Sự dung tục trong thơ — Thanh Tú

Thơ thì phải có chất thơ, kể cả thơ trào phúng đanh đá, giễu nhại sâu cay như thơ của Bà Hồ Xuân Hương, thì thi liệu để tạo chất thơ cũng không đến nỗi là quần “sịp” rồi “lông” trơ trẽn… như ở trên…

 

 

Thơ thì phải có chất thơ, kể cả thơ trào phúng đanh đá, giễu nhại sâu cay như thơ của Bà Hồ Xuân Hương, thì thi liệu để tạo chất thơ cũng không đến nỗi là quần “sịp” rồi “lông” trơ trẽn… như ở trên.

Đây là một vài lời giới thiệu tập thơ có cái tên rất “khiêu khích” Hở của một nhà thơ trẻ vừa phát hành: “đưa giới văn chương đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác… Hở lấy cảm hứng từ thực tế các thiếu nữ thời hiện đại “vô tư” khoe mông và đồ lót” (báo Đ.V); “Qua tuyển thơ Hở, độc giả sẽ cảm nhận rõ tố chất thi tài, hiền triết trong mỗi câu chữ” (Công ty sách N.N), được hai nhà phê bình có tiếng, một nhà văn tên tuổi quảng bá tại Hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp tối 21-9-2011… Thế mà “thơ” thế này:“Em ơi hở sịp rồi kìa, tôi không dám nhắc sợ lia lưỡi nhìn” (Hở),“Tôi hỏi một không tám không/ Chị ơi nỗi nhớ thì lông màu gì?/ Chị tổng đài giọng nhu mì/ À nhiều màu lắm vặt đi vẫn nhiều” (Lặng im thì cũng vừa tàn mùa đông). Thôi thì cứ cho quần “sịp” rồi “lông”… vào thơ cũng còn khả dĩ vì, nói như nhiều người, thơ hôm nay đang mở ra đón tất cả những gì ngoài đời sống ùa vào, nhưng các nhà quảng bá lại cho là “thơ … đi vào những biến điệu của đời sống thường nhật: từ việc ăn mặc hở hang cũng trở thành triết lí: Con gái bây giờ thích khoe hàng. Chính thảm họa của văn hóa tiêu dùng hiện đại chạm đến bản chất thi sĩ của L”; “Qua tuyển thơ Hở, độc giả sẽ cảm nhận rõ tố chất thi tài, hiền triết trong mỗi câu chữ”; “Thơ của NTHL mang sắc vẻ trẻ trung nhưng cũng già dặn xa cách với những gì phù phiếm. Trẻ, nhưng đã sâu đậm những triết lý, giả định…”, thì ghê gớm quá vì các phẩm chất “triết lý”, “thi sĩ”, đâu phải nhà thơ nào cũng có được, để trở thành “hiền triết”, “thi tài” ở xứ Việt ta có được mấy người?

Thơ thì phải có chất thơ, kể cả thơ trào phúng đanh đá, giễu nhại sâu cay như thơ của Bà Hồ Xuân Hương, thì thi liệu để tạo chất thơ cũng không đến nỗi là quần “sịp” rồi “lông” trơ trẽn… như ở trên. Thơ Hồ Xuân Hương cũng có “hở” nhưng đấy là vẻ đẹp thánh thiện vô tình hiện ra: “Đôi gò bồng đảo hương còn ngậm/ Một lạch đào nguyên suối chửa thông”.  Điều băn khoăn là các nhà giới thiệu lại “lăng xê” Hở hiện đại quá mức, cứ nghe lời họ thì để trở thành “thi sĩ” bây giờ là phải “hở”, phải “mở toang cánh cửa lòng mình cho thiên hạ, để trần mọi thứ”…

Độc giả chúng tôi chống lại thứ thơ “hở”, “lộ hàng”, “khoe hàng” và tiên đoán chúng sẽ chết yểu như những loại thơ quái gở ở những năm trước.

Thơ là địa hạt của sự sáng tạo cái đẹp, có thể là cái đẹp ở âm thanh, nhưng quyết không thể là cách tạo âm khó hiểu như thế này:

Noel, đèn, môi em, zaem, Jesusalem, phaphem, hang Đức Mẹ, Jot, Jotbêhe, mùi quen mà quên (D.T).

Hền hệch nước, Jji, Jjuâng, Hưngbi, BJinh, noel, nôem, nôelle, leng beng…

(D.T).

…Mon men hẻm quen. Bước loeng quoeng. Đụng và gặp lèng quèng những ám. Lơ quơ ký hiệu. Vẽ rồng rắn lên ngày xanh xa…( N.H.H.M).

Thơ là sự sáng tạo hình ảnh mới lạ kích thích bạn đọc hướng tới cái đẹp cao cả, hướng thiện, nhân văn chứ quyết không là sự làm lạ bằng những liên tưởng vật hoá:

(1)  Mùi gạch non như mùi nách đàn bà (D.T).

(2) Em đi đùi mọng, vú mọng

(3) Em đi mủ đêm, nhớt đêm…( D.T).

Phải thừa nhận tác giả của những câu thơ trên giàu liên tưởng, tạo ra những hình ảnh lạ nhưng không “nên thơ” chút nào. Đàn bà xưa nay vẫn được coi là biểu tượng cho cái đẹp nhưng ở câu (1) thì bị hạ thấp. Câu (2)  không mới không lạ, còn câu (3) thì tối tăm quá, “Em” bị coi thường quá. Có thể vì “đổi mới” quá mà thơ đi vào bí hiểm chăng?. Cũng là nói về hình tượng này sao trong Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm người con gái lại được đề cao đến tuyệt đỉnh, vẻ đẹp của con người sánh ngang với vẻ đẹp của vũ trụ:

Có nhớ từng khuôn mặt búp sen

Những cô hàng xén răng đen

Cười như mùa thu tỏa nắng

Một sự liên tưởng ngược lại, vũ trụ như là người con gái nhưng câu thơ dưới đọc lên thật phản cảm vì đó là hình ảnh người con gái – vũ trụ ấy đang trong “ngày đèn đỏ”:

Những đám mây hành kinh trời xa vòm xanh quần lót, mà đôi chân sông núi thập thò…(V.C.H).

Trong khẩu ngữ dân gian, khi các cô gái đến ngày đó chẳng may phải nói ra thì cũng không dám nói thẳng hành kinh mà có cô ý tứ nói “đến ngày…”, “chu kỳ”, “chuyện riêng của phụ nữ…”. Thế mà trong thơ…!!!

Thơ là nghệ thuật của trí tưởng tượng, là sự tạo hình tạo nghĩa đem lại cho độc giả những bất ngờ thú vị về những hình ảnh cuộc sống non tơ sinh sôi phập phồng hay biểu hiện một cuộc sống héo mòn, “mục ra, rỉ ra”…từ đó làm cho người đọc hiểu mà thêm yêu thương, căm thù hay khát vọng. Chứ quyết không tưởng tượng “vô hồn”:

Tôi lại đi…

Jiữa cái nong hình záng lưng tôi, một mảnh đen trước mặt, một vòng phấn dưới chân zính zính… những con 8 lộn zọc nhẵn thín nam châm, gói trong hạt thóc zống của không biết.

Tôi khắc biết mênh mông một cái bẹn Epicure ngập chìa chuồng bốn fía con mưa túlơkhơ xanh đỏ con sập sành…(Đ. Đ. H).

Bão loạn. Lốc dù. Xanh mí. Cốc ré…váy hè…Tiện nghi lạc xon. Chất chồng trố trố. Môi ngang. Vô hồn. Khoảng khắc. Mini mông lông. Cởi quần. Chửi thề. Con gà quay con gà quay. Bão loạn. Múa vàng. Te tua. Nhữ giấc. Bão loạn. Rùng rùng. Sặc nước. Giặt tóc. Liên tục địa đầm. Tim, chết, đi, bão loạn. Dứt tung tay. Óc lói…( H. H).

Thơ cũng là địa hạt của trí tuệ mà một trong những biểu hiện của nó là cách dùng những hình ảnh thơ độc đáo, hấp dẫn. Hình ảnh “thơ” dưới đây có thể “độc đáo” nhưng không hấp dẫn:

Ăn trái vú em săn chắc thõng vào mặt như hai quả chuông” (N.H.H.M)

Vì mâu thuẫn, “vú em” đã “săn chắc” thì không thể “thõng vào mặt” được. Và liên tưởng nghịch vì chỉ có thể “ăn” những trái có nét gần gũi với “vú em” như trái hồng, trái ổi, trái đào…chứ  còn “ăn” cả “hai quả chuông” thì trở thành quái gở. So sánh sau vừa thô vừa không thuyết phục được người đọc vì  giữa cái so sánh và cái được so sánh không có nét tương đồng nào:

Bầy tinh trùng như bầy đom đóm bay trong đêm” (V.C.H).

Thơ luôn phải đổi mới, đổi mới quyết liệt bắt đầu từ quan niệm của chủ thể tạo ra những góc nhìn mới mẻ về cuộc sống. Đó phải là góc nhìn của sự yêu thương kính trọng nâng đỡ con người. Từ chữ tâm (chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài) người nghệ sỹ mới có thể dùng sức nặng của con chữ như Đỗ Phủ nói Ngữ bất kinh nhân tử bất hưu (Lời thơ chưa kinh động lòng người thì chết chưa yên) để trải lòng mình, đem hồn mình tri âm hồn người. Mấy lời mạo muội nghĩ vậy, kính xin góp ý.

T.T

(Nguồn Văn Nghệ quân đội)

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder