Sân khấu hóa trích đoạn Truyện Kiều, một hình thức dạy học trải nghiệm sáng tạo – TS. Trần Văn Trọng

TS. Trần Văn Trọng (sinh năm 1975, trưởng khoa Ngữ văn – Địa lí, trường ĐH Hải Phòng) là một chuyên gia nghiên cứu về văn học Trung Quốc, văn học trung đại. Bài viết dưới đây về vấn đề sân khấu hóa  trích đoạn Truyện Kiều đã được trình bày trong Hội thảo Quốc gia Giảng dạy, học tập Nguyễn Du & Truyện Kiều trong nhà trường  do trường ĐH Hải Phòng và Hội Kiều học tổ chức vào tháng 9/2018 vừa qua. VHP xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

       Truyện Kiều – đại danh tác của thi hào Nguyễn Du từ lâu đã có một vị trí tối thượng trong lịch sử văn học Việt Nam. Hiếm có một tác phẩm văn học nào trong nền văn học nước nhà được bạn đọc hơn hai thế kỷ nay tiếp nhận, nghiên cứu và đánh giá từ nhiều quan điểm, lý thuyết [5] mà vẫn chưa bao giờ hết sức hấp dẫn với bạn đọc. Truyện Kiều như viên ngọc đa sắc mà dưới mỗi góc độ tiếp nhận, bạn đọc đều thu về cho mình một triết lý, một suy ngẫm hay đơn giản chỉ là một xúc cảm tinh thần đến trong lúc bất chợt. Là một kiệt tác có ý nghĩa, giá trị phổ quát mang “tầm” nhân loại nên những vấn đề Truyện Kiều đặt ra cho đương thời và hậu thế vẫn luôn mang tính thời sự nóng hổi. Ở góc độ này, vị trí của Truyện Kiều  cũng như Nguyên Du có thể được sánh ngang với các tác gia vĩ đại thế giới như Tào Tuyết Cần (Trung Quốc), W.Shakespeare (Anh) mà các kiệt tác văn chương của họ đã trở thành đối tượng nghiên cứu của ngành học lấy chính tác phẩm và nhà văn để nghiên cứu như Hồng học, W.Shakespear học. Truyện Kiều cũng vậy, dù chưa chính thức song thực tiễn hơn hai trăm năm qua, nó đã trở thành đối tượng của ngành Kiều học với mục tiêu nghiên cứu Truyện Kiều và các sáng tác của Nguyễn Du.

1. Với vị trí hết sức đặc biệt trong lịch sử văn học nước nhà cũng như giá trị và ý nghĩa văn hóa, giáo dục to lớn nên dễ hiểu Truyện Kiều là tác phẩm văn học quan trọng bậc nhất trong chương trình giảng dạy văn học ở nhà trường phổ thông gần một thế kỷ nay. Tính từ cuốn sách giáo khoa của Dương Quảng Hàm thập niên 1920 cho đến chương trình trình văn học thời kỳ kháng chiến chống Pháp của Hoàng Xuân Hãn, rồi chương trình văn học phổ thông ở miền Nam và miền Bắc trước 1975 cũng như chương trình sách giáo khoa môn Văn sau 1975 qua nhiều lần cải cách đến nay[4]. Giống như tính “phức tạp” của tình hình nghiên cứu Truyện Kiều từ nhiều góc độ tiếp cận khác nhau, việc giảng dạy Truyện Kiều trong nhà trường phổ thông cũng phản ánh quan điểm áp dụng các thành tựu kết quả của những hướng tiếp cận nghiên cứu Truyện Kiều vào việc giảng dạy tác phẩm/trích đoạn. Việc lựa chọn đoạn trích nào, số lượng bao nhiêu trong SGK đầu thế kỷ XX cho đến SGK miền Nam và miền Bắc và từ sau ngày thống nhất đến nay cho thấy, một mặt tính đa dạng của các quan niệm dạy học về giá trị Truyện Kiều, mặtk khác cũng phản ánh vị trí “đặc biệt” của Truyện Kiều qua số lượng đoạn trích, số tiết dành cho tác phẩm này luôn chiếm nhiều nhất trong phân phối chương trình môn Văn trong tương quan với các tác giả và tác phẩm khác. Điều này thực ra không có gì đáng bàn cãi. Vấn đề nằm ở chỗ, với một tác phẩm hàm chứa hằng số giá trị văn hóa, ý nghĩa giáo dục lớn như Truyện Kiều, việc truyền tải những điều này đến được học sinh được bao nhiêu qua những tiết dạy các trích đoạn? Thực tiễn dạy học Truyện Kiều ở trường phổ thông nhiều năm qua còn bộc lộ nhiều bất cập xung quanh cách dạy và cách học Truyện Kiều nói riêng cũng như cách dạy và cách học các tác phẩm văn học trung đại khác nữa. Những bất cập đó có nguyên nhân từ cả phía khách quan (tác giả, tác phẩm, thời đại…) lẫn phía chủ quan của người dạy (giáo viên), người học (học sinh) và phương pháp – kỹ thuật dạy học.

Những khó khăn, hạn chế trong dạy học Truyện Kiều ở trường phổ thông trước tiên nằm ở vấn đề tác giả, tác phẩm. Truyện Kiều thuộc về một nền văn hóa trung đại với cách tâm lý, tư duy, quan niệm thẩm mĩ,  cách cảm, cách nghĩ khác biệt so với nhận thức, tư duy, tâm lý và quan niệm thẩm mĩ của con người hiện đại. Đây là một rào cản không dễ gì vượt qua không chỉ với học sinh mà ngay với giáo viên non kinh nghiệm, sự tích lũy tri thức văn hóa văn học trung đại hạn chế nhiều khi không thể vượt qua. Do đó, nhiều tiết học Truyện Kiều diễn ra tẻ nhạt, giáo viên thao thao bất tuyệt song đi vào từng chi tiết, từng điển cố thì giải thích sai lạc nhầm lẫn. Để dạy được Truyện Kiều hấp dẫn, sâu sắc đòi hỏi giáo viên có một “phông nền” văn hóa, văn học trung đại tương đối phong phú, từ tư duy và quan niệm triết học, quan niệm thẩm mĩ và phải nắm bắt được quy luật nghệ thuật đặc thù trung đại (như mô phỏng cốt truyện, vận dụng điển cố, các thủ pháp nghệ thuật…). Việc không hiểu đặc trưng tư duy thẩm mĩ của con người thời trung đại là “truyền thần” và “ước lệ” nên có giáo viên giải thích từ “khuôn trăng” trong câu khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang là Nguyễn Du tả Thúy Vân mặt tròn vành vạnh như trăng rằm. Giải thích như vậy thực ra không hiểu bút pháp tượng trưng của Nguyễn Du. “Khuôn trăng” ở đây không phải là tả thực khuôn mặt “bánh đúc” của Thúy Vân mà là tả vẻ đẹp viên mãn, đầy đặn. Vẻ đẹp này hàm chứa thông điệp Thúy Vân có cuộc sống vô tư lự, thiếu chiều sâu tinh thần, nội tâm và vì thế Thúy Vân có một cuộc đời yên lành, không song gió và đa đoan như Thúy Kiều. Nó khác với với vẻ đẹp “hoa nhường” “nguyệt thẹn” của Thúy Kiều báo hiệu cuộc đời sóng gió chìm nổi sau này của cô. Lối tả này vốn là bút pháp văn học trung đại vốn không phải là “sở hữu” riêng của văn học Việt Nam mà văn học Trung Quốc cũng vậy. Ai đã đọc Hồng lâu mộng – một bộ “tuyệt thế kỳ thư” của tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc cũng sẽ thấy cách tả vẻ đẹp “tròn trịa, đầy đặn” của Tiết Bảo Thoa với vẻ đẹp “hao khuyết” “mong manh” của Lâm Đại Ngọc. Và gắn với lối tả như vậy, tính cách, tâm lý và kết cục số phận cuộc đời của nhân vật cũng tương ứng. Lối giải thích “sống sượng” không nắm được đặc trưng tư duy thẩm mĩ trung đại như vậy không phải là ít trong dạy học Truyện Kiều cũng như các tác phẩm văn học trung đại khác. Một ví dụ khác, có giáo viên đã hùng biện và “tán” rất hay về ý nghĩa hai câu Nhân dân bốn cõi dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới/Tướng sĩ một lòng phụ tử hòa nước sông chén rượu ngọt ngào trong bài Cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi, nào là tư tưởng đại đoàn kết toàn dân đã được Nguyễn Trãi nêu lên cách đây hơn 600 năm khi nói về sự đồng lòng của tướng sĩ nghĩa quân Lam Sơn. Người dạy đã không căn cứ vào nguyên tác chữ Hán trong bài Cáo mà chỉ dựa vào bản dịch đã “tán” ý nghĩa của hai chữ nhân dân. Thực ra, nguyên tác chữ Hán hai chữ nhân dân của bài Cáo là manh lệ (氓隸) hoàn toàn không có ý nghĩa là nhân dân (people) mà chỉ có nghĩa là những người dân nghèo khổ thuộc tầng lớp thấp kém trong xã hội [3], trong đó manh (氓) gồm hai thành tố: chữ dân (民) và chữ vong (亡) ghép lại, có nghĩa là người mất hết tài sản (vô sản), tức người cùng khổ; còn lệ (隸) có nghĩa nô lệ, tôi tớ, lệ thuộc. Như vậy nghĩa của manh lệ giống như nghĩa của từ miserable (người cũng khổ) trong tiếng Pháp. Giải thích manh lệnhân dân có thể khiến hàm nghĩa của từ manh lệ bị hao hụt, ít nhiều ảnh hưởng đến tinh thần của nguyên tác. Chủ ý của Nguyễn Trãi nói dân manh lệ vì bị giặc Minh áp bức cùng quẫn mà khắp nơi nổi dậy tập hợp dưới lá cờ tụ nghĩa của Lê Lợi chống lại quân Minh. Đó là quy luật “quan bức dân phản” trong lịch sử phong kiến trung đại.

