Cuộc sống thế kỉ 21 có những điều thần kì, khó tin nhưng lại là sự thật. Đã có nhiều người chiến thắng bệnh tật từ cõi chết trở về bằng niềm tin mạnh mẽ, bản lĩnh nghị lực phi thường của bản thân. Và điều đó ở nhà thơ, bác sĩ Nguyễn Thanh Tuyên đang có.
Hy vọng anh sẽ chiến thắng cuộc chiến cam go bạo bệnh này. Chúc anh chiến thắng!
VHP trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn Nguyễn long Khánh về tập sách “Thơ văn và cảm nhận” của bác sĩ, nhà thơ Nguyễn Thanh Tuyên.
Cuộc sống thế kỉ 21 có những điều thần kì, khó tin nhưng lại là sự thật. Đã có nhiều người chiến thắng bệnh tật từ cõi chết trở về bằng niềm tin mạnh mẽ, bản lĩnh nghị lực phi thường của bản thân. Và điều đó ở nhà thơ, bác sĩ Nguyễn Thanh Tuyên đang có.
Hy vọng anh sẽ chiến thắng cuộc chiến cam go bạo bệnh này. Chúc anh chiến thắng!
VHP trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn Nguyễn Long Khánh về tập sách “Thơ văn và cảm nhận” của bác sĩ, nhà thơ Nguyễn Thanh Tuyên.
Nhà văn Nguyễn Long Khánh trình bày bài viết tại buổi ra mắt tập sách
“Thơ văn và cảm nhận” của bác sĩ, nhà thơ Nguyễn Thanh Tuyên ngày 19/01/2017.
Trong những lời ca từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có một câu nhiều người nhớ: “Sống ở trên đời cần có một tấm lòng, em biết không?”. Đó là điều thật thiêng liêng vì ta sống trong cuộc đời phức tạp, bất trắc này có biết bao điều buồn, vui xảy đến với mỗi người, nếu không có một tấm lòng nhân hậu, bao dung, yêu người, yêu đời thật khó sống lắm thay!
Bác sĩ, nhà thơ Nguyễn Thanh Tuyên là người có tấm lòng nhân hậu, bao dung ấy… Người ta vẫn nói: “văn sao người vậy”, tất nhiên cũng có những trường hợp cá biệt văn chương lừng lẫy nhưng bản lĩnh nhân cách lại kém cỏi… Nhưng ai đã biết Nguyễn Thanh Tuyên, gặp gỡ anh đôi lần và đọc tập thơ, văn, cảm nhận văn chương vừa xuất bản đều thấy ở anh một tấm lòng nhân ái, giản dị, bao dung yêu người, yêu đời hết mình. Dường như từ lúc ở tuổi thanh niên anh đã đến với cuộc đời bằng tấm lòng như thế. Dù chỉ là một câu nói anh cũng cân nhắc không để đau lòng người khác.
Anh yêu người yêu trước khi đi chiến trường hai nhà giục cưới, nhưng anh lần lữa hẹn ngày trở lại sẽ làm lễ thành hôn, vì anh nghĩ chiến trường một mất một còn, nếu anh ngã xuống không trở về thì người vợ trẻ sẽ chịu đựng nỗi đau biết nhường nào? Và sau 6 năm ở chiến trường Quảng Trị, Quảng Bình, chiến thắng trở về anh mới làm đám cưới với người mình yêu.
Trong cuộc sống đối với người thân, họ hàng, bạn bè cũng thế, khi xảy ra những chuyện buồn, ngang trái Tuyên chịu đựng một mình, nín nhịn tất cả. Có những điều vui, buồn về nhân tình, thế sự ở đời không nói được anh gửi vào thơ, vào những trang văn tâm sự của mình.
Vì thế đọc thơ của Nguyễn Thanh Tuyên ta thấy một tình yêu nhân văn, giản dị, trong sáng đến lạ lùng. Anh viết về làng mình, cây đa, bến nước, những mảnh đất anh đi qua và những người anh gặp, viết về bè bạn, về đất nước trong những ngày chiến tranh khốc liệt và những năm tháng im tiếng súng trở lại hoà bình. Bằng lối viết giản dị, mộc mạc không khoa trương, đầy ắp tình yêu thương, anh gửi thông điệp: hãy sống với nhau bằng một tấm lòng nhân hậu, yêu thương, tha thứ, trân trọng nhau dù có xảy ra điều gì chăng nữa, hãy là chính mình trong sáng như hồn trai trẻ.
Ta đào bới nét chữ mình thời trẻ
Trong vỏ kháng sinh chôn theo bạn cuối đời
Làn hương mỏng bồi hồi gọi hộ
Sao chữ mình và bạn mãi không “ơi?”.
Ôi tình yêu người, yêu đời của Nguyễn Thanh Tuyên tha thiết, nhân ái biết chừng nào trong những câu thơ anh viết rất đỗi dịu dàng:
Vướng vào lưới nhện giăng tơ
Đêm đêm hồn ngộp ánh trăng dịu dàng
Trong văn vắt, trĩu đa mang
Cay cay mắt lá nhuộm vàng sắc thu.
Và đây nữa:
Xin đừng ngại buốt bàn tay
Đầy vơi như hạt sương gầy sớm mai
Những câu thơ hay, thấm đẫm tình đời… và cũng có lúc anh say mê dạt dào cảm xúc với tình yêu ảo trên sóng đời…
Dào dạt thế, tim bắt lời trên sóng
Mê mẩn lòng dắt díu thuyền đi
Sóng sánh sớm khuya, ly rượu cạn trong ngần
Cánh tay tiên dìu lên trời tím biếc
Hồn bồng bềnh ngào ngột tít sông Ngân
Và:
…Hồn ta ở trọ xa xôi
Người ơi dụm bếp chiều cơi lửa hồng
Nhà thơ còn tặng ai đó bằng câu thơ lục bát bay bổng của mình:
Dường như em cũng chênh chao
Long lanh mắt biếc lạc vào tim tôi
Hồn tôi mấp mé bãi bồi
Xôn xao thi tứ núi đồi nước mây.
Thơ Nguyễn Thanh Tuyên đa dạng, phong phú về đề tài nhưng thân quen gần gũi nhất với anh vẫn là cảnh đời thường. Anh ít quan tâm đến tiền tài, danh vọng, sự nổi tiếng mà người đời thèm muốn… Thơ anh viết về xóm cũ, con đò, cây đa, bến nước, là lời ru của mẹ, tình yêu của bè bạn, anh viết về những vùng đất chiến tranh Quảng Trị, Đồng Hới như bài Chiều Đồng Lộc, Tiếng vọng (viết về đồng bào Pako và Vân Kiều), là Hoa thả bến nghiêng tặng những người anh hùng tàu không số, là Sinh tồn tặng những đứa trẻ chào đời ở Trường Sa, là Làng lòi tặng những người phụ nữ thua thiệt trong chiến tranh với một tấm lòng tri ân, đậm nghĩa tình , là Đừng đốt viết về bác sĩ Đặng Thùy Trâm…
Và điều mà chúng ta quý mến, trân trọng anh hơn đó là thái độ bình tĩnh của anh khi phát hiện trọng bệnh của mình. Thường trước dự báo về cái chết, con người bộc lộ bản chất của mình: người thì oán trách Trời, Phật, số phận; người thì than khóc tuyệt vọng buông xuôi tất cả, kẻ hối hả sống gấp vội vã hưởng thụ những ngày còn lại bắt người thân phải phục vụ mình… Còn nhà thơ, bác sĩ Nguyễn Thanh Tuyên khác hẳn, anh điềm tĩnh, bình thản bởi anh hiểu quy luật tồn tại của cuộc sống… Điều anh băn khoăn, nuối tiếc nhất là anh chưa làm được nhiều việc có ích cho đời. Anh nghĩ: còn sống một ngày là còn làm việc cho đời, cho bè bạn, gia đình, những người thân yêu:
Khao khát sống ngày mai không còn nữa
Mọi dở dang hoàn tất trao đời
Phút cuối cùng sao được thảnh thơi
Mồ hôi ơi! phải chảy…
Anh luyến tiếc cuộc sống vì ở trong trái tim, tấm lòng anh còn bao điều muốn nói, muốn nhắn gửi lại cuộc đời này.
…Trụi trơ cành, vân gỗ vẫn miên man
Và anh bình thản ngước nhìn cuộc sống:
…Bình dị vươn lên trời thanh thản
Xanh mướt an nhiên với cuộc đời.
Anh day dứt, vì nhiều dự định của mình còn dang dở:
Nợ nần nhất chữ TÌNH chưa hoàn hảo
Những bong tróc thời gian chưa bả trát chu toàn
Chỗ rò rỉ, mọt núp kêu tí tách
Chậu hoa vun trồng đương ngậm nụ mê man
Và lời nhắn nhủ của anh thật chân thành, xúc động với mọi người:
…Mai tay trắng nhẹ tênh theo khói lá
Nuối những ngày qua ít san sẻ cho đời
Thời gian đuổi, vội vàng lời sám hối
Ngoái dặn mọi người “đừng ai để vàng rơi”.
Đó chính là lời nhắn gửi của một tấm lòng nhân hậu, bao dung hiếm thấy của nhà thơ, bác sĩ Nguyễn Thanh Tuyên với cuộc đời này…
Phần văn xuôi của Nguyễn Thanh Tuyên có 5 truyện ngắn và gần chục bài tản văn và cảm nhận văn chương của anh. Thú thật tôi ít đọc truyện ngắn của Nguyễn Thanh Tuyên mà chỉ chú ý thơ anh. Giờ đọc thấy giật mình: bởi truyện ngắn của anh khá ấn tượng, để lại dư âm trong người đọc. Với bút pháp giản dị, lối viết mộc mạc, kể chuyện cổ điển không màu mè lên gân, anh chú ý chuyển đến người đọc tình người trong truyện.
Có 2 truyện ngắn của anh tôi thích: Trinh nam, trinh nữ, câu chuyện đẹp như một bài thơ về mối tình của ông Dương – bà Xuân, người phụ nữ mỏng mảnh, cũ kĩ, nệ cổ chung thuỷ giữ gìn tấm thân trinh bạch cho người mình yêu đến lúc từ giã cõi đời. Lần hồi theo lời kể của bà Kha, người bạn thân bà Xuân ta mới biết ông Dương, bà Xuân đã lấy nhau trong những ngày chiến tranh ác liệt có cả tuần trăng mật ngắn ngủi và 20 ngày sống bên nhau. Nhưng họ đã tôn trọng giữ gìn cho nhau sự trinh bạch đến lúc chia tay, chỉ sau này ông Dương vào chiến trường gửi lại cho bà Xuân cuốn nhật kí ta mới biết: ông sợ nếu chết trong cuộc chiến tranh mà bà Xuân không còn trinh nguyên sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời sau này của bà. Và ông đã hy sinh giữ gìn lối suy nghĩ cũ kĩ của mình. Đọc đến cuối truyện ta rơi nước mắt vì những trinh nam, trinh nữ ngày xưa đã thương yêu, trân trọng nhau biết chừng nào.
Truyện Sóng âm là một truyện ngắn lạ, khó viết vì một đề tài “nhạy cảm” chung đụng thể xác vợ chồng. Chuyện không thể kể công khai, sỗ sàng càng không thể chia sẻ, phân bua, trách cứ… Bằng những chi tiết gợi cảm, tinh tế, lối phân tích khéo léo về tâm lý, chuyên môn của một bác sĩ nội khoa Nguyễn Thanh Tuyên giải quyết thật hay, trọn vẹn về tình cảm của hai vợ chồng bằng cách chuyển tải “sóng âm” tình yêu để hạnh phúc hai người được trọn vẹn, tuyệt vời… Một truyện ngắn hay, độc đáo, đáng xem.
Các truyện ngắn Người coi sóc thần tài, Quanh cây bàng cổ, Chùm phong lan tím – Nguyễn Thanh Tuyên đã thể hiện vốn sống phong phú, sự quan sát tinh tế của mình khi xây dựng các nhân vật trong truyện.
Truyện ngắn Chùm phong lan tím nhân vật chính có bóng dáng của nhà thơ Phạm Xuân Trường chứng tỏ các anh qúy mến, thấu hiểu nhau. Theo tôi, Nguyễn Thanh Tuyên viết truyện ngắn khá chắc tay, anh có thể đi xa hơn trong thể loại này.
Phần tản văn và những bài bình thơ cảm nhận văn chương của nhà thơ Nguyễn Thanh Tuyên rất đáng quý, nó thể hiện tình yêu văn học say mê và sự quan tâm đến bè bạn của anh…Với những bài thơ anh thích thú đều có lời bình gan ruột, sâu xa, xúc động dù có tác giả anh chưa hề gặp. Những phát hiện của anh về ý tưởng, nghệ thuật trong thơ làm bạn đọc hiểu thêm vẻ đẹp, ý hay của thi ca. Tôi thích bài bình thơ Lục bát đánh giầy của Nguyễn Thế Kiên với những phát hiện đời thường, bài thơ Vu vơ của Trịnh Toại, bài thơ Về quê của Nguyễn Thị Thuý Ngoan, thơ của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng v.v… Những bài thơ được anh phân tích tỉ mỉ, gạn đục khơi trong chỉ ra vẻ đẹp ẩn giấu sau những câu thơ lấp lánh tình yêu cuộc sống. Phải là người yêu văn chương hết lòng, đọc kỹ, nghĩ sâu mới viết được những bài cảm nhận văn chương như thế.
Phần cuối tập sách là bài viết của các nhà văn Bão Vũ, Lưu Văn Khuê, Vũ Quốc Văn, các nhà thơ Vương Trọng, Nguyễn Lâm Cẩn, Tô Ngọc Thạch, Phạm Xuân Trường, Kim Chuông, Nguyễn Thị Thúy Ngoan, Diệu Thoa, Trần Ngọc Mĩ, Nguyễn Đạo về Nguyễn Thanh Tuyên. Đọc mà cảm động trước những tình cảm chân thành, sâu xa nghĩa tình bè bạn kể về anh với nhiều yêu thương, trân trọng đến thế. Trong cuộc đời anh phải sống thế nào để những hình ảnh lời nói của anh còn đọng lại trong tâm trí bao người đó mới là điều quan trọng. Vì tất cả tiền bạc, danh vọng, đền đài, miếu mạo rồi cũng sẽ mất đi, chỉ còn lại tấm lòng đầy tình thương mến bao dung của nhà thơ Nguyễn Thanh Tuyên với chúng ta… Tôi thích các bài viết của nhà văn Vũ Quốc Văn, nhà thơ Phạm Xuân Trường, nhà thơ Vương Trọng vì nó giản dị, cụ thể với những kỉ niệm khó quên. Những bài viết của các anh làm chúng tôi hiểu, quý mến Nguyễn Thanh Tuyên một cách cụ thể hơn.
Cuộc sống thế kỉ 21 có những điều thần kì, khó tin nhưng lại là sự thật. Đã có nhiều người chiến thắng bệnh tật từ cõi chết trở về bằng niềm tin mạnh mẽ, bản lĩnh nghị lực phi thường của bản thân. Và điều đó ở nhà thơ, bác sĩ Nguyễn Thanh Tuyên đang có.
Hy vọng anh sẽ chiến thắng cuộc chiến cam go bạo bệnh này. Chúc anh chiến thắng!
21h ngày 4.1.2017
N.L.K