Nhắc đến nhà thơ Nguyễn Thị Hoài Thanh, chúng ta nhớ đến một nhà thơ nữ vào lớp đầu tiên thời kỳ chống Mỹ cứu nước, một số phận long đong vất vả cả về đời riêng lẫn công việc để mưu sinh và tồn tại, nhưng giàu lòng trắc ẩn, tha thiết yêu thương đối với con người, trước hết là với gia đình, bè bạn.
Đôi khi, ta khó giải mã được câu hỏi, tại sao một người phụ nữ mà cuộc đời hầu như lận đận liên tục, gặp toàn chuyện không may, rắc rối, cái điều dường như đối nghịch với thơ ca, lại là người suốt đời gắn bó với sự sáng tạo này. Hơn thế, trong thơ của tác giả lại rất hiếm hoi những nội dung hằn học, gắt gỏng, lạnh lùng nặng nề mà thông thường từ cuộc đời hay phả vào trang sách. Nguyễn Thị Hoài Thanh làm thơ theo sự thôi thúc tự thân, với hồn thơ trong trẻo cùng khát khao hướng tới cái đẹp, cái hạnh phúc của đời người. Kể từ khi cầm bút làm thơ đến nay, khi tuổi đời đã ngoài 80, thì nhà thơ đã có ngót 60 năm gắn bó với thơ ca. Có lẽ chính vì tác giả không mưu chước điều gì với đời và với thơ, mà lại có được thơ, bởi đó là sự tinh lọc thuần chất của tấm lòng với cuộc đời và con người. Và phải chăng, do vật vã với cuộc sống, mà nảy sinh những khát khao và giầu mơ ước. Thơ Nguyễn Thị Hoài Thanh nhiều mộng ảo, thấp thoáng một nỗi buồn xa xăm cố hữu, và cả nỗi cô đơn, cho dù vẫn có họ hàng con cháu bạn bè xa gần. Thơ của tác giả thấm thía một nỗi lòng, một tâm trạng như nhà thơ tự bạch: “Chỉ mình ta bầu bạn với ta thôi”. (Cây xấu hổ). Nỗi cô đơn ấy chẳng của riêng ai. Đó không chỉ là hoàn cảnh, mà còn là môi trường tâm lý của không ít người cầm bút để thỏa sức vẫy vùng trong thế giới ảo huyền. Nhắc đến đầu tiên, không thể ai khác, đó là người mẹ. Người mẹ luôn là hình ảnh thường trực trong tâm trí nhà thơ, đến như nhìn hoa phượng rơi, cũng nhớ về người mẹ : “Hoa rơi như rơi trong mộng/ Con về mẹ đã xa rồi” (Phượng vĩ hoa rơi). Rồi đó là mùa đông: “Để mùa đông chật quá/ Mẹ về trong khói sương”. Nhà thơ có bài thơ nhớ tiếc người em trai đầy xúc động: “Chỉ một thứ chẳng ai cần mua là nước mắt”. (Chợ Cầu Rào). Với người làm cha, làm mẹ, một trong những nỗi khổ tâm day dứt lớn là không thể bù đắp đầy đủ, để cho con chịu cảnh khó khăn thiếu thốn. Bài “Trò chuyện với con”, tác giả thổ lộ: “Không có gia tài để lại cho con/ Chỉ có nước mắt rơi ngày vui chưa trọn”; Rồi “Có những món nợ nần mẹ phải trả bằng đời” (Trò chuyện với con). Đọc những câu thơ này, có lẽ khó ai tránh khỏi nỗi nghẹn ngào xúc động. Có thể nói đây là một trong những bài thơ tiêu biểu và cảm động nhất trong đời thơ viết về tình mẹ con của tác giả. Lần lượt sinh hạ được hai người con gái, nhà thơ phải chạy vạy làm đủ công việc khác nhau, đi khắp đó đây để kiếm sống. Rồi một tai nạn xe hơi làm bà tàn phế một tay. Cho đến khi tuổi đã xế chiều, việc mưu sinh vẫn là nỗi ám ảnh không buông tha tác giả. Thế hệ con rồi đến cháu. Nhà thơ phòng bị nỗi lo khi chưa kịp làm bà : “Nếu như mẹ ra đi khi chưa kịp làm bà/ Thì đêm đêm mẹ vẫn ru những đứa cháu ra đời trong giấc mộng” (Trò chuyện với con). Đến cảnh bà cháu đi bên nhau cũng khác. Nhà thơ viết: “Tay xách làn, tay dắt cháu/ Bóng bà bóng cháu nương nhau” (Cháu Liên Chi). Thông thường chỉ nói hai bà cháu dắt tay nhau đi là đủ. Ở đây lại là bóng bà bóng cháu nương nhau. Đâu chỉ phía bà với cháu, mà chính cháu cũng “dắt” bà theo cái nghĩa bóng sâu xa. Cháu cũng là điểm tựa tinh thần cho bà. Tấm lòng của nhà thơ đâu chỉ thu hẹp trong phạm vi gia đình, mà rộng mở đến bạn bè, mọi người. Tác giả dành nhiều tâm huyết làm thơ về bạn bè, trực tiếp hoặc qua những lời đề tặng, từ nhạc sỹ Văn Cao, nhà thơ Lê Đại Thanh, nhà văn Bùi Ngọc Tấn, đến các nhà văn, nhà thơ như Duy Khán, Thi Phong, Tường Vân, Vũ Từ Trang, Nguyễn Đình Kiên, Đoàn Lê, Đoàn Tảo, Ngọc Hiền, Thúy Ngoan… Sức thuyết phục ở đây còn được đảm bảo bằng chính tình cảm và hành động mà tác giả dành cho bạn bè trong cuộc đời. Với mỗi người, nhà thơ đều có cái nhìn nắm bắt được thần thái của tác giả. Chẳng hạn, về họa sỹ Tường Vân, nhà thơ viết : “Nước mắt trộn bột màu” (Nhớ Tường Vân). Về nhà thơ Lê Đại Thanh, thì là : “Ông đi ôm khối mộng du những ngày” (Thi sỹ). Không chỉ vậy, tâm hồn ấy mở ra khắp nơi, đến mọi nhà: “Tôi đi trên đường mải miết/ Tâm hồn gõ cửa mọi nhà” (Chiều cao nguyên). Thế giới muôn phương ấy vừa mơ hồ xa xôi, vừa gần gũi cụ thể. Tác giả như luôn chờ mong ngóng đợi điều gì không rõ rệt. Chính cái chập chờn ẩn hiện đó, luôn như rượt đuổi, níu kéo, giục giã, lại tiếp năng lượng cho sáng tạo. Thì đã có lần, chính nhà thơ thốt lên: “Trong ngất ngây như có ai cuối phố đợi mình”. (Hoa phượng). Ngay đến khi trò chuyện cùng giống vật gần gũi là con mèo, nhà thơ cũng viết: “Mèo ơi! Mèo có biết/ Có người sắp đến thăm ta” (Nói với mèo). Đó còn là nói với con chim, con bò, những con vật quanh quẩn gần gũi đâu đó. Có lẽ trừ cái xấu, cái ác, còn tác giả như muốn làm bạn với tất cả. Và theo lẽ đương nhiên, tâm hồn nhà thơ phải hướng nhiều đến thế giới tự nhiên, với mây gió, nắng mưa, cây cỏ, sông nước… Nắng là hình ảnh hay được nhắc đến. Phải chăng đây cũng là hình ảnh biểu hiện cho cái gì ấm áp, niềm mong đợi. Nếu làm một sự thống kê, thì có đến vài chục lần tác giả nhắc đến tiếng “nắng” trong suốt tập thơ. “Nắng trên cành chưa nỡ rời cây/ Nắng cũ chiều hay ngày mới mưa mau” (Sinh nhật); “Nắng như thể nắng cái thời dại ngây” (Tháng ba); “Nắng mỏng như là không có thực” (Thành phố mùa thu); “Nắng vàng trong lá trong cây/ Nắng ngời trong mắt, nắng say trong hồn” (Thế rồi người đến); “Mùa đông này chật quá/ Cái nẵng vàng như mơ” (Mùa đông nhớ mẹ )… Tiếp đó là mưa “Mưa không phải tự trời rơi xuống/ Mưa như từ cây lá mưa ra” (Mưa xuân). Là gió: “Gió đi ngang qua bãi sông” (Đêm ven biển); “Gió ơi khoan hãy heo may” (Gió về)… Không khó khăn lắm để cắt nghĩa rằng, bất cứ nhà thơ nào có tâm hồn khoáng đạt, thường hay trải lòng mình với thiên nhiên bao la, rộng lớn, cũng chính là cái đẹp hiện hữu trong không gian và ngự trị trong lòng mình. Là một người đa cảm có tấm lòng rộng mở, nhà thơ Nguyễn Thị Hoài Thanh càng thể hiện đậm đà điều ấy. Thiên nhiên trở thành như một nhân vật ngoại lệ trong thơ. Sống, làm việc và làm thơ ở Hải Phòng rồi lại xa Hải Phòng, nhưng thành phố này không chỉ được nhắc đến như một kỷ niệm với những địa danh quen thuộc, mà còn in đậm trong tâm trí, cất giấu trong trái tim với những buồn vui không bao giờ phai nhạt. “Thành phố này mỗi bận đi xa tôi cất kỹ/ Trong trái tim ở chỗ nghẹn ngào” (Thành phố này); “Tôi ở Hải Phòng/ Trong cánh buồm nâu không địa chỉ” (Tôi ở Hải Phòng). Dù bất kể làm thơ về đề tài gì chăng nữa, người đọc vẫn nhận ra dấu ấn của một nhà thơ có tấm lòng ngay thật, như giãi bày, bộc bạch trực diện tâm tư, không quanh co khúc khuỷu và càng không sa vào thách đố bạn đọc. Những nỗi vất vả truân chuyên và đố kỵ trong đời, qua lăng kính chủ quan của tác giả, như bị gạn lọc đi, chỉ còn tình yêu, tấm lòng bao dung rộng mở, khoan hòa độ lượng và đi tới cái chất thơ của cuộc sống. Cũng có lần nhà thơ nói đến những giọt nước mắt, còn thì đúng hơn là nước mắt đã khô đi, se lặn vào trong, tác giả khóa chặt trong mình những cái bất ưng để dâng hiến cho đời những gì tốt lành đầy thương mến. Nhưng đã là thơ ca thì không thể dối lòng, vậy nên đôi lúc nhà thơ thốt lên những lời dồn nén của tâm trạng, thậm chí mạnh mẽ cuồng liệt: “Không có lẽ lời yêu chưa kịp ngỏ/ Đã liệm cùng trăng gió thế này ư?” (Khúc mai sau). Rồi lại nhắc đến kiếp sau, cái thuyết luân hồi phảng phất hơi hướng chốn cửa thiền: “Kiếp sau nếu được là chim/ Tình thương trang trải bay tìm nơi nơi”; “Vết thương thuở trước luân hồi còn đau” (Kiếp sau). Ngay cả cái kiếp sau trong trí tưởng ấy, tác giả cũng không quên nhắc đến cái “Tình thương trang trải bay tìm nơi nơi”, một sự nhất quán trong tâm thức của nhà thơ. Đôi lúc, ta không khỏi ngạc nhiên sửng sốt bởi ý tưởng và cách nhìn, cách phô diễn khá bất ngờ. Cái cảnh ngộ lang bạt đây đó như bù đắp lại cho tác giả một cung cách thoáng đãng, những lời lẽ như trượt ra khỏi nếp nghĩ thông thường: ”Tôi ngả vào vòng tay lạnh lẽo của mùa đông” (Sau hồi kẻng); “Bữa nay thu sớm lạc vào hè” (Thu sớm); “Buồm như cây quạt lớn/Thổi gió đến hồn tôi” (Hoa Động). Có khi có những ý thơ kỳ lạ:”Tôi chỉ một ánh trăng cô đơn/ Tỏa xuống vực sâu để cứu linh hồn” (Vực sâu). Bây giờ nhiều cây bút trẻ, kể cả tác giả nữ viết có khác thế hệ trước ít nhiều. Xu trào cách tân thổi một luồng gió mới trong ca. Cũng có chỗ thành công cùng không ít sự nhầm lẫn và ngộ nhận. Khi một số người hối hả rảo bước trên cái mê lộ để tìm sự mới lạ, thì tác giả Nguyễn Thị Hoài Thanh vẫn thong thả bước trên con đường thơ quen thuộc của mình. Những lúc này cần bình tĩnh để suy nghiệm, tìm về vạch xuất phát ban đầu của thơ ca, từ đó có sự kết nối giữa những gì ưu việt của truyền thống cùng cái mới đích thực đương đại.
Là một nhà thơ nữ thuộc lớp người không nhiều của Hải Phòng, nhà thơ Nguyễn Thị Hoài Thanh lâu nay luôn được nhắc nhở trong tâm trí bạn đọc xa gần, và trước hết, của thành phố Cảng, nơi tác giả có những kỷ niệm gắn bó sâu nặng, cả niềm vui cùng nỗi buồn, dù tác giả có lúc cách biệt chốn cũ đi chăng nữa, thì tác giả vẫn khẳng định “Tôi ở Hải Phòng” như tên gọi của tập thơ.
__________
* Câu thơ trong bài “Chiều cao nguyên” của tác giả.
21/6/2018
P.N