Nhớ hồi nhỏ, đọc Hồng lâu mộng, có câu thơ đọng mãi trong lòng: “Sen tàn nghe rốn tiếng mưa thu…”. Ngày ấy, chỉ biết đọc và yêu câu thơ mà chưa thật hiểu. Đến hôm nay, sang mùa thu của cuộc đời, gặp hồ sen tàn, dường như đã ngộ ra đôi chút…
Nhớ hồi nhỏ, đọc Hồng lâu mộng, có câu thơ đọng mãi trong lòng: “Sen tàn nghe rốn tiếng mưa thu…”. Ngày ấy, chỉ biết đọc và yêu câu thơ mà chưa thật hiểu. Đến hôm nay, sang mùa thu của cuộc đời, gặp hồ sen tàn, dường như đã ngộ ra đôi chút.
SEN TÀN NGHE RỐN TIẾNG MƯA THU
Chiều thu đi lang thang, tôi kinh ngạc bắt gặp một hồ sen tuyệt đẹp giữa Hà Nội. Nép vào một góc Hồ Tây, rộng chừng 6 héc- ta, hồ sen ẩn trong ồn ào phố thị, như một mảnh thời gian trong vắt bị lãng quên. Cái lạnh cuối thu mơn man trên da, gợi nhớ câu thơ của Nhà thơ Việt Phương: “Gió ơi, gió hãy vừa đủ lạnh/ Cho những lứa đôi chụm mái đầu…”
Không một bóng người, con đường nhỏ ven hồ ngập trong cây và cỏ dại. Hồ sen trong veo in bóng mây trời. Mùa sen đã qua từ lâu, chỉ còn những cuộng sen đã bị ngắt hoa thẫm màu ngơ ngác, cố vươn lên dõi tìm cánh hồng đã bị lìa xa. Những lá sen cái còn xanh, cái héo ngả màu nâu, cái đã rạc chỉ còn lại gọng xương, cái lập lờ trên nước, cái ủ rũ cúi mình soi gương tiếc một thời nhan sắc đã qua. Ai bảo cảnh sen tàn không đẹp? Có một chút gì đìu hiu u tịch, một chút gì buồn bã kiêu sa làm lòng bỗng bàng hoàng.
Nhớ hồi nhỏ, đọc Hồng lâu mộng, có câu thơ đọng mãi trong lòng: “Sen tàn nghe rốn tiếng mưa thu…”. Ngày ấy, chỉ biết đọc và yêu câu thơ mà chưa thật hiểu. Đến hôm nay, sang mùa thu của cuộc đời, gặp hồ sen tàn, dường như đã ngộ ra đôi chút.
Sen đã nỗ lực vươn lên từ đáy nước, chắt chiu tinh túy của đất trời để dâng cho đời sắc hương thanh khiết. Thời vàng son đã qua, còn lại đây những lá sen tàn mang trên mình dấu ấn thời gian, trầm tư trong nỗi buồn mùa thu hiu hắt. Những lá sen tàn còn chút hương xưa, duyên muộn, ủ thơm vạt nắng cuối chiều. Những lá sen tàn còn chưa chịu rã vào lòng đất, cố nán chờ một tiếng mưa thu để vỡ òa bao nuối tiếc…
Bầu trời trong veo. Hồ nước trong veo. Những lá sen tàn run run… rưng rưng…
Tìm trên Google, thấy bài thơ ấy, đem về.
Túc Lạc thị đình ký hoài Thôi Ung, Thôi Cổn
Trúc ổ vô trần thủy hạm thanh
Tương tư điều đệ cách trùng thành
Thu âm bất tản sương phi vãn
Lưu đắc khô hà thính vũ thanh
(Lý Thương Ẩn)
Ở đình họ Lạc nhớ Thôi Ung, Thôi Cổn
Hiên nước trong xanh trúc mướt bờ
Xa xôi cách trở nhớ khôn vừa
Bóng thu bảng lảng chiều sương đổ
Còn mỗi sen tàn hóng tiếng mưa
(Đông A dịch)
“CÓ PHẢI EM LÀ MÙA THU HÀ NỘI”
Nói đến mùa thu, người ta hay nghĩ đến lá vàng. Lá nhuộm vàng trên cây, lá trải vàng mặt đất như trong bức họa trứ danh “Mùa thu vàng” của danh họa Levitan – đó là mùa thu của nước Nga. Còn mùa thu Hà Nội thì sao?
“Tháng Tám mùa thu lá khởi vàng chưa nhỉ?”. Câu hỏi tưởng như vu vơ của một người bâng khuâng tự hỏi mình ấy thật dễ thương khiến tôi nhớ lại một chuyện: Đại lễ 1000 năm Thăng Long, gia đình tôi được đón nhiều bạn bè. Anh bạn người Sài Gòn, mười mấy năm mới trở lại thăm Hà Nội cứ băn khoăn mãi: Mùa thu lá vàng sao anh tìm mãi chẳng thấy chiếc lá vàng nào? Ở đâu rồi những con phố trong bài thơ Đất nước của Nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã làm xao xuyến bao trái tim những người yêu Hà Nội?
“… Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy…”
Bạn xa ơi, tháng Tám mùa thu… Hà Nội vẫn còn rất nóng. “Nắng tháng Tám, rám trái bưởi” cơ mà. Bầu trời mùa thu thật cao, thật xanh, xôn xao hoa nắng và những hàng cây xanh mướt rợp trên các ngả đường, lấy đâu ra lá vàng bay.
Hà Nội đẹp và dễ chịu nhất vào các tháng 10, 11, 12 dương lịch, khi những trận bão cuối mùa cũng hết, nắng vàng như rót mật và se se con gió heo may ướp thơm hương cốm, hương hoa. Đó cũng là mùa cưới hỏi rộn ràng nhất. Những ngày đẹp, từng đoàn xích lô chở các bà mặc áo dài, mang lễ hỏi trôi dềnh dang trên phố như khoe; những xe hoa đón dâu trang trí điệu đà chạm nhau ở mỗi ngã tư, chạm những ánh nhìn khát khao, náo nức… Cuối thu đầu đông rồi đấy, nhưng cũng làm gì có lá vàng rơi.
Những bức ảnh thiếu nữ áo dài đùa với lá vàng trên đường Hà Nội, những bức ảnh chị bán hàng rong tần tảo đi trong lá vàng bay ấy chỉ có thể chụp vào dịp đầu tháng Năm, khi những cây sấu cổ thụ trên đường Hà Nội vừa trút lá già, vừa thay lá non. Dưới gốc là thảm lá vàng xao xác nhưng trên cành lá non đã xanh mướt, dịu dàng. Dạo trên con đường lá, thấy lòng mình êm ả, chợt bâng khuâng mỉm cười ngắm lá vàng bay. Nhiều đống lá đã được vun gọn lại, vàng tươi, khiến tôi bỗng có một ước muốn điên rồ là được ôm lấy chúng, tung ra, trải ra, dát vàng hết vỉa hè. Chợt nghe lòng ngân lên câu hát “Có phải em là mùa thu Hà Nội, ngày thu sang anh lót lá em nằm…”. Trong thực tế, trong thơ, trong họa, trong những tiểu thuyết lãng mạn nhất viết về Hà Nội tôi chưa từng thấy hình ảnh thiếu nữ Hà Nội nằm trên lá bao giờ, dù thảm lá ấy thật đẹp, chỉ thấy duy nhất trong bài hát phổ thơ này. Có lẽ, vì thảm lá của Hà Nội chưa đủ dày. Có lẽ, vì sự giáo dục của người Tràng An không cho phép một thiếu nữ con nhà gia giáo được nằm trước người lạ. Có lẽ, đó chỉ là hình ảnh rất dễ thương trong mộng tưởng của một chàng thi sĩ lãng mạn…
Gõ Google, vào binhchonthohay.com mới biết, ca khúc “Có phải em mùa thu Hà Nội” của nhạc sĩ Trần Quang Lộc phổ bài thơ cùng tên của tác giả Tô Như Châu. Nguyên văn bài thơ ấy thế này:
CÓ PHẢI EM MÙA THU HÀ NỘI
Tháng Tám mùa thu lá khởi vàng chưa nhỉ.
Từ độ nguời đi thương nhớ âm thầm.
Có phải em là mùa thu Hà Nội.
Tuổi phong sương ta cũng gắng đi tìm.
Có phải em mùa thu xưa.
Có bóng mùa thu thức ta lòng sang mùa.
Một ngày về xuôi chân ghé Thăng Long buồn.
Có phải em là mùa thu Hà Nội.
Ngày sang thu anh lót lá em nằm,
Bên trời xa sương gió bay.
Thôi thì có em đời ta hy vọng.
Thôi thì có em sương khói môi mềm.
Có phải em là mùa thu Hà Nội.
Nghe đâu đây lá ướt và mi xanh.
Nghe đâu đây hồn Trưng Vương sông Hát.
Có chắc mùa thu lá rơi vàng tiếng gọi.
Lệ mừng gặp nhau xôn xao phím dương cầm.
Có phải em là mùa thu Hà Nội.
Nghìn năm sau ta níu bóng quay về.
Ôi mùa thu của uớc mơ.
Tô Như Châu, tác giả bài thơ sinh năm 1935, mất năm 2000, quê ở Đà Nẵng. Thuở trẻ, trong xóm nhỏ ông ở nằm trên bờ biển Sơn Trà, Đà Nẵng có nhiều cô gái gốc Hà Nội di cư vào Nam. Các cô gái thật xinh xắn dễ thương làm cho trái tim tác giả mơ tưởng về một Hà Nội ngàn năm văn hiến nhưng khi đó đã quá xa xôi vì ở bên kia bờ giới tuyến. Ông đã sáng tác bài thơ trong tâm trạng đó vào năm 1972.
Khi biết tác giả bài thơ và người phổ nhạc – Nhạc sĩ Trần Quang Lộc đều chưa được đến Hà Nội, tôi mới hiểu ra: Hà Nội ở đây là Hà Nội trong trái tim trìu mến, thiết tha của những người con dân đất Việt: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long” (Huỳnh Văn Nghệ). Những người dân Việt ấy, dù ở phương trời nào vẫn hướng về Hà Nội, vẫn mang trong máu thịt của mình tình yêu với Hà Nội ngàn năm. Một áng văn đẹp, một bài thơ hay, một giọng nói của người Hà Nội, một món ăn mang hương vị Hà Nội… cũng bất chợt chạm vào nỗi nhớ, thổi bùng tình yêu ấy, thăng hoa thành nhạc, thành thơ. Tôi không ngạc nhiên nữa khi trong thơ, trong nhạc, trong tranh, trong “Thương nhớ mười hai” tuyệt hay của Vũ Bằng… Hà Nội hiện lên lộng lẫy, kiêu sa qua bao cơn binh lửa. Được lọc qua lăng kính của Tình yêu, Hà Nội khúc xạ trong niềm thương nỗi nhớ thành muôn mảnh, mảnh nào cũng đong đầy bịn rịn, nhớ nhung…
Đọc bài viết của ai đó, rằng chẳng có thủ đô nào trên thế giới lại hiện diện trong văn, trong thơ, trong nhạc, trong họa… nhiều như Hà Nội. Bạn ơi, bởi vì Hà Nội luôn chiếm một góc thiêng liêng trong trái tim người Việt, cả những người sống trong lòng Hà Nội và những người chưa được đến Hà Nội bao giờ. Câu thơ của Nguyễn Phan Quế Mai đã nói hộ nhiều người tình cảm đó:
“Tôi không được sinh ra và lớn lên trong Hà Nội
Hà Nội tự sinh ra và tự lớn trong tôi”
Hà Nội 14/6/2011
C.T.H