Thơ kháng chiến chống Mĩ (và cả chặng nối dài của nó đến khoảng 1980) đã đưa nền thơ cách mạng đến giai đoạn phát triển cao và đạt được nhiều thành tựu xuất sắc. Chặng đường thơ ấy đã đáp ứng được những đòi hỏi của thời đại mình, đồng thời cũng là một giai đoạn không thể bỏ qua trong tiến trình thơ hiện đại Việt Nam…
Thơ kháng chiến chống Mĩ (và cả chặng nối dài của nó đến khoảng 1980) đã đưa nền thơ cách mạng đến giai đoạn phát triển cao và đạt được nhiều thành tựu xuất sắc. Chặng đường thơ ấy đã đáp ứng được những đòi hỏi của thời đại mình, đồng thời cũng là một giai đoạn không thể bỏ qua trong tiến trình thơ hiện đại Việt Nam.
Ngày 5-8-1964, đế quốc Mĩ lần đầu cho máy bay bắn phá miền Bắc nước ta, sau khi chúng đã dựng lên cái gọi là “sự kiện vịnh Bắc Bộ”. Cả nước ta bước vào cao trào kháng chiến chống Mĩ. Cuộc chiến tranh giải phóng trải qua nhiều cam go, khốc liệt để đi tới thắng lợi trọn vẹn ngày 30-4-1975. Cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nền thơ Việt Nam. Từ thơ kháng chiến chống Pháp, thơ đấu tranh thống nhất đất nước đến thơ kháng chiến chống Mĩ là sự kế tục và phát triển liền mạch của nền thơ cách mạng.
Có thể khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của thơ thời kì này trước hết ở đội ngũ nhà thơ. Chưa bao giờ lực lượng sáng tác thơ lại tập hợp được nhiều thế hệ và nhiều phong cách, vừa thống nhất vừa bổ sung cho nhau như thời kì này. Thế hệ các nhà thơ xuất hiện từ trước 1945 như Tố Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Tế Hanh… vẫn tiếp tục sáng tác khá dồi dào và nhiều người đạt được những đỉnh cao mới, tạo ra chặng đường mới trên con đường thơ của mình. Thế hệ kháng chiến chống Pháp như Chính Hữu, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Trung Thông cũng thực sự khởi sắc. Các nhà thơ trẻ xuất hiện từ đầu những năm 60, đặc biệt đông đảo trong thời kì chiến tranh chống Mĩ, đã đem đến cho thơ sức sáng tạo mới, trẻ trung, trong sáng, nhạy cảm, mà trong đó có không ít tài năng đã sớm được chú ý và khẳng định: Xuân Quỳnh, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo… Đội ngũ sáng tác thơ ở vùng giải phóng và các chiến trường miền Nam đã đông đảo và vững mạnh lên nhiều. Giang Nam, Thanh Hải vẫn bám trụ ở những chiến trường quen thuộc của họ; Ca Lê Hiến từ miền Bắc trở về chiến trường Nam Bộ với bút danh Lê Anh Xuân; từ các đô thị xuất hiện những tiếng thơ đấu tranh, thức tỉnh của thế hệ trẻ trong vùng kiểm soát của kẻ thù như Trần Quang Long, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Vàng Sao…; trong đội ngũ đông đảo hàng vạn thanh niên cầm súng đi vào các chiến trường tham gia cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, đã nảy nở nhiều tài năng thơ như là một nhu cầu tự ý thức và tự biểu hiện của thế hệ trẻ.
Giá trị nổi bật và bền vững của thơ kháng chiến chống Mĩ là ở nội dung tư tưởng – cảm xúc. Nó tập trung biểu hiện những tình cảm, tư tưởng lớn của thời đại, phát hiện và sáng tạo những hình tượng cao đẹp về Tổ quốc, dân tộc và nhân dân, về những thế hệ con người Việt Nam trong cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Đó cũng chính là sự kế tục một truyền thống tốt đẹp của nền thơ Việt Nam qua nhiều thời đại: gắn bó mật thiết với vận mệnh của đất nước, dân tộc và nhân dân. Nhìn rộng ra, trong nền thi ca thế giới, thì sự gắn bó với cuộc chiến đấu và vận mệnh của tổ quốc, nhân dân mình trong những thời khắc khó khăn và hệ trọng cũng là một truyền thống được thể hiện ở nhiều tên tuổi lớn: từ Victo Huygô đến Aragông, Êluya, từ Pêtơphi, Lorca đến Nêruđa, từ Nêcraxôp đến Bloc, Maiacôpxki…
Chủ nghĩa yêu nước là nguồn động lực tinh thần lớn nhất của hết thảy mọi người trong cuộc kháng chiến, cũng là nguồn cảm hứng lớn bao trùm và thấm sâu trong mọi tác phẩm thơ ca. Kế tục truyền thống tư tưởng yêu nước của nền thơ dân tộc, trực tiếp nhất là của thơ kháng chiến chống Pháp và thơ đấu tranh thống nhất đất nước, trong thơ thời kì kháng chiến chống Mĩ chủ nghĩa yêu nước được phát triển tới những chiều cao và độ sâu mới và được biểu hiện hết sức phong phú, đa dạng.
Phát hiện về Tổ quốc cũng có nghĩa là khám phá về dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam, với những nét phẩm chất cao đẹp và bền vững là chủ nghĩa anh hùng và tình thương, lòng nhân ái, đức hi sinh. Thơ đã xây dựng được nhiều hình tượng đẹp về con người Việt Nam thời đánh Mĩ, ở nhiều tầng lớp, thế hệ, lứa tuổi, nhưng đều là biểu tượng của dân tộc và nhân dân. Nhận thức về đất nước luôn gắn liền với nhận thức về nhân dân, đó cũng là một nét nổi bật trong chủ nghĩa yêu nước ở thơ thời kì này. Cuộc kháng chiến chống Mĩ một lần nữa thể hiện sức mạnh vô tận, phẩm chất tuyệt vời và những hi sinh vô cùng to lớn của nhân dân. Tư tưởng đất nước của nhân dân đã thấm sâu vào cái nhìn và xúc cảm của mọi nhà thơ khi nói về đất nước. Nhân dân, đó là những người mẹ, người cha, người chị, ở mọi nơi, mọi vùng, tiền tuyến và hậu phương, miền Nam và miền Bắc, mà mỗi người lính, người cán bộ đều được họ giúp đỡ, chở che, nuôi dưỡng.
Những giá trị nói trên của thơ kháng chiến chống Mĩ là điều ít ai nghi ngờ và cũng khó có thể phủ nhận. Nhưng ít lâu nay cũng tồn tại một câu hỏi, cả trong giới sáng tác và giới nghiên cứu, đó là: Thơ kháng chiến có đổi mới gì về thi pháp, có đóng góp gì cho tiến trình vận động của thơ Việt Nam hiện đại? Trong cuộc thảo luận về thơ trên báo Văn nghệ hồi những năm 1994 – 1995, vấn đề này đã được bàn cãi sôi nổi, nhưng không có nghĩa là mọi điều đã sáng tỏ, và vì thế vẫn cần được tiếp tục suy nghĩ, trao đổi. Theo tôi, những điểm cơ bản tạo nên đặc trưng thi pháp thơ thời kì kháng chiến chống Mĩ và cũng là những đóng góp của thơ thời kì này cho tiến trình thơ Việt Nam hiện đại là những điểm sau:
1. Thơ kháng chiến chống Mỹ thuộc loại hình thơ Cách mạng.
Để đánh giá đúng một hiện tượng thơ cần đặt nó vào loại hình thơ với những đặc trưng thẩm mĩ, quan niệm thơ ca của loại hình thơ ấy. Thơ cổ điển, thơ lãng mạn, thơ tượng trưng, mỗi loại hình ấy đều có những quan niệm nghệ thuật riêng, những đặc trưng thẩm mĩ của nó, quy định cái nhìn thế giới và những nguyên tắc sáng tạo riêng biệt, và đó cũng là những đóng góp của mỗi loại hình vào tiến trình thơ của nhân loại. Nó là sự tiếp nối liền mạch dòng thơ kháng chiến chống Pháp và thơ trong những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhưng đã đưa loại hình thơ cách mạng đến một bước phát triển cao, mà đặc điểm nổi bật là sự kết hợp sử thi với trữ tình, tạo thành khuynh hướng trữ tình sử thi. Nói sử thi ở đây không phải chỉ ở nội dung thể tài, mà còn ở quan điểm tiếp cận của nhà thơ với mọi hiện tượng đời sống, là quan điểm cộng đồng.
Cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mĩ đặt dân tộc ta trước những thử thách gay gắt, vận mệnh của đất nước, tự do và độc lập của dân tộc đứng trước nguy cơ một mất một còn. Trong những năm tháng ấy, đời sống và số phận của mỗi người tất yếu phải gắn chặt với vận mệnh của đất nước, với cuộc chiến đấu của dân tộc. Trong hoàn cảnh lịch sử và khí quyển tinh thần ấy, thơ không thể không trở thành tiếng nói chung của cả cộng đồng, phát ngôn cho ý chí, khát vọng, tình cảm chung rộng lớn và thống nhất của mọi người, của toàn dân tộc. Đó là lúc như cách nói của nhà thơ Chế Lan Viên: Những năm đất nước có chung tâm hồn, có chung khuôn mặt. Nụ cười tiễn đưa con, nghìn bà mẹ như nhau, bởi vậy, không có con đường nào khác cho thơ ngoài con đường Bay theo đường dân tộc đang bay. Quan điểm sử thi tạo cho nhà thơ một chỗ đứng ở tầm cao để bao quát thời đại, lịch sử. Đồng thời quan điểm ấy cũng định hướng cho sự suy ngẫm, phát hiện, liên tưởng của nhà thơ trước mọi hiện tượng và vấn đề, kể cả đời sống riêng tư, cá nhân hay thế sự. Nhờ thế mà thơ kháng chiến chống Mĩ đã tạo dựng được nhiều hình tượng đẹp, kì vĩ, mới mẻ về đất nước, nhân dân, về cuộc chiến đấu của dân tộc mang tầm thời đại. Cũng nhờ đó mà trong thơ thời kì này có nhiều phát hiện, liên tưởng, mở rộng và đào sâu ý nghĩa khái quát, biểu tượng của những chi tiết, hình ảnh hiện thực.
Cùng với sự kết hợp chất sử thi và chất trữ tình trong loại hình trữ tình – sử thi, thơ kháng chiến chống Mĩ có những tìm tòi, sáng tạo trong việc kết hợp thể tài lịch sử với những chất liệu của cái hàng ngày và đời sống riêng tư. Bên cạnh việc ưu tiên cho chất liệu lịch sử, các sự kiện trọng đại của đời sống dân tộc, phương thức khá phổ biến trong thơ kháng chiến chống Mĩ là phát hiện ý nghĩa lịch sử, tính thời đại trong các chi tiết, hình ảnh của đời sống hàng ngày, cả trong đời sống riêng. Chế Lan Viên có ý thức về điều này khi ông đặt hai mảng thơ Hoa ngày thường và Chim báo bão vào trong một tập thơ. Các nhà thơ thuộc thế hệ trẻ thì luôn tiếp cận những vấn đề thời đại, lịch sử từ trải nghiệm của chính mình, của thế hệ mình. Thanh Thảo viết trong trường ca Những người đi tới biển:
Buổi sáng ấy tôi bước vào tuổi 25
Ở đường dây 559 – trạm 73
Ngày sinh nhật bắt đầu bằng
cơn sốt
Cổ đắng khô ngồi thở trên
đỉnh dốc
Bạn mở bi đông nhường hớp nước cuối cùng
Hớp nước cuối cùng giữa cơn sốt
đầu tiên
Ngày sinh nhật tuổi 25 mình
được uống.
Còn với Xuân Quỳnh thì gió, cát ở vùng tuyến lửa Quảng Bình đã trở thành Ngọn gió Lào, cát trắng của đời tôi.
2. Về cái “tôi” trữ tình, thơ kháng chiến chống Mĩ tập trung xây dựng hai hình tượng: cái “tôi” sử thi và cái “tôi” thế hệ trẻ. Đó là hai dạng thức làm phong phú thêm cho hình tượng cái “tôi” của thơ Việt Nam hiện đại.
Cái “tôi” sử thi đã xuất hiện trong thơ thời kì kháng chiến chống Pháp và được tiếp tục ở mười năm hòa bình, đến cuộc kháng chiến chống Mĩ đã trở thành hình tượng cái “tôi” trữ tình chủ đạo và đặc trưng. Cái “tôi” sử thi tạo cho nhà thơ tâm thế trữ tình cao rộng với tư cách phát ngôn cho cả dân tộc, đất nước, nhân dân. Bởi vậy, cái tôi ấy có thể cất lên lời kêu gọi, mệnh lệnh, hô hào, cổ vũ: Hãy gầm lên như sấm sét đùng đùng/ Tất cả pháo và xông lên dũng sĩ (Tố Hữu), Hãy yêu, hãy yêu và bảo vệ/ Mây nước, cửa nhà, văn học, ngữ ngôn (Chế Lan Viên). Cái “tôi” sử thi đại diện cho tiếng nói của dân tộc, lương tri của nhân loại để vạch mặt, lên án, chất vấn, truy kích kẻ thù, tố cáo những âm mưu và tội ác của chúng. Tư thế của cái “tôi” sử thi cho nhà thơ chỗ đứng ở đỉnh cao của thời đại để bao quát cả thời gian và không gian, lịch sử và hiện tại, dân tộc và nhân loại, quá khứ và tương lai, để mà phát hiện, suy ngẫm, hình dung, dự đoán về mọi vấn đề hệ trọng, lớn lao của vận mệnh đất nước, lịch sử dân tộc. Nhờ thế mà thơ thời kì chống Mĩ đã có sự mở rộng rất đáng kể về không gian và thời gian được chiếm lĩnh trong thơ, nối liền quá khứ lịch sử với hiện tại và tương lai, liên kết dân tộc với thời đại và nhân loại.
Cái “tôi” sử thi chủ yếu hiện ra trong sự tự nhận thức, phát hiện và tự thể hiện của dân tộc và nhân dân qua tiếng nói của người đại diện là nhà thơ. Ở phần trên khi nói về chủ nghĩa yêu nước trong thơ thời kì chống Mĩ đã đề cập tới điều này. Ở đây chỉ lưu ý thêm rằng, khi nói về dân tộc, đất nước, nhà thơ thường sử dụng cái “tôi” với hai bình diện. Một mặt, đó là sự tự khẳng định, tự biểu hiện của cộng đồng dân tộc, nhân dân; mặt khác, nhà thơ lại trong vai trò người chiêm ngưỡng, nhìn ngắm, ngợi ca với tất cả sự cảm phục, thành kính và tự hào.
Nhờ sự kết hợp hai bình diện này mà cái “tôi” sử thi trong thơ thời kì chống Mĩ tuy rất thống nhất nhưng không đơn điệu, không hoàn toàn thủ tiêu cái “tôi” của tác giả, vì thế bản sắc, cá tính của mỗi nhà thơ vẫn có chỗ để bộc lộ, phát huy.
Cùng với cái “tôi” sử thi, cái “tôi” thế hệ là dạng thức tiêu biểu, nổi bật của cái “tôi” trữ tình trong thơ các nhà thơ trẻ thời kì chống Mĩ. Cái “tôi” thế hệ thống nhất với cái “tôi” sử thi và có thể coi là một biến thể, một dạng độc đáo và cụ thể của cái “tôi” sử thi. Có lẽ, sau phong trào Thơ Mới (1932-1945) đến thời kì này xuất hiện một đội ngũ đông đảo các nhà thơ trẻ của cùng một thế hệ. Thơ của các nhà thơ trẻ là tiếng nói tự ý thức, tự biểu hiện của thế hệ trẻ tự nguyện nhập cuộc và được trải nghiệm qua thử thách của chiến tranh. Mỗi nhà thơ trong số họ đều ý thức rõ ràng về thế hệ mình và về tính chất đại diện cho tiếng nói thế hệ của thơ mình. Thế hệ ấy thấu hiểu trách nhiệm và sứ mệnh của mình:
Cả thế hệ dàn hàng gánh đất nước trên vai
(Bằng Việt)
Lớp tuổi hai mươi, ba mươi điệp trùng áo lính
Trùng điệp áo màu xanh là một tiếng trả lời.
(Thanh Thảo)
Họ cũng ý thức về việc tự ghi lấy hình ảnh của thế hệ mình bằng văn chương:
Không có sách chúng tôi làm
ra sách
Chúng tôi làm thơ ghi lại
cuộc đời mình.
(Hữu Thỉnh)
Cái “tôi” thế hệ còn được thể hiện trong hình ảnh những con người cụ thể, tiêu biểu cho thế hệ ấy, và đây là đóng góp xuất sắc của thơ trẻ vào việc xây dựng hình tượng nghệ thuật về con người Việt Nam của thời đại chống Mĩ. Người đọc không thể quên chân dung của những người lính lái xe, cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn trong thơ Phạm Tiến Duật, người lính bộ binh trong thơ Nguyễn Đức Mậu Ngủ rừng theo đội hình đánh giặc, sự hi sinh và tình đồng đội của họ trong Nấm mộ và cây trầm, người chiến sĩ giải phóng hi sinh trong tư thế nổ súng tiến công trong thơ Lê Anh Xuân, chân dung những người lính xe tăng, xạ thủ trung liên trong thơ Hữu Thỉnh, và còn bao nhiêu những hình ảnh khác vẫn lưu lại trong thơ và trong lòng bạn đọc.
Mười năm thơ kháng chiến chống Mĩ cũng là chặng đường mà cái “tôi” thế hệ ghi lại quá trình trưởng thành về ý thức của thế hệ trẻ đã đi qua suốt một cuộc chiến tranh ngày càng dữ dội, quyết liệt. Từ cái náo nức, say sưa với cảm hứng lãng mạn của buổi đầu đến sự trải nghiệm với nhiều suy tư trong giai đoạn cuối cuộc chiến tranh, cái “tôi” của thơ trẻ muốn tìm cho mình một tiếng nói trầm tĩnh, trực tiếp, thậm chí đến trần trụi, chối bỏ những gì hoa mĩ và sáo mòn trong thơ. Cái “tôi” thế hệ tạo nên sự thống nhất trong tiếng thơ của các nhà thơ trẻ, nhưng vẫn có thể nhận ra những giọng điệu riêng mang rõ bản sắc của từng người, ở những nhà thơ có tài năng và cá tính. Sau năm 1975, một số tác giả trong thế hệ này vẫn tiếp tục hành trình sáng tạo với những nỗ lực tìm kiếm, trăn trở đầy nhọc nhằn, có cả sự bứt phá tự vượt lên mình để tìm đến một giọng thơ mới, phù hợp với giai đoạn mới. Nhưng đọc họ, chúng ta vẫn dễ dàng nhận ra những nét cơ bản và bền vững của một cá tính, một chất giọng đã được hình thành từ giai đoạn chống Mĩ.
3. Cùng với xu hướng tăng cường tính chính luận, chất triết lí, thơ chống Mĩ đặc biệt chú trọng mở rộng chất liệu thơ từ hiện thực đời sống.
Nhằm đề cập và giải đáp những vấn đề mang ý nghĩa chính trị của cuộc sống, thơ tìm đến khuynh hướng trữ tình chính trị với sự tăng cường yếu tố chính luận. Bám sát thời sự diễn biến của cuộc chiến đấu, kịp thời đề cập và giải đáp những vấn đề hệ trọng về tư tưởng chính trị, khẳng định đường lối và quyết tâm chiến đấu của dân tộc, lên án kẻ thù trong những âm mưu thủ đoạn và tội ác của chúng…, đó là những cảm hứng và chủ đề thường trực trong thơ Tố Hữu, Chế Lan Viên và nhiều nhà thơ khác. Tính chính luận thường gắn bó và được bổ sung bằng chất suy tưởng, triết lí. Nhà thơ vừa như một nhà tuyên truyền, cổ động lại vừa là nhà tư tưởng, nhà nghệ sĩ để phát hiện, khám phá và say mê khẳng định Tổ quốc, dân tộc, nhân dân, thời đại. Tính chính luận và chất triết lí, suy tưởng là đặc điểm nổi bật trong thơ của các nhà thơ lớp trước cũng thấm đượm cả trong thơ các nhà thơ trẻ. Nhưng trong thơ của thế hệ này, ưu thế nổi trội và cũng là sự đóng góp quan trọng nhất của họ chính là việc gia tăng chất liệu hiện thực đời sống, mở rộng khả năng cho thơ chiếm lĩnh thực tại bộn bề, phong phú và đa dạng của hiện thực chiến tranh. Các nhà thơ đã đưa vào trong thơ nhiều chân dung thế hệ trẻ với những chi tiết chân thực, sinh động và đặc sắc về cuộc sống chiến đấu và sinh hoạt của người lính, tình đồng đội và cả tình yêu, niềm vui và nỗi đau của họ. Người đọc không thể không nhớ những chi tiết, hình ảnh như trái cây – ngọn đèn của Phạm Tiến Duật, mái tăng “bầu trời vuông” của Nguyễn Duy, chùm hoa bưởi tỏa hương lặng lẽ mà nồng nàn trong thơ Phan Thị Thanh Nhàn hay tiếng ve theo cùng những người lính trẻ ra mặt trận trong thơ Hoàng Nhuận Cầm, những dấu chân qua trảng cỏ của Thanh Thảo, khúc hát ru của người mẹ Tà Ôi trong thơ Nguyễn Khoa Điềm…, và còn rất nhiều hình ảnh thơ giàu chất thực nhưng cũng đậm tính khái quát đã trở thành những biểu tượng của một giai đoạn lịch sử. Đặc biệt, ở các trường ca xuất hiện trong giai đoạn cuối cuộc chiến tranh và ngay sau khi chiến tranh kết thúc, yếu tố tự sự với rất nhiều hình ảnh, sự việc, con người đã thâm nhập mạnh mẽ, kết hợp với chính luận và trữ tình, tạo nên tính tổng hợp của thể loại này. Xu hướng đưa chất liệu hiện thực đời sống vào thơ đã được mở ra từ thời kì kháng chiến chống Pháp và thu được nhiều thành công; thơ những năm chống Mĩ tiếp tục đẩy mạnh xu hướng ấy, đồng thời đạt được sự kết hợp nhuần nhuyễn hơn giữa ngoại cảnh với nội tâm, miêu tả và biểu hiện, cụ thể và khái quát. Chất liệu hiện thực trong thơ kháng chiến chống Pháp thường giữ nguyên được vẻ hồn nhiên, tự nhiên của nó nhưng ít khi có được sức chứa lớn, tính khái quát cao. Việc xử lí chất liệu hiện thực của các nhà thơ thời kì chống Mĩ nhìn chung ở một trình độ cao hơn, chủ động hơn trong sự chọn lọc và nhất là bằng suy tưởng, liên tưởng để phát hiện ý nghĩa khái quát, triết lí tiềm ẩn trong đó. Từ sau 1975, nhất là từ thời kì đổi mới, quan niệm về hiện thực của văn học đã được biến đổi, mở rộng tới mọi biên độ và tầng bậc của đời sống, thì chất liệu của thơ cũng hết sức đa dạng. Cái hàng ngày bộn bề, trần trụi, bụi bặm ở bên cạnh đời sống tâm linh, những vùng mờ chập chờn của tiềm thức, vô thức, những khát khao bản năng và những suy nghiệm về bản thể…, tất cả đều có thể hiện diện trong thơ hôm nay.
4. Thơ kháng chiến chống Mĩ đã thúc đẩy xu hướng tự do hóa hình thức thơ lên một bước mới.
Cuộc “cách mạng thơ ca” của phong trào Thơ Mới, xét về mặt hình thức nghệ thuật, đã phá vỡ nhiều khuôn khổ ràng buộc với những quy phạm chặt chẽ, tạo ra những khả năng mới và rộng rãi cho thơ trong việc khám phá và biểu hiện đời sống, đặc biệt là đời sống bên trong của con người cá nhân cá thể, vì vậy đã mở ra xu hướng tự do hóa cho hình thức thơ. Tuy nhiên, xu hướng ấy mới chỉ đi được những bước khởi đầu. Thơ cách mạng từ 1945 đứng trước yêu cầu mở rộng khả năng phản ánh và phạm vi ôm chứa hiện thực rộng lớn, phong phú của đời sống cách mạng và kháng chiến, nên đã thúc đẩy mạnh mẽ những tìm tòi theo hướng tự do hóa hình thức thơ. Thơ kháng chiến chống Mĩ, bên cạnh việc kế thừa những kinh nghiệm nghệ thuật truyền thống, đã rất chú ý tìm tòi, sáng tạo trên phương diện hình thức theo hướng tự do hóa.
Một trong những cống hiến quan trọng nhất của Thơ Mới cho tiến trình thơ dân tộc, như Trần Đình Sử khẳng định, là đã tạo dáng lại cho câu thơ, đưa câu thơ từ điệu ngâm sang điệu nói. Nhưng dù sao thì câu thơ điệu nói ở Thơ Mới cũng mới là bước đầu. Thơ kháng chiến đã tiếp tục con đường ấy và làm phong phú hơn cho câu thơ điệu nói, theo hướng đưa tiếng nói của thơ về gần hơn với tiếng nói hàng ngày, tiếng nói của đông đảo nhân dân trong thời đại cách mạng. Thơ kháng chiến chống Pháp đã ghi được nhiều thành công trong việc đưa khẩu ngữ, lời đối thoại của quần chúng vào thơ (Phá đường của Tố Hữu, Nhớ của Hồng Nguyên, Lời quê của Hồ Vy…). Câu thơ điệu nói đến thơ chống Mĩ đã thực sự đa dạng với nhiều cách tổ chức và nhiều phong cách lời nói. Có lời đối thoại, lời tự bạch, tự khẳng định, lời suy ngẫm, triết lí, lời kêu gọi, mệnh lệnh, lại có lời kể và tả như những phóng sự, ghi nhanh. Câu thơ điệu ngâm đặt trọng tâm ở thể điệu, còn câu thơ điệu nói lại tạo sức hấp dẫn chủ yếu bằng giọng điệu. Mặc dù vẫn trong khuôn khổ của loại hình thơ trữ tình sử thi nhưng thơ chống Mĩ đã có nhiều giọng điệu khác nhau, tạo được ấn tượng cho người đọc. Có thể dễ dàng nhận ra giọng tinh nghịch có chút ngang tàng của Phạm Tiến Duật, giọng trầm tư hơi khắc khổ của Nguyễn Duy, giọng suy tư triết lí mang tính đối thoại của Thanh Thảo, giọng nồng nàn mà hồn nhiên của Xuân Quỳnh…
Về cấu trúc bài thơ, ngoài những cách thức quen thuộc kế thừa từ Thơ Mới và thơ ca dân gian, thơ kháng chiến chống Mĩ có nhiều tìm tòi theo hướng mở rộng khuôn khổ, đa dạng hóa kết cấu bài thơ. Có bài thơ theo lối tùy bút, lại có những bài thơ được tổ chức thành từng chùm, thành chuỗi thơ theo một chủ đề, hoặc như những giao hưởng, tổ khúc có chia thành nhiều chương, đoạn. Nhu cầu mở rộng khuôn khổ và sức dung chứa của tác phẩm thơ đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thể trường ca trong những năm cuối chiến tranh và sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mĩ. Trong giai đoạn này, trường ca không còn kết cấu theo mạch cốt truyện như những trường ca xuất hiện trước đó, mà được tổ chức theo sự phát triển của chủ đề. Các trường ca này là một thể loại mang tính tổng hợp cả trữ tình, tự sự, chính luận. Cùng với việc mở rộng phạm vi phản ánh và biểu hiện, các trường ca này cũng thể hiện xu hướng tự do hóa rất mạnh trong cấu trúc tác phẩm và ngôn ngữ thơ. Tác phẩm thường được tổ chức thành nhiều chương, khúc, mà mỗi chương, khúc có thể được đặt tên. Mạch liên kết của các chương là mạch triển khai của chủ đề mang tính chính luận – trữ tình. Thể thơ được sử dụng chủ yếu là thơ tự do hoặc hợp thể giữa thơ tự do và các thể cách luật.
*
* *
Thơ kháng chiến chống Mĩ (và cả chặng nối dài của nó đến khoảng 1980) đã đưa nền thơ cách mạng đến giai đoạn phát triển cao và đạt được nhiều thành tựu xuất sắc. Chặng đường thơ ấy đã đáp ứng được những đòi hỏi của thời đại mình, đồng thời cũng là một giai đoạn không thể bỏ qua trong tiến trình thơ hiện đại Việt Nam. Từ sau 1980, cùng với cả nền văn học, thơ cũng phải tự làm mới mình, tìm lại vị trí trong đời sống hàng ngày của con người, cái hàng ngày không hề giản đơn mà chứa đựng bao sự phức tạp, những xung đột, những sóng ngầm và những khát vọng không cùng. Thơ đã đi tìm những hướng mới, tạo nên diện mạo và giọng điệu mới. Nhưng thơ kháng chiến không hề mất đi những giá trị bền vững của nó. Không phải nó chỉ sống trong tiềm thức và kỉ niệm của những lớp người đã đi qua cuộc chiến tranh, mà vẫn nằm sâu ở những lớp đáy của đời sống tinh thần toàn xã hội, góp phần tạo dựng nền tảng tinh thần cho những thế hệ hiện nay và sau này. Còn đối với tiến trình vận động của thơ, thì những thành công và hạn chế của thơ kháng chiến có thể là sự gợi mở, kích thích cho những tìm tòi, đổi mới của thơ hôm nay.
N. V. L
(Nguồn vannghequandoi)