… Tôi cho rằng tác phẩm hay là yếu tố định đoạt uy tín của tạp chí, báo văn nghệ. Người đọc sẽ nhớ đến tác phẩm hay (đương nhiên là nhớ tác giả) trước khi nhớ đến tên báo hay tạp chí. Khi báo, tạp chí có nhiều tác phẩm hay thì đồng nghĩa với báo, tạp chí hay…
Mới đây, Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng sáng tác văn học, nghệ thuật trong giai đoạn mới và hoạt động của tạp chí Người Kinh Bắc; Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng là một trong những đơn vị tham gia Hội thảo này.
Vanhaiphong.com trân trọng giới thiệu bài tham luận của nhà thơ Đinh Thường trình bày tại Hội thảo.
Quang cảnh buổi Hội thảo
Đã nhiều năm qua, tạp chí và báo văn nghệ của các tỉnh, thành phố không chỉ làm nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về văn học nghệ thuật mà còn phản ảnh các hoạt động văn hoá văn nghệ của địa phương; đồng thời góp phần đưa các tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu đến với công chúng.
Trong bối cảnh có sự bùng nổ của các loại hình giải trí, văn hoá đọc truyền thống đã có sự thay đổi đáng kể theo hướng suy giảm. Một bộ phận lớn độc giả, đặc biệt là lớp trẻ không còn trung thành với văn hoá đọc đã tìm đến các loại hình giải trí, nghe nhìn hiện đại. Một bộ phận khác yêu thích văn hoá đọc nhưng đã thay đổi phương thức đọc, thay vì đọc báo giấy chuyển sang đọc báo mạng, vừa nhanh chóng, vừa tiện lợi, rất phù hợp với nhu cầu giải trí trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá…
Chỉ cần chỉ ra như vậy, chúng ta đã thấy vô vàn khó khăn cho những người làm báo giấy; đặc biệt là các tạp chí, báo thuần về văn nghệ của các tỉnh thành. Họ không thể lấy yếu tố có tính thời sự hoặc giật gân kiểu hình sự hay tiết lộ đời tư của những người nổi tiếng để thu hút độc giả. Đó là chưa kể đến những bất cập trong công tác quản lý xuất bản, báo chí mà dư luận đã từng đề cập.
Độc giả của các tạp chí, báo văn nghệ nói chung và của các tỉnh, thành nói riêng không ai khác, chính là các văn nghệ sỹ và một bộ phận không nhỏ công chúng yêu văn học nghệ thuật. Và chính những đối tượng này là bộ phận đi tiên phong có nhu cầu ngày càng cao về thưởng thức các giá trị văn học nghệ thuật.
Với tác phẩm của một tác giả văn chương hoặc với một công trình nghệ thuật của các văn nghệ sỹ khác, tác phẩm ra đời sau không vượt lên được tác phẩm trước về cả nội dung lẫn hình thức thể hiện, họ đều có thể nhận biết một cách dễ dàng; huống chi là trên cùng một trang tạp chí, cùng một thể loại mà hai tác phẩm quá chênh lệch nhau về tính chuyên nghiệp.
Từ cách đặt vấn đề như vậy, tôi cho rằng tác phẩm hay là yếu tố định đoạt uy tín của tạp chí, báo văn nghệ. Người đọc sẽ nhớ đến tác phẩm hay (đương nhiên là nhớ tác giả) trước khi nhớ đến tên báo hay tạp chí. Khi báo, tạp chí có nhiều tác phẩm hay thì đồng nghĩa với báo, tạp chí hay.
Đến đây chúng ta chúng ta bắt gặp vấn đề khái niệm: “Thế nào là một tác phẩm hay?”. Sẽ có rất nhiều cách lý giải, nhưng tôi thì cho rằng: Một tác phẩm hay, bất luận thể loại gì, trước hết nó phải gây được cảm hứng cho người thưởng thức nó. Tất nhiên dẫu báo, tạp chí văn nghệ của chúng ta có mang tên “Cửa Biển”, “Người Kinh Bắc”, … hay gì gì đi chăng nữa thì vẫn là báo chí cách mạng. Nó phải hướng người đọc tới chân, thiện, mỹ; phụng sự lợi ích của Tổ quốc và nhân dân.
Tác phẩm hay, chính là nguyên liệu thứ thiệt để làm nên báo, tạp chí văn nghệ hay. Nếu thiếu nó người làm báo, tạp chí văn nghệ có tài đến mấy trong việc sắp đặt, trình bày, thì cũng chỉ có một tờ báo hoặc tạp chí văn nghệ đẹp về hình thức, chứ không thể có một tờ báo hoặc tạp chí văn nghệ hay theo đúng nghĩa của nó.
Vậy thì lấy tác phẩm hay ở đâu? Chúng ta chỉ làm một vài số báo, tạp chí văn nghệ thì không thiếu tác phẩm hay. Nhưng một hoặc hai tháng ra một số tạp chí, hoặc một tuần ra một số báo văn nghệ đòi hỏi tất cả các tác phẩm đều hay thực khó. Chưa kể đến báo, tạp chí văn nghệ các tỉnh, thành phải có nhiệm vụ phản ánh, quảng bá đời sống văn học nghệ thuật của địa phương mình. Nếu chỉ sử dụng các tác phẩm của trung ương, của địa phương bạn thì báo, tạp chí văn nghệ các tỉnh, thành đâu còn hồn vía quê hương!?
Và như vậy để có được những tác phẩm hay cho tạp chí, báo văn nghệ của mình, Hội Văn học Nghệ thuật các tỉnh thành phải đối mặt với một vấn đề lớn là quy hoạch xây dựng đội ngũ sáng tác là hội viên và cộng tác viên, là xây dựng cơ chế chính sách đãi ngộ đi kèm v.v… Các Hội Văn học Nghệ thuật các tỉnh, thành sẽ làm được gì cho mục tiêu của mình nếu như không có sự vào cuộc quyết liệt, đầy trách nhiệm của lãnh đạo và các cơ quan chức năng địa phương!?
*
* *
Thực trạng các tạp chí, báo văn nghệ các tỉnh, thành trong những năm vừa qua đều hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về văn học nghệ thuật; không chỉ phản ánh thành tựu văn học nghệ thuật của địa phương mình mà còn phối hợp phản ánh thành tựu văn học nghệ thuật của các tỉnh bạn; góp phần củng cố vai trò của nền báo chí cách mạng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.
Thành tựu ấy có sự đóng góp không nhỏ của các anh chị trong Ban Biên tập của các báo, tạp chí văn nghệ các tỉnh thành. Chắc chắn rằng có nhiều anh chị đang hiện diện ở đây. Xin được chúc mừng tất cả các anh chị.
Tuy nhiên, có một thực tế là: Ở đâu đó chúng ta đã từng gặp những tờ báo, tạp chí trình bày rối rắm, đề mục, tên tác giả, tên tác phẩm, co chữ, phông chữ không thống nhất… Sơ xuất này dễ làm cho bạn đọc suy nghĩ về tính chuyên nghiệp của báo, tạp chí. Hoặc đôi khi vì yêu cầu của chuyên mục, nên đã in những bài còn sơ lược về mặt nội dung, chưa tới về mặt nghệ thuật, gây cho bạn đọc cảm giác thất vọng… Nên chăng chúng ta cùng suy nghĩ về điều này!?
Bắc Ninh là mảnh đất “ngàn năm văn vật”, có nhiều lễ hội và di tích văn hoá lịch sử lâu đời; đặc biệt làn điệu dân ca Quan họ làm say đắm lòng người… Nói như thế cũng đủ thấy sự phong phú của nguồn cảm hứng sáng tạo. Tôi tin là các văn nghệ sỹ Kinh Bắc tài hoa sẽ có thêm nhiều tác phẩm hay.
Cũng như Bắc Ninh và các tỉnh, thành khác, Hải Phòng có những lợi thế riêng của mình. Một “Hải tần phòng thủ” trong lịch sử chống ngoại xâm; một Hải Phòng “Trung dũng, quyết thắng” trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước; một Hải Phòng đi đầu trong khoán sản nông nghiệp; Và hiện nay là một Hải Phòng năng độngầphts triển hướng ra biển và làm giàu từ biển đã tạo động lực và cảm hứng mạnh mẽ cho văn nghệ sỹ Đất Cảng thể hiện mình qua tác phẩm. Mở rộng ra cả vùng đồng bằng sông Hồng, trong đó có Bắc Ninh, tôi tin vào sự đổi mới của văn nghệ sỹ nói chung, những người làm báo chí văn nghệ nói riêng. Và chắc chắn bạn đọc sẽ tìm được nhiều tác phẩm hay trên các báo, tạp chí Cửa Biển, Người Kinh Bắc, Sông Thương, Sông Châu, Hạ Long, Văn Nhân, Phố Hiến, Văn nghệ Vĩnh Phúc,Văn nghệ Hải Dương, Văn nghệ Ninh Bình v.v và v.v…
*
* *
Chúng ta đã chủ động đưa vấn đề ra hội thảo thì cũng có nghĩa là chúng ta có ý thức tự làm mới mình. Trong bối cảnh Đảng, Nhà nước đang có chủ trương củng cố lại hệ thống báo chí… thì đây là một cơ hội tốt để tạp chí Người Kinh Bắc và các báo, tạp chí văn nghệ các tỉnh, thành tự xem xét đánh giá, tìm ra cách đi thích hợp cho mình. Dù giải pháp gì đi chăng nữa, ngoài sự quan tâm lãnh đạo của các cấp có thẩm quyền, yếu tố con người đóng một vai trò hết sức quan trọng. Không thể có một tờ báo, tạp chí văn nghệ hay nếu như đội ngũ biên tập thiếu tâm huyết, không được đào tạo chuyên sâu. Và điều không thể thiếu là cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp đối với tác giả, tác phẩm….
Trên tinh thần cầu thị, tham dự buổi hội thảo hôm nay, tôi xin nêu một vài vấn đề trao đổi cùng bạn bè, đồng nghiệp.
Chúc Hội thảo thành công!
Hải Phòng, tháng 10/2015
Đinh Thường