Xin hãy tự hỏi: chúng ta đang quan tâm đến gì? Đến “vợ người ta”, đến Cường đô la có bồ mới hay 18 triệu nông dân Miền Tây đang đối mặt với tai họa thế kỷ?..
Xin hãy tự hỏi: chúng ta đang quan tâm đến gì? Đến “vợ người ta”, đến Cường đô la có bồ mới hay 18 triệu nông dân Miền Tây đang đối mặt với tai họa thế kỷ?
“Tác động của 11 đập thủy điện trên sông MeKong lên đồng bằng sông Cửu Long là không đáng kể!”, đó là kết luận trong báo cáo của Ủy ban sông Mekong VN.
Một bài báo rất quan trọng của TS Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và kỹ thuật nhà nước, nguyên chủ nhiệm Chương trình nhà nước điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long (1983 – 1990), đại biểu Quốc hội các khóa IX, X, XI, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ ngày 31.10 năm ngoái đã rơi vào “cõi im lặng đáng sợ”!
Tại sao bài báo lại rất quan trọng? Nó quan trọng vì nhà khoa học yêu nước đã