Sự thật về màu hoa Phách trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu

Đây là thi phẩm được giảng dạy trong nhà trường…

Hải Huyền Phong

“Việt Bắc” (Trong tập thơ Việt Bắc, in đầu tiên năm 1954) là bài thơ nổi tiếng của Tố Hữu, đây là thi phẩm được giảng dạy trong nhà trường và được chọn ra đề thi trên nửa thế kỷ qua. Tuy nhiên câu thơ “Ve kêu rừng phách đổ vàng” vẫn chưa được hiểu theo đúng nghĩa.

Tất cả lý luận đều là… màu vàng.

Trên ba mươi năm trước, là học sinh cấp 3, học bài thơ này tôi còn nhớ như in thày bình: Cảm giác của tác giả nghe hàng ngàn tiếng ve như có màu vàng đổ xuống từng phách nhịp như một bản nhạc rừng. Năm 2012, mở mạng tra cứu, trang Website thptchonthanh.com.vn viết: “Thời điểm ve kêu cũng là thời điểm rừng phách đổ vàng. Động từ “đổ” là động từ mạnh, diễn tả sự vàng lên đồng loạt của hoa phách đầu hè”.

Những lời bình ấy đều hay quá? và những thế hệ học trò mang theo bên mình suốt bao năm mà không biết nó là một thứ đồ giả!

Đồ nghề của thày dạy văn có nhiều thứ, nhưng công cụ chính vẫn là quyển sách giáo khoa và bộ hướng dẫn giảng dạy. Những công cụ này với nghề dạy học được coi như pháp quy.

Tư liệu văn học 12 – tập 1 – Nguyễn Văn Long chủ biên – Nxb Giáo dục, 2001, trang 44, viết: Tác giả đã từ bao năm trời cặn kẽ trông nhìn đồng bào miền núi; đã bao nhiêu mùa ngắm nhìn phong cảnh, thuộc các mùa hoa của núi rừng: Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi… Ve kêu rừng phách đổ vàng. Các tác giả nổi tiếng về phương pháp và uyên thâm văn học, lại đứng tên chủ biên các bộ sách giáo khoa văn học như Nguyễn Đăng Mạnh, Phan Trọng Luận, Trần Đình Sử, trong các cuốn Văn học 12 tập 1 – Nxb Giáo dục, 1995; Văn học lớp 12 tập 1 (sách chỉnh lí năm 2000), Ngữ văn 12 tập 1 ( Nxb Giáo dục, 2008), đều chú  giải Phách: Một loại cây thân gỗ, nở hoa vàng đầu mùa hè. Đương nhiên các bộ sách hướng dẫn tương ứng cũng theo sách giáo khoa mà chỉ dụ người dạy làm theo. Duy có  2 cuốn “Hướng dẫn thực hiện chương trình sách giáo khoa 12 môn Ngữ văn” ( Nxb Giáo dục, 2008) và “Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức kỹ năng môn Ngữ văn 12” ( Nxb Giáo dục, 2010) là không đề cập cụ thể chi tiết.

Do là pháp quy và do niềm tin vào sách với hệ thống người biên soạn là những “cây đa” lý luận, cho nên thày chỉ dựa vào sách giáo khoa, sách định hướng phương pháp… mà dạy. Mặt khác, không phải tất cả giáo viên dạy văn toàn quốc đều biết cây phách như thế nào; còn nữa đó là do nguyên nhân về khả năng thẩm thơ và quan niệm “an toàn, đỡ mất thời gian” mà người dạy lờ đi. Và đương nhiên trò cứ thế mà học, thời gian kéo dài trên 50 năm, mà một sự thật vẫn trong im lặng.

Thực tiễn cây Phách mãi mãi ra hoa tím

Khi đọc Văn nghệ Tuyên Quang, truyện ngắn Mùa hoa phách tím của (Nguyễn Trọng Hùng- Hội VHNT Tuyên Quang), có đoạn “ Sang thu nắng dịu, trời trong . Ve không còn rả rích nữa…. Rừng dậy một màu tím ngan ngát, đằm thắm. Hoa phách đấy. “ Ve kêu rừng phách đổ vàng” . Cây gỗ phách chỉ vùng này mới có. Lá phách úa vàng rụng vào mùa hè, còn thu sang hoa nở tím rừng”. Cứ liệu văn chương này cho thấy, bản thân nhà văn sinh hoạt tại vùng đất nơi bài thơ Tố Hữu ra đời phản ánh, thì có căn cứ khá chắc chắn. Theo nghiên cứu của tác giả Ngô Cường (Báo giáo dục thời đại số 34 năm1993), thì cây phách là một loại lim nhân dân địa phương gọi là “lim mí xẹt”. Giữa mùa hè, phách nở hoa tím khá đẹp. Còn trước đó vào đầu mùa hè (tháng 3 tháng 4) thì lại thay lá, chuyển từ màu xanh sang vàng đồng loạt, chỉ trong ít ngày.

Tìm trong tư liệu về Tố Hữu, thì thấy chính nhà thơ cũng đã từng cắt nghĩa rất rõ về  cây Phách, Ông viết “Phách là loại cây gỗ cao, cuối hè đầu thu thì lá vàng rực lên” (Nhớ lại một thời- Hồi kí- Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2000). Như vậy tác giả nói lá vàng (đổ lá vàng) chứ tuyệt nhiên không phải hoa.

Tháng 8, năm 2012 có dịp cùng đoàn cán bộ quản lý Hải Phòng thăm khu ATK, chúng tôi cố gắng đi tìm cây phách. Tại khu vực gần Lán Nà Lừa, thấy có những cây thân to cao, lá cây xanh như lá khế, hoa tím ngát kết thành từng chùm, trong đoàn có người bảo đó là cây khế rừng; nhưng cô hướng dẫn viên cười, nói “dạ không, đó là cây phách trong bài thơ Tố Hữu chắc các anh chị biết cả. Khoảng tháng 4 âm lịch lá xanh chuyển sang vàng và rụng, khoảng tháng 5 âm lịch bắt đầu trổ hoa tím”. Trên 100 người trong đoàn chúng tôi đều ngẩn mặt, sự thật quả là đơn giản như hai với hai là bốn vậy!

Tôi có gặp người bạn học đại học cũ là cô giáo Hoàng Tố Phấn, dạy học ngay tại tỉnh này,  khi hỏi, bạn nói: Đành rằng cây phách ra hoa tím, nhưng phải dạy như sách thôi, với lại “văn chương tự cổ vô bằng cớ” nếu từ “phách” mà tác giả dùng không phải là cây phách mà là phách nhịp trong nhạc thì sao? Nhưng quan trọng hơn nếu bài thi mà viết hoa phách màu tím, các giám khảo có khi còn hạ điểm của học trò mình ấy chứ! Sẽ không ít giáo viên “thổ địa” cũng sẽ có những quan điểm vậy làm cho sự thật cứ gói kín mãi.

Tố Hữu là một tác gia lớn giữ một vị trí quan trọng trong sách giáo khoa phổ thông. Những tác phẩm của ông dùng làm đề thi trên nửa thế kỷ, nhưng có những hình ảnh trong thơ ông vẫn bị hiểu sai lệch, thậm chí sai hoàn toàn, Mặc dầu vậy người in, người hướng dẫn chú giải, người dạy và người học cứ dùng thản nhiên và bình luận…vô tư! Thực tế này cần có những điều chỉnh khẩn cấp, cũng như cần rà soát lại nhiều thông tin trong các tác phẩm khác, bởi sách dành cho giáo dục luôn cần sự chuẩn mực rất cao.

HHP

( Bài đã đăng trên Hải Phòng cuối tuần)

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder