Sự thật của nhà văn – Bài viết của Bão Vũ

Nhưng liệu có chắc là ai cũng yêu sự thật và hiểu đúng sự thật? Hay là người ta chỉ thích những sự thật hữu ích đối với mình.

 

Nhiều người thường thích nói một câu rất cũ: “Sự thật, với tôi chỉ có sự thật, sự thật và sự thật”. Thoạt nghe thấy nể phục người nói lắm, thậm chí còn tự ngượng vì mình không được như vậy. Nhưng rồi nghĩ kỹ, lại nhận ra câu nói đó có sự khoa trương, giả dối. Và tệ hơn, câu ấy còn hàm chứa sự kiêu ngạo đáng ghét, rằng, “Tôi trọng sự thật, chứ không như lũ trí trá các anh”.

Nhưng liệu có chắc là ai cũng yêu sự thật và hiểu đúng sự thật? Hay là người ta chỉ thích những sự thật hữu ích đối với mình. Còn hiểu về sự thật thì mỗi vị thày bói có một sự thật về con voi. “Với tôi, con voi thật sự là một đoạn ống cao su lớn luôn ngọ nguậy. Vậy mà sao anh lại có thể khẳng định một cách dối trá rằng con voi chỉ là cái mẩu vòi bơm hủn hoẳn liên tục ngoe nguẩy?”.

Vào cuối năm 1983, tôi đã sống nhiều ngày trong ngôi biệt điện hoang phế của vợ chồng Quốc trưởng Norodom Sihanouk giữa một khu rừng thưa bên bờ vịnh Công-pông-xom. Chúng tôi đã trải qua những đêm dài thấp thỏm đến mất ngủ. Bọn lính Pol Pot được hứa thưởng vàng cho mỗi cái đầu của chúng tôi, những chuyên gia Việt Nam. Đối phó với những bóng ma đen đúa trong bộ quần áo đen tàng hình trong bóng đêm như những Ninja, thì khẩu súng ngắn lên đạn sẵn để bên mình khi ngủ cũng khó mà an toàn. Mỗi sáng, đến Ban Chỉ huy nhận kế hoạch công tác của ngày, chúng tôi thường được nghe những tin, đại loại, đêm qua bọn Pol Pot tập kích xưởng gỗ gần đấy, ta chết mấy người… Gần sáng nay, súng cối nã vào doanh trại bộ đội Việt Nam ở bờ vịnh, quân ta thương vong một số…

Để qua những đêm dài cận kề cái chết, tôi kể chuyện “chưởng” cho đồng đội nghe. Thuở thiếu niên tôi say đọc truyện kiếm hiệp; sau năm 1975, tôi đọc các loại truyện chưởng. Với nhiều người, kể cả những trí thức công chức, văn nghệ sĩ, những cuốn truyện chưởng nhàu nát, chữ photocopy mờ mịt, nhiều trang rách tướp còn có sức hút mạnh mẽ hơn cả những tác phẩm kinh điển bìa cứng, sạch sẽ, sáng láng. Lúc này tôi đem kể lại những chuyện chưởng ấy cho đồng đội nghe. Tôi bịa thêm những đoạn đã quên, lắp ghép truyện nọ với truyện kia, nhưng mọi người không phàn nàn gì cả. Đêm, cứ đúng 10 giờ như chương trình đọc truyện đêm khuya, chúng tôi tắt đèn, chui vào màn chìm đắm vào thế giới của các hiệp khách giang hồ lãng tử, với những cơn “chưởng phong” ào ạt quật đổ cổ thụ, vách đá; những luồng “Lôi chưởng” ầm ầm tan tành thành quách, lâu đài; những chuyện tình oan trái của các giai nhân tuyệt sắc và những kiếm sĩ hào hoa. Mấy người làm nhiệm vụ bảo vệ, chỉ mong chóng hết phiên gác để vào nghe chưởng. Ngày hôm sau tôi còn phải “phát lại” đoạn những người bận ca gác chưa được nghe.

Tất cả im lặng, chăm chú và tin tưởng những điều tôi kể. Im lặng gần như sự thành kính khi lắng nghe thuyết giảng đạo lý. Đến nỗi tôi tưởng họ đã ngủ, thử ngừng lại, thì tất cả nhao nhao lên, giọng tỉnh như sáo: “Rồi sao? Tần Hoài có đỡ được luồng chưởng “Lôi hỏa thần công” của lão ác ma Tu La không?” Tôi hứng khởi bịa tiếp:

Tần Hoài  xuống tấn, vận hết mười hai thành công lực huy động song chưởng lên đỡ… Kỳ lạ thay, luồng hỏa phong dữ dội của Tu La thần công thiêu rụi một vạt rừng, ào ào lướt tới, nhưng khi gặp phải“Hàn âm chưởng pháp” của Tần Hoài bỗng trở nên ôn nhu, lả lướt như ngọn gió nam mát rượi. “Lôi hỏa Thần công” của ác ma Tu La đã bị hóa giải. Còn chính Tu La thì bị giập nát lục phủ ngũ tạng, loạng choạng thối lui hơn chục thước, miệng phun ra một búng máu tươi. Lão ác ma ôm ngực, chỉ mặt Tần Hoài gầm lên:“Tiểu tặc tử, mi chiếm đoạt bí kíp “Hàn âm chưởng” của sư muội Âu Tương Như của ta để hại ta. Hôm nay số mi chưa hết. Hẹn dịp khác lão phu sẽ lấy mạng mi. Nói đoạn, Tu La ác ma tung mình lên nóc đại điện biến mất trong màn đêm.

Mọi người khoái trá cười ha hả. Không ai bình luận là “Bốc phét quá thể”. Thậm chí, khi có một người ngớ ngẩn hỏi: “Lão Ác ma bị nội thương đến mức ấy mà sao còn tung nguời nhảy được lên nóc tòa đại điện, phải cao đến 30 mét, nhỉ?” Lập tức những người khác cằn nhằn khó chịu:“Thế mà cũng hỏi. Tu La đã luyện được mười lăm thành công lực, bị như vậy, lão chỉ cần vận khí chữa thương vài phút là máy móc lại ngon lành như mới luôn.”

Đêm sau, đến hồi kết, tôi lấy giọng thật truyền cảm kể đoạn cuối chuyện tình oan nghiệt của đôi uyên ương hiệp khách, vẫn bịa đặt lắp ghép:

“Âu Tương Như nghiêng mình hai tay nâng thanh Lãnh Nguyệt Bảo đao lên ngang mày nghẹn ngào nói:“Tần Hoài ca ca, báu vật đã hoàn chủ nhân. Xin ca ca nhận lấy. Muội xin bái biệt. Hẹn kiếp sau tái ngộ”. Rồi nàng lặng lẽ lên ngựa đi về phía bìa rừng. Tần Hoài cầm thanh bảo đao trên tay, đứng ngây nhìn theo bóng Âu Tương Như mờ dần sau rặng cây… Chàng khẽ kêu lên:“Như  muội!… Tại sao chúng ta không thể gác bỏ mối thù truyền kiếp phi lý để thành một đôi song kiếm hợp bích, cùng đương đầu với Kim Tiền bang, đem lại sự yên bình cho võ lâm. Tương Như ơi… Sao muội nỡ bỏ ta mà đi?!…” Rừng khuya im lặng. Chỉ có tiếng lá rụng và tiếng loài chim đêm khắc khoải đáp lại lời chàng…”

Đám thính giả của tôi cũng im lặng. Lát sau, tôi nghe có tiếng thở dài đầy thương cảm của ai đó. Lúc ấy chúng tôi đã quên hẳn bọn lính Pol Pot đang rình rập quanh đây. Dường như những người nghe đã tin vào câu chuyện bịa đặt của tôi. Họ là các kỹ sư thủy lợi, kỹ sư xây dựng, các bác sĩ, nhà giáo sang giúp nước bạn xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở xã hội.

Sự thật? Riêng tôi, tôi muốn viết về những điều huyễn hoặc không rõ thực hư. Trong những trường hợp có thể, tôi sẽ phủ một lớp sương mỏng lên câu chuyện về sự thật thô tục. Dĩ nhiên không thể như một nhân vật của Nam Cao cố dùng ánh trăng thanh khiết để che lấp những nhếch nhác của vợ con về cơm áo gạo tiền… Rất cần những nhỏ nhặt thô thiển khe khắt của cuộc sống thực đặt tương phản với phóng túng trữ tình như phép đăng đối.

Nếu người đọc có thể bắt bẻ tôi về sự xác thực của những câu chuyện tôi kể, thì nghĩa là tôi thất bại.

Khi người đọc hoài nghi những điều trong sách của tôi, tôi không muốn, với lợi thế vô can của người viết để tự bào chữa rằng:“ Không đúng à? Đấy chỉ là tiểu thuyết thôi mà”. Tôi muốn tự người đọc tin những điều tôi bịa đặt mà không cần cố thuyết phục. Chính ở cái nơi gọi là Mị Giang ấy, có lần tôi đã rợn người khi nhìn thấy một đôi mắt trong suốt vào tận phía trong hộp sọ, và tôi đã không biết trả lời sao với câu hỏi vô hồn của người có đôi mắt ấy: “Tôi đi đâu?” Chi tiết kỳ dị của cuộc sống thực ấy đã thôi thúc tôi phải viết một cuốn tiểu thuyết về những chuyện phi lý trong một không gian mộng mị.

Trong số những thính giả đêm khuya ở Công-pông-xom ngày xưa, có ông bác sĩ nha khoa. Một lần chúng tôi gặp lại nhau, bác sĩ thân thiết ôm chặt vai tôi, cười buồn buồn như luyến tiếc điều gì đó:

– Này, tôi có đọc mấy cái truyện gì đấy của ông trên báo, không có gì thì đọc tạm cũng đường được. Chứ thật tình tôi thấy truyện các ông viết bây giờ cứ thế nào ấy. Không hay bằng những chuyện ngày trước ông kể ở Công-pông-xom.

Tôi bật cười:

– Thì cũng như ông ăn món “mầm đá” của Trạng Quỳnh vậy thôi. Khi ấy các ông nghe chuyện vớ vẩn gì mà chẳng thấy hay.

Ông bác sĩ nói như một nhà phê bình văn học:

– Không phải thế. Ông không thấy tay giáo sư gì ấy của Trung Quốc nói à. Lão bảo: “Văn học Trung Quốc ba trăm năm sau chỉ còn lại Lỗ Tấn và Kim Dung”. Truyện các ông đọc không vào vì các ông viết thực thà quá. Mà lại cứ phải cố gắng làm cho người ta tin đó là sự thực. Thế là vứt. Này, hay là hôm nào ta tụ tập cái đội Công-pông-xom lại, đến nhà tôi làm một chầu lướt khướt, thịt dê chẳng hạn. Rồi tôi cà răng miễn phí cho các ông. Sau đấy ngủ lại, nhà tôi bao la thoải mái. Đêm, ông kể lại chuyện về thanh Lãnh Nguyệt bảo đao ngày xưa… Bây giờ già rồi mà mỗi khi nhớ đến cảnh Tần Hoài và Âu Tương Như chia tay nhau trong rừng tùng, lại muốn khóc mới buồn cười chứ… Hề-hề-hề…

BV

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder