Cát Hải, sức sống một miền thơ câu lạc bộ.
Lâu nay, Các nhà thơ lớn có uy tín hay nói về thơ các câu lạc bộ những câu: Thơ câu lạc bộ ấy mà! để nói rằng thơ câu lạc bộ rất kém, thơ con cóc, thơ người già về hưu và thơ bắt chước. Nhưng tại sao các câu lạc bộ thơ vẫn tồn tại và phát triển, thậm chí phát triển rất rộng. Họ không cần bàn về thơ hay thơ dở thế nào nhưng vẫn có rất nhiều các tạp chí thơ chỉ để đọc cho nhau nghe và tặng nhau.
Vừa rồi, nhà thơ Nguyễn Thị Mai, Trưởng ban Nhà thơ Nữ của Hội Nhà văn VN có mời tôi cùng nhóm nhà thơ nữ về giao lưu với hội thơ huyện Cát Hải và thành phố Hải Phòng tại đảo Cát Hải. Số nữ có nhà thơ Phan thị Thanh Nhàn, Nhà thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà và nhà thơ Nguyễn Thị Mai, trưởng đoàn. Nói thật là khi mời các bạn nam cùng đi không được, tôi đã tính bài không đi nữa nhưng Mai đặt vé rồi, không thể khác. Rồi tôi nghĩ lại: Cứ đi để viết nữa.
Tôi ấn tượng nhất khi về đến địa phận đảo Cát Hải, đầu cầu phía cảng Lạch Huyện ( Trên cầu Tân Vũ-Lạch Huyện dài nhất Việt Nam). Người đón chúng tôi là một bác già trông khắc khổ đi xe đạp điện nghe mãi không được điện thoại. Tôi đoán, cái điện thoại ấy cũ rồi. Bác là Nguyễn Đình Sơn, chắc là Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Cát Hải. Bác quí chúng tôi quá nên ra tận đầu cầu đón khách. Người vùng biển đảo Cát Hải quí khách thế.
Ấn tượng hơn với tôi là về đến điểm đón. Đường ven bờ biển, những người ra đón chúng tôi là các thi nhân thi hữu, có người tóc bạc phơ lại có những cô gái trẻ xinh, áo dài, tuổi chỉ độ 30. Nguyễn Thị Mai giới thiệu tôi là nhà thơ Lê Tuấn Lộc, Ban Văn học chuyên đề Hội Nhà văn Việt Nam. Một bác gầy gầy, tóc bạc, reo lên: Tối qua xem mạng Lê Tuấn Lộc, đã đọc bài thơ Uống rượu Trên sông Tiền. Hôm nay uống rượu bên bờ Cát Hải nhá. Tôi giật mình và cảm động. Thế là trước khi gặp chúng tôi, họ đã đọc thơ tôi trên mạng, đã tìm hiểu lai lịch của tôi. Tôi xúc động nhất là một cô gái xinh, cầm tay nhà thơ nổi tiếng Phan Thị Thanh Nhàn, lắc lắc, nói, em sẽ hát bài Hương thầm, phổ nhạc thơ chị. Đã tuổi tám mươi, Phan thị Thanh Nhàn hồn nhiên cầm tay cô gái và nói: Vẫn còn có người nhớ thơ Nhàn à. Con người nổi tiếng ấy nói như là chị đã vào sương khói rồi. Tay bắt mặt mừng, bác Nguyễn Đình Sơn vừa mời chúng tôi vào nhà vừa nói: Lần đầu tiên trong lịch sử thơ Cát Hải, các nhà thơ Việt Nam đã đến. Thật vinh dự cho đoàn chúng tôi nhưng cũng làm chúng tôi khó xử.
Buổi chiều, giao lưu thơ Hà Nội và Hải Phòng, Cát Hải. Bác Nguyễn Đình Sơn là người có trình độ tổ chức nhưng chắc là nể nang chúng tôi nên bác cũng dè dặt, thăm dò ban đầu khi giao lưu. Nhưng rồi mọi điều đâu vào đấy. Thoải mái và tự nhiên. Mọi người đọc thơ mình và giới thiệu về mình, hát về Hải phòng, về sáng tác của Đoàn Chuẩn.
Phan Thị Thanh Nhàn vẫn hồn nhiên nói về thơ mình, những sự cố về nghiệp thơ và chị vẫn hồn nhiên, gần gũi mọi ngời. Tôi nhắc lại hai câu thơ chị: Con đường ta đã dạo chơi, xin đừng đi với một người khác em. Chị cầm tay tôi và nói lời cảm ơn.
Chủ nhà, tên Nguyễn Sin, người chủ tài trợ cho sự kiện này, chỉ ngồi một chỗ đầu giường và đọc thơ. Tôi được biết anh bị tàn tật. Bác Sơn nói với tôi: Đó là một con người tuyệt vời của đảo Cát. Tôi nẩy ra ý định viết sâu về anh mà chưa có cách nào tiếp cận.
Không khí vui và đầm ấm hẳn lên khi nhà thơ Đoàn Thị Tảo đọc thơ và tâm sự về mình. Lần đầu tiên tôi gặp chị, tóc bạc phơ, nét mặt buồn sâu kể cả khi chị cười. Tôi hình dung ra chị với nỗi buồn da diết về chị gái: Thế là chị ơi, rụng bông hoa gạo.…Lời thơ, câu hát… đã ám ảnh tôi lâu rồi. Chị nói làm tôi rất cảm động: Tôi là người cô đơn nhất thế gian.
Còn Hoài Khánh, tôi đã đọc đâu đó về anh nhưng thoáng qua và chưa hề gặp trực tiếp. Một người đàn ông xa lạ vận áo trắng, im lặng ngồi đối diện tôi, không biết là từ thành phố Hải Phòng hay đảo Cát Hải. Tôi cười và ngỏ ý chào anh. Anh không nói gì, cũng không nhìn tôi. Tôi đưa tay gửi anh danh thiếp của tôi. Anh quay đi như không quan tâm. Tôi chột dạ: Ông này thế nào ấy nhỉ. Nhưng khi anh lên đọc thơ và giới thiệu mình tên Hoài Khánh. Tôi mới biết anh Hoài Khánh người Hải Phòng. Nhưng khi cuối buổi giao lưu, một cô gái dắt tay anh đến chào tôi và nói anh Hoài Khánh tặng thơ cho nhà thơ Lê Tuấn Lộc. Rồi chị ta cầm tay anh Hoài Khánh để anh ký lên sách tặng, tôi mới biết anh khiếm thị. Tôi giật mình và bị ám ảnh mãi về hình ảnh ấy của Hoài Khánh khi chia tay tôi. Anh cầm tay tôi và lắc lắc mãi: Xong việc Cát Hải mời các anh chị về thành phố Hải Phòng nhé. Em sẽ trân trọng tiếp. Tôi phải hẹn anh một dịp khác. Đêm, đọc thơ Hoài Khánh và tôi nhận ra, một Hoài Khánh có duyên với thơ trẻ em, một mảng khó viết.
Tôi cũng đã nghe đọc thơ của bác Nguyễn Đình Sơn, Nguyễn Sin, Đỗ Bến, Lê Thị Tâm Chung…, rồi các bạn thơ thành phố Hải Phòng: Thúy Ngoan, Lê Phương Liên, vv…tôi muốn nói nhiều lắm nhưng buổi giao lưu ngắn quá. Tôi chưa bao giờ đến dự một buổi giao lưu thơ nào đầm ấm được thế. Không ý tứ, không cách biệt, thoải mái thả hồn mình bằng thơ. Tôi hoàn toàn không phân biệt được đâu là các nhà thơ danh tiếng, đâu là thơ câu lạc bộ.
Bác Nguyễn Đình Sơn còn bảo: Lần đầu tiên hội thơ Cát Hải có buổi giao lưu sâu đậm thế, rất lịch sử. Người đảo Cát quí khách, chân tình và thành thật, nhiều bài thơ hay, có thể chọn đăng báo được, nhưng có lạ: Tất cả hội viên thơ Cát Hải chưa ai là Hội viên Hội Văn nghệ Hải Phòng chứ chưa nói là Hội Nhà văn Việt Nam. Và thậm chỉ họ cũng không thành một câu lạc bộ chính thức, nhưng đã hoạt động lâu rồi.
Có một sự nhầm lẫn đáng nhớ mà tôi phải xin lỗi các bạn thơ Cát Hải trên Facebook. Năm mươi năm trước, thời sinh viên, tôi hay chơi với cô em họ bà nội tôi, tên Văn Thị Thanh Vân. Vân là sinh viên đại học ngành Thủy Sản. Có lần, Vân đi thực tập làm nước mắm ở Hải Phòng, mua về cho tôi món quà nước mắm và rong câu biển. Tôi hỏi mua ở đâu, Vân bảo Cát Bà. Sau này Vân đính chỉnh là thực tập ở Cát Hải chứ không phải Cát Bà. Trước khi chuẩn bị đi giao Lưu thơ, nhà thơ Nguyễn Thị Mai nói, sẽ ở Cát Hải một tối hôm sau sang Cát Bà. Nên tôi bị in đậm danh từ Cát Bà. Mặt khác, mấy lần tôi về huyện đảo thì Cát Hải chỉ là đi qua và chủ yếu làm việc ở Cát Bà. Lần thì đi kiểm tra tiến độ dự án Du lịch Vinaconex ở Cát Bà, lần thì đi khảo sát lắp thiết bị đo năng lượng gió ở Cát Bà để đánh giá năng lượng tái tạo cho Hải Phòng. Cát Hải, đảo nước mắm là tôi chưa từng đến. Cho nên cái ấn tượng về Cát Bà quá sâu đậm trong tôi. Hai đảo ấy lại gần nhau. Đến nỗi nhắn tin cho bạn về chuyến đi, tôi còn nói nhầm là đang ở Cát Bà. Vì thế, khi đưa tin lên Facebook, tôi viết nhầm là giao lưu thơ Cát Bà. Tuy vậy, sau đó nửa tiếng, khi tôi chuẩn bị viết bài về Cát Hải – mùi nước mắm, tôi phát hiện mình nhầm, đính chính ngay trên mạng thì mọi người đã phản hồi về sự vô ý của tôi rồi. Bác Nguyễn Đình Sơn, trưởng hội thơ, có ý trách và tôi phải xin lỗi ngay. Thôi thì thế càng nhớ hội thơ Cát Hải hơn, bạn đọc Cát Hải ạ.
Nhân đến với miền thơ Cát Hải, tôi muốn nói đôi điều về nhìn nhận chung về hoạt động của các câu lạc bộ thơ hiện nay.
Tôi nhớ mới cách đó 20 ngày, tôi được mời đến Bắc Ninh để dự lễ kỷ niệm 10 năm Thơ và tổng kết nửa nhiệm kỳ của Trung tâm Văn học Nghệ thuật Nam Kinh Bắc ( gồm những Hội viên CLB thơ của bốn Huyện Thuận Thành, Lương Tài, Gia Bình ở tỉnh Bắc Ninh và Hội viên ở huyện Cẩm Giàng của tỉnh Hải Dương ). Chúng tôi về xã Song Hồ, các bác ở xã ra đón chúng tôi nhiệt tình và trọng thị như là đón lãnh đạo của tỉnh không bằng. Những cái bắt tay, nhưng tập thơ họ tặng…đấy là quà cho các nhà thơ ở Hà Nội. Chủ tịch UBND xã Song Hồ còn có lẵng hoa sang trọng tặng cho Trung tâm Văn học Nghệ thuật. Thế là họ coi trọng các câu lạc bộ thơ chứ. Hồi năm 2018, chúng tôi về đi thực tế tỉnh Đồng Tháp, còn có huyện có cả Hội Văn nghệ và họ còn ra tập san Văn nghệ của huyện nữa. Hội văn nghệ huyện mời chúng tôi giao lưu thơ nhạc một buổi. Ở Bắc Ninh, tôi đọc nhanh một số bài thơ trong các tập thơ Nam Kinh Bắc tặng, tất nhiên vẫn là nhưng bài thơ dạng hoài niệm, kỷ niệm, thất tình, nhớ nhung người yêu cũ, vv…nhưng cũng có những bài rất hay ( như của Duy Đắc, của Phạm Thuận Thành vv…) Như thế để nói rằng, nhiều nhà thơ CLB không kém cỏi đâu.
Tôi nhớ đến một lần về Thanh Hóa, gặp anh Nguyễn Văn Thắng, Thường vụ tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo. Anh hồ hởi bắt tay tôi và nói: Vừa dự một lễ Câu lạc bộ Thơ Việt Nam trao kỷ niệm chương cho các đồng chí ở tỉnh. Tôi nhìn anh Thắng, thấy anh hồ hởi và rạng rỡ nét mặt, và nhìn tấm huy hiệu kỷ niệm chương lấp lánh trên ngược anh. Tôi hỏi ai trao? Anh vui vẻ trả lời: Nhà thơ Bành Thông. Tôi giật mình. Thì ra là ông Bành Thông! Tôi lạ gì ông Bành Thông. Và những khen chê, những vụ lùm xùm. Ông đã giám trao kỷ niệm chương Thơ cho cả lãnh đạo Thanh Hóa. Nhưng rồi đêm nằm, tôi lại nghĩ: Tại sao một câu lạc bộ như Bành Thông mà đã vận động đến hàng nghìn hội viên thơ nhiều tỉnh? Mà họ yêu thơ thật sự. Hoạt động ấy không xấu, còn hơn đánh bạc, xóc đĩa và đi sát phạt nhau trong làng xã. Hội Nhà văn Việt Nam vẫn có CLB Văn Chương do nhà thơ Vũ Quần Phương làm chủ tịch kia mà. Và họ gồm nhiều người chưa phải là Hội nhà văn Việt Nam. Nhà thơ Quang Hoài,chủ tịch CLB thơ Tràng An, Nhà thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà, nguyên chủ tịch CLB thơ Hồ Gươm vv…. có phải là dân thơ con con đâu, các nhà thơ nổi tiếng đấy.
Tôi đã được bác Lê Bá Xây, là thân sinh ra ca sĩ nổi tiếng Anh Thơ, tặng một tập thơ về thế sự, về gia đình bác, có cả thơ để tặng con gái yêu Anh Thơ. Tôi bảo bác xuất bản đi, em sẽ giới thiệu và bình thơ cho bác. Bác bảo không cần. Bác chỉ photo ra tặng bạn đọc cho vui tuổi già thôi. Thơ in ra bán cho ai được.
Nhiều người trưởng thành từ các CLB và trở thành Hội viên Hội nhà văn VN, nhiều hội viên CLB thơ đã theo học ở Trung tâm viết văn Nguyễn Du và trưởng thành, được kết nạp Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội.
Các nhà lãnh đạo nghĩ gì và trách nhiệm thế nào?
Các Câu lạc bộ thơ do những người yêu thơ, thích làm thơ lập nên. Họ góp tiền lại để in thơ và đàm đạo với nhau, để tặng thơ cho nhau và đấy là một sân chơi của họ. Đấy là một sân chơi thơ hay chứ.
CLB Thơ Công nhân Việt Nam của Nhà thơ Trung Hậu đã 20 năm, Kinh Bắc là 10 năm. Các CLB thơ Xứ Đoài, Thơ giáo Chức, CLB thơ Dịch, CLB thơ Hồ Gươm, CLB thơ Tràng An … đều có tuổi đời trên chục năm có lẻ.
Địa phương như xã Song Hồ, lãnh đạo đều quan tâm, tạo các điều kiện, hội trường, điện nước để họ hội họp. Ngành Điện Lực Việt Nam coi các CLB thơ là một hoạt động xã hội hợp pháp của ngành và hàng năm đều có hỗ trợ kinh phí dù nhỏ để các bác giao lưu với nhau hay thăm thú các ngành điện trong nước, thăm các công ty thủy điện trong nước. Hay quá! Sao các địa phương khác không làm được thế, thậm chí có nơi lại nghĩ oan cho các bác là tập hợp lại để làm thơ nói xấu chế độ.
Lãnh đạo các địa phương các tỉnh nên tạo điều kiện và khuyến khích cho các câu lạc bộ thơ hoạt động để vui tuổi già và sức khỏe tinh thần tốt hơn. Địa phương chả mất gì cả, chỉ có được. Đấy là dạng văn hóa làng xã, văn hóa phường. Có hỗ trợ tý chút cũng không đáng kể, mà lại được tiếng là quan tâm đến dân.
Hồ Linh Đàm. Hà Nội, 7/11/2019