Tâm tình “Mùa thay lá”: Hoài Khánh

Tập thơ “Mùa thay lácủa Nguyễn Ngọc Vương vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà Văn cho ra mắt bạn đọc. Cả thảy 97 bài thơ đều là những ký ức thẳm sâu của tác giả, có thể nở bung thành bao khắc khoải, nhớ thương trong tâm hồn một phụ nữ đa cảm.

Yêu thích sáng tác thơ từ lâu nhưng Nguyễn Ngọc Vương có cơ hội công bố những dòng tâm sự đằm thắm của mình khi chị đảm đương vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Sóng Tam Bạc ở quận Hồng Bàng. Gắn bó với phong trào thơ thành phố, chị giao lưu, học hỏi và rèn luyện nghiệp viết. Thơ chị còn mộc mạc, chân chất nhưng thật lòng và lại tạo rõ nét dáng cuộc đời mình qua trang viết, được bạn thơ xa gần yêu mến. Cuối năm 2019, chị trở thành hội viên Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng.

Nguyễn Ngọc Vương chủ yếu đề cập tâm trạng phụ nữ với đời thường, về gia đình, tình yêu con người và cả những khuất lấp chuyện đời phụ nữ. Trong bài “Lời tự sự” chị viết:

“Anh nhắn nhủ yêu em nhiều lắm đó

Tận đáy lòng ta chưa ngỏ cùng nhau

Bao nhung nhớ in vào trong nắng gió

Rạo rực lòng xao xuyến trái tim yêu.”

Thơ như một người bạn đồng hành cùng cuộc sống của tác giả kể cả khi buồn, vui hay khổ đau. Chị không chỉ dùng ngôn ngữ để lấp đầy khoảng trống vắng, mà còn để an ủi chính mình, nương tựa vào đó mà tự đi qua những chuỗi ngày cô đơn, buồn đau, nhớ thương, xa vắng, vẫn thường trực bủa vây trái tim đa sầu, đa cảm. Điều đó lý giải tại sao trong cảm xúc thơ của chị thường bật ra những câu tự vấn:

“Ai sẽ tìm ta một ngày mưa xối xả

Ai sẽ ở bên ta lúc oi ả cuối chiều”

                             (Ai…)

Như nhiều tác giả nữ, Nguyễn Ngọc Vương làm thơ trước hết để phản ánh những vấn đề có liên quan đến thân phận phụ nữ. Bạn đọc sẽthấu cảm khi đến với thơ của chị:

“Đa mang cái nghiệp rượu chè

Vô tình để chốn phòng the lạnh lùng”

(Độc tửu)

Vẫn  dưới góc nhìn hiện thực, từ quan điểm phụ nữ, chú ý đến những đặc điểm tâm lý phụ nữ, Nguyễn Ngọc Vương không chỉ tạo nên vẻ đẹp của riêng mình mà còn thể hiện tầm nhìn và bóng dáng rất riêng của mình qua ngôn ngữ thơ ca.

“Phút chênh chao ngã nhòa tim nức nở

Gọi tên người muôn thủa kiếp ba sinh

Đã bao đêm ta vẫn cứ một mình

Cùng bản nhạc chung tình bên chén đắng

Hãy uống đi cho tâm hồn phẳng lặng

Cho môi mềm và đêm trắng bình yên.”

                                                          (Đêm trắng!)

Nguyễn Ngọc Vương không chịu ràng buộc bởi phương pháp sáng tác nào và cũng không làm khó mình bởi sự thắt chói của âm, vần, ngữ, điệu và những thủ pháp tu từ nghiêm ngặt của luật thơ. Chị Chú tâm nhiều vào lối tự sự. Mỗi bài như một lời độc thoại, đối thoại với chính mình, với giới mình, hoặc với nửa kia của mình. Mỗi bài thực sự như một cuộc trò chuyện của tác giả với thế giới nội tâm sâu thẳm, một sự giãi bày về tâm trạng, điều đó gợi nên cảm giác gần gũi, tin cậy và đồng cảm giữa tác giả và bạn đọc.

Nửa đời lỡ bước thanh thai

Cả đời ôm trọn gửi ai nỗi buồn

Nay đem bán cái cô đơn

Chẳng ai mua để tôi hờn dỗi tôi.

(Một mình)

Thơ Nguyễn Ngọc Vương thể hiện được nhiều sắc thái yêu thương, buồn vui, xót xa, giận hờn của các cung bậc tình yêu. Những bài thơ chị viết cho bố mẹ, người thân và các con, các cháu… thể hiện thái độ trân trọng giá trị gia đình, dành sự yêu thương vô bờ bến cho gia đình, người thân của mình. Đây là mấy câu thơ thật cảm động:

“Mẹ đi vắng cả một phương

Cô đơn quạnh quẽ con đường về quê

Mẹ ơi, mỗi lúc con về

Đâu còn có mẹ thỏa thê nỗi lòng!”

(Trước giờ G của mẹ)

Với tập thơ thứ hai “Mùa thay lá” của mình, Nguyễn Ngọc Vương đã mở rộng biên độ phản ánh và cảm xúc cũng nặng đằm hơn tập thơ “Nguồn thiêng” trước đây. Tin rằng, chị sẽ có thêm những trang thơ chân thành, lôi cuốn bạn đọc nhờ sự miệt mài “Nhặt câu thơ để đan từng giấc mơ.

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder