Sông Chữ khóc – thơ Thuý Quỳnh, lời bình Ngọc Bái

Nguyễn Thuý Quỳnh là người nằm trong số ít tác giả làm được điều này khi chị viết “Thày tôi”. Và qua lời bình của Nhà văn Ngọc Bái, lời bình như một đường dẫn, như một kiểu thức song tấu giữa âm nhạc và ca từ, bài thơ sáng rõ lên, neo vào lòng người đọc những suy ngẫm.

vanhaiphong- Nghề giáo là một nghề cao quý, nhưng thật kỳ lạ viết về nghề làm thày không có quá nhiều tác phẩm thành công. Dẫu bất cứ ai biết cầm bút, biết viết những con chữ thì đều phải có thày, nhưng để con tim cất lên tiếng ngợi ca những phẩm giá ẩn tàng như ngọc trong đá của người thày thì quả thật ít cây bút cảm nhận được đủ đầy sâu sắc. Nguyễn Thuý Quỳnh là người nằm trong số ít tác giả làm được điều này khi chị viết “Thày tôi”. Và qua lời bình của Nhà văn Ngọc Bái, lời bình như một đường dẫn, như một kiểu thức song tấu giữa âm nhạc và ca từ, bài thơ sáng rõ lên, neo vào lòng người đọc những suy ngẫm.

NGUYỄN THÚY QUỲNH

THẦY TÔI

Một đời tích nghĩa nhân

Thầy đóng đò đưa người qua Sông Chữ

Kẻ thất học đi qua

Sau một năm

Cầm rìu chặt đò làm đôi

Thầy ngậm ngùi đóng con đò mới

Kẻ tiểu nhân đi qua

Sau mười năm

Vung búa chặt đò làm ba

Thầy dằn lòng đóng con đò mới

Người tâm phúc đi qua

Sau ba mươi năm

Trở bút một lần mà đò tan vạn mảnh

Tôi về tìm thầy

Có người bảo lên sông Ngân mà hỏi

Có người bảo thầy vẫn chèo đò đưa thiên hạ qua sông

Những mảnh vỡ lặng câm

Găm trong ngực

Sông Chữ ngầu ngầu khóc:

– Thầy ơi…

 

LỜI BÌNH CỦA NGỌC BÁI

Câu chữ không hề cầu kỳ. Vậy mà lay động tâm thức người đọc. Nghề giáo thường được ví là nghề “đưa đò qua sông”. Nhưng đây là Sông Chữ, biểu trưng của trí tuệ con người. Sang trọng và ẩn dụ. Bất luận, người dân thường hay tiến sĩ giáo sư, đến nguyên thủ quốc gia, đều hơn một lần cắp sách đến trường. Người thầy đáng trọng. Nghề thầy đáng trọng. Cao quý bởi đức độ. Đáng ghi nhớ công ơn bởi “nửa chữ là thầy, một chữ là thầy!”. Nhiều câu ví von sâu xa, ai cũng từng biết, từng nghe, nghề giáo là nghề dạy làm người! Câu thơ “Thầy tôi một đời tích nghĩa nhân” nói lên tất cả. Ngôn ngữ bài thơ vượt ra khỏi khuôn khổ chữ nghĩa thông thường.

Tác giả chọn thi liệu dễ thấy dễ hiểu. Trực ngôn trực cảm. Gây ấn tượng, buộc người đọc có lương tâm phải liên tưởng. Rằng người làm thầy đã thật xứng với danh xưng làm thầy chưa? Và học trò đã xứng với “nhân nghĩa” thầy dành cho mình chưa?

Nhà thơ đã đưa ra các tình huống vô cùng trớ trêu và nghiệt ngã. Kẻ thứ nhất “sau một năm/ cầm rìu chặt đò làm đôi”! Kẻ thứ hai “sau mười năm/ vung búa chặt đò làm ba”! Và người sau cùng “sau ba mươi năm/ trở bút một lần mà đò tan vạn mảnh”!  Vết đau nghề nghiệp thật khó thành sẹo!

Trên hết vẫn là sự bao dung của người thầy. “Thầy ngậm ngùi đóng con đò mới”. Rồi “Thầy dằn lòng đóng con đò mới”! Tất nhiên, ai cũng hiểu hình tượng con đò mang tính giả tưởng. Nhà thơ muốn nói tới người đời cũng ba bảy loại. Ở cấp độ thứ nhất và cấp độ thứ hai, hành xử “chặt đò” của những kẻ vô tâm, thô lỗ, thiển cận, bội bạc và nông cạn có thể xảy ra. Nhưng cấp độ thứ ba thì vô phương bình luận! Có thể, đó là kẻ “học cao biết rộng”, nhưng cũng có thể vì tiền, vì quyền mà lóa mắt, quên nghĩa thầy trò. Đó là đám “trọc phú”, sản phẩm của “thị trường hóa” đang ngang nhiên hoành hành chăng? Tất cả các hành vi thô lỗ, côn đồ, thiển cận kia không thể so với hành vi “trở bút”. Loại cá thể này mới đáng kinh tởm. Hành vi “trở bút” có sức công phá gấp nhiều lần các hành vi trước đó. “Sau ba mươi năm/ trở bút một lần mà đò tan vạn mảnh”! Đích thị là tên vô đạo, phản bội tình thầy trò. Có khác gì nhân vật Judas trong bức tranh “mười ba vị thánh tông đồ” của Leonardo da Vinci?

Nhà thơ nhận diện đích đáng. Chỉ hai từ “trở bút”, tác giả đã phơi bày chân tướng hạng người tồi tệ thế nào! Nhà thơ phát hiện cho người đọc điều mà xã hội cần phải cảnh tỉnh. Càng thời buổi “văn minh vật chất thô bạo lấn lướt văn minh tinh thần” càng phải biết cảnh tỉnh. Có phải Nhà thơ thiên về “hoài nghi tất cả!” không? Chắc không! Bởi nhắc tới “sự không hoàn hảo” của người nào đó, cũng để khẳng định trong xã hội những con người tốt không hiếm. Đó là thủ pháp tương phản. Đó là tấm kính chiếu yêu. Đó là “ngôn ngữ ngầm” của nghệ thuật thơ ca! Nhiều học trò thành đạt vẫn tôn kính thăm hỏi thầy cũ. Nhiều học trò chu đáo với “ngày nhà giáo”, biểu hiện tình thầy trò thực sự cảm động. Còn kẻ nào đó vô lễ với thầy thì cũng không hề lạ!

Nhưng may thay, những học trò tử tế quanh thầy vẫn là điều xã hội tin cậy. Nhà thơ đã hé mở chi tiết, thầy vẫn không suy giảm niềm tin rằng “có người bảo thầy vẫn chèo đò đưa thiên hạ qua sông”! Không kể công. Không oán hận. Thiên chức nghề dạy học là thế!

Và rồi, “Sông Chữ ngầu ngầu khóc/ -Thầy ơi…”. Hay chính Nguyễn Thúy Quỳnh đang khóc cho nhân tình thế thái, khóc cho riêng số phận “Thầy Tôi”, khóc cho nghề giáo biết mấy ngọt ngào và cay đắng. Câu nói cửa miệng: “Thầy ra thầy, trò ra trò” là hiện thực hay chỉ là khẩu hiệu? Thầy giáo cũng là người bình thường xương thịt như mọi người. Liệu đời sống có tạo cho Thầy sự trọn vẹn cầm lái đưa đò qua Sông Chữ?

 

Yên Bái, 18/3/2015

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder