Shogun Tướng quân – Tiểu thuyết của James Clavel (Anh) – Kì 20

Kiku cười và lắc đầu.” Không, Omi-san, em xin lỗi, thôi đừng rót rượu sake cho em nữa không thì tóc em rụng xuống, em sẽ ngã, và lúc ấy thì chúng ta sẽ ở đâu?”

“Anh sẽ cùng ngã với em, chúng mình sẽ chăn gối với nhau, sẽ lên cõi Nát Bàn, vượt khỏi con người chúng ta.” Omi nói sung sướng, đầu anh ta như bơi vì rượu.

“À, nhưng em sẽ ngáy và chàng không thể chăn gối với một cô gái say ngáy vang trời và sẽ chẳng sung sướng gì. Tất nhiên là không, xin chàng tha lỗi. Ồ, không, thưa Omi Sama của thái ấp mới khổng lồ, chàng xứng đáng hơn thế!” Nàng đổ một chung rượu ấm vào chiếc tách sứ nhỏ xíu, nâng cả hai tay, ngón trỏ và ngón cái tay trái nhẹ nhàng nâng tách, ngón trỏ của bàn tay phải đặt dưới đáy.

“Thưa đây, bởi vì chàng tuyệt vời!”

Omi nhận lấy chén uống nhấm nháp, tận hưởng cái ấm áp và cái hương vị ngọt ngào.

“Anh rất sung sướng vì đã có thể thuyết phục được em ở lại thêm một ngày nữa. Em đẹp quá, Kiku-san.”

“Chàng rất đẹp, và đó là niềm sung sướng của em.”

Mắt nàng nhảy múa trong ánh nến lồng trong khung tre phất giấy hoa treo ở trần nhà bằng gỗ tuyết tùng. Đây là dãy phòng sang nhất trong Trà gia gần quảng trường. Nàng nghiêng người giúp Omi sẻ thêm chút cơm nữa từ chiếc bát gỗ đơn giản đặt trên chiếc bàn thấp sơn đen, nhưng anh ta lắc đầu.

“Không, không, cám ơn.”

“Chàng nên ăn nhiều hơn, một người khỏe mạnh như chàng.”

“Anh no rồi, thật mà.”

Anh ta không mời nàng bởi vì hầu như nàng không động đến món xà lách nhỏ của nàng-dưa chuột thái lát mỏng, củ cải ngâm với dấm ngọt – đó là tất cả những món ăn nàng dùng trong suốt bữa. Có những miếng cá tươi nhỏ xíu đặt trên những nắm cơm nắm, xúp, xà lách, một ít rau tươi chấm với tương gừng. Và cơm.

Nàng vỗ tay khe khẽ, cửa shoji mở ngay, người đầy tớ gái của nàng bước ra.

“Dạ, thưa cô?”

“Suisen, dọn tất cả những thứ này đi, mang thêm rượu sake và một bình trà mới, trái cây nữa. Rượu sake phải nóng hơn lần trước đấy. Nhanh lên, đồ đoảng vị!”

Nàng cố gắng lấy vẻ oai vệ.

Suisen mười bốn tuổi, nhẹ nhàng, sẵn lòng chiều mọi người, cô là một kỹ nữ tập sự. Cô bé đã ở với Kiku hai năm và Kiku chịu trách nhiệm huấn luyện cô bé.

Với một cố gắng, Kiku rời mất khỏi chỗ cơm trắng tinh mà nàng rất thèm ăn và xua đi cơn đói. Ngươi đã ăn trước khi ngươi tới và rồi ngươi sẽ ăn, nàng nhắc mình như thế. Phải, nhưng dù thế nào nữa thì cũng vẫn ít quá.

“À, nhưng người phụ nữ khuê các ăn chút thôi, chút xíu thôi”, thầy giáo của nàng thường dạy.

“Khách ăn và uống – càng nhiều càng tốt. Người con gái không ăn và tất nhiên không bao giờ ăn cùng khách. Người con gái làm sao có thể nói chuyện, tiếp khách hay chơi đàn samuisen hoặc nhảy múa nếu họ tọng đày mồm? Con sẽ ăn sau, hãy kiên nhẫn. Tập trung vào người khách của con.”

Trong khi vừa theo dõi Suisen một cách dò xét, vừa đánh giá sự khéo léo của cô bé, nàng vừa kể cho Omi nghe những chuyện làm anh ta cười và quên thế giới bên ngoài.

Cô bé quỳ bên cạnh Omi, dọn những chiếc bát nhỏ và đũa trên chiếc khay sơn dầu, sắp xếp rất đẹp mắt như đã được dạy. Sau đó cô cầm bình rượu sake đã hết, dốc xuống để xem nó đã thật hết chưa – nếu lắc bình thì rất dở – rồi cầm khay đứng lên, bê nó ra cửa không một tiếng động, quỳ, đặt cái khay xuống, mở cửa shoji, đứng lên, bước qua cửa, lại quỳ, nâng cái khay ra, đặt xuống không một tiếng động rồi khép cửa lại hoàn toàn.

“Em phải kiếm một đứa đầy tớ khác”, Kiku nói, không phải không hài lòng. Cái màu đó hợp với con bé. nàng nghĩ. Mình phải gửi đi Yedo mua thêm một ít lụa như thế. Tiếc là nó quá đắt. Thôi đừng để ý đến tất cả món tiền Gyoko-san cho đêm qua và đêm nay, phần mình cũng thừa đủ để mua cho bé Suisen hai mươi chiếc kimono. Con bé dễ thương và quả là rất duyên dáng.

“Nó làm ầm ĩ quá – náo động cả phòng – xin lỗi chàng.”

“Anh không để ý tới cô bé đó. Chỉ để ý tới em thôi”, Omi nói và uống cạn rượu.

Kiku phẩy quạt, nụ cười thắp sáng khuôn mặt nàng.

“Omi-san, chàng làm em sung sướng quá. Vâng. Dễ thương quá.”

Suisen mang nhanh rượu sake ra. Và trà. Chủ của cô rót rượu và đưa cho Omi. Cô bé kín đáo rót đầy chén, không làm rớt một giọt nào và cô nghĩ tiếng rượu rót vào chén được phép tạo nên một âm thanh lặng lẽ. Cô thở dài, trong lòng nhẹ nhõm, ngồi lại trên gót chân và đợi.

Kiku kể một chuyện vui nàng đã nghe được của một người bạn ở Mishima, Omi cười. Vừa kể nàng vừa lấy một quả cam, dOng những ngón tay dài của mình, bóc ra y như thể đó là một bông hoa, múi là cánh hoa, vỏ là lá. Nàng bỏ một ít xơ đi, dâng hai tay y như cách thông thường một thiếu nữ phục vụ khách.

“Chàng có thích cam không, Omi-san?”

Phản ứng đầu tiên của Omi là nói tôi không thể tàn phá một cái đẹp như thế. Nhưng như vậy thì vô lý, anh nghĩ và choáng váng vì tài khéo léo của nàng.

Mình biết khen ngợi nàng thế nào đây? Và người thầy không tên của nàng nữa? Mình làm sao đáp đền được niềm hạnh phúc nàng đã cho mình, đã cho mình ngắm những ngón tay nàng tạo ra một cái thật quý giá nhưng cũng thật mong manh?

Omi cầm bông hoa trong một lát, gỡ ra bốn múi đều nhau, ăn một cách sung sướng. Còn lại là một bông hoa mới-Anh ta lại tách làm bốn múi, lại tạo thành một kiểu hoa nữa. Sau đó lấy một múi, và múi thứ hai, ba múi còn lại, lại tạo thành một bông hoa nữa. Rồi anh ta lấy thêm hai múi, để lại múi cuối cùng trong nôi cam, nghiêng một bên như mảnh trăng lưỡi liềm trên bầu trời.

Anh ta ăn một múi rất thong thả. Khi ăn xong, anh để múi kia vào giữa lòng bàn tay mình và đưa ra.” Múi này em phải lấy, đó là múi gần chót. Đây là quà tặng của tôi cho em.”

Suisen như không thở được. Còn múi cuối cho ai?

Kiku cầm lấy múi cam, ăn. Đó là múi cam ngon nhất nàng ăn từ xưa đến nay.

“Đây múi cuối cùng”, Omi nói, để cả bông hoa vào lòng bàn tay phải,

“Đây là món quà của tôi dâng các vị thần linh,dù họ là ai, dù họ ở đâu. Tôi sẽ không bao giờ ăn múi này nữa trừ phi nó từ bàn tay em.”

“Như vậy là quá, thưa Omi Sama”, Kiku nói.

“Em giải thoát lời thề cho chàng! Điều đó được nói lên do ảnh hưởng của kami đang ngự trị trong tất cả những chai sake!”

“Tôi từ chối được giải thoát.”

Họ rất hạnh phúc bên nhau.

“Suisen”, nàng nói.

“Bây giờ đi đi. Và hãy làm thật duyên dáng, nghe con.”

“Vâng, thưa cô chủ.” Cô bế đi vào phòng bên để xem chăn đệm có cẩn thận không, những dụng cụ ái tình, những bông hoa hoàn hảo. Một vết nhăn không nhận thấy đã được vuốt thẳng của chiếc khăn trải nhẵn lì. Rồi mãn nguyện, Suisen ngồi xuống, thở dài nhẹ nhõm, quạt cho hết hơi nóng ở mặt bằng chiếc quạt màu hoa đinh hương và hoan hỉ đợi.

Trong phòng bên, phòng đẹp nhất trong trà gia, phòng duy nhất có vườn, Kiku nhấc cây đàn samuisen có tay cầm dài. Nó ba dây, giống như đàn ghi-ta, tiếng đàn cao vút đầu tiên của Kiku nổi lên tỏa khắp phòng. Rồi nàng bắt đầu hát. Lúc đầu nhẹ nhàng, rồi rung động, rồi lại nhẹ nhàng, rồi to hơn, rồi nhẹ nhàng đi như tiếng thở dài ngọt ngào, rất ngọt ngào.

Nàng hát về tình yêu, tình yêu không được đáp lại, về hạnh phúc và nỗi buồn.

*

“Thưa cô?” Tiếng thì thầm không đủ để đánh thức một người thính ngủ nhất nhưng Suisen biết cô chủ không thích ngủ sau cuộc mây mưa dù nó có mạnh mẽ đến thế nào. Nàng thích nghỉ ngơi, nửa thức, trong trạng thái yên tĩnh.

“Chuyện gì thế, Sui chan?” Kiku thì thầm, dùng chữ

“Chan” như người ta dùng với một đứa bé yêu quý.

“Phu nhân của Omi-san đã trở về. Kiệu của bà ấy vừa về đến nhà.”

Kiku liếc nhìn Omi. Cổ anh ta tựa thoải mái trên gối gỗ nhồi, cánh tay khoanh. Thân hình anh ta khỏe mạnh, không tỳ vết, nước da rắn chắc màu vàng sáng. Nàng ve vuốt nhẹ nhàng đủ để làm cái vuốt ve ấy đi vào giấc mộng của anh ta nhưng không đủ để đánh thức anh ta dậy. Rồi nàng ra khỏi chăn, khép kín kimono lại.

Kiku mất rất ít thời gian trang điểm lại vì Suisen đã chải tóc cho nàng và buộc lại theo kiểu shimoda. Rồi cô chủ và người hầu đi dọc hành lang, không một tiếng động, ra ngoài hàng hiên, qua vườn tới quảng trường. Thuyền bè như đom đóm miệt mài đi lại từ tàu rợ tới cầu tàu nơi bảy khẩu đại bác vẫn còn đợi để chất lên. Đêm vẫn khuya, còn lâu mới sáng.

Hai người đàn bà luồn theo ngõ hẹp giữa những khóm nhà và bắt đầu leo lên đường lớn.

Những người khiêng kiệt lực, mồ hôi nhễ nhại đang ráng sức quanh chiếc kiệu trên đỉnh đồi bên ngoài nhà Omi. Kiku không gõ cửa ở vườn. Nến thắp sáng trong nhà, đầy tớ rộn rịp đi lại. Nàng ra hiệu cho Suisen, cô bé lập tức đi tới hàng hiên gần cửa trước, gõ và đợi. Lúc sau cánh cửa mở, người hầu gái gật đầu và biến đi. Một lát sau, người hầu quay lại ra hiệu cho Kiku, và cúi đầu chào rất thấp khi nàng lướt qua. Một người hầu gái khác đi vội vã ở phía trước, và mở cánh shoji của căn phòng đẹp nhất.

Giường của mẹ Omi không người ngủ. Bà đang ngồi thẳng cứng gần hốc tường nhỏ có hoa. Một cửa shoji nhỏ mở ra vườn. Midori, vợ của Omi đối diện bà.

Kiku quỳ xuống. Phải chăng mới chỉ một đêm trước ta còn ở đây và kinh hoàng trong những tiếng gào thét? Nàng cúi chào, trước tiên mẹ của Omi, rồi vợ anh ta. Cảm thấy được sự căng thẳng giữa hai người đàn bà, nàng tự hỏi không hiểu vì sao luôn luôn có sự xung đột giữa mẹ chồng và nàng đâu? Đến một lúc, phải chăng nàng dâu cũng trở thành mẹ chồng? Tại sao lúc đó bà ta lại mắng nhiếc sỉ vả con dâu và làm cho đời cô gái trở thành khổ cực và tại sao cô gái đó đến lượt mình cũng lại làm như vậy? Không ai học được điều gì sao?

“Con xin lỗi làm phiền bà, thưa bà.”

“Chào cô, Kiku-san”, bà già trả lời.

“Ta hi vọng không có chuyện gì chứ?”

“Ồ không, nhưng con không biết bà có muốn đánh thức ngài? nàng nói, và đã biết trước câu trả lời.

“Em thiết nghĩ nên hỏi phu nhân, thưa Midori-san”, nàng quay lại mỉm cười và khẽ chào Midori, nàng rất thích Midori.

“Phu nhân đã trở về.”

Bà già nói.

“Cô rất tốt, Kiku-san, và rất chu đáo. Không, cứ để cho nó ngủ.”

“Dạ vâng. Xin tha lỗi đã làm phiền bà và phu nhân. nhưng con nghĩ con nên hỏi. Midori-san, em hi vọng chuyến đi của phu nhân tốt đẹp?”

“Rất lấy làm tiếc, chuyến đi thật khủng khiếp”, Midori nói.

“Tôi sung sướng được trở về và rất ghét phải đi. Chồng tôi có khỏe mạnh không?”

“Dạ, rất khỏe. Ngài cười nhiều tối nay và hình như rất vui. Ngài ăn uống chừng mực và ngài ngủ say.”

“Bà lớn vừa kể cho tôi nghe một đôi điều khủng khiếp đã xảy ra trong khi tôi đi vắng và…”

“Đáng lý chị không nên đi. Chị cần phải ở đây.” Bà già ngắt lời, giọng cay độc.” Hay có lẽ không? Có lẽ chị cứ đi mãi đi thì hơn. Có lẽ chị đã mang lại một kami xấu vào nhà này cùng với chăn nệm của chị.”

“Con không bao giờ làm như thế cả, thưa mẹ”, Midori nói một cách kiên nhẫn.

“Xin mẹ hãy tin là con thà tự tử còn hơn đem một vết ố nhỏ nhất vào thanh danh nhà ta. Xin mẹ tha thứ cho sự vắng mặt và lỗi lầm của con. Con xin lỗi.”

“Kể từ khi cái tàu quỷ sứ đến đây, chúng ta gặp biết bao nhiêu là chuyện phiền phức. Đó là kami rủi. Chị ở đâu lúc người ta cần đến chị? Ngồi lê đôi mách ở Mishima, tọng cho đầy bụng và uống sake.”

“Thưa mẹ, cha con chết. Một ngày trước khi con về.”

“Hứ, chị cũng không biết lễ nghĩa, hay nhìn xa để túc trực bên giường bệnh của cha mình, chị đi khỏi nhà tôi vĩnh viễn sớm ngày nào tốt cho chúng tôi ngày ấy. Tôi cần ít trà. Chúng ta đang có khách ở đây mà chị cũng không biết lễ nghi cho cô ấy đỡ khát.”

“Con đã ra lệnh ngay khi khách…”

“Bây giờ cũng đã có gì đâu!”

Cửa shoji mở. Một người hầu gái sợ sệt mang trà và vài cái bánh ngọt. Trước tiên Midori mời bà già, bà chửi mắng người đầy tớ tàn tệ, nhai móm mém một cái bánh, uống trà xì xụp.

“Kiku-san, cô thứ lỗi cho con hầu”, bà già nói.” Chà thật đoảng vị. Đoảng vị! Bỏng cả lưỡi! Tôi nghĩ nhà này chỉ có được những thứ như thế thôi.”

“Dạ đây, mẹ lấy chén của con”, Midori khe khẽ thổi chén trà để cho nó nguội bớt.

Bà già miễn cưỡng cầm lấy chén trà.” Tại sao không tốt ngay lần đầu?” Bà yên lặng một cách cau có.

“Cô nghĩ sao về tất cả những điều này?” Midori hỏi Kiku.

“Con tàu và Yabu Sama, và Toda Hiromatsu Sama?”

“Em cũng không biết nghĩ như thế nào. Còn đối với bọn rợ thì ai mà biết được. Rõ ràng họ là một nhóm người đặc biệt. Còn vị Daimyo vĩ đại, Quả Đấm Sắt? Thật là một diều lạ, ông ấy đến gần như cùng một lúc với chúa Yabu, phải không ạ? Dạ, em xin lỗi, em xin cáo từ.”

“Ồ, không, Kiku-san, tôi không nghe thế đâu.”

“Đấy, chị thấy chưa, Midori-san”, bà già ngắt lời một cách sốt ruột.” Khách của chúng ta thấy không thoải mái và trà thì thật là kinh khủng.”

“Dạ con thấy trà ngon, thưa bà lớn, thật đấy ạ. Dạ, bà lớn và phu nhân tha lỗi, con hơi mệt. Có lẽ ngày mai trước khi đi, con có thể được phép lại thăm bà lớn. Được nói chuyên với bà lớn bao giờ cũng là một niềm vinh dự.”

Bà già tự để cho mình được phỉnh phở. Kiku theo Midori ra hiên, vào trong vườn.

“Kiku-san, cô thật chu đáo quá . Midori vừa nói vừa giữ lấy cánh tay Kiku, lòng ấm lại vì nhan sắc của nàng.

“Cô thật tốt quá. Cám ơn cô.”

Kiku nhìn lại ngôi nhà một thoáng và run lên:

“Bà ấy luôn luôn như thế sao?”

“Đêm nay bà còn lịch sự so với những hôm khác. Nếu không vì Omi và con trai, tôi thề đã rũ bụi của bà khỏi chân tôi, cắt tóc đi tu. Nhưng tôi còn Omi và con trai tôi. và như vậy đã đền bù được mọi thứ. Tôi cám ơn tất cả các kami vì điều ấy. May sao, bà lớn thích Yedo hơn và không thể rời khỏi đó lâu được.” Midori cười buồn.

“Tôi đã luyện để không nghe, cô biết rồi đấy.” Nàng thở dài, rất đẹp trong ánh trăng.

“Nhưng điều đó không quan trọng. Hãy kể cho tôi nghe những gì đã xảy ra từ khi tôi đi.”

Chính vì thế mà Kiku đã tới khẩn cấp như vậy, vì rõ ràng cả bà mẹ lẫn người vợ không ai muốn giấc ngủ của Omi bị quấy rối. Nàng đến để kể cho phu nhân Midori kiều diễm nghe mọi chuyện để phu nhân có thể giúp bảo vệ Kasagi Omi như bản thân nàng đã cố gắng.

Nàng đã kể cho phu nhân nghe tất cả những điều nàng biết, trừ điều xảy ra trong phòng với Yabu. Nàng nói thêm những tin đồn nàng đã nghe được và những chuyện các cô gái khác đã nói đến tai nàng hoặc bịa ra. Và tất cả những điều Omi đã nói với nàng – những hy vọng, những nỗi lo sợ, những kế hoạch của anh ta – mọi thứ về anh ta, chỉ trừ những điều đã xảy ra trong phòng đêm nay. Nàng biết điều ấy không quan trọng đối với vợ anh ta.

“Kiku-sanạ, tôi sợ, tôi sợ cho chồng tôi.”

“Thưa phu nhân, tất cả những điều chàng khuyên đều khôn ngoan. Em nghĩ tất cả những điều chàng làm đều đúng. Chúa Yabu không thưởng cho ai một cách dễ dàng, ba nghìn Koku là một sự tăng đáng kể.”

“Nhưng con tàu bây giờ là của chúa Toranaga và tất cả số tiền đó.”

“Vâng, nhưng đối với Yabu Sama, tặng con tàu là một ý nghĩ thiên tài. Omi-san gợi ý ấy cho Yabu – rõ ràng bản thân nó cũng đủ để trả công rồi, đúng không ạ? Omi-san phải được thừa nhận là một chư hầu tốt.” Kiku bóp méo sự thật, nàng vẫn biết Omi đang trong vòng nguy hiểm lớn, cả nhà anh ta nữa. Cái gì phải đến sẽ đến, nàng tự nhủ. Nhưng làm giãn vầng trán cao của một thiếu phụ xinh đẹp cũng chẳng hại gì.

“Vâng, tôi có thể thấy được điều đó”, Midori nói. Hãy để cho nó là sự thật, nàng cầu nguyện. Xin hãy để cho nó là sự thật. Nàng ôm lấy cô gái, mắt đẫm lệ.

“Cám ơn cô. Cô thật nhân từ, Kiku-san, nhân từ quá.” Nàng mười bảy tuổi. CHƯƠNG 08

Nguồn : hoi-ls; e-thuvien
Prc: Vanlydocnhan

~”Cậu nghĩ sao, Ingeles?”

“Mình nghĩ sẽ có bão.”

“Khi nào?”

“Trước khi mặt trời lặn.”

Gần giữa trưa họ đứng trên boong dự báo thời tiết của con tàu galleon dưới bầu trời xám mây. Đây là ngày thứ hai trên biển.

“Nếu đây là tàu của cậu thì cậu sẽ làm gì?”

“Còn bao xa nữa thì cập bến?” Blackthorne hỏi.

“Sau khi mặt trời lặn.”

“Tới đất liền gần nhất còn bao xa?”

“Bốn năm tiếng đồng hồ, Ingeles ạ. Nhưng chạy tìm chỗ ẩn sẽ mất của chúng ta nửa ngày, tớ không thể để như vậy. Địa vị cậu, cậu làm gì?”

Blackthorne nghĩ một phút. Trong đêm đầu, tàu gale đã đi về phía Nam, xuống bờ biển phía Đông của bán đảo Izu, có cánh buồm lớn ở cột buồm giữa tàu đẩy giúp sức Họ tới gần mũi cực Nam, mũi Ito. Rồi Rodrigues cho tàu đi theo Tây – Nam Tây, không bám theo ven bờ mà ra thẳng biển lớn, hướng về phía đất liền ở mũi Shinto cách hai trăm dặm.

“Thường thì nếu đi một con tàu galleon như thế này, chúng tớ bám men bờ biển – cho an toàn” , Rodrigues nói.” Nhưng như vậy mất nhiều thời gian mà thời gian là quan trọng. Toranaga yêu cầu tớ đưa tàu Toađy tới Anjiro và trở lại. Nhanh. Có tiền thưởng cho tớ nếu chúng ta nhanh. Một trong những hoa tiêu của chúng cũng rất giỏi trong những mẻ lưới ngắn gọn như thế này, nhưng cái thằng con trai khốn khổ của một con điếm, sợ phát khiếp phải chở một Daimyo quan trọng như Cóc Cụ, đặc biệt là ngoài đất liền. Chúng không phải là những kẻ đi đại dương, cái bọn Nhựt Bổn đó.

Những tên cướp, những kẻ chiến đấu lớn và những thủy thủ ven biển. Nhưng biển cả làm chúng sợ. Taiko trước đây ra một đạo luật là một số tàu đại dương ít ỏi mà người Nhựt Bổn có, đều phải có thủy thủ Portugal ở trên. Đây vẫn là luật của đất nước họ ngày nay.”

“Tại sao ông ta lại làm như thế?”

Rodrigues nhún vai.

“Có lẽ ai đó đã gợi ý cho ông ta.”

“Ai?”

“Cái hải trình bị đánh cắp của cậu, Ingeles, cái hải trình Portugal.Của ai vậy?”

“Tớ không biết. Không có tên trên đó, không có chữ ký.”

“Cậu lấy ở đâu?”

“Của tay lái buôn lớn của công ty Đông Ấn – Holland.”

“Anh ta lấy nó ở đâu?”

Blackthorne nhún vai.

Tiếng cười của Rodrigues không có gì là hài hước.

“À, tớ không bao giờ mong cậu nói với tớ – nhưng kẻ nào ăn cắp nó, tớ mong nó đời đời bị thiêu đốt trong ngọn lửa địa ngục!”

“Cậu được cái ông Toranaga này thuê à, Rodrigues?”

“Không. Tớ chỉ đến thăm Osaka, thuyền trưởng của tớ và tớ. Đây là một ân huệ đối với Toranaga. Thuyền trưởng của tớ cho tớ làm tình nguyện. Tớ là hoa tiêu của…” Rodrigues dừng lại.

“Tớ cứ quên mất cậu là kẻ thù, Ingeles.”

“Portugal và Anh là đồng minh của nhau trong nhiều thế kỷ.”

“Nhưng bây giờ không. Đi xuống dưới đi, Ingeles, cậu mệt và tớ cũng mệt và những người mệt hay mắc khuyết điểm. Khi nào nghỉ ngơi thoải mái hãy lên boong.”

Blackthorne đi xuống cabin hoa tiêu, nằm trên giường ngủ. Hải trình của Rodrigues để trên bàn đi biển. Cuốn sách bọc da đã được dùng nhiều nhưng Blackthorne không mở ra.

“Sao cậu để nó ở đây”? Trước đây anh đã hỏi.

“Nếu tớ không để đó, cậu sẽ lục sớm nó. Nhưng cậu sẽ không động tới nó ở đấy – hay thậm chí ngó nó – nếu không được mời. Cậu là hoa tiêu – chứ không phải một tên lái buôn, ăn cắp, đĩ điếm, bụng phệ hay một tên lính.”

“Tớ sẽ đọc nó. Địa vị cậu, cậu cũng làm thế.”

“Không phải khi không được mời, Ingeles. Không một hoa tiêu nào làm điều ấy. Thậm chí tớ cũng không!”

Blackthorne ngắm nhìn cuốn sách một lúc rồi nhắm mắt lại. Anh ngủ say, suốt cả ngày hôm ấy và một phần đêm. Ngay trước lúc rạng sáng, anh thức dậy như thường lệ. Phải mất chút thời gian để thích nghi với cái nhịp không hay của con tàu galleon và tiếng trống nhịp cho mái chèo. Anh nằm ngửa thoải mái trong bóng tối, tay gối đầu. Anh nghĩ đến con tàu của mình, gạt đi nỗi lo lắng tới điều sẽ xảy ra khi họ đến bờ và Osaka. Mỗi lần một thứ thôi. Hãy nghĩ tới Fêlixity, đến Tudor và gia đình.

Không, không phải lúc này. Hãy nghĩ, nếu những người Portugal đều giống Rodrigues thì mình sẽ có dịp may. Mình sẽ có tàu trở về. Hoa tiêu không phải là kẻ thù, còn thì mặc mẹ tất cả những cái khác! Nhưng cậu không thể nói như thế được, cậu cả ơi. Cậu là người Anh, kẻ dị giáo đáng ghét, kẻ chống Chúa. Những người công giáo làm chủ cái thế giới này. Họ đã làm chủ nó. Bây giờ chúng tôi và những người Holland sẽ đập vỡ họ.

Tất cả những chuyện đó thật phi lý quá? Thiên Chúa, Tin Lành, người theo thuyết Calvin, người theo lý thuyết Luther và tất cả các nhà này nhà nọ. Đáng lý anh phải sinh ra là người Thiên Chúa giáo. Số mệnh đưa cha anh sang Holland. Nơi đó ông gặp mặt người đàn bà, Anneke Van Droste, bà này trở thành vợ ông và lần đầu tiên trong đời, ông đã thấy những người công giáo Spain, cha cố Spain và tòa án dị giáo. Mình mừng là cha mình đã mở mắt, Blackthorne nghĩ. Mình mừng mình cũng mở mắt.
(Kho tư liệu của Hội NVHP)

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder