Về tới nhà đã quá trưa, cô Gái sửng sốt thấy cổng mở toang. Thì ra cô Thiệp, cô Mỹ lấy chồng ở biển cách cả ngày đường đã trở về chúc Tết bà chị. Các cô biết cách mở cổng nhà mình từ lúc còn là con gái. Mấy chị em ôm chầm lấy nhau, chùi nước mắt vào vai nhau, hết cười lại khóc…
Về tới nhà đã quá trưa, cô Gái sửng sốt thấy cổng mở toang. Thì ra cô Thiệp, cô Mỹ lấy chồng ở biển cách cả ngày đường đã trở về chúc Tết bà chị. Các cô biết cách mở cổng nhà mình từ lúc còn là con gái. Mấy chị em ôm chầm lấy nhau, chùi nước mắt vào vai nhau, hết cười lại khóc.
Ăn cái bánh chưng cuối cùng của Tết Bính Thân do cháu Giang Ha mang từ Hà Nội sang, lại nhớ những Tết xưa đã chìm trong quên lãng.
Ở đồng bằng sông Hồng những năm xa xưa Tết đến sớm lắm. Chưa sang tháng Chạp, bầu trời luôn xám xịt, vẫn mưa phùn và gió bấc căm căm, thế mà thiên hạ đã rộn ràng xốn xang chuyện đón Tết rồi. Tết là ngày hội lớn nhất của một năm, thử hỏi còn có hội nào lễ nào lớn bằng, cho nên từ trẻ chí già ai ai cũng nôn nao chờ nó. Cô Gái, bà chị cả của cha tôi, vào cái năm mà tôi đang nói tới đã già lắm, thấy thiên hạ rục rịch đón xuân cũng sốt ruột. Bà thường ngồi rất lâu trên cái chõng tre bắc ngoài thềm khi chiều xuống, rồi thừ người ra mà tính: Tết năm nay gói bao nhiêu bánh chưng là vừa, cỗ bàn phải sửa soạn ra sao, nhà mình đụng lợn với ai, lợn chia mấy phần, lại còn nhà cửa nữa, phải dọn dẹp cách nào cho tươm tất, sẽ chọn ai xông đất để còn nói trước với họ?…
– Cháu này! – ấy là bà gọi tôi. – Cô nghĩ thế vầy…
Mỗi khi có chuyện phải suy nghĩ lung, cô tôi lại xổ mái tóc mỗi năm một bạc thêm của bà xuống kín vai, rồi nhẩn nha chải đầu bằng cái lược bí đã gãy nhiều răng. Cái lược sứt sẹo ấy đã giúp bà ra khỏi khá nhiều vấn đề hắc búa. Trong nhà chỉ có hai cô cháu, cho nên sực nhớ ra điều gì là cô Gái gọi tôi lại để bàn bạc, cứ như thể thằng cháu lên chín của bà là một thành viên ngang hàng với bà trong gia đình.
Hồi ấy tôi về ở với cô Gái, vì mẹ tôi bận công việc trên tỉnh, mà tôi thì nghịch như quỷ sứ, bà coi không xuể. Cô Gái ở một mình, bà muốn có đứa cháu ở cùng cho đỡ cô quạnh. Cha tôi cũng muốn như vậy, ông xót bà chị cả như mẹ, nhưng ông ít khi về quê với chị, ngay ở tỉnh ông cũng thường xuyên vắng mặt trong nhà mình, khi đi nơi này nơi khác, khi thì ở trong tù như năm nay. Người trong làng thì thào với nhau bằng giọng sợ sệt rằng ông có chân trong “hội kín”.
Dù là Tết ở Hà Nội hay Tết ở nhà quê, Tết nào cũng đến với tôi trong một niềm vui e ấp. Tôi hồi hộp, tôi nôn nóng chờ đón nó, với cảm giác không rõ ràng nhưng sung sướng, là cùng với mỗi khúc ngoặt thời gian trọng đại như thế này, được mọi người trân trọng như thế này, tôi đang dần trở thành người lớn. Hồi ấy tôi mới khát khao được chóng trở thành người lớn làm sao! Tôi chỉ muốn thời gian đi thực nhanh, thực nhanh! Mà đứa trẻ nào chẳng vậy, chẳng muốn mình mau được ngang hàng với đám người trịch thượng kia, cái đám người lớn luôn ngạo mạn phẩy tay đuổi nó ra khỏi thế giới của họ: “Ra đàng kia! Trẻ con, biết gì!”
Tôi nhớ những cái Tết thành phố với tiếng pháo râm ran trong đêm trừ tịch, mùi khói pháo thơm nồng và đầm ấm lẩn khuất trong sương sớm bay nhè nhẹ. Trên những hè phố hơi ướt và thẫm màu vì mưa phùn người đi lại thưa thớt. Trời rét ngọt, cái rét không làm ta co ro cóm róm trong áo mền áo kép mà chỉ cho ta rùng mình đôi thoáng gọi là có, như thể để đánh dấu sự vào xuân, chứ không bao giờ là cái rét tàn bạo làm cho ta khốn nạn khốn khổ, chỉ muốn chui vào trong ổ rơm, chuồng trấu mà trầm mình trong đó trốn việc. Trong buổi sáng tinh sương của năm mới, năm nào cũng y như năm nào, tất thảy đều đón xuân trong nhà mình, biết rằng những người trong buổi sớm đang lác đác trịnh trọng trên hè kia là đám con cháu có bổn phận đi chúc thọ các bậc trưởng thượng, hoặc những người tốt vía đã được các gia chủ dặn trước để tới xông nhà. Đúng giao thừa, pháo tạch pháo đùng ở mọi nhà mọi phố nổ ran như một làn sóng âm thanh vang dội bùng lên từ trung tâm thành phố rồi toả ra tận các xóm vắng ngoại thành. Cũng từ đó cho tới sáng, và cả những ngày mồng hai mồng ba nữa, dần dần thưa thớt đi nhưng không dứt hẳn, thỉnh thoảng lại rộ lên một tràng pháo muộn, khi ở chỗ này, lúc ở chỗ khác. Đây đó, trong những xó xỉnh mấy cái pháo lẻ của trẻ con không ngừng nổ đì đẹt.
Nhưng thành phố đã xa vời. Tôi đang ở nhà quê. Ở đây hiếm tiếng pháo. Nghèo mà. Pháo chỉ nổ đì đùng ở sân dinh cụ Thượng, lạch tạch trong sân nhà các bậc chức sắc, nhà các ông lái gỗ, vài gia đình có khách ở tỉnh về. Người nghèo thì chỉ đứng trong nhà mình mà vểnh tai nghe tiếng pháo giòn giã báo xuân sang. Trẻ con trong làng khác trẻ con ở tỉnh, chúng chẳng có pháo lẻ để mà đốt, đứa nào may mắn nhất trong túi cũng chỉ có mấy cái pháo lép bới được trong đống xác pháo toàn hồng của mấy nhà giàu, thứ pháo chẳng bao giờ có thể nổ, chỉ có thể dùng làm pháo chuột.
Cái sự chờ đón không náo nhiệt ngày đầu tiên của một mùa xuân mới tưởng chừng chỉ âm thầm trong lòng mỗi người, vậy mà trong những ngày cuối năm nó thay đổi bộ mặt của làng lúc nào không hay. Những hàng rào găng, ruối, dâm bụt bỗng được cắt tỉa, xén phẳng bên những con đường nhỏ bỗng được quét tước cẩn thận. Nhà thờ chính xứ cũng như mấy nhà thờ họ lẻ, cả nhà hội quán và trường tiểu học nữa, được quét vôi lại, sáng sủa hẳn lên trong bộ áo mới.
Cận ngày rồi cô Gái mới gọi anh Cận đến. Thấp bé, mắt kèm nhèm, hay lam hay làm, anh là người được cô tôi tín nhiệm nhất trong họ, phàm có việc gì là bà nhớ tới anh, gọi anh. Không phải vì anh sáng dạ mà vì tính tình hiền lành, nhất nhất nghe lời bề trên. Tôi không nhớ anh có họ thế nào với tôi, nhưng anh cũng đã già bằng cha tôi, tóc đã bạc, con trai anh còn hơn tôi mấy tuổi. Anh bước vào nhà, làm dấu thánh trước toà Đức Bà, rồi vỗ vỗ hai chân vào nhau cho hết bụi bẩn, xin phép cô ngồi lên phản:
– Năm nay cô tính nấu bao nhiêu bánh chưng ạ?
Cô Gái chép miệng:
– Thì cũng như mọi năm, tôi tính độ hai chục là vừa.
– Nhiều vậy? Liệu các ông bà với các cô các chú Tết năm nay có về được không ạ?
Cô Gái thở dài:
– Biết thế nào. Các ông bà ấy trăm công nghìn việc, rảnh thì về, không thì cũng đành chịu. Con cháu ai là người không muốn về nhà mình khi năm hết tết đến? Chẳng qua cái khó bó cái khôn, anh ạ. Gì thì gì, cứ phải hai chục, cho nó chắc. Thêm ít bánh nếp nữa. Phải có cái mang vào nhà chung biếu các cha, các thầy, còn cả nhà mụ nữa. Rồi còn con cháu ở đây, chúng đến còn có đồng bánh ăn cùng, thừa còn hơn thiếu. Chứ tết nhất bỗng dưng lại đùng đùng về được mà không có tấm bánh chưng tết thì còn ra làm sao.
– Ông Cả thích bánh chưng rán, ông Tư lại chỉ thích bánh nhân ngọt. Chú Mai, chú Hiếu thì gì cũng được, nhưng phải nóng. – anh Cận thủng thẳng nói, bằng nhận xét ấy anh muốn chứng tỏ tình nghĩa họ hàng với gia đình tôi ở trong anh còn mặn mà, còn gần gụi – Giá mà các cô các chú về sớm được nhẩy?
– Được thế còn nói làm gì? Cô cũng nhớ các em anh lắm. Anh nhớ chẻ trước cho cô ít lạt mấy lại lo cho cô cái khoản lá giong cho cô gói nhá?
Khi cô Gái xưng cô với anh là bà muốn nhấn mạnh tình cô cháu, cái đó làm cho anh Cận của tôi cảm động. Anh khịt mũi.
– Dạ. Thì cũng như mọi năm.
Tôi cũng mong các anh chị con các bác tôi về quê ăn Tết như năm ngoái năm kia. Hai năm ấy cô Gái không đụng lợn mà “iết” (giết) cả con. Anh Hiếu tôi, con thứ bác Cả, bao giờ cũng dành phần cái bong bóng lợn, anh khéo léo và nhanh chóng chế tạo cái vật bèo nhèo bẩn thỉu ấy thành một quả bóng không căng tròn mà méo mó và chúng tôi biến cái sân trước nhà mình thành một sân vận động tí hon, nơi mấy anh em chúng tôi, con chú con bác con cô con cậu, đủ mặt, tơi bời quần thảo. Trên anh Hiếu là anh Mai đã ra vẻ người lớn. Anh la cà trong làng, thăm nhà này nhà khác, không thích dây với lũ trẻ con chúng tôi. Nếu bác Cả, bác Hai về thì tôi sẽ được thêm tiền mừng tuổi. Đối với trẻ con khoản tiền này một năm mới có một lần, nó vô cùng quý hoá.
Anh Cận hạ một cây tre đực trong luỹ tre ở vườn sau, cưa ra từng khúc ngắn, những khúc tre này sẽ được chẻ thành lạt gói bánh cho cả nhà tôi, nhà anh và còn cả nhiều nhà khác nữa, tính ra cũng họ hàng hang hốc với nhau cả. Vả lại, anh giúp cô Gái không lấy công thì cũng phải có chút gì mang về cho nhà mình, nhân tiện đem cho các gia đình neo đơn trong họ.
Nhưng các bác tôi và các anh tôi không về trước mấy ngày để đón giao thừa trong ngôi nhà của cha ông như cô Gái hi vọng. Cũng chẳng thấy các ông đánh giấy (tức là gửi điện tín hoặc gửi thư). Mà Tết thì cứ đến gần, lừng lững.
Anh Cận bắc cái ghế ngựa để với cái chảo gang trên gác bếp xuống, lấy tro đánh cho sạch sẽ, rồi đưa ba ông đầu rau cao lênh khênh ở chái bếp vào, cưa cây gỗ được hạ xuống từ năm nảo năm nào thành từng khúc, hái cả đống lá giong lá chuối ở vườn sau, đem rửa sạch, hong cho ráo nước.
Cô Gái sang nhà bà chị họ chia phần thịt đụng, ngâm đỗ, ngâm gạo, rồi mới bảo anh Cận hạ mấy cánh cửa nhà trên xuống làm phản gói bánh.
Trong những công việc quan trọng ấy tôi không được đụng tay vào, tôi chỉ được quanh quẩn bên cạnh người lớn mà xem. Xong mọi việc, anh Cận lấy tro đánh cho tới bóng loáng chân đồng của hai cây toạ đăng, đổ dầu vào cho cô, rồi mới xin phép cô về làm việc nhà mình.
Việc gói bánh trông bề ngoài có vẻ nhẹ nhàng, thật ra không dễ tí nào. Cô Gái không cần có khuôn cũng gói được những cái bánh chưng vuông chằn chặn, rất chặt tay. Chị Phương con bác Hai Thực ở nhà bên sang gói đỡ cô phải dùng khuôn mà không sao gói chặt được bằng cô. Ngoài hai chục bánh lớn cô Gái còn gói thêm mấy cái bánh nhỏ, rất xinh xắn, là phần dành cho tôi và các anh chị tôi, cũng là trẻ con, phòng khi các anh chị tôi về. Bánh chưng cô Gái gói nổi tiếng ngon, bởi bà chọn nếp rất kỹ, thịt cũng phải có nạc có mỡ vừa đủ, nêm nếm cho vừa miệng mọi người, gói thì chặt tay, khi luộc bánh bà ngồi canh lửa không rời.
Tôi rất thích được thức đêm để canh nồi bánh với cô Gái. Luộc bánh thì lửa phải đều, nước cạn dần phải biết mà thêm vào cho đủ ngập, bánh mới rền, mới ngon. Cho nên cái sự luộc bánh chưng xem ra không dễ, còn vất vả nữa là khác, phải chống mi mắt lên mà thức mà canh cho tới khi bánh chín tới thì đem ngay ra ngâm nước lạnh rồi đặt lên phản, lấy tấm khác đặt lên trên, chồng cối đá lên mà ép cho ráo nước, mới coi là được.
Đó là những giờ phút hết sức trọng đại, còn pha một chút thiêng liêng nữa, của đêm trừ tịch, khi ta tưởng chừng nghe thấy bước chân nhè nhẹ của mùa xuân mới đang đến gần. Ở nhà nào cũng vậy, bánh chưng khởi luộc từ chiều đến gần sáng mới xong. Bên nồi bánh chưng sôi sùng sục thường cả nhà cùng thức, quây quần trong bầu không khí ấm áp của gian bếp, mặc cho bên ngoài những bức vách là mưa phùn là gió bấc. Trong tiếng nước lục bục, tiếng lửa reo phào phào, cô Gái tôi nhẩn nha dẫn tích. Dẫn tích là nói theo tiếng cổ, chứ bây giờ người ta gọi là kể chuyện. Những chuyện của cô Gái không thú vị bởi giọng kể đều đều của cô, nhưng lại rất thú vị ở chỗ chuyện nào cũng đầy ắp sự kiện và tính cách nhân vật. Tôi học được ở cô Gái biết bao nhiêu là chuyện dân gian, chúng trở thành những bài học bổ ích cho tôi trong việc sáng tác sau này. Thời nay người lớn ít thuộc cổ tích, họ chẳng biết kể cho con cháu nghe cái gì trong những buổi tối gia đình sum họp. Tôi và cô Gái ngồi dưới bếp, trong ánh lửa bập bùng soi bóng hai cô cháu lên vách. Đêm trừ tịch cô Gái hà tiện nổi tiếng cả làng vẫn để cho hai cây toạ đăng cháy sáng suốt đêm trong mấy gian nhà trên bao giờ cũng tối om khi tắt ánh mặt trời..
Cho tới nay tôi vẫn không hiểu tại sao tháng Chạp ta lại có tên là tháng củ mật. Không biết từ căn từ nguyên của chữ củ mật là gì, chắc nó có liên quan tới cái sự phải canh phòng cẩn mật đối với trộm cướp, là chuyện thường xảy ra trong cái tháng bao giờ cũng là gay cấn cho mọi ngân sách gia đình. Hầu như năm nào cũng vậy, cứ năm hết Tết đến là y như rằng có cướp, không ở làng tôi thì ở làng lân cận. Nửa đêm tôi thường thức giấc bởi tiếng tri hô “Ối làng nước ôi! Cướp! Cướp!”, tiếng tù và rúc lên thảm thiết, tiếng mâm đồng chậu thau ở mọi nhà khua inh ỏi, tiếng người hò la trợ lực cho tuần đinh đánh đuổi cướp. Một lát sau thì làng xóm lại trở về yên tĩnh, chuyện cướp xảy ra đầu đuôi thế nào sáng ngày ra mới biết rõ được. Cướp thường vào các nhà giàu ở làng bên. Làng tôi ít bị cướp không phải vì nghèo mà vì có đội hương dũng nổi tiếng can đảm. Đã có những tên cướp bỏ mạng trong một trận giáp lá cà bằng giáo mác với hương dũng. Xác của những tên cướp bị giết được phơi giữa chợ làng để làm gương. Ruồi nhặng bâu kín những vết đâm gây ra bởi bạch khí toác hoác và phồng mọng.
Sáng Mồng Một, khi chuông lễ muộn đổ hồi thì cô Gái bóc cho tôi ăn tấm bánh nhỏ nhất bà gói riêng cho tôi, chỉ lớn bằng một phần tư tấm bánh người lớn. Gọi là lễ muộn là gọi quen miệng theo giờ, chứ sáng Mồng Một Tết không có lễ. Lại cũng không trúng ngày chủ nhật nữa. Cha xứ làm lễ Mồng Một là để cầu Đức Mẹ Quan Thầy cầu bầu cho giáo dân toàn xứ. Cô Gái không ăn. Bà chỉ ngồi yên lặng nhìn tôi ăn. Bà buồn vì các em bà không về với bà vào ngày đầu năm. Trong ngôi nhà vắng lặng của ông bà cụ kỵ để lại giờ đây chỉ còn mình bà, các em bà đã bỏ đi tứ tán, đứa lên tỉnh làm ăn, đứa lấy chồng xa. Bánh chưng không được ngon cho lắm, chắc cô tôi hà tiện vét voi các thứ còn lại để gói cho tôi, nhưng tôi giả vờ ăn ngốn ngấu để bà vui. Cô Gái tính xét nét, bà hay mắng tôi, nhưng tôi biết hôm nay bà sẽ không mắng, cho dù tôi có hư. Nếu bà mắng thì tôi sẽ bị “rông cả năm”. Dù khó tính, bà vẫn là bà cô yêu cháu. Chờ cho tôi ăn xong, bà bắt tôi mặc quần áo đẹp vào rồi dẹp nỗi buồn sang một bên bà dẫn tôi sang chúc Tết các bác các cô thuộc hai ngành cả và ngành thứ.
Rồi đội thúng quà bánh lên đầu, bà đi trước, tôi theo sau, hai cô cháu vào thăm cha xứ. Cha người đậm, thấp, đôi mắt đã không còn tinh do tuổi tác, bao giờ cũng tỏ ra quý cô tôi, với tư cách người cao tuổi nhất còn lại trong một gia đình đạo gốc. lâu đời nhất xứ đạo. Ông vui vẻ nhận lời chúc năm mới kèm theo mấy tấm bánh chưng vuông vức và những đồng bánh nếp mềm mại gói lá chuối được bõ già giúp cô tôi đặt lên cái khay sơn mài trên bàn.
– Các ông bà trên tỉnh chắc năm nay bận, không về được. – cha xứ nói, ông ngồi một chỗ nhưng biết hết mọi việc trong làng – Tiếc quá, lâu lắm rồi tôi chưa được giáp mặt ông Cả. Có mấy câu trong Cựu Ước đa nghĩa lắm, muốn bình với ông Cả mà ông lại không có ở nhà …
Tôi chờ cha xứ mừng tuổi, nhưng ông chẳng nhìn ngó gì đến tôi. Tiếp cô tôi một lát, sau đôi câu chuyện tầm phào cha xứ đứng lên, ông còn phải tiếp những giáo dân khác đứng lố nhố trong hành lang chờ đến lượt mình. Không người nào đến tay không, ai cũng mang theo chút quà bánh cho nhà chung.
Chúng tôi còn mang quà đến chúc Tết nhà mụ nữa rồi mới quay về.
– Cha ăn sao hết được quà người ta biếu, cô nhỉ? – tôi hỏi cô Gái – Nhiều lắm. Cháu thấy chỗ quà bánh bõ xếp ở phòng trong ngồn ngộn cả dống.
– Xì! – cô Gái quở – Cha đâu có ăn một mình. Còn các thầy, còn tiếp khách thập phương về thăm cha nữa chứ. Tức là những người ở các xứ mà cha trông coi trước khi về đây đến chúc Tết cha. Thừa thì cha sai bõ đem cho kẻ khó…
Về tới nhà đã quá trưa, cô Gái sửng sốt thấy cổng mở toang. Thì ra cô Thiệp, cô Mỹ lấy chồng ở biển cách cả ngày đường đã trở về chúc Tết bà chị. Các cô biết cách mở cổng nhà mình từ lúc còn là con gái. Mấy chị em ôm chầm lấy nhau, chùi nước mắt vào vai nhau, hết cười lại khóc.
Cô Gái đã không uổng công nấn ná chưa vội đưa tôi đi chúc Tết các bậc trưởng thượng trên ngành cả và ngành thứ. Có thêm hai cô tôi về, cô Gái nở nang mày mặt, dẫn đầu cả đoàn, có cả vợ chồng anh Cận và các con vừa tới cùng đi. Cô Gái xởi lởi mừng tuổi cho cả anh chị lẫn các cháu. Anh Cận gọi các con ra một chỗ vắng rồi quay vào nhà mừng tuổi tôi, bằng chính những đồng xu mà cô Gái vừa mừng tuổi các con anh. Tiếng là đi chúc Tết chứ cả hai ngành trên đều ở trên một mảnh đất chung với ngành út từ thời cụ tôi, nay đã thành những cơ ngơi riêng biệt, có ranh giới hẳn hoi, mặc dầu đám con cháu vẫn chạy qua chạy lại với nhau hàng ngày để xin tí lửa, vay nhúm muối hoặc một phao dầu. Đám con cháu ấy hôm nay lại quây quần bên mâm cỗ Tết, râm ran ôn lại với nhau những kỷ niệm bên dưới chân dung của các vị đã đi vào dĩ vãng.
Tết năm ấy không được vui như cô Gái tôi muốn, nhưng dù sao thì cũng còn hơn bà đã âm thầm hình dung ra nó. Nó đến, nó đi, như hoặc không như năm này năm khác.
Và hai cô cháu tôi rồi lại có nữa, một mùa xuân sẽ đến.
V.T.H
(nguồn FB Vũ Thư Hiên)