường đi từ nhà ông tới những nơi ấy chỉ 20 phút đi bộ, nhưng ông chưa một lần đến để đề nghị, để trình bầy. Ông không mặc cảm. Ông cũng không quá tự trọng. Ðơn giản là ông không có thời gian cho suy nghĩ ấy, cho công việc ấy dù là để sửa chữa những bất hợp lý cho chính bản thân ông. Ông có thể dành cả buổi sáng viết thư trả lời một bạn làm thơ trẻ về thi ca, nhưng viết một lá đơn ông lại không làm.

Không phải ông quên quá khứ hay cố tình quên quá khứ.

Quá khứ vẫn sống trong ông, nhưng không thể chạy chọt để được công nhận quá khứ. Càng không thể lấy quá khứ đánh bóng cuộc đời, đánh bóng thi ca.

Lê Ðại Thanh là một nghệ sĩ đích thực, một nghệ sĩ “đến tận móng tay đầu sợi tóc” 3. Thế giới của ông là thế giới thi ca. Nơi ông tới khi ông đi ra khỏi nhà là tới những người làm nghệ thuật.

Ông ra ngõ chỉ để mua điếu thuốc, nhưng nhiều ngày sau mới trở về. Bữa cơm đã dọn nhưng ông xách xe đi như người mộng du. Ông có thể sống với chỉ một mẩu bánh mì trong túi như một bữa ăn lưu động trên đường.

Những người làm thơ Hải Phòng ai chả từng một lần được ông tới nhà, nhiều khi bất ngờ nhất.

Một nhà thơ ở vùng ven thành phố kể lại rằng vào một đêm mưa bão bố đến. Bố đội mưa, vượt ba ki-lô-mét đến nhà. Bố đọc cho nghe bài Vua sư tử và mặt trời. Rồi bố nói về tầm vóc thi ca Việt Nam phải có và sẽ có. Người ta không thể nào quên được những lần ông tới nhà, ngượng nghịu rụt dè lấy trong túi ra nào đường, nào cà-phê và cả phin lọc pha cà-phê:

– Pha đi. Bố con mình uống.

Thương ông. Ông cần chia sẻ. Ông cần đối thoại. Lại càng thương vì ông biết mình đang làm phiền người khác nhưng không thể nào khác được. Người ông đầy ắp. Ông đang cần vợi bớt được mình đi.

Giở lại những sáng tác ít ỏi của Lê Ðại Thanh còn đến được tay chúng ta, thấy rõ một điều: Ông gắn bó với những chuyện cổ tích, những Tấm Cám, những Sơn Tinh Thuỷ Tinh, Từ Thức, Thánh Gióng, những cô tố nữ trong tranh Ðông Hồ, ông nhớ những ngày xưa phiên chợ cuối năm mua tờ tranh đám cưới chuột, và

Mặt vách nhà tôi mỗi ngày tết đến

Chú cóc cầm roi dạy học nghiêm trang

Chú ỉn lưng xanh

Anh ỉn khoanh vàng

Ðủng đỉnh khoe mầu giữa lòng đêm tối

Ông gắn bó với những đêm hát chèo. Ông gắn bó với quê hương, quê hương có một người em gái:

Em buồn em vui em mãi nhớ tôi

Tôi giận tôi hờn tôi không em được

Quê hương có những trò chơi ngày tấm bé:

Tuổi trẻ đời tôi vui lá cỏ

Cánh vành khuyên chú dế mèn nâu

Thế giới của tôi lộng lẫy sắc mầu

Thân cá mại cờ vẩy lưng óng ánh

Em đánh bò qua môi cười gió lạnh

Ðọc những bài Ðám cưới chuột đỏ xanh, Tôi yêu chuyện cổ tích nước tôi, Hát chèo, Quê hương, Những trò chơi bao ngày tấm bé, ta thấy tiếng vọng của đồng quê, của thời thơ ấu, của truyền thống, của cội nguồn, điều những người làm văn hoá hôm nay nhắc nhau: Không được phút giây sao lãng.

Lê Ðại Thanh sống và làm việc tới năm ông 90 tuổi. Thử tìm bí quyết sống lâu của ông ta thấy một điều dễ nhận. Ðó là sự kiên trì tập luyện. Thuở trẻ ông là một võ sĩ Judo, võ sĩ quyền Anh. Về già, ông tập Yoga. Kiên trì ngày này sang ngày khác, năm này sang năm khác.

Khi thị lực giảm, đi đâu ông cũng mang theo chiếc gương để tập thôi miên cho mắt sáng trở lại. Và sở dĩ ông sống đến 90 tuổi vì trong đầu ông không có chỗ cho những ý nghĩ bi quan trầm uất. Hơn nữa chỉ lạc quan yêu đời thôi chưa đủ, còn phải trẻ trung. Chúng ta ngạc nhiên biết bao khi đọc bài Ngây thơ ông viết năm ông gần 70 tuổi:

Ú tim

Em đi tìm

Tôi đi nấp

Chân lý bên này bên kia trái đất

Ta yêu con người ta mãi tìm nhau

Sân gạch: Ðại dương

Xếp đá làm cầu

Ú oà

Tôi đi ra

Em vào bóng tối

Mười ngón tay mành mành đan vội

Em nhìn thấy tôi em vẫn đi tìm

Tôi biết em mở mắt mà tôi không nói

(…)

Và đây, bài đồng dao U mặc ông sáng tác ở tuổi 83:

Muồm muỗm đội mũ mấn xanh

Khóc chồng không khóc khóc anh cào cào

Bọ ngựa chém chém đôi đao

Chém lia. Chém lịa. Toàn vào bạn thân

Kiến vàng kéo lê đôi chân

Giận con bọ ngựa bất nhân bất nghì

Muồm muỗm đội mũ mấn đi

Nhớ cào cào vẫn tỉ ti khóc ngầm…

Lê Ðại Thanh luôn trẻ trung hóm hỉnh. Nhưng thời gian vẫn là thời gian. Với những bậc sống gần thế kỷ như ông, thời gian đồng nghĩa với sự kết thúc. Nhưng ông không ngán. Ông vẫn ca tụng thời gian, người khai sinh vĩ đại và kẻ huỷ diệt vĩ đại. Dù thời gian làm cho

Em có mặt hôm nay để tương lai không còn nữa

Tôi vẫn viết bài thơ ca tụng thời gian

Người gieo hạt vàng trên trái đất

Người đô vật quật ngã các khổng lồ

Người thẩm phán vô tư

Quyết định các giá trị bất tử

Ông tự nhủ:

Nghệ thuật không được già

Thời gian đi liên tục

Như người gieo hạt hoa

Khi về già người ta thường trở đi trở lại với những suy ngẫm về thời gian, về vũ trụ, về kiếp người, về bản thân. Lê Ðại Thanh đã có những định nghĩa về mình vừa thơ lại cũng vừa triết học:

Tôi là mâu thuẫn của tôi

Tôi là núi lửa đồng thời núi băng

Tôi là con mọt nghiến răng

Gặm thời gian gặm mặt trăng mặt trời

Con người ông với bao nhiêu nghịch lý:

Tôi nghèo như một ông vua

Tôi nhanh như một con rùa ngụ ngôn

Ta bỗng thấy Lê Ðại Thanh đã nói hộ những gì ta chưa biết về ta. Ta bỗng thấy ta nghèo nhưng cũng lại rất giầu, ta vừa nhanh lại vừa chậm, ta là con mọt nghiến răng gặm thời gian và gặm cả vũ trụ. Những bài thơ về kiếp người của ông thật gần gũi, thấm đượm tinh thần triết học phương Ðông, con người hữu hạn trong cái mênh mông của vũ trụ, cái vô tận của thời gian, con người đáng thương, đáng yêu, rất cần được chia sẻ:

Tâm hồn tôi là một lâu đài đá đỏ

Mà trái tim là chiếc chuông treo ở ngõ

Hãy giật chuông đi vào, đi rất nhẹ người ơi

Ðừng dừng chân trước ngưỡng cửa con người.

Van nài hay kêu gọi? Sao thiết tha đến thế!

Ta thấy như mình đã mắc lỗi cùng ông. Và tự nhủ từ nay không bao giờ được dừng chân trước ngưỡng cửa con người. Hãy giật chuông đi vào. Hãy đi rất nhẹ.

Ông hiểu rằng con mọt nghiến răng là ông đã gặm gần hết phần thời gian, phần mặt trăng mặt trời của mình rồi. Thì có sao đâu. Ðiều quan trọng là phải biết sống. Trong bài Vua sư tử và mặt trời, ông viết:

Hãy trân trọng những ngày ngươi sống

Hãy gầm lên thức động núi dài

Hư danh là chuyện chiếc ngai

Hôm nay vàng dát ngày mai đất bùn.

Tiền bạc, danh vọng, địa vị, tất cả đều là hư vô. Còn sống ngày nào hãy sống hết mình với cuộc đời, với nghệ thuật.

Bài Thi sĩ và Thần Chết nằm trong số di cảo của ông chứng tỏ ông quyết chinh phục bản thân cái chết. Bài thơ kể chuyện hai lần Thần Chết cưỡi ngựa ô, cầm lưỡi hái đến gõ cửa đòi tính mạng của thi sĩ. Nhưng thi sĩ còn đang viết dở dang bản trường ca cuộc sống. Lần thứ ba, trên đường đi đòi mạng sống của nhà thơ, Thần Chết bỗng nghe trên làn sóng điện bản trường ca ấy và bỗng thèm sống trở lại.

Trên mặt hành tinh có những người như thế đó

Họ viết về cuộc sống

bắt Thần Chết ngồi im trên lưng ngựa

Con chim và cái lưới

I

Ðời là sa mạc lửa thiêu

Tôi khao khát một tình yêu cháy lòng

Em

con chim nhỏ

lượn vòng

Tôi quây lưới nhốt

giữa

lồng

tim

tôi

Nhưng tôi thiếu

nắng

mặt trời

Thiếu rừng cây với núi đồi tặng chim

II

Tình yêu một phút nhen lên

Một giây lại tắt trong đêm

tối mù

Con chim vỗ cánh

bay vù

Trả chim cho gió tôi thu lưới về

Người thơ mãi mãi si mê

Cái bay đi

cái không về

cái trôi

Chiếc lồng là cuộc đời tôi

Em con chim én của trời… tự do…

Chúng tôi giới thiệu trọn vẹn bài thơ này của Lê Ðại Thanh không phải vì đây là một bài thơ tiêu biểu của ông, không phải vì nó nói được tình yêu và sự bất lực trong tình yêu cuộc đời của trái tim thi sĩ. Mà bởi lẽ ra bài thơ này không đến được với chúng ta. Ông đã viết ra. Ông đã đọc cho nhiều người. Người nghe nhớ. Còn ông thì quên nó. Trong buổi chúc thọ ông 80 tuổi, người đọc một câu, người đọc hai câu, chắp nối lại, thế là bài thơ đã nguyên vẹn hình hài, đã được phục sinh. Có biết bao thơ Lê Ðại Thanh đang cần được phục sinh như vậy để trở về với cuộc sống. Cảm xúc đến, ông có thể viết trên bất cứ cái gì: Vỏ bao thuốc lá, mảnh giấy xi măng, cả một tờ crô-ki. Và đọc cho người khác chép. Chính ông đã kêu lên:

Con chim thơ của tôi bay

Ðời ơi còn trả nợ này nữa thôi?

Chắc chắn những di cảo đang tản mát bốn phương ấy sẽ có rất nhiều dị bản mà dị bản nào cũng là chính bản, bởi vì ông không ngừng suy nghĩ. Không ngừng hoàn thiện, không ngừng lao động để đạt tới cái hoàn mĩ. Nguyên Hồng sửa cả khi công nhân nhà in đang sắp chữ. Còn Lê Ðại Thanh, thơ đã in rồi, đã xuất bản rồi, ông vẫn còn sửa chữa.

Trên tờ Wall Street Journal, nhà báo Úc Barry Wain thuật lại buổi gặp gỡ với Lê Ðại Thanh tại một quán cà-phê đông đúc ồn ào: “Cầm điếu thuốc tôi đưa, ông Thanh nói: “Ðây là một điều tốt, nó sẽ gây hứng cho thơ của tôi.” Ông rút vào một góc để viết, quên hết mọi người, mọi thứ trong vài giờ đồng hồ sau đó.”

Lê Ðại Thanh có thể quên hết mọi người, mọi thứ. Năm đã ngoài 80 tuổi từ nhà một người bạn già ở Hà Nội, ông xách chiếc xe mi-ni chỉ định đi chơi phố nhưng rồi mải đuổi theo trong đầu những ý thơ, ông không biết mình đã đi cả trăm ki-lô-mét đường 5 và bỗng thấy mình ở Hải Phòng. Khi ông tắm rửa xong, cả nhà tưởng ông sẽ mệt nhoài nằm trên giường ngủ, nhưng không, ông lại lấy xe đi.

Ông có một sức khoẻ làm tất cả mọi người thèm muốn. Có lẽ vì ông ca ngợi thời gian và thời gian đã nhẹ tay với ông.

Hơn thế, thời gian đã ủng hộ ông.

Thơ, văn xuôi của ông đã được các báo sử dụng. Ðời vẫn nhớ đến ông. Năm ông tròn 80 tuổi, tập Những ngôi sao biển, tập thơ đầu tiên của ông đã được in và phát hành 4. Hải Phòng đã in cho ông. Hải Phòng không quên người con dứt ruột đẻ ra của mình. Một tập thơ non trăm trang với 33 bài. Thế đã là quý lắm. Vì đó là tập thơ duy nhất của ông. Hãy nhớ rằng đó là tập thơ duy nhất của một người làm thơ 90 tuổi, với một đời thơ kéo dài trên 70 năm.

Ðố kỵ như nghệ sĩ. Người Pháp nói vậy. Nhưng Lê Ðại Thanh thì ngược lại. Với những bạn bè cùng trang lứa, ông rất chân thành và vui mừng trước thành công của bạn. Ông còn tổng kết những cái hay cái tốt của bè bạn để học tập. Ông tôn Xuân Diệu là ông hoàng của ngôn ngữ. Ông gọi Thế Lữ là thầy. Một bài văn xuôi của ông nằm trong số di cảo được công bố khi ông qua đời là bài Ba đức tính của Nguyên Hồng.

Ðọc một bài thơ hay, ông xuýt xoa:

– C’ est terrible! (Thật khủng khiếp!)

Ông thực sự sung sướng khi có một nhà thơ trẻ nào đó mới xuất hiện. Ông viết thư, ông tìm gặp tác giả. Ông phổ biến bài thơ ấy, ông nói về tác giả… Trong một vài trường hợp lời khen của ông có phần bồng bột, cái bồng bột của ông già đang bước vào tuổi 90 thật cảm động.

Và dù sắp 90 tuổi, ông vẫn cả tin, vẫn là người nhẹ dạ. Ông vẫn nghĩ ai cũng tốt như mình. Ngoài hàng chục lần bị lừa về tiền bạc, ông còn bị lừa hai chiếc xe đạp, một cái tủ chè gia truyền của dòng họ và cả cái máy chữ cọc cạch! Khi biết mình bị lừa, ông chỉ cười:

– Thế là khi viết đã có sẵn nhân vật, không phải đi đâu tìm nữa.

Trong cuộc sống, Lê Ðại Thanh bao giờ cũng vẫn là một đứa trẻ, một đứa trẻ sống gần trăm tuổi.

Ðầu tháng 7 năm 1996 ông ngã bệnh. Những lúc tỉnh táo, nhìn thấy vợ con, bè bạn đứng bên giường, ông lại nói về thơ, về kịch, về bản trường ca đang viết dở, về Et-xê-nin, về thơ lãng mạn Pháp và một câu cửa miệng:

– C’ est terrible!

Ngày 17 tháng 7 năm 1996 ông vĩnh biệt chúng ta. Hàng nghìn người tiễn đưa ông như ngày nào hàng nghìn người tập trung ở quảng trường Nhà Hát đấu tranh bắt bọn Quốc dân đảng phải trả tự do cho ông. Và chỉ đến lúc ấy tất cả mới hiểu rằng đời vẫn mến yêu ông đến thế.

Ông ra đi để lại một khối lượng di cảo không nhỏ trong nhà và một khối lượng di cảo còn lớn hơn nhiều đang tản mát ở đâu đó.

Ðọc những di cảo của ông, những dòng chữ to nhọn hoắt như gai của ông bằng các thứ bút, các thứ mực khác nhau trên nền giấy các mầu các khổ to nhỏ khác nhau, với đủ các thể loại truyện ngắn, hồi ký, trường ca, thơ… lòng ta trào lên nỗi niềm kính phục và thương cảm. Ông viết trong khi mắt mờ tay run nhưng trí óc vẫn không ngừng hoạt động. Cuộc đời ông là cuộc đời của một người sống và chết vì nghệ thuật như một bậc tử vì đạo.

Trong một sáng tác của Hê-minh-uê viết về nội chiến Tây ban nha, một nhân vật đã nói:

– Ta là một ông già sống cho đến khi chết.

Lê Ðại Thanh hoàn toàn có thể nói về mình như vậy.

Sống chứ không phải là tồn tại.

Ngã Sáu 22-5-1997

——————————–

1 Tập san Sân Khấu

2 Thang lương cán bộ. Bậc 1 là khởi điểm, thấp nhất

3 Dương Tường: Tôi ái tình đến tận móng tay đầu sợi tóc

4 Nhà xuất bản Hải Phòng 1997

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder