Phong ba, phong nhã và phong biểu – Đạo Thành

Dẫu rằng, “sinh thời, ông luôn bị đố kị, dèm pha. Dân văn bảo ông viết kịch hay, dân kịch bảo ông viết nhạc hay, dân nhạc bảo ông làm thơ hay, dân thơ bảo ông viết lý luận phê bình hoặc triết học mới phục… Riêng tôi, mỗi lần trò chuyện với ông, tôi lại thấy ông hiện lên trước mắt mình như một nhà văn hóa…”(7)

 

Dẫu rằng, “sinh thời, ông luôn bị đố kị, dèm pha. Dân văn bảo ông viết kịch hay, dân kịch bảo ông viết nhạc hay, dân nhạc bảo ông làm thơ hay, dân thơ bảo ông viết lý luận phê bình hoặc triết học mới phục… Riêng tôi, mỗi lần trò chuyện với ông, tôi lại thấy ông hiện lên trước mắt mình như một nhà văn hóa…”(7)

Phong ba

Cuộc đời hoạt động văn chương, nghệ thuật của Nguyễn Đình Thi đã để lại nhiều tác phẩm cho nền văn nghệ nước nhà. Thể loại nào ông góp mặt, ít nhất cũng để lại được một vài tác phẩm có tính chất kinh điển của văn nghệ cách mạng. Thơ có “Đất nước”, “Bài ca Hắc Hải”; Truyện gồm: “Xung kích”, “Vỡ bờ”; Tiểu luận phê bình có: “Công việc của người viết tiểu thuyết”. “Mấy vấn đề văn học”; Kịch gồm “Con nai đen”, “Rừng trúc”, “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”; Nhạc có “Diệt phát xít”, “Người Hà Nội”…

Phải công bằng mà nói, đối với một người cầm bút mà để lại cho đời được một khối lượng tác phẩm tương đối đồ sộ như Nguyễn Đình Thi, hẳn văn đàn Việt không nhiều. Dẫu rằng tất cả các tác phẩm của ông đều chưa thể đạt đến độ mà đáng lẽ chúng hoàn toàn có thể. Nhưng, nhiều tác phẩm của ông ở các thể loại khác nhau đều có sức sống khá bền lâu trong lòng công chúng công nông binh mến mộ. Tuy nhiên, về lĩnh vực kịch, thì hầu các vở ông viết ra ở các thời điểm khác nhau đều bị cấm, như ba vở kịch nêu trên. Bởi một lẽ giản đơn, ông đã đặt ra vấn đề chủ nghĩa nhân văn, cái mà khi ấy đại bộ phận giới cầm bút và lãnh đạo văn nghệ, cũng như công chúng công nông binh chưa nghĩ tới hay không nghĩ ra được (!?)

Đa tài về văn chương- nghệ thuật là thế, nhưng từ năm 1955 trở đi, ông luôn vướng bận vào công việc quản lý văn học, nghệ thuật. Thậm chí ông còn là người ngồi chiếc ghế nóng Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam lâu nhất trong lịch sử, từ năm 1958 đến năm 1989. Từ năm 1995, ông là Chủ tịch UBTQ Liên hiệp các HVHNTVN cho đến lúc ra đi vĩnh viễn. Có lẽ vì thế mà có ý kiến cho rằng ông là người “tham quyền cố vị” chăng? Và không biết có phải vì thế mà Nguyễn Đình Thi có lần tự nhận mình là kẻ luôn “bị lỡ tàu” trong lĩnh vực sáng tác văn chương, nghệ thuật.

*

Trận thử lửa đầu tiên, căng thẳng nhất đối với nhà thơ Nguyễn Đình Thi là tại Hội hội nghị tranh luận văn nghệ Việt Bắc (từ 25-28/9/1949) trong đó có cuộc tranh luận về thơ Nguyễn Đình Thi. Chủ đề tranh luận là “thơ không vần”; đối tượng là thơ của Nguyễn Đình Thi thời đầu kháng chiến, mà cụ thể ở đây là một số bài thơ như: “Đêm mít tinh”, “Sáng mát trong…”, “Không nói”, “Đường núi”, “Khúc hát miền Tây”. Những người tham gia tranh luận, ngoài Nguyễn Đình Thi và một số rất ít người đứng về phía ông như Văn Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng… Số còn lại tham gia tranh luận đều đứng về phía bên kia mà đại diện là Xuân Diệu và các văn nhân khác như: Tố Hữu, Xuân Thuỷ, Lưu Trọng Lư, Thanh Tịnh, Ngô Tất Tố, Thế Lữ, Phạm Văn Khoa, Nguyễn Xuân Khoát, Tâm Trung, Phan Thị Nga, Hữu Tâm, Xuân Trường… Trong cuộc tranh luận này, người ít cũng phát biểu một lần, người nhiều đến bốn lần. Vì không khí tranh luận quá sôi nổi và gay gắt, đến mức Xuân Diệu và Lưu Trọng Lư có lần đòi đuổi Nguyễn Đình Thi ra khỏi vương quốc thi ca.

Thế mới biết đây là một trận phong ba thực sự, khiến cho cả hai phía đều cần phải có những miếng đòn mang tính chất cân não mới mong hạ gục được đối thủ của mình về mặt văn chương, học thuật. Dù sao cũng phải thừa nhận đây là thời kỳ không khí dân chủ và cởi mở nhất trong sinh hoạt văn chương của nước nhà, mà sau này cho đến tận bây giờ, chúng ta ít gặp lại điều đó. Kể cũng lạ!

Trong lời kết luận của Chủ tịch đoàn, nhà thơ Tố Hữu nói: “Nhiều khi thấy bài thơ hay mà chưa chắc nó đã hay (…) Tôi không thể lấy cái “ta” làm tiêu chuẩn. Người nghệ sĩ phải tự hỏi: quần chúng xem bài này thế nào? quần chúng có xúc cảm không?” (3)… Cái “ta” mà Tố Hữu nói ở đây chính là chỉ cái “tôi” trữ tình của tác giả. Điều này trái với “tính đại chúng” của văn nghệ thời bấy giờ, nên cái “tôi” ở vào thời điểm ấy không được chấp nhận, vì quần chúng công- nông- thời kỳ sau Cách mạng tháng Tám học hành còn ít, nạn mù chữ trở thành một thứ “giặc” gọi là “giặc dốt”, cùng với hai thứ “giặc” khác là “giặc đói” và “giặc ngoại xâm” mà Bác Hồ đã nhiều lần nhắc đến trong các bài nói chuyện và bài viết của Người thời kỳ dân tộc ta bắt tay vào cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược.

Sở dĩ thơ Nguyễn Đình Thi được đem ra mổ xẻ, vì mấy lẽ giản đơn: a) lúc ấy ông đang phụ trách Văn nghệ Cứu quốc; b) thơ ông đi ra ngoài quĩ đạo của thơ ca Việt truyền thống; c) thơ kiểu Nguyễn Đình Thi là “lệch chuẩn” so với Thơ mới (1932- 1941), nên hầu hết các nhà Thơ mới phản kháng quyết liệt.

Nói về thơ không vần, Xuân Diệu cho rằng: “về chuyện vần hay không vần, tuy Xuân Diệu nói đây không phải vấn đề của thơ Nguyễn Đình Thi, nhưng những biện luận dài của Xuân Diệu cho thấy ông chủ trương thơ phải có vần, ông nhấn mạnh rất nhiều lợi ích của vần (a/ vần như chỗ nghỉ hơi; b/ giữ vần được xem như chỗ để “hồn thơ tựa vào câu thơ một cách vững chắc”; c/ vần giúp công chúng và tác giả nhớ thuộc; d/ vần gắn với thói quen của quần chúng, với tập quán tiếng Việt (4)

Còn: “Nguyễn Đình Thi gọi kiểu thơ mà mình đang theo đuổi là “thơ tự do” mà nét cốt yếu về hình thức là câu thơ dài hay ngắn, có vần hay không vần – đều “không quan hệ” (không quan trọng), không có chuẩn cố định. Đối với ấn tượng lạ lẫm trước “thơ không vần”, ông nói: “Có vần là một lợi khí rất đắc lực cho sự truyền cảm. Nhưng không phải hết vần là hết thơ…Những bài thơ cũ, cùng một nhịp đều đều, tôi không chịu được”. Đối với ấn tượng về ý thơ không “dính”, “đầu ngô mình sở”, ông nói: “Tôi không thích những bài thơ nói ra tâm tình. Nó phải nói ra cảm xúc: cảm xúc là tai nghe, mắt thấy, mũi ngửi, tay sờ, cảm thế nào nói thế ấy”. Ông không thích kiểu thơ kể lể tình cảm mà chủ trương “chỉ nói cái sống ra bằng những hình ảnh, thành cảm xúc”. “Thơ như thế không phải đầu ngô mình sở. Nó cũng có sợi dây nối liền những hình ảnh đó lại. Đó là một thứ dây lý luận rất khéo” (5) .

Có lẽ vì thế mà Thế Lữ hăng tiết lên lưu ý trước khi Chủ tịch đoàn kết luận Hội nghị về “sự “nguy hiểm” nói trên và giữ lại cho mình sự hoài nghi đối với các lập luận “nội dung mới phải đi với hình thức mới” của Nguyễn Đình Thi (6).

Rõ ràng cách phê phán của Xuân Diệu, Thế Lữ và những người cùng quan điểm với ông, nhất là các nhà Thơ mới và những người lãnh đạo văn nghệ lúc bấy giờ đối với thơ không vần của Nguyễn Đình Thi là muốn cứu vãn lại cái “thời oanh liệt nay con đâu” của những con mãnh thú giờ đang sống trong cũi “đại chúng hóa” ở vườn văn nghệ, mà nói thẳng ra là nôm na hóa nghệ thuật thi ca, đúng như hình tượng con hổ ở trong bài “Nhớ rừng” mà Thế Lữ đã viết.

Điều ấy càng chứng tỏ Nguyễn Đình Thi muốn tìm cho mình một hướng đi khác, nếu được, sẽ có lợi không chỉ cho riêng cá nhân ông, mà còn có lợi cho cả nền văn chương nước nhà. Chỉ tiếc là hướng đi của ông lộ hơi sớm, và chưa phải lúc, vì nó chủ yếu hướng đến nghệ thuật thi ca, chứ ít hướng đến đại bộ phận quần chúng ít học thời bấy giờ. Thứ nữa, ông còn muốn chứng tỏ rằng mình chẳng dính dáng gì đến Thơ mới cả. Vào thời điểm ấy, thơ không vần của Nguyễn Đình Thi là một sự cách tân táo báo, nên vấp phải sự phản ứng quyết liệt của những người “bảo hoàng hơn vua” cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, về một khía cạnh khác, cũng nên thấy rằng với một “con ngựa hoang” như Nguyễn Đình Thi, sinh ra ở một nơi (đến nay vẫn chưa rõ), nhưng lại sống ở nhiều nơi, lại vừa đa tình, vừa đa tài, nên cũng cần phải có người “cầm cương” như vậy cho ngựa đỡ bất kham đi. Điều ấy thực ra là có lợi, vì nó càng làm cho ông cân chỉnh hơn, để rồi sau đó không lâu, 1958, không phải ai khác mà chính Nguyễn Đình Thi mới là người được chọn ngồi vào chiếc ghế nóng Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam kéo dài hơn 30 năm.

Phong nhã

Từ dáng đi, ánh mắt đến cái bắt tay, lời nói trong giao tiếp, Nguyễn Đình Thi đều toát nên dáng vẻ của một con người hào hoa, phong nhã, thậm chí có người còn bảo đấy là cốt cách của một nhà văn hóa lớn. Một nụ cười luôn thường trực trên môi, cặp mắt nheo lại mỗi khi gặp người khác, dù sau đấy mặc cho chuyện hay, dở thế nào có thể xảy ra, khiến ông trở nên người khá dễ gần. Theo nhân tướng học đây là con người có khả năng qui tụ được nhiều người khác quanh mình, làm cán bộ phong trào đoàn, hội thì rất tốt. Chẳng thế mà ông là nhà văn đầu tiên và trẻ nhất (22 tuổi) khi được bầu làm đại biểu Quốc hội Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa I, năm 1946.

Nhiều người cùng thời với ông trước đây bảo rằng, năm lên 17 tuổi, Nguyễn Đình Thi đã cao lớn, đẹp trai hơn người. Đã thế lại còn hát hát hay, học giỏi, nên chẳng những các cô gái Hà thành thời Tây chết mê chết mệt, mà ngay cả cánh nam sinh thời ấy cũng ghen tị với ông. Vậy nên, chưa đủ 18 tuổi, gia đình đã cưới vợ cho, khiến ông chẳng còn tâm sức nào để ý đến chuyện học hành gì nữa. Bố Nguyễn Đình Thi là thầy ký cho Sở Bưu điện Đông Dương của Pháp, có một thời gian làm việc ở Lào. Mẹ chạy chợ buôn bán, làm ăn phát đạt, có của ăn của để nên việc lấy con quan cũng là hợp lẽ. Người vợ cả của ông là Bùi Nữ Trâm Nguyệt Nga, cháu gái quan tuần phủ lúc bấy giờ.

Có lẽ Nguyễn Đình Thi có gien di truyền từ bố mẹ. Vì một lần thầy ký (bố ông) đi qua chợ, thấy một cô gái Việt kiều ở bên Lào, rất xinh đẹp ngồi bán bánh rán. Thả vài câu trêu đùa, vậy mà nên duyên vợ chồng. Thế mới tài chứ! Sau này lần theo gia phả mới hay bà ngoại của nhà thơ là người Tàu, tên là Nìn Thị Hà, còn cụ cố ông là người Chà Và (Ấn Độ). Thân phụ Nguyễn Đình Thi sinh hạ được có 13 người con, nhưng có người khó nuôi, chết trẻ. Nguyễn Đình Thi được bố dạy từ nhỏ nên rất thông thạo tiếng Pháp.

Bà vợ cả Bùi Nữ Trâm Nguyệt Nga chết vì bị bệnh lao từ năm 1951, khi đã sinh với ông được ba đứa con. Vợ chết, ông đem con về gửi nhờ bà ngoại nuôi. Đến lượt ông bị bệnh lao và được Chính phủ cho đi Trung Quốc chữa. Trong thời gian chữa bệnh ở bên Tàu, Nguyễn Đình Thi gặp Phạm Thị Trường. Bà gốc quê Hải Dương, trước đây bà là cán bộ địch vận, sau này học nghề y và là bác sĩ. Có thời kỳ bà Trường làm Giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt- Xô. Hai người trở thành vợ chồng của nhau. Đến năm 1955, về tiếp quản thủ đô, vợ chồng ông được phân một căn nhà khá rộng, đủ để cho hai vợ chồng và cả ba đứa con của bà cả cùng chung sống.

Bà Trường tham gia hoạt động xã hội từ khi còn rất trẻ, đi lại nhiều, ốm đau luôn, phải sang Liên Xô, Trung Quốc chữa trị mãi bệnh vẫn không thuyên giảm, nên chẳng có con. Bà chấp nhận ở vậy nuôi con chồng để ông còn có thì giờ đi “làm văn nghệ”.

Chết một nỗi cái dân thơ phú phần lớn là đa tình, nên chẳng rõ từ bao giờ, Nguyễn Đình Thi mê như điếu đổ cô diễn viên sân khấu khá nổi tiếng là bà Tuệ Minh. Sau một thời gian, ông đề nghị với bà Trường ly dị để lấy bà Tuệ Minh cho phải lẽ. Dùng dằng mãi rồi cuối cùng bà Trường cũng đồng ý ra tòa. Hôm ra tòa ông ngồi chờ vợ đến để nói lời biệt ly. Cũng may, không phải đợi quá lâu, chỉ 10 phút sau, bà Trường đến thật. Thế nhưng, một điều thật sự bất ngờ là bà đến tòa bằng… một cái cáng do hai cô y tá khiêng. Thi nhân thần hồn nát thần tính, còn tòa tuyên bố hoãn không xử nữa. Cực chẳng đã, bà Tuệ Minh chuồn đi Sài Gòn cho khuất mắt…

Nhiều người bảo rằng, Nguyễn Đình Thi là người nhẫn nhịn và cả nể, đặc biệt là đối với chị em. Ông sẵn sàng chiều chuộng và nhường nhịn họ đủ điều. Chả thế mà sau thời gian ấy ít lâu, người ta còn biết được ông có một mối tình với một nữ thi sĩ nổi tiếng. Tuy hai người có tính cách khác hẳn nhau, nữ thi sĩ nọ thì nồng nàn, mãnh liệt và sẵn sàng làm bất cứ điều gì vì tình yêu của mình, còn chàng thi nhân kia thì cứ thế mà chiều lòng mỹ nhân.

Đến cuối đời, chính Nguyễn Đình Thi tự thú nhận rằng mối tình lớn nhất của ông là với nhà thơ cộng sản Pháp, Madeleine Riffaud. Hai người gặp nhau năm 1952 ở Ba Lan, trong Đại hội Sinh viên- Thanh niên thế giới. Nữ sĩ này là người quá nổi tiếng. Bà đã từng sang Việt Nam và đi vào chiến trường sống cùng bộ đội giải phóng để viết cuốn “Ba tháng trong căn cứ rừng rậm”. Đến mức, nhiều người Việt Nam đã gọi bà bằng một cái tên rất trìu mến, “Chị Tám”. Nghe nói bà là em kết nghĩa của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Một trong số những vần thơ hay nhất của Nguyễn Đình Thi là bài “Nhớ”, viết tặng nữ sĩ Madeleine Riffaud, trong đó có những câu thơ lấp lánh, thật khó quên: “Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh/ Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây/ Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh/ Sưởi ấm lòng chiến sĩ giữa ngàn cây/ Anh yêu em như yêu đất nước/ Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần/ Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước/ Mỗi tối anh nằm mỗi sang anh ăn”. Có người lại bảo, ông viết thế vì từ bé, khi còn học trường Bưởi, Nguyễn Đình Thi đã có thú nằm ngửa mặt lên ngắm sao trời. Và những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ở rừng, mùa đông lạnh giá, chỉ có đốt lửa lên mới sưởi ấm được. Vậy là hai hình ảnh ấy cứ ùa vào thơ ông một cách khá tự nhiên.

Nhà thơ Nguyễn Đình Thi, không chỉ yêu nhiều mà còn hơi bị “tốn vợ” như dân gian thường nói. Nếu phiên tòa xử ly hôn không bị hoãn thì chắc chắn ông sẽ có ba vợ chính thức, còn vợ “không chính thức” thì chẳng biết đâu mà lần. Chả thế mà sinh thời có lần ông thắp hương lên bàn thờ bà vợ cả và khấn rằng: “Bà ghê lắm, không cho tôi thêm một đứa con nào cả” (2). Còn làng văn trước đây, một thời hay đùa nhau rằng ra đường cứ nhìn thấy ai lông mày rậm, mắt đen thì đích thị đấy là con của bố Thi Tổng.

Phong biểu

Nguyễn Đình Thi ngồi vào chiếc ghế Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam vào đúng dịp vãn hồi vụ Nhân văn Giai phẩm (1956-1958). Điều này cho thấy cái giá ông phải trả tại Hội nghị văn nghệ Việt Bắc (1949) là không hề đắt. Có lẽ nhờ Hội nghị văn nghệ Việt Bắc mà Nguyễn Đình Thi trở thành một cái “phong biểu” cực kỳ tinh nhạy của làng văn nghệ nước nhà. Hình như ông đã đoán được mọi hướng gió nổi lên từ các chiếu văn chương, nghệ thuật, nên trận phong vũ dữ dội như Nhân văn Giai phẩm mà ông vẫn không hề thấy “hắt hơi sổ mũi” gì. Thế mới tài!

Với giới văn nghệ sĩ, Nguyễn Đình Thi là người có những ý nghĩ mới mẻ, táo bạo, khiến mọi người phải nể trọng. Còn với cấp trên, ông lại là người luôn biết nghe lời, thậm chí còn tỏ ra biết “sợ” nữa là khác. Kết hợp được hai phẩm chất ấy quả là người xứng đáng làm quản lý văn nghệ hơn ai hết.

Dẫu rằng, “sinh thời, ông luôn bị đố kị, dèm pha. Dân văn bảo ông viết kịch hay, dân kịch bảo ông viết nhạc hay, dân nhạc bảo ông làm thơ hay, dân thơ bảo ông viết lý luận phê bình hoặc triết học mới phục… Riêng tôi, mỗi lần trò chuyện với ông, tôi lại thấy ông hiện lên trước mắt mình như một nhà văn hóa…”(7)

Còn nhớ, vào thời kỳ 1979-1980, Nguyễn Đình Thi đương nhiệm chức Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Lúc này bắt đầu nổi lên một nhu cầu đổi mới nền văn chương “phải đạo”, vốn dĩ đã tồn tại quá lâu và có nhiều o bế, mà thực tiễn đời sống văn nghệ nước nhà không thể chấp nhận được nữa. Nguyễn Đình Thi, với tư cách là Tổng Thư ký HNVVN, đã ngầm dò được tín hiệu phát đi từ phe đổi mới, hòng chiếm lĩnh chiếc ghế nóng của ông. Nhưng không những không hề tỏ ra nóng nảy, mà trái lại ông rất điềm tĩnh, như không hề có phản ứng gì, vì ông đã có trong ta cái phong biểu trời phú để đo sự “nổi đóa” của làng văn nghệ.

Một mặt, bên ngoài ông ủng hộ phe đổi mới đến mức một người như Nguyễn Khải mà vẫn tin đấy là thật, nên sau khi Nguyên Ngọc bị “trần” cho một trận về bản Đề dẫn và bài bài viết về văn chương phải đạo của Hoàng Ngọc Hiến đăng trên báo Văn nghệ, Nguyễn Khải khuyên Nguyên Ngọc: “mình cứ nhận đi là xongCòn các ông Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên cũng nghệ sĩ lắm, họ sẽ đỡ cho ngay… (8). Thời kỳ này phe chống đối Nguyễn Đình Thi lúc đầu rất quyết liệt và sắc xảo. Có lúc tưởng chừng như “ông (Nguyễn Đình Thi- Đ.T) đã bị hất ra song vẫn quyết liệt tìm cách tái lập quyền lực cho bằng được. Giai đoạn ông kiên trì bám trụ giữ lấy vai trò của một người đứng đầu giới văn nghệ tới cái mức làm cho người ta cảm tưởng không ai thay thế được.(9)

Thế nhưng, nhờ có cái “phong biểu” mà trời cấp cho nên ông đã khiến gió thổi bay tung lên tận chín tầng trời cuốn theo những người thuộc phe đổi mới như: Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Minh Châu và một số người khác nữa. Về mặt cá nhân, không biết trước và sau ông có ai tài như vậy không? Ông đã tìm cách nắm giữ cho được quyền lãnh đạo văn nghệ trong tay mình, một bằng một cách khôn khéo, ít đổ máu nhất, đến mức có những người trong phe đổi mới nghĩ rằng đây là ý nguyện của cấp trên, chứ không phải là của bố Thi và do bố Thi làm. Đấy là cái tài của Nguyễn Đình Thi không thể phủ nhận được.

Nhưng mặt khác, đấy cũng là cái thiệt cho nền văn nghệ nước nhà khi không thoát ra khỏi cái vỏ thủ cựu từng khuôn cứng văn nghệ hàng mấy thập niên, mà nó đã có mầm mống muốn thoát ra từ Hội nghị Văn nghệ Việt Bắc 1949, khi ấy Nguyễn Đình Thi là người hăng hái nhất để mở đường cho một trào lưu văn nghệ mới ra đời hợp với nhu cầu thưởng thức của công chúng và xu hướng chung của thời đại. Thế nhưng 30 năm sau đấy, ông lại là một hòn đá tảng lớn ngăn giữa dòng đổi mới văn chương. Hóa ra sự đổi mới chỉ có thể diễn ra ở bình diện tác phẩm, chứ rất khó diễn ra ở bình diện quyền lực quản lý văn chương (!?)./.

Đ. T.

——————————

(2), (7) Xem: Đặng Thị Thanh Hương. Ẩn hiện chuyện đời Nguyễn Đình Thi (vanchuong.vnweblogs.com)

(3), (4), (5), (6). Lại Nguyên Ân: “Xung đột trường phái” trong cuộc tranh luận về thơ Nguyễn Đình Thi. Xem phebinhvanhoc.com

(9) vuongtrinhan.blogspot.com

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder