Thơ lục bát Nguyễn Bính

 

Trong thơ Nguyễn Bính, âm hưởng của thơ ca dân gian in đậm trong các bài thơ lục bát Ông đã biết cách làm giàu cho sáng tác của mình trên mảnh đất văn hoá dân gian, từ đó khai thác và khơi nguồn cảm hứng để tạo nên những thi phẩm mới rất Nguyễn Bính với những sáng tạo mới mẻ về hình ảnh, nhịp điệu trong cách thức và ý nghĩa sử dụng.

 

 

Nguyễn Bính tên khai sinh là Nguyễn Trọng Bính. Nhà thơ sinh năm 1918 trong một gia đình nhà nho nghèo tại xóm Trạm, thôn Thiện Vinh, xã Đồng Đội, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ông bắt đầu làm thơ từ lúc 13 tuổi, năm 1932 Nguyễn Bính rời quê ra Hà Nội và từ đây bắt đầu nổi tiếng trong sự nghiệp sáng tác văn học. Ông được giải khuyến khích của Tự lực văn đoàn với tập thơ “ Tâm hồn tôi”(1940). Năm 1943 Nguyễn Bính được giải nhất văn học Nam Xuyên ở Sài Gòn với truyện thơ “ Cây đàn tì bà”

Năm 1947 Nguyễn Bính tham gia kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ. Tháng 11 – 1954 Nguyễn Bính tập kết ra Bắc, ông công tác ở hội nhà văn Việt Nam. Năm 1956 ông làm chủ bút tuần báo “ Trăm hoa” và đã cho đăng báo một số bài viết. Năm 1958 Nguyễn Bính về công tác tại ty văn hoá thông tin Nam Định. Mùa thu năm 1965, ông theo cơ quan văn hoá Nam Định sơ tán vào huyện Lý Nhân. Nguyễn Bính mất đột ngột vào sáng 30 Tết năm Ất Tỵ (20 – 01 – 1966 )  khi ông chưa kịp sang tuổi 49.

Nguyễn Bính để lại di sản văn chương lớn với nhiều thể loại khác nhau (thơ, truyện thơ, kịch thơ, kịch bản chèo, lý luận sáng tác). Hoạt động văn nghệ của ông phong phú đa dạng song thành tựu xuất sắc độc giả ưa chuộng là thơ bởi thơ là mảng sáng tác kết tụ tài năng và tâm huyết của đời ông. Riêng về thơ có thể nói rằng ông là cây bút sung sức nhất của phong trào Thơ Mới. Chỉ trong một thời gian ngắn (1940-1945) Nguyễn Bính đã cho ra đời những tập thơ có giá trị: “ Tâm hồn tôi” (1940); “Lỡ bước sang ngang” (1940); “Hương cố nhân” (1941); “Một nghìn cửa sổ” (1941); “Người con gái ở lầu hoa” (1942); “Mười hai bến nước” (1942); “Mây tần” (1942); “ Bóng giai nhân” (Kịch thơ – 1942); “Truyện tỳ bà” (Truyện thơ – 1944). Sau cách mạng, Nguyễn Bính lại cho ra mắt các tập thơ: “Ông lão mài gươm” (1947); “Đồng Tháp Mười” (1955); “Trả ta về” (1955); “Gửi người vợ miền Nam” (1955); “Trông bóng cờ bay” (1957); “Tiếng trống đêm xuân” (1958); “Tình nghĩa đôi ta” (1960); “Đêm sao sáng” (1962).

Đường đời Nguyễn Bính tuy ngắn ngủi 49 năm nhưng nhưng đường thơ của ông có tới 36 năm. . Với lối viết giàu chất trữ tình dân gian, Nguyễn Bính đã tạo được một gương mặt riêng trong nền văn học hiện đại Việt Nam. Năm 2000 Nguyễn Bính đã được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Trong thơ Nguyễn Bính, âm hưởng của thơ ca dân gian in đậm trong các bài thơ lục bát Ông đã biết cách làm giàu cho sáng tác của mình trên mảnh đất văn hoá dân gian, từ đó khai thác và khơi nguồn cảm hứng để tạo nên những thi phẩm mới rất Nguyễn Bính với những sáng tạo mới mẻ về hình ảnh, nhịp điệu trong cách thức và ý nghĩa sử dụng.

Trang tác phẩm yêu thích của vanhaiphong số này trân trọng giới thiệu chùm bài lục bát của nhà thơ mà bạn đọc nhiều thập kỷ qua yêu quý.

Nguyễn Bính

Chân quê

Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!

Nào đâu cái yếm lụa sồi ?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân ?
Nào đâu cái áo tứ thân ?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen ?

Nói ra sợ mất lòng em
Van em em hãy giữ nguyên quê mùa
Như hôm em đi lễ chùa
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh!

Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều

(1936)

 

 

Đàn tôi

 

Đàn tôi đứt hết dây rồi
Không người nối hộ, không người thay cho
Rì rào những buổi gieo mưa
Lòng đơn ngỡ tiếng quay tơ đằm đằm

Có cô lối xóm hàng năm
Trồng dâu tốt lá, chăn tằm ươm tơ
Năm nay biết đến bao giờ
Dâu cô tới lứa, tằm cô chín vàng?
Tơ cô óng chuốt mịn màng
Sang xin một ít cho đàn có dây.

 

Giấc mơ anh lái đò

Năm xưa chở chiếc thuyền này,
Cho cô sang bãi tước đay chiều chiều.
Để tôi mơ mãi, mơ nhiều:
“Tước đay se võng nhuộm điều ta đi.
Tưng bừng vua mở khoa thi,
Tôi đỗ quan trạng, vinh quy về làng.
Võng anh đi trước võng nàng…
Cả hai chiếc võng cùng sang một đò .”

Đồn rằng đám cưới cô to,
Nhà trai thuê chín chiếc đò đón dâu.
Nhà gái ăn chín nghìn cau,
Tiền cheo, tiền cưới chừng đâu chín nghìn…

Lang thang tôi dạm bán thuyền,
Có người trả chín quan tiền, lại thôi!

Buông sào cho nước sông trôi,
Bãi đay thấp thoáng, tôi ngồi tôi mơ.
Có người con gái đang tơ,
Vẫy tay ý muốn sang nhờ bãi đay.
Sao cô không gọi sáng ngày,
Giờ thuyền tôi đã chở đầy thuyền mơ.
Con sông nó có hai bờ,
Tôi chưa đỗ trạng, thôi cô lại nhà.

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder