Tác giả “Giết con chim nhại” vẫn còn những tác phẩm chưa công bố? – Bích Ngoc

Sau thành công lớn của cuốn tiểu thuyết đầu tay “To Kill A Mockingbird” (Giết con chim nhại), nữ nhà văn Harper Lee không cho ra mắt thêm cuốn tiểu thuyết nào nữa. Dù vậy, bà vẫn âm thầm viết lách, chỉ có điều không công bố các tác phẩm của mình…

Sau thành công lớn của cuốn tiểu thuyết đầu tay “To Kill A Mockingbird” (Giết con chim nhại), nữ nhà văn Harper Lee không cho ra mắt thêm cuốn tiểu thuyết nào nữa. Dù vậy, bà vẫn âm thầm viết lách, chỉ có điều không công bố các tác phẩm của mình.

Chính điều này đã khiến độc giả yêu văn chương trên khắp thế giới rất kinh ngạc khi ở thời điểm hai năm trước đây, bà bất ngờ cho xuất bản cuốn “Go Set A Watchman” (tạm dịch: Giá của tỉnh ngộ). Đây là phần tiếp theo của cuốn “Giết con chim nhại” lấy bối cảnh ở thời điểm 20 năm sau.

Mới đây, đã có thêm thông tin xuất hiện về nữ nhà văn nổi tiếng với lối sống ẩn dật. Theo một người bạn lâu năm của bà, Harper Lee thực tế đã viết vài cuốn tiểu thuyết bên cạnh cuốn “Go Set A Watchman” mới được công bố hồi năm 2015. Người bạn này có một lần đã được nghe bà kể rằng chính bà đã vừa tự tay đốt một tập bản thảo.

Chia sẻ này được ông George Malko, người hàng xóm của nữ nhà văn Harper Lee thuở bà còn sinh sống ở Manhattan, New York, hồi thập niên 1960 chia sẻ mới đây. Ông Malko tin rằng bà Harper Lee vẫn miệt mài viết lách sau khi chọn cho mình lối sống ẩn dật.

Chính danh tiếng quá lớn sau khi cho ra mắt cuốn “Giết con chim nhại” đã khiến bà “hoảng sợ”, không còn có ý định xuất bản thêm cuốn sách nào nữa.

Ảnh trái: Nữ nhà văn Harper Lee năm 2007. Ảnh phải: Harper Lee trên phim trường của “Giết con chim nhại” hồi năm 1962, bên cạnh cô bé Mary Badham đóng vai Scout.

Harper Lee (1926-2016) là một trong những tác giả kỳ lạ của thế giới văn chương khi nổi tiếng với chỉ một cuốn tiểu thuyết duy nhất cho xuất bản – “Giết con chim nhại” (1960).

Chia sẻ của ông George Malko đã đưa lại thêm một góc nhìn về đời sống văn chương của nữ nhà văn Harper Lee sau khi bà đã trở thành nhân vật có tiếng trong văn đàn, dù mới chỉ cho ra mắt một cuốn tiểu thuyết duy nhất. Về sau, cuốn “Giết con chim nhại” đã được chuyển thể thành phim điện ảnh hồi năm 1962.

Nhớ lại kỷ niệm thuở còn là hàng xóm thân thiết với nữ nhà văn có lối sống giản dị, ông Malko chia sẻ: “Có lần tôi bị đánh thức lúc 2h sáng bởi bà Lee. Tôi vốn là một biên kịch nên giữa chúng tôi có sự đồng điệu nhất định.

“Lee là một phụ nữ cá tính mạnh, đôi khi bà ấy cũng say xỉn. Hôm đó, bà ấy gõ cửa nhà tôi để hỏi xem trong nhà còn chút đồ uống nào không, tôi phải nói tránh đi là đã hết sạch rồi. Thế rồi, Lee thản nhiên nói với tôi rằng bà ấy đã vừa đốt một xấp bản thảo 300 trang trong lò sưởi”.

Ông Malko (81 tuổi) vẫn giữ liên lạc với bà Harper Lee cho tới tận khi bà qua đời hồi năm 2016 ở tuổi 89. Giữa hai người họ là một tình bạn gắn liền với văn chương. Theo trí nhớ của ông Malko, bà Lee không hề tỏ ra buồn phiền, đau khổ gì bởi hành động của mình.

Dường như đối với bà, viết lách là để thỏa mãn niềm ham thích cá nhân, tuyệt nhiên, bà không có nhu cầu chia sẻ những gì bà viết với ai, ngay cả với ông Malko vốn cũng được bà khá yêu mến và tin cậy.

Ông Malko chia sẻ: “Tôi cảm thấy rõ ràng trong hành động và thái độ của bà ấy một ý muốn mãnh liệt rằng bà sẽ không công bố bất cứ tác phẩm nào nữa”.

Cuốn “Go Set A Watchman” xuất bản năm 2015, ở thời điểm 55 năm sau khi cuốn “Giết con chim nhại” ra mắt khiến công chúng không khỏi bất ngờ trước sự đổi thay suy nghĩ của bà Harper Lee.

Bí mật trong cuộc đời nữ nhà văn sống ẩn dật nhất thế giới

Sự nghiệp viết lách của Harper Lee bắt đầu từ một món quà Giáng sinh: Là con gái của một luật sư làm việc ở bang Alabama, Harper Lee chuyển tới sống ở New York để vừa làm việc vừa viết lách kể từ năm 1949.

Khi đang làm nhân viên bán vé máy bay cho một hãng hàng không hồi năm 1956, hai người bạn có tên Michael và Joy Brown đã tặng cho Harper Lee một món quà Giáng sinh không thể nào quên.

Đó là một món tiền đủ để bà có thể bỏ việc và sống trong một năm mà không cần lo nghĩ đến tiền, trong một năm đó, hai người bạn muốn Harper Lee dùng để chuyên tâm vào việc viết lách. Bên cạnh món tiền là một tờ giấy nhắn: “Cậu có một năm không phải làm việc để viết nên bất cứ thứ gì cậu thích. Chúc Giáng sinh vui vẻ!”.

Harper Lee đã dùng món quà tuyệt vời đó một cách không hề phí phạm, chính trong năm này, bà đã viết nên tác phẩm nổi tiếng thế giới – cuốn “Giết con chim nhại”.

Năm 2015, độc giả trên khắp thế giới đã rất bất ngờ khi nhà xuất bản HarperCollins tuyên bố rằng Harper Lee – nữ nhà văn ẩn dật vốn luôn đặt mình nằm ngoài mọi sự quan tâm của truyền thông và công chúng – đã đồng ý cho xuất bản phần tiếp theo của cuốn “Giết con chim nhại”.

Hoàn cảnh cho ra mắt cuốn “Giá của tỉnh ngộ”, khi Harper Lee đã quá lớn tuổi và có nhiều vấn đề sức khỏe, đặc biệt là việc bà bị mất thính giác khá nặng, đã khiến nhiều người lo ngại về việc liệu cuốn sách này có ra mắt đúng theo ý nguyện của bà không.

Chính quyền bang Alabama đã tiến hành một cuộc điều tra đối với nghi vấn lạm dụng người già mà những người gần gũi xung quanh Harper Lee có thể đã gây ra đối với bà nhằm ép buộc bà cho xuất bản cuốn tiểu thuyết thứ hai – “Giá của tỉnh ngộ”.

Tuy vậy, kết quả điều tra cho thấy Harper Lee vẫn hoàn toàn minh mẫn trong những năm tháng cuối đời và không có chuyện bà bị lợi dụng tên tuổi để cho ra mắt một cuốn tiểu thuyết không mong muốn.

Harper Lee – nữ văn sĩ ẩn dật hàng đầu thế giới: Chỉ bằng một cuốn tiểu thuyết đầu tay duy nhất, “Giết con chim nhại” đã giúp Harper Lee trở thành tác giả danh tiếng và giàu có, tuy vậy, kể từ sau thành công lớn này, Harper Lee ngay lập tức bước vào cuộc sống ẩn dật, bà tránh né truyền thông và công chúng. Để gặp được bà và phỏng vấn là điều không tưởng.

Cuộc sống của Harper Lee diễn ra hết sức giản dị và thanh đạm. Những thông tin về đời sống cá nhân của bà rất hiếm, nhưng theo tờ New Yorker, Harper Lee đã kiếm được 816.448 đô la (tương đương hơn 18 tỷ đồng) tiền bản quyền từ tác phẩm của mình chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2010.

Suốt từ năm 1960 đến nay, độc giả có thể tạm tính “sơ sơ” khối gia sản kếch xù của nữ nhà văn. Tuy vậy, vì có một đời sống quá giản dị, nên bà không bao giờ cần phải chi tiêu nhiều. Bà chẳng giao du với mấy ai, cũng không đi du lịch. Chuyến hành trình mà bà thường thực hiện là… đi từ nhà tới tiệm giặt là bởi ở nhà, Harper Lee không có máy giặt.

Ngoài ra, Harper Lee còn không có điều hòa, máy tính và điện thoại di động. Đối với việc sáng tác và viết thư từ, bà vẫn sử dụng máy đánh chữ. Về gia sản kếch xù của mình, người ta được biết rằng Harper Lee vẫn âm thầm quyên góp cho nhà thờ và các tổ chức từ thiện.

Quá trình sáng tác “Giết con chim nhại” kéo dài và mệt mỏi: Harper Lee đã từng phải dành ra 6-12 tiếng đồng hồ mỗi ngày để viết, bà ép mình phải viết được một trang bản thảo ưng ý mỗi ngày. Harper Lee từng chia sẻ trong một cuộc đối thoại hiếm hoi với sinh viên một trường Đại học hồi cuối thập niên 1960 rằng: “Đối lập với những gì đa phần mọi người vẫn nghĩ, không có hào nhoáng trong nghề viết. Thực tế, phần lớn thời gian, bạn sẽ cảm thấy đau buồn xé ruột”.

B.N

(nguồn Dân Trí)

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder