Tiếng “mẹ” của nó như tiếng gió thổi ở ngoài đầu hồi.
Trong giấc mơ, Đăng thấy Thu với nó đứng ở trên cao. ở đấy nhìn xuống thấy người bé xíu, những chiếc ô tô cũng bé xíu. Gió lồng lộng, Thu cười nắc nẻ, hàm răng trắng bóng…Tiếng “mẹ” của nó như tiếng gió thổi ở ngoài đầu hồi.
Trong giấc mơ, Đăng thấy Thu với nó đứng ở trên cao. ở đấy nhìn xuống thấy người bé xíu, những chiếc ô tô cũng bé xíu. Gió lồng lộng, Thu cười nắc nẻ, hàm răng trắng bóng.
Khi Đăng hai tuổi mẹ nó chết đột ngột vì sốt xuất huyết. Vì thế, hình ảnh của nó về một người mẹ rất mơ hồ. Nó ở với ông bà ngoại. Bố nó đã đi lấy vợ khác, chỉ thỉnh thoảng mới đến thăm nó. Đăng hình dung mẹ theo cách nghĩ riêng của nó. Nó hay xét nét sự quan tâm săn sóc của những người xung quanh nó bằng cách đặt ra câu hỏi : nếu là mẹ sẽ thế nào? Chẳng hạn, lúc tắm bà ngoại kỳ cọ kỹ quá, nó nghĩ ngay rằng nếu là mẹ thì không làm thế. Mẹ chỉ gội đầu và kỳ cọ những chỗ chủ yếu, còn ở chỗ khác thì mẹ để cho nó làm lấy ăn cơm cũng vậy, nếu là mẹ thì không làm như ông ngoại. Ông ngoại không hiểu nó không thích lạp xường, đáng lẽ đừng ép thì đằng này ông lại ép, nổi giận và cuối cùng ông chén luôn miếng lạp xường. Nó không tiếc miếng lạp xường, nó chỉ tủi thân vì ông không hiểu nó.
Bây giờ khi lên bảy, Đăng hiểu không ai có thể cư xử săn sóc cho nó như là mẹ được. Thường mọi người làm quá yêu cầu hoặc cư xử với nó không thật đến nơi đến chốn. Cả hai cách ấy đều buồn. Nó là đứa bé nhạy cảm, nhạy cảm quá mức, điều ấy thật không tốt. Tuy thế, nó không biết khắc phục thế nào.
Đến bảy tuổi, Đăng chỉ quanh quẩn trong nhà. Nó ở với toàn người lớn. Người lớn không hiểu nó. Nó luôn cảm thấy tủi thân. Tóm lại là không thể bằng mẹ. Mẹ thì khác, dĩ nhiên rồi. Mẹ là hình ảnh tuyệt diệu, nó không hình dung là sẽ thế nào, nhưng rõ ràng nó cảm nhận được. Trong số bạn bè ít ỏi của Đăng có Thu. Thu bảy tuổi, có bố mẹ, có cả em nữa. ở trong hoàn cảnh như thế nên ý nghĩ và tình cảm của Thu khác nó.
Thu hồn nhiên và khá tự do. Nó có thể đi chơi mà chẳng cần phải định giờ về. Nó khác Đăng. Đăng bị một loạt qui định kìm giữ. Ông bà ngoại Đăng luôn luôn căng thẳng trong trách nhiệm với đứa cháu mình. Từ việc chơi với Thu, điều này thật vô hại mà ông bà cũng đe nẹt, cấm đoán nó. Thu có đôi tai hồng và đôi mắt đen nháy. Không hiểu sao Đăng rất thích được ve vuất đôi tai hồng ấy và nhìn sâu vào đôi mắt đen nháy ấy. Mày nhìn như nuốt tao ấy. Mày tìm cái gì ở đấy
Đăng bối rối. ừ, nếu là mẹ thì chắc cũng có đôi mắt như vậy. Không thể khác được.
– Không, tao không tìm gì cả. – Nó đánh trống lảng. – Này, mày có hay khóc không?
– Thỉnh thoảng. Phải có cái gì mới khóc chứ. Ai lại tự nhiên đi khóc bao giờ?
Thế mà thỉnh thoảng tao lại tự nhiên khóc đấy – Đăng nói. Nó cố ngẫm nghĩ xem có lần nào nó tự nhiên khóc không?
– Đấy là hồn của mẹ mày. – Thu nghiêm trang nói. Nó đã nghe đến chuyện người ta gọi hồn. – Hồn mẹ mày về bảo : “Này Đăng, con khóc đi, khóc đi cho vơi nỗi buồn… ” – Nỗi buồn là gì? – Đăng hỏi. – Không biết, nhưng nó cũng giống như đánh mất cái gì. Hôm qua tao đánh mất cái cặp tóc, thế là tao buồn.
Tao đánh mất thì tao không buồn. – Đăng kiên quyết. – ông ngoại tao bảo : “ở đời người ta đánh mất nhiều thứ lắm. Người mất của cải, người mất tâm hồn… “
– Tâm hồn là gì?
– Nó ở đây này – Đăng chỉ vào bụng.
– Trong bụng người ta toàn cứt. – Thu thở dài. – Mẹ tao bảo thế. Nếu thế thì kinh quá nhỉ ?
– Đấy là mẹ mày nói bậy nói bạ thế thôi. – Đăng an ủi. – Tâm hồn nó giống như dây đàn ấy, ông ngoại tao bảo thế, khi có ngọn gió thổi đến thì nó rung lên khe khẽ : a-a-a-a…
Tâm hồn mà kê u a-a thì hay thật. – Thu cười như nắc nẻ. Nó nhắm tịt mắt lại và nhại : a-a-a-a…
– Mày chắng hiểu gì cả. – Đăng bực dọc. – Mày không có tâm hồn. Mày giống mẹ mày ấy. Mẹ mày chỉ thích tiền thôi.
– Có thế thật. – Thu công nhận. – Có thể mẹ tao không có tâm hồn thật dấy! Chẳng cần ! Mà có tâm hồn làm gì. Khi gió thổi đến nó lại kêu a-a thì kinh lắm. – Thu lại cười nắc nẻ. Đăng nhíu lông mày lại. Nó không thích Thu trêu nó. Nó bảo :
– Mày cười như thế là đủ rồi đấy. Con gái hay cười là vô duyên lắm…
– Vô duyên thì làm quái gì?
– Vô duyên thì ế chồng đấy.
– Thằng quỷ ạ. Mày như cụ non ấy! – Thu phát cáu, từ trong tiềm thức mơ hồ của nó, bản tính tự nhiên giục nó tìm cách trả thù bằng cách cố ý soi mói độc ác.
– Mày là thằng mồ côi. Mày cay nghiệt lắm!
Đăng sững lại, mặt nó tái đi. Thu chọc mũi kim vào nơi nó đau nhất. Nước mắt nó trào ra, đôi môi run rẩy, tái dại. Thần sắc của nó biến đổi khiến Thu hoảng sợ.
– Này này, tao đùa đấy… Hơi tí đã khóc. Thôi, thôi, nếu như mày muốn thì tao sẽ có tâm hồn. – Thu bối rối, nó bắt đầu phịa ra câu chuyện tưởng tượng để dỗ bạn. – Đúng thế đấy, tối qua tao nghe thấy ở đâu đây vang lên âm thanh rất khẽ : u-u-u- u. Tao không hiểu tiếng gì… Từa tựa như gió thổi ngoài đầu hồi… Có thể đấy là tiếng tâm hồn của tao chăng?
Đăng lắng nghe và nhậ n ra vẻ bối rối của bạn. Nó biết Thu phịa. Nó cảm thấy bị xúc phạm. Nó khóc to lên. Thu cũng òa khóc theo. Nghe thấy tiếng khóc, bà ngoại Đăng chạy xuống. Bà giận dữ nhìn Thu. Bà giang tay tát thẳng vào cái má trắng nhợt của đứa bé. Đăng hé mắt nhìn và không hiểu sao các vết đỏ trên má Thu làm nó nhớ đến năm cánh hoa mà có lần nó vẽ bằng bút dạ.
*
Vào lớp một, Đăng và Thu ngồi cùng một bàn. Với sự tiếp nhận thế giới xung quanh, Đăng luôn luôn cảm thấy thua kém Thu nhiều mặt. Thu dễ hòa hợp với bè bạn hơn. Nhận thức bài học cũng vậy Thu nhận thức nhanh hơn. Vô hình chung, Đăng cảm thấy có sự lệ thuộc nào đấy vào bạn. Một cách không tự giác, Thu như chỗ dựa cho Đăng về mặt tinh thần. Thu đứng ra bảo vệ cho Đăng trước các địch thủ trong lớp, nó nhắc nhở Đăng trong việc chuẩn bị bài vở. Cho đến lúc nào đó, Thu còn như lạm dụng vai trò của nó với Đăng. Bạn bè trong lớp đã chế giễu chúng:
– Cái Thu là mẹ, Thằng Đăng là con! Cái gì thằng Đăng cũng đều hỏi mẹ ! Những lời như thế đầu tiên làm Đăng phẫn nộ.
Sau đó quen đi, một phần cũng do bản tính thụ động. Dần dà trong ý thức, Đăng có sự nể vì đặc biệt đối với Thu, sự nể vì đáng lẽ dùng cho người lớn. Thu rất tự hào về vai trò của nó đối với bạn. Nó nói với Đăng:
– Tao là mẹ mày ! Thật đấy! Chúng nó nói không sai đâu !
Đăng cười bối rối, nó không tin Thu có thể trở thành mẹ. – Tuy thế, nó không bác lại. Thật ra, nó cần có mẹ. Ông ngoại nó nói : “Mỗi người đàn bà đều có thiên tính người mẹ”. Thu có thể thành mẹ được không?
ít lâu sau xảy ra chuyện này: Lần ấy, cô giáo tổ chức cho lớp học cắm trại ở mãi ngoại thành.. Đăng và Thu bị lạc. Trời tối nhanh. ở cánh đồng, những bụi cây lúp xúp cứ sẫm dần và ánh lân tinh dưới cánh nhừng con đom đóm nhấp nháy. Thu khóc, nó ân hận vì tự nó nảy ý kiến đi xa.
– Im đi. – Thằng Đăng cáu. – Khóc cũng chẳng ăn thua. – Nó thở dài, – Tao đói quá ! Mày có cái gì ăn không?
– Chẳng có, – Thu trả lời. – Tao cũng thấy đói.
– Nếu là mẹ thì phải chuẩn bị đầy đủ cho một chuyến đi. Chí ít cũng là lương thực… – Đăng giễu cợt, nó cố ý nói rất độc ác. – Mày chẳng có trách nhiệm gì với tao cả. Lại khóc nữa. Mày là một bà mẹ tồi.
Thu nín khóc, nó lục lọi túi áo rồi đắc thắng:
– Có cái kẹo ! Đúng rồi, tối qua dì Hải tao cho tao cái kẹo và tao quên mất. – Nó giành được chủ động nên bình tĩnh lại. – Thực ra không phải tao quên, tao chuẩn bị rồi tao cố ý quên đi.
Đăng ngờ vực. Nó bóc cái kẹo cắn thử. Đúng kẹo thực, mà kẹo chanh. Có thể Thu là mẹ thật chăng? Mẹ bao giờ cũng tìm ra được một cái gì trong những hoàn cảnh khắc nghiệt. Nó cắn một nửa, một nửa đưa cho Thu và nó vừa dùng đâu lưỡi lăn lăn nửa cái kẹo trong miệng vừa suy nghĩ. Nếu có lửa. – Nó bắt đầu trò đùa theo cách của nó, cũng là một thể nghiệm theo cách của nó. – Nếu mày là mẹ thì mày thử nghĩ xem sao? Thu bối rối. Không thể lật túi để tìm bật lửa. Vận may chỉ đến có một lần thôi, dưới hình thức cái kẹo… Nó nhíu mắt suy nghĩ.
– Cứ đi đi. Sẽ có lửa đấy, tao sẽ tìm ra lửa.
Đăng cười buồn rầu, nó nói một cách nghi hoặc :
– Nếu mày tìm được lửa thì mày là mẹ thật. – Nó bật cười. – Và tìm ra lửa thì tao sẽ nghĩ ra cách để cho người ta tìm thấy chúng mình.
Chúng vừa nói chuyện vừa đi men theo bờ ruộng. Chúng đi vào một khoảng đất trống có những nấm đất tròn u ám, lạnh lẽo. Đấy là bãi tha ma. Cái Thu chợt nhớ, năm ngoái nó đi theo dì Hải về quê tảo mộ bà nó. Cũng bãi tha ma thế này. Người ta đốt hương sau khi đắp mộ và vứt diêm đi.
Đăng thì thào:
– Mày có sợ không… ? Tao sợ…
– Đừng sợ. – Thu nói khẽ, giọng nó lạc đi. – Tao với mày đi tìm ở cái mả mới kia kìa. ở đấy sẽ có lửa đấy.
Chúng đến hên một cái mộ mới đắp. Hoa tươi đầy ắp quanh mộ, những chân hương mới cắm đầy.
– Đây rồi ! – Thu kêu lên. Nó đã tìm thấy một bao diêm cũ, trong bao có chừng hơn một chục que. Phấn khởi làm cho hai đứa quên cả sợ hãi.
Đăng thán phục :
– Mày tài thật! Sao mày lại nghĩ có diêm ở đấy?
Thu cười. Bây giờ nó là mẹ rồi. Mẹ thì được quyền giấu con những điều bí mật. Nó bảo:
– Mày không biết đâu. – Nó hãnh diện nói. – Vì tao là mẹ.
Đăng vơ củi rác, nó ủ bao diêm vào áo cho hết hơi ẩm rồi châm lửa đốt.
Khoang nửa giờ sau cô giáo tìm ra hai đứa.
*
Chuyện của trẻ con thì người lớn không nên cắt nghĩa vì lôgic của trẻ con là lôgic huyền thoại không tiền khoáng hậu. Người lớn bị thực tế khắc nghiệt làm mất đi sự mong manh của lôgic huyền thoại, thay vào là thứ lôgic xám xịt, rạch ròi. Ông bà ngoại Đăng thương chiều nó. Nó là của quý. Những thói hư tật xấu của nó thường bị ông bà nó đổ lỗi cho Thu. Tính lông bông ương bướng, thói giễu cợt, sự lười nhác, thậm chí cả việc chậm hiểu của đầu óc nó cũng do bạn nó. Đăng biết ông bà ngoại nó nhầm. Càng lớn lên nó càng bướng bỉnh, càng cô đơn và càng nhạy cảm hơn về thân phận côi cút của mình.
Một bữa, Đăng đánh vỡ tan ông Phúc trong bộ Tam Đa bằng sứ. Bà ngoại tiếc của mắng nó : – Đồ hậu đậu. Tất cả là từ cái con mẹ Thu nhãi ranh của mày. Đăng trào nước mắt, nó uất ức, tủi cực. Nó trốn xuống bếp ngồi trong bóng tối và tức tưởi khóc. Trên nhà bà ngoại của Đăng vẫn đang điên cuồng gào thét. Có tiếng tầu điện sầm sập chạy nhanh ngoài phố. Bỗng ý nghĩ về cái chết bật ra rất nhanh trong Đăng. Đúng rồi ! Ngã xuống dưới đường ray! Cái khối sắt đồ sộ lướt qua và thế là hết. Chẳng phải làm gì, chẳng phải nghĩ ngợi. Mười phút nữa sẽ có chuyến tầu đi qua. Điều cần nhất là báo cho Thu. Nó là bạn tốt. Nó cắt nghĩa được cái chết. Ông Phúc trong bộ Tam Đa bằng sứ có nghĩa lý gì ? Phúc-Lộc -Thọ có nghĩa lý gì ? Đăng len lén mở cửa rồi chạy ra đường. Cái tầu điện cách ba trăm mét. Thu đứng ở vệ đường.
– Mày sao thế? – Thu ngơ ngác.
Đăng chấp chói. Mặt nó tái đi không còn thần sắc. Cái tầu điện lướt qua. – Tròi ơi – Thu đẩy Đăng ra rồi ngã vật xuống.
Nó ngất đi.
*
Đăng không chết, vì do Thu đẩy ngã. Còn Thu lại bị tàu điện cán gẫy nát chân. Người ta đưa cả hai đứa đi viện. Đăng sốt cao, suốt đêm cứ vật vã nói mê liên hồi :
– Mẹ… mẹ… mẹ… mẹ…
Tiếng “mẹ” của nó như tiếng gió thổi ở ngoài đầu hồi.
Trong giấc mơ, Đăng thấy Thu với nó đứng ở trên cao. ở đấy nhìn xuống thấy người bé xíu, những chiếc ô tô cũng bé xíu. Gió lồng lộng, Thu cười nắc nẻ, hàm răng trắng bóng. Thu bảo :
– Này Đăng, tao sẽ đi trên khoảng không bằng đôi chân này. – Nó chìa đôi chân trần ra trước mặt Đăng. – Đi như bay ấy, như trong chuyện cổ…
Nói xong, Thu đi thật. Nó bước vào khoảng trống không, hai tay bơi rẽ không khí. Đăng áp người vào hàng lan can, cảm gi ác cô đơn côi cút làm nó ớn lạnh. Nó gọi Thu :
– Đợi với! Đợi tao đi với ! Hãy bảo tao đi như thế với- Hãy bảo tao đi như thế với!
Thu bay lướt đi, nó bảo : Mày không đi được thế đâu ! Hiểu không? Vì tao là mẹ.
Đăng giật mình dậy. Giấc mơ qua đi. Nó mở mắt ra nhìn kỹ căn phòng bệnh viện. Cạnh Đăng, ông bà ngoại nó đang chăm chú nhìn. Nó bỗng rùng mình vì thấy mắt của hai người trong suốt. Đăng nhìn ra ngoài cửa sổ. Trời xanh ngăn ngắt. Trên sợi dây thép phơi áo, có ngọn gió nào rung khẽ. ở đấy vọng lại những tiếng thì thào, thính tai lắm mới nghe thấy được :
U…u… u… u…
N.H.T