Với truyền thống văn hóa, tư duy văn học trung đại như vậy, việc đòi hòi những học sinh THCS và THPT phải hiểu được những tư tưởng, triết lý cao siêu, xa vời và hàng loạt những khó khăn trở ngại về điển cố, điển tích, cốt truyện, quy luật miêu tả đúc kết nghệ thuật của tác giả, tác phẩm khiến cho các tiết học Truyện Kiều càng trở nên xa lạ, nhạt nhẽo và vô vị, rất khó lay động cảm xúc văn chương của học sinh. Đó không phải lỗi của học sinh. Những khó khăn tương tự như dạy học Truyện Kiều cũng là tình huống chung của học sinh phổ thông các nước khác khi học các tác phẩm văn học cổ điển. Học sinh phổ thông Trung Quốc cũng cảm thấy khó hiểu với tư duy thẩm mĩ, mã nghệ thuật thơ Đường, tiểu thuyết cổ điển, hý khúc. Học sinh nước Anh cũng gặp nhiều khó khăn trong việc lĩnh hội tinh thần của nguyên tác nếu không được chú thích kỹ càng khi học  bi kịch của W.Shakespeare do không thể đọc trực tiếp bằng nguyên bản, vì tiếng Anh của thế kỷ XVI khác xa với tiếng Anh thế kỷ XX – XXI. Với học sinh Việt Nam, tiếp nhận Truyện Kiều và các tác phẩm văn học trung đại khác cũng vậy thôi. Vấn đề là, trước thực tiễn đó cần phải có một phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực như thế nào để khơi dạy đồng cảm, từ đó kích thích tình yêu văn chương của học sinh. Thực trạng dạy học Ngữ văn và Truyện Kiều nói riêng nhiều năm qua hết chuyển từ thái cực lấy người thầy làm trung tâm sang cực lấy học trò làm trung tâm, từ truyền thụ kiến thức sang phát triển kỹ năng, năng lực. Mỗi phương pháp và cách thức dạy học đều có ưu thế, sở trường và những hạn chế riêng không thể khắc phục. Điều quan trọng là, phương pháp, kỹ thuật nào cũng phải thích ứng với đối tượng dạy học. Vì vậy trong dạy học, các nhà giáo dục đòi hỏi một cách thức dạy học phối hợp nhiều phương pháp, phương tiện và kỹ thuật dạy học tích cực để phát huy tối đa sự năng động, sáng tạo của học sinh từ đó hình thành phẩm chất và năng lực. Đó là quan điểm dạy học phát triển năng lực và phẩm chất.

2. Với mục tiêu “chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn…” [1] của Nghị quyết TƯ 29 về đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT đã đặt ra cho các nhà lý luận dạy học về đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp tổ chức dạy học sao cho hiệu quả nhất. Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn được công bố tháng 1 năm 2018 có thể nói đã phản ánh định hướng đổi mới chương trình và sách giáo khoa theo hướng hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất người học. Không bàn đến một số điểm còn hạn chế và chưa rõ của dự thảo chương trình, nhìn chung thiết kế tổng thể chương trình khá hợp lý, nhiều ưu điểm, đặc biệt trong đó nhấn mạnh đến đổi mới hình thức và phương pháp tổ chức dạy học. Trong dự thảo chương trình môn Ngữ văn quy định, bậc THPT có tổng số 105 tiết chia đều mỗi lớp 35 tiết để dạy học các chuyên đề tự chọn. Nội dung các chuyên đề tự chọn do Nhà trường và giáo viên thiết kế xây dựng sao cho phù hợp với tình hình thực tế về đội ngũ, cơ sở vật chất, điều kiện đặc thù của nhà trường và địa phương. Hình thức và phương pháp tổ chức các chuyên đề tự chọn có thể là dạy học dự án theo hướng vận dụng các kiến thức đã học kết hợp kiến thức tìm hiểu mở rộng để xây dựng một ý tưởng dự án có tính khả thi. Ví dụ như sân khấu hóa các tác phẩm văn học hay trích đoạn tác phẩm, viết kịch bản và xây dựng một phóng sự văn học, điều tra – nghiên cứu về một vấn đề có liên quan đến lĩnh vực ngôn ngữ và văn học do thực tiễn xã hội đặt ra….Rõ ràng đây là một trong những điểm rất mới mẻ của dự thảo chương trình. Chương trình phổ thông hiện hành, tuy có giờ học tập ngoại khóa nhưng lại không bắt buộc, do đó thực tế là giờ học tập ngoại khóa thường biến thành giờ tham giam quan cho học sinh sau khi kết thúc năm học – đó là giờ “chơi” chứ không phải giờ “học”. Dự thảo chương trình Ngữ văn mới đã khắc phục được những hạn chế của chương trình hiện hành như chương trình khép kín, chưa tạo được không gian cho sự sáng tạo, sự chủ động cho nhà trường, bộ môn và giáo viên, hình thức tổ chức dạy học cố định, dạy học chủ yếu diễn ra trên bục giảng lớp học, dạy học nặng về kiến thức mà không coi trọng phát triển năng lực thực hành. Ưu điểm nổi bật của chương trình Ngữ văn mới là nó gắn việc hiểu kiến thức với vận dụng và sáng tạo, tức không chỉ có nguyên lý học đi đôi với hành mà còn yêu cầu cao hơn là sáng tạo trên nền kiến thức đã được trang bị. Trong số các hình thức và tổ chức dạy học các chuyên đề tự chọn, hình thức sân khấu hóa tác phẩm hoặc trích đoạn tác phẩm văn học là một hướng dạy học dự án, dạy học chuyên đề khá hay và có tính khả thi rất cao.

3. Trong dự thảo chương trong Ngữ văn mới, điều đáng mừng là vị trí của Truyện Kiều là “bất khả xâm phạm” – đây là một trong sáu tác phẩm bắt buộc phải học ở bậc THPT cùng với các tác phẩm Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Cáo Bình Ngô, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Tuyên ngôn độc lập. Do là một tác phẩm bắt buộc nên số tiết phân phối trong chươnmg trình dành cho Truyện Kiều hiển nhiên sẽ lớn. Đây là một lợi thế rất lớn cho việc xây dựng, thiết kế dự án “sân khấu hóa” Truyện Kiều hoặc các trích đoạn tác phẩm. Dạy học Truyện Kiều theo hướng sân khấu hóa các trích đoạn có nhiều ưu điểm mà dạy học theo hướng truyền thống trước nay không phát huy được, đó là tạo được tâm thế được “đồng điệu” của giáo viên và học sinh với tác giả, từ đó khơi gợi cảm hứng sáng tạo của học sinh thông qua việc hóa thân, nhập vai vào các hình tượng nhân vật. Thực tế hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm của học sinh dưới hình thức dạy học dự án, trong đó sân khấu hóa trích đoạn Truyện Kiều là một nội dung quan trọng đã được thực hiện ở một số trường THCS và THPT trong cả nước. Có thể kể ra các dự án dạy học đã được thực hiện thành công như “Học sinh Phú Nhuận với Truyện Kiều”[6] của trường THPT Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh hay chuyên đề ngoại khóa “Trải nghiệm sáng tạo Nguyễn Du và Truyện Kiều” [7]của trường THCS Lê Hồng Phong (Hà Tĩnh) và học sinh lớp 10A12 trường THPT Trương Vương (thành phố Hồ Chí Minh) với hoạt động ngoại khóa “Truyện Kiều – từ trang thơ đến cuộc sống” [9]….và nhiều trường phổ thông khác với các hình thức rất sáng tạo như thi đố Kiều, lẩy Kiều, tập Kiều, ngâm Kiều và đặc biệt các trích đoạn sân khấu Truyện Kiều rất đa dạng. Hiệu quả đạt được của các tiết sân khấu hóa trích đoạn tác phẩm này theo chia sẻ của các giáo viên và học sinh là rất tích cực. Qua các trích đoạn sân khấu do chính học sinh thiết kế, xây dựng dưới sự tư vấn, chỉ đạo của giáo viên và bộ môn Ngữ văn đã giúp học sinh thấy hứng thú yêu Truyện Kiều hơn, từ đó nhận thức về giá trị giáo dục, văn hóa của Truyện Kiều đến một cách tự nhiên, “ngấm” vào tâm hồn học sinh một cách sâu sắc hơn nhiều qua kênh “giảng” như trước đây của giáo viên. Tuy nhiên, để có được một buổi trình diễn sân khấu hóa các trích đoạn Truyện Kiều đòi hỏi sự lao động lao động miệt mài, sự chuẩn bị chu đáo trong một thời gian dài của cả một tập thể từ bộ môn, giáo viên chịu trách nhiệm chính cho đến học sinh của lớp/khối lớp.

Dạy học Truyện Kiều cũng như các tác phẩm khác theo hướng trải nghiệm sáng tạo với hình thức sân khấu hóa trích đoạn rất phù hợp với định hướng giáo dục hình thành phẩm chất và năng lực cho học sinh của chương trình phổ thông mới. Học sinh không chỉ được học, tiếp thu một chiều mà còn biết vận dụng kiến thức để “tạo” ra một sản phẩm mới – vở kịch hoặc tiểu phẩm trích đoạn, mà ở đó học sinh dưới sự hướng dẫn của giáo viên phải huy động tổng hợp nhiều kiến thức liên ngành lịch sử, ngôn ngữ, văn học, văn hóa, sân khấu … để xây dựng thành một tác phẩm sân khấu. Dạy học Truyện Kiều theo hướng sân khấu khấu hóa giúp học sinh hiểu mối quan hệ giữa văn học với nghệ thuật sân khấu, biết thế nào là sân khấu hóa tác phẩm/trích đoạn tác phẩm từ đó lựa chọn được các trích đoạn Truyện Kiều phù hợp để tiến hành biên kịch. Đặc trưng của loại hình nghệ thuật  sân khấu là tái hiện mâu thuẫn xung đột thông qua hành động và tính cách của nhân vật trên sân khấu nên giáo viên và học sinh có thể lựa chọn những trích đoạn Truyện Kiều đảm bảo nguyên tắc nghệ thuật của sân khấu trên như các đoạn trích Gia biến, Kiều báo ân báo oán, Mã Giám Sinh mua Kiều, Trao duyên…rồi lựa chọn thể loại sân khấu phù hợp với đoạn trích như cải lương, chèo, kịch nói, nhạc kịch, tiểu phẩm hài…Sau đó là công đoạn xây dựng kịch bản sân khấu theo hình thức thể loại sân khấu đã lựa chọn, chuyển thể ngôn ngữ văn học thành ngôn ngữ sân khấu. Việc viết kịch bản sân khấu phải đảm bảo kịch bản phải có phân hồi, phân lớp, phân vai và đúng hình thức thể loại sân khấu, đặc biệt các quy tắc có tính ước lệ nghệ thuật về ngôn ngữ (lời thoại), hành động và các đạo cụ được sử dụng trong vở diễn. Khâu viết kịch bản sân khấu là khâu khó, vì vừa phải viết đảm bảo đúng loại hình sân khấu vừa phải hình dung, tưởng tượng vở diễn sẽ diễn ra theo đúng ý đồ của người biên kịch. Vì là khâu khó nhất nên rất cần thiết giáo viên trực tiếp biên kịch, dĩ nhiên cũng tham khảo những ý tưởng nhiều khi rất mới mẻ và bất ngờ của những học sinh có thiên hướng năng khiếu nghệ thuật. Mặt khác, Truyện Kiều là một trong những tác phẩm văn học được chuyển thể sân khấu khá nhiều, từ chèo, tuồng, cải lương… nên trong khi viết kịch bản trích đoạn, giáo viên cần tham khảo cách xây dựng hình tượng, ngôn ngữ nhân vật, cách diễn xuất, phục trang, đạo cụ… của các vở diễn về Truyện Kiều đã có để có thể có những gợi ý cho việc viết kịch bản và chỉ đạo diễn xuất sau này.

Kịch bản trích đoạn được viết xong, khâu tiếp theo là lựa chọn “diễn viên” (học sinh) vào vai các nhân vật. Những em học sinh có lòng yêu thích nghệ thuật và khả năng diễn xuất được chọn để thử vai. Yêu cầu cần đạt là học sinh phải biết hóa thân vào nhân vật và biết diễn xuất trên sân khấu. Kịch bản dù có hay mà học sinh không biết diễn xuất, không biết biểu cảm, không thể hiện được tâm lý, tính cách của nhân vật thì vở kịch coi như thất bại. Ngoài việc chọn đúng được học sinh vào vai, giáo viên lúc này giống như nhà đạo diễn phải tổ chức cho học sinh tập luyện thường xuyên theo kế hoạch, chỉ dẫn cách diễn xuất sao cho phù hợp với nhân vật mà mình hóa thân từ ngôn ngữ, hành động, điệu bộ, cử chỉ…cũng như biết tương tác với bạn diễn. Về phía học sinh, cần chuẩn bị tâm thế tốt nhất đề hòa nhập vào vai nhân vật. Muốn vậy, các em phải nắm chắc nội dung tư tưởng của kịch bản, thuộc lòng lời thoại của nhân vật và phải huy động tối đa trí tưởng tượng cũng như khả năng đào sâu tâm lý, tính cách nhân vật và suy nghĩ mình phải diễn sao cho hiệu quả nhất. Dĩ nhiên điều này không phải một lần là làm được mà phải trải qua tập luyện nhiều lần với sự góp ý, tư vấn của thầy cô và bạn diễn.Như vậy, sau một quá trình chuẩn bị từ khâu lựa chọn trích đoạn, xây dựng kịch bản, tập luyện diễn xuất, cuối cùng là thực hành trình diễn trích đoạn trên sân khấu. Đây là khấu cuối cùng và là khâu quyết định thành bại của cả một tập thể qua vở diễn. Tùy vào điều kiện thực tế của nhà trường mà bố trí sân khấu biểu diễn, các phương tiện, đạo cụ và trang phục…. để buổi trình diễn được tốt nhất.

Một tiết mục trích đoạn Truyện Kiều được sân khấu hóa thường phải có sự chuẩn bị tương đối dài trong vài ba tháng nên trong mỗi học kỳ chỉ nên xây dựng một trích đoạn sân khấu, tránh việc đặt mục tiêu quá cao xây dựng vài ba trích đoạn trong một học kỳ có thể ảnh hưởng đến việc học tập của các môn học khác trong chương trình. Và do thời gian chuẩn bị cho vở diễn được tiến hành trong một thời gian tương đối dài, việc duy trì cảm hứng, động lực, sự háo hức của học sinh cần phải được giáo viên lưu ý bởi tâm lý của học sinh – lứa tuổi vừa thích khám phá nhưng cũng dễ “cả thèm chóng chán”.

4. Tóm lại, môn Ngữ văn với mục tiêu tạo cho học sinh “cơ hội khám phá bản thân và thế giới xung quanh, thấu hiểu con người, biết đồng cảm, sẻ chia, có cá tính và đời sống tâm hồn phong phú, có quan niệm sống và ứng xử nhân văn” [2] nên việc dạy học Ngữ văn nói chung và dạy học Truyện Kiều nói riêng theo hướng sân khấu hóa thông qua các dự án học tập của học sinh là một trong những cách thức phát huy được tối đa định hướng dạy học phát triển năng lực và phẩm chất người học. Thông qua các dự án sân khấu hóa tác phẩm/trích đoạn sân khấu Truyện Kiều, học sinh không chỉ được học mà còn được trải nghiệm, được sống, được hóa thân vào vào các nhân vật để cùng “khóc” cùng “cười” cùng “tri âm” với nỗi đau nhân thế “ba trăm năm” của đại thi hào Nguyễn Du. Được hóa thân vào nhân vật, được sống và trải nghiệm cuộc đời cùng các nhân vật trong Truyện Kiều, thiết tưởng đó là một cách giáo dục lòng nhân văn, nhân ái, yêu truyền thống văn hóa của cha ông một cách sâu sắc tự nhiên mà không cần đến những lời thuyết lý khô khan, trừu tượng nào.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. BCHTW, Nghị quyết số 29 về Đổi mới căn bản và toàn diện về giáo dục và đào tạo, ngày 4/11/2013.

2. Bộ GD&ĐT, Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn (dự thảo), Hà Nội, tháng 1/2018.

3. Trần Văn Chánh, Từ điển Hán Việt – Hán ngữ cổ đại và hiện đại, Nxb Trẻ, 2005.

4.Trần Đình Sử, Truyện Kiều trong chương trình trung học Việt Nam, https://trandinhsu.wordpress.com/…/truyen-kieu-tromh-chuong-trinh-trung-hoc-viet-n.

5. Trần Nho Thìn, Các vấn đề của Truyện Kiều qua LS tiếp nhận hai thế kỷ,www.vanhoanghean.com.vn/…/cac-van-de-cua-truyen-kieu-qua-lich-su-tiep-nhan-hai…

6.Trường THPT Phú Nhuận, Học sinh Phú Nhuận với Truyện Kiều, http://truongphunhuan.edu.vn/cac-mon-hoc/mon-van/920-du-an-hoc-sinh-phu-nhuan-voi-truyen-kieu.html.

7. Trường THCS Lê Hồng Phong, Trải nghiệm sáng tạo Nguyễn Du – Truyện Kiều,http://thcslehongphong.thachha.edu.vn/vi/news/Cau-lac-bo-cac-mon/TRAI-NGHIEM-SANG-TAO-TRUYEN-KIEU-NGUYEN-DU-1063

8. Trường THPT Nghèn, Ngoại khóa Truyện Kiều,

http://thptnghen.edu.vn/vi/news/Tin-tuc-Su-kien/CHUONG-TRINH-NGOAI-KHOA-NGUYEN-DU-TRUYEN-KIEU-174.html

9. THPT Trương Vương, Truyện Kiều – từ trang thơ đến cuộc sống,

https://www.google.com.vn/search?q=hoạt+động+ngoại+khóa+”Truyện+kiều+-+từ+trang+thơ+đến+cuộc+sống”+của+HS+lớp+10A12+trường+THPT+Trưng+Vưng

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder