Tôi mạnh khỏe ra ngay, và trở lại là con người linh hoạt vốn có ở người gây dựng sự nghiệp. Trước hết tôi ra lệnh cho một kỹ sư tâm phúc lấy tử thi của sáu người đang nằm trong quan tài – kể cả vợ tôi – ra làm xúc xích. Buổi ăn thử có mời đại diện của nhiều giới đã thành công đúng như dự định…
Tôi mạnh khỏe ra ngay, và trở lại là con người linh hoạt vốn có ở người gây dựng sự nghiệp. Trước hết tôi ra lệnh cho một kỹ sư tâm phúc lấy tử thi của sáu người đang nằm trong quan tài – kể cả vợ tôi – ra làm xúc xích. Buổi ăn thử có mời đại diện của nhiều giới đã thành công đúng như dự định.
Thánh Plinius 1 đã nói: Chính sự ngẫu nhiên mới đúng là Thượng đế của chúng ta. Tôi là người tin ở Thượng đế này. Sự nghiệp mới đúng là chứng cớ của hành động quy y. Do tinh thần gây dựng sự nghiệp, con người có thể gom góp những mảnh rời rạc của vận mệnh đáng được ca tụng dưới danh Thượng đế của ngẫu nhiên mà làm lại thành một, và có thể chuyển nỗi buồn hằng ngày sang niềm vui. Người gây dựng sự nghiệp là mục sư của nhà thờ đạo ngẫu nhiên. Những người gây dựng sự nghiệp của chúng ta, dưới sự bảo hộ của Thượng đế, rồi một ngày nào đó sẽ đi đến chỗ chi phối toàn thế giới này.
Cho đến bây giờ, tôi tự cho rằng mình là một mục sư khá tài cán. Coi thành công trong sự nghiệp là một bằng chứng của sự trung thành đối với Thượng đế, đây là một thái độ đứng đắn mà một mục sư ngoan đạo cần có, phải không? Như đã biết, sự nghiệp của tôi là “gia công thịt ăn”. Nói gì đi nữa, có lẽ tôi là người đầu tiên đã tìm ra phương pháp lấy thịt chuột làm nguyên liệu và thành công trong việc lập xí nghiệp sản xuất đại trà. Nhất là ở cái xứ nghèo khổ này, đó là một thí nghiệm tuyệt diệu, đáng được ca tụng phải không? Đứng trên lập trường hóa sinh học mà nhìn, chất đạm của chuột là thức ăn thích hợp với con người hơn cả thịt bò, hơn cả thịt heo, và không cần phải nói, hơn cả bất cứ loài cá nào. Không chỉ có vậy, sức sinh sôi nảy nở và sự dễ nuôi của chuột thật đáng ngạc nhiên, do đó việc tạo ra giống mới tốt cũng rất dễ dàng. Chắc anh cũng còn nhớ chứ, chuyện báo chí làm rùm beng mấy ngày trước, chuyện con chuột khổng lồ ở thị trấn T. chạy trốn khỏi chuồng, nó chính là con chuột heo mang số hiệu 82, do phòng nghiên cứu trực thuộc công xưởng của tôi tạo ra. Con này có chiều dài toàn thân đến 44 phân. Hiện nay chuột được nuôi béo bằng hợp chất hóa học xê-tin và phoóc môn tăng trưởng, như con chuột heo mang số hiệu 10 này, đã đạt được độ dài gần 60 phân.
Chuyện đâu mà kỳ cục. Dơ dáy quá chăng…? Dĩ nhiên là không có gì dơ dáy cả. Bằng những thiết bị hiện đại, xúc xích thịt chuột được chế tạo qua một quá trình tăng áp trong nhiệt độ cao, nên không một con vi khuẩn nào còn trụ nổi ở đó được. Đây là chỗ mà hiểu biết chúng ta hãy còn hết sức mù mờ. Những gì nói ra được chỉ là cảm tưởng mà thôi. Nhưng cảm tưởng… cảm tưởng, nói chung nó là cái gì. Tóm gọn trong một câu, đó là những lo lắng nảy sinh từ chỗ thiếu sự hiểu biết. Nếu không nói ra thì hoàn toàn không ai nhận ra được. Nghĩa là, nếu lấy một tờ giấy gọi là bí mật và im lặng mà bịt nội dung xúc xích thịt chuột lại thì nó sẽ vô hại. Dĩ nhiên cũng có thể nói vậy đối với bất cứ chuyện gì, không nhất thiết chỉ ở chuyện xúc xích thịt chuột. Bí mật và im lặng như thế này phải được nghĩ như là một nghĩa vụ, một điều luật của tất cả những người gây dựng sự nghiệp. Xúc xích được hoàn thành và đưa ra làm thực phẩm, thế là đủ rồi phải không? Những gì hơn thế đối với đại chúng chỉ là những hiểu biết không cần thiết, chỉ gây hỗn loạn cho họ một cách vô ích mà thôi. Giả vờ có đạo đức là có đạo đức… đây là câu nói của Thượng đế tôi. Hiện nay mỗi ngày, từ công xưởng tôi có hai ngàn kí lô thịt chuột cung cấp cho thị trường, và càng ngày càng tăng. Hơn nữa chính tôi ngày ba bữa đều dùng nó, có bệnh hoạn gì đâu. Đây không phải là bằng chứng thì là gì?
Nhưng đã có chuyện không lành xảy ra. Một ngày kia xảy ra chuyện một người trong nhóm nuôi chuột ở công xưởng của tôi bị chuột heo tấn công và cắn chết. Điểm đen của mặt trời đã bị biến đổi hay chăng, mà bọn chuột trở nên cuồng bạo lạ thường, chúng phá chuồng và tấn công cả chỗ ở của tôi. May thay, nhờ Thượng đế phù hộ, tôi được bình an vô sự, nhưng vợ con tôi và một vài người giúp việc đã mắc phải răng nanh của bọn chuột. Vì việc đó nên hôm trước đã có giấy báo tử đến, như anh biết đó. Như đã linh cảm được một cái gì, tôi nghĩ ngợi lung lắm. Có kẻ tung tin rằng đó là trời phạt, nhưng đây chỉ là những phần tử bất bình lợi dụng vận rủi của tôi để bày chuyện nói xấu tôi. Làm gì có chuyện trời phạt, ngược lại tôi vui mừng vì có dịp nhìn thấu chân tướng những kẻ có bẩm tính rình mò này và lập tức đuổi việc ngay. Đây là ý tưởng bẩn thỉu xa xôi không có liên quan gì đến lập trường của một mục sư. Tôi đã sống vài ngày trong trầm tư mặc tưởng, không còn bị ai làm lạc lối. Trầm tư mặc tưởng sẽ đem lại cho mình cái gì, điều đó đúng như điều mọi người dự tưởng. Rốt cuộc, tôi đã phát hiện rằng đó nào phải do trời phạt, mà chính là một chỉ giáo lớn lao của Thượng đế.
Tôi mạnh khỏe ra ngay, và trở lại là con người linh hoạt vốn có ở người gây dựng sự nghiệp. Trước hết tôi ra lệnh cho một kỹ sư tâm phúc lấy tử thi của sáu người đang nằm trong quan tài – kể cả vợ tôi – ra làm xúc xích. Buổi ăn thử có mời đại diện của nhiều giới đã thành công đúng như dự định. Tôi đã nhận được đơn đặt hàng từ năm hãng buôn lớn. Đặc biệt, có cả chuyện một phu nhân sành ăn, vợ của một vị bộ trưởng nổi tiếng nọ, đã lên tiếng muốn có nó cho bằng được để tặng chồng mình. (Dĩ nhiên bà ta không biết gì về nguyên liệu của xúc xích, không, không chỉ có phu nhân, những người cùng ăn cũng chẳng ai biết). Nhưng chuyện này không gây ra bất cứ trở ngại nào. Như tôi đã nói đi nói lại mãi, giả vờ có đạo đức là có đạo đức vậy.
Thế thì, một người khôn ngoan như anh, chắc đã để ý biết sự nghiệp mới của tôi là công việc như thế nào rồi. Đúng, đúng như thế, nói gọn lại, tôi đã đổi nguồn đạm từ thịt chuột sang thịt người, một loại thịt phong phú, dễ lấy hơn, lại còn ngon miệng hơn một bậc. Vì lẽ đó bây giờ đây, tôi đã phải tự xưng mình là tổng giám mục, người được đặc biệt lựa chọn. Làm sao có một sự nghiệp nào đại quy mô (trái đất là công xưởng), và có tính hợp lý (bây giờ đây, thế giới đang đau khổ vì quá nhiều người) bằng sự nghiệp này.
Tôi đã nhanh nhẹn xin phép bộ trưởng quản hạt đưa tất cả những xác chết trong nước ta qua công xưởng của tôi trước khi đi sở hỏa táng, và được cho phép sau một vài điều kiện về tiền bạc. Lúc đó có một chuyện hơi bực mình. Với tính cách là đề nghị cá nhân, ông ta đòi tôi đánh dấu thật rõ trên những sản phẩm của công xưởng tôi sao cho dễ thấy. Tôi đã thấy rõ chủ tâm của ông ta, dẫu có lầm đi nữa ông ta nhất định không muốn để xúc xích thịt người của tôi vào miệng ông ta. Nhưng tôi đã nén giận. Bộ trưởng đằng nào cũng chỉ là đầy tớ của những người gây dựng sự nghiệp. Thật là một thằng đáng tội nghiệp, thôi để ý làm chi, bỏ qua.
Mặt khác, anh có nghĩ sự nghiệp mới này là phản đạo đức không? Tôi tin anh không nghĩ thế, nhưng để được chắc chắn hơn, tôi xin được nói thêm một điều… một cách tổng quát, ngoài những đạo đức tuân theo luật của Thượng đế ngẫu nhiên, không thể có một đạo đức nào khác. Con người ở dưới Thượng đế, bẩm sinh là một con vật yếu đuối, đáng bị tước đoạt. Cho nên tước đoạt từ con người là đúng theo ý chí của Thượng đế, đứng về phía Thượng đế, và hoàn toàn không có gì là phản bội đồng bào của mình. Vì con người dẫu bị tước đoạt cũng không mảy may thay đổi, ngược lại còn chắc chắn giữ được trạng thái tự nhiên của mình. Hơn nữa, trong trường hợp này, vật bị tước đoạt là linh hồn, đấy chẳng qua chỉ là một không tưởng có tính cách chủ quan, không có chút giá trị nào. Không phải chỉ vậy thôi; từ xưa đến nay, tử thi chính là vật chất đáng bị thần thánh tước đoạt mà không phải trả một xu nào, song khi qua bàn tay chúng tôi lại sinh ra được tiền, cho nên sự nghiệp này không những không phản đạo đức, mà còn có thể nói, chính nó là một sự nghiệp xã hội. Song song với việc đó, do những vận động của tôi, phá thai tự do đã được pháp luật công nhận, điều này không những đã làm tăng khoái lạc cho nam nữ, mà còn có thể sinh ra những lợi ích tiền bạc từ đó, điều này đã tạo ra những biến đổi có tính cách mạng trong đạo đức tình dục. Ngoài ra cũng cần phải nói đến công lao đã cung cấp được một món ăn lạ nhất đời cho những người sành ăn, món ăn gia công từ những bào thai.
Nhập đề thật dài dòng, thôi, đã đến lúc phải vô phần chính chứ. Sau đó sự nghiệp mới mẻ này của tôi đã phát triển rộng đến độ kinh ngạc, rốt cuộc xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu. Vì thế, bất đắc dĩ tôi phải mở rộng phạm vi bắt lấy nguyên liệu. Thực ra tôi muốn dời chân anh đến đây cũng là vì chuyện đó.
Nói là mở rộng phạm vi bắt lấy nguyên liệu, đến chỗ này thì chỉ còn một cách là lấy những người còn sống làm nguồn đạm; không cần phải dùng đến chữ “giết người”… dễ gây hiểu lầm, anh chắc sẽ nhìn nhận ngay rằng ngoài cách này không còn cách nào khác nữa. Đây có phải là cách suy nghĩ thấp kém của một mình tôi không, khi tôi mong muốn anh – một tiểu thuyết gia trinh thám có tài, một người có học triết, có tinh thần hợp lý, biết cân nhắc kỹ lưỡng – đảm nhận một lãnh vực khó khăn nhất nhưng cũng đầy thích thú trong sự nghiệp này. Không, tôi đã nghe trước tiếng trả lời có lẽ là tức khắc đó của anh.
Tập quán ăn lẫn nhau đã biến mất trong lịch sử nhân loại, nhưng tập quán này không những không có gì là ác, mà lại thuộc vào một loại nghi thức cao cả hợp với quy tắc thiên nhiên. Trước kia chúng ta cũng đã thảo luận về điều đó rồi. Có lẽ anh vẫn còn nhớ đấy chứ. Kết luận của chúng tôi như thế này. Những hiền nhân xưa nay hầu như công nhận việc ăn lẫn nhau là một đức tính. Việc ăn thịt con đực của con ngựa trời đã đưa sự giao hợp từ chỗ chỉ là một lãng phí của sự sống đến chỗ trang nghiêm duy nhất là cái chết, việc chó sói hay chuột ăn thịt nhau có nguồn gốc từ những lo âu đầy tình cảm, quyết không để đồng bạn phải chịu khổ sở hơn nữa, hoặc từ bản tính giữ gìn sạch sẽ, không muốn để tử thi thúi rục làm bẩn trái đất, và do tinh thần hợp lý muốn điều chỉnh số miệng ăn cho thích hợp. Cũng vậy, hành vi của giống người ăn thịt lẫn nhau là một biểu hiện cho ước muốn muốn được kết hợp và lòng thương yêu và kính trọng hầu như có tính cách tôn giáo đối với đối phương. Nhưng, hơn tất cả mọi thứ, một điều không thể lay chuyển được là lời dạy của đấng Ki-tô rằng nếu mục đích trực tiếp của việc giết sinh vật là để ăn, trường hợp đó không có tội. Theo lời dạy đó thì rốt cuộc việc giết người, nếu không phải là một thủ đoạn, mà vì động cơ muốn ăn, sẽ được nhìn nhận là không có tội. Dĩ nhiên người ta nghĩ rằng đó chỉ là một lối khẳng định có tính cách tiêu cực, khó mà nói đó là đức tính gì cả. Nhưng đấy là theo những qui luật nghiêm khắc nhất của tôn giáo. Còn mặt khác, theo quy luật thiên nhiên, những quy luật có tính cách tổng quát của con người, giết người do tự vệ được nhìn nhận là chính đáng, ngay cả chiến tranh cũng được thừa nhận là giữ lành mạnh cho tinh thần phải không? Ở đây, giết người vì muốn ăn thì đúng là chính nghĩa, và phải được xem là một đức tính. Thượng đế ngẫu nhiên đã hết sức khôn khéo dạy chúng ta như thế. Theo tinh thần hợp lý, chính nghĩa lúc nào cũng đứng về phía kẻ tước đoạt.
Tôi dự định đệ đơn lên bộ trưởng trong một ngày gần đây, xin hợp pháp hóa việc giết người với mục đích dùng làm thức ăn. Nội dung cụ thể là, tôi đã chuẩn bị xong đề án của mình, đặc biệt là cách giết người. Tham khảo cách mổ heo ở những công xưởng Mỹ trong những ngày gần đây, tôi đã phát hiện ra một phương pháp không cần phải dùng tay của bất cứ ai; từ những vận chuyển tự động của máy móc, một người đang sống sẽ biến thành xúc xích khi ra khỏi máy. Đây là một phát hiện đầy ý nghĩa phải không? Thứ nhất, vừa có năng suất, có lẽ lại còn có tính nhân đạo nữa. Mặc khác, việc máy móc hóa sức người cho phép tăng số người dùng làm nguyên liệu, thật là hay. Tôi đã đặt tên cho cái máy này là Utopia. 2 Trước cửa vào máy, tôi để một tấm bảng có đề tên Utopia, trang trí đẹp đẽ, rồi quảng cáo rùm beng lên, với ý định quyến rũ những kẻ mong ước Utopia, nghĩa là những kẻ chẳng có một giá trị gì ngoài việc được dùng làm thức ăn, tự động dẫn mình đến. Trong đó vấn đề quảng cáo là quan trọng nhất. Vì vậy cần phải động viên các triết gia toàn quốc. Việc trang trí cần mọi nhà tâm lý học, mọi nhà mỹ thuật. Về điểm này, tôi đặt hết hy vọng lên tài năng to lớn của anh, sớm muộn gì anh cũng sẽ trở thành người tổng chỉ huy công việc đó.
Ngoài ra, không phải không có những ý kiến cho rằng cần phải có chút đỉnh tiền thưởng cho những người muốn vào Utopia, cho nên có lẽ cần phải phong bế trước không để những dư luận phàm tục này xảy ra. Không những chẳng đưa ra một xu nào, mà ngược lại cần phải tước đoạt nhiều hơn nữa. Ngược lại, cần lấy một số tiền vào cửa tương ứng với Utopia. Việc này không những đem lại cho chúng ta hai lần lợi nhuận, mà còn kích thích tâm lý ham muốn của những người muốn vào. Chúng ta kêu gọi như thế này… Đây, Utopia! Còn chờ gì nữa. Hả? Không có tiền hả? Đến đây làm ra tiền đi chứ. Cứ làm người bán xúc xích cho tôi đi. Khổ cực đáng giá lắm. Hãy cố gắng trong vài tháng, sẽ được bảo đảm suốt đời. Utopia này không phải là chuyện nhất thời. Vào rồi cho đến hết, nếu vẫn còn sống, dẫu có chuyện gì đi nữa cũng không cần phải ra… Dĩ nhiên khi ra thì sẽ thành xúc xích đó nghe.
Thôi, hơi lạc đề rồi. Không cần phải nói nữa, một cách cụ thể, chúng ta còn rất nhiều vấn đề phải làm. Trước khi làm đơn xin phép, tôi mong có tức khắc những trợ giúp và khuyên bảo khôn khéo của anh về những điểm đó. Mong anh sớm đến với chúng tôi. Hết lòng hoan nghênh anh. Trong thực đơn ngày hôm đó đặc biệt có thêm món bơ và rau thơm dồn bụng, món thịt quay nguyên một bào thai sáu tháng ngâm mật (vừa đến thời kỳ ăn được, nhất là xương sụn dòn, ngon nhất). Xin hân hạnh được gởi lời mời đến anh.
———————–
Chú thích:
1 Plinius (23-79) nhà bác học văn võ song toàn thời La Mã.
2 Utopia: tiếng Hy lạp được dùng trong tiểu thuyết xã hội không tưởng của Thomas More, để chỉ một xã hội lý tưởng, tiến bộ, rộng lượng đối với mọi tôn giáo.
(Kho tư liêu của Hội NVHP)