Sập cầu Chu Va, những câu hỏi còn treo đấy – Bài viết của Nhà thơ Trần Đăng Khoa

Chúng ta đã phải trả một cái giá quá đắt bằng bao nhiêu mạng người để hiểu được cây cầu ấy thực chất là thế nào…

 

Chúng ta đã phải trả một cái giá quá đắt bằng bao nhiêu mạng người để hiểu được cây cầu ấy thực chất là thế nào

Câu chuyện đau xót này, không phải vừa xảy ra. Báo chí và các kênh truyền thông đều đã đưa tin. Vụ việc làm rúng động cả nước. Ai cũng đã biết. Chuyện cũ rồi. Nhưng lại xuất hiện tình tiết mới. Tình tiết mới nhưng vấn đề thì lại cũ. Chúng ta cũng đã bàn suốt bấy lâu nay. Vậy tại sao những chuyện rất cũ ấy lại vẫn cứ xảy ra?

Đó là vụ sập cầu treo tại bản Chu Va, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, ngày 24 tháng 2. Dân bản đưa tang người bị tai nạn giao thông. Thế rồi đứt cáp, cầu lật, hất bà con xuống lòng suối cạn, lổng chổng toàn đá hộc. Người chết bị tai nạn giao thông lại chết thêm lần nữa vì tai nạn sập cầu. Những người khỏe nhất, khiêng quan tài, giờ cũng lại nằm trong quan tài lạnh giá. Thêm 10 người chết. Hàng chục người bị thương. Không khí tang tóc hoang lạnh bao phủ khắp hai bản người Mông Chu Va 6 và Chu Va 8.

Theo khảo sát giám định của Bộ Giao thông Vận tải, nói như Bộ trưởng Đinh La Thăng, nguyên nhân sập cầu là do đứt ắc neo tăng đơ: “Ắc neo gãy trong quá trình khai thác là do lỗi chế tạo. Đáng lẽ phải khoan tạo lỗ thì ở đây lại dùng máy hàn, nên sắt bị giòn như chuyển sang trạng thái thành gang, nên nứt là đứt hẳn ra luôn. Bình thường hàng trăm người lên cầu treo cũng không đứt vì thiết kế an toàn cao hơn nhiều lần”.
Vậy mà ở đây, chỉ có 50 người trên mặt cầu thôi, mà cây cầu đã sập, gây tai nạn kinh hoàng. Không phải chỉ ắc neo rởm, mà trụ cầu cũng rởm. Chính những người dân ở đây đã nghi ngờ điều này. Có người đã dùng búa, đá đập vỡ mảng bê tông bao phủ bên ngoài, và họ đã sửng sốt khi thấy bên trong trụ cầu độn toàn gạch đỏ. Không phải gạch chịu lực, mà là gạch ống thông thường. Thật kinh hoàng.

Theo truyền thông, và nói như ông Phong Vĩnh Cường – Chủ tịch UBND xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, Lai Châu, rất có thể đơn vị thi công này đã “ăn bớt” vật liệu, làm sai thiết kế. Cần phải kiểm tra hồ sơ thiết kế với hiện trạng thực tại của cây cầu. Cũng theo ông Cường, việc để lại các trụ cầu rồi bắc lại ắc neo, thay cho ắc neo đã đứt là rất nguy hiểm. Bởi trụ cầu cũng không bảo đảm chất lượng, “không biết ngoài gạch đỏ, bên trong còn có cái gì nữa!”

Đã đến lúc cần kiểm tra lại tất cả các công trình đơn vị này đã tham gia thi công từ trước đến nay, trong đó có cây cầu Chu Va 8, cây cầu dành cho cả ô tô tham gia giao thông, mà đơn vị đã xây dựng cùng thời điểm với cây cầu Chu Va 6 vừa bị đổ sập.

Cần khởi tố vụ án sập cầu này. Ở các nước văn minh, một vụ sập cầu như thế này, những người chịu trách nhiệm ngay lập tức bị cách chức hoặc phải xin từ chức. Ở ta thì do xử lý không nghiêm nên những vụ việc đau lòng vẫn tiếp tục xảy ra.

Không phải chỉ các công trình giao thông nhỏ lẻ ở các địa phương, các miền quê hẻo lánh, ngay đến cả những công trình lớn, có tầm thế kỷ cũng liên tiếp xảy ra sự cố. Như cơn ác mộng thủy điện Sông Tranh, vỡ đập thủy điện Đakrông, Quảng Trị. Rồi vỡ đập thủy điện Đăk Mek, Tây Nguyên. Có trận vỡ đập kinh hoàng lại không phải sự cố gì to tát, mà chỉ là chiếc xe ben chở đá va vào thân đập. Thế mà cả con đập đổ nhào. So với cả công trình thế kỷ đồ sộ, chiếc xe Ben chỉ là con muỗi mắt. Thế mà chỉ một cú va chạm của “con muỗi mắt”, cả công trình kỳ vĩ vỡ vụn như cám. Phía bên trong ruột bê tông vỡ toác chỉ loi thoi vài cọng sắt “gầy nhom”. Có chỗ còn chẳng thấy một thỏi sắt nào, giữa thân đập được chèn một ít đá tròn, số còn lại là đất cát.

Còn cây cầu Chu Va 6, thật tiếc và đau xót, chúng ta đã phải trả một cái giá quá đắt bằng bao nhiêu mạng người vô tội và bất hạnh, để hiểu được cây cầu ấy thực chất là thế nào?

Và còn bao nhiêu những cây cầu như thế?

Tôi lại chợt nhớ đến anh bạn thân của tôi. Một cựu chiến binh từng vào sinh ra tử. Anh bảo tôi: “Tham nhũng đấy. Tất cả mọi tệ nạn đều từ tham nhũng mà ra. Tham nhũng là nói một cách văn hoa. Nói trắng phớ là ăn cắp.

Muốn khắc phục được ư? Chỉ có bằng cách giám sát chặt chẽ. Và phải giám sát độc lập. Làng tôi xây mỗi cái cống con cũng thất thoát. Mà chưa được một năm, cống đã hỏng. Ông xã trúng thầu. Ông xã lại giám sát. Thế thì tránh sao được nạn trộm cắp. Bởi thế. khi làm con đường lớn của làng, cánh cựu chiến binh chúng tôi tình nguyện làm giám sát viên. Mà làm không lương. Cũng chẳng vất vả gì. Cũng không cần phải có trình độ cao siêu. Mỗi người trực một hôm. Phân công cụ thể như thế. Rất nhàn.

Chúng tôi không quan tâm số tiền đầu tư bao nhiêu, chi vào những khoản gì? Đấy là việc của các anh, chúng tôi không hỏi, cũng không tò mò. Chúng tôi chỉ nắm mỗi cái thiết kế. Đường dài bao nhiêu? Bê tông đổ dày bao nhiêu? Có mấy cái cống? Sắt loại gì? Phi bao nhiêu? Xi măng mác gì? Bao nhiêu tấn? Chúng tôi chỉ làm mỗi việc đếm rồi ghi lại. Rồi xem người ta làm có đúng như người ta nói không. Cứ như đi chơi. Thế mà đâu vào đấy. Dân hỉ hả. Con đường mấy chục năm vẫn chắc khừ, búa đập cũng không vỡ!,Chống tham nhũng xem ra chả khó. Nếu muốn làm thật, làm hiệu quả thì cứ giao cho dân. Cán bộ ai thế nào, dân cũng biết hết. Đừng tưởng dân không hiểu gì. Nhầm đấy!”.

T. Đ. K.


 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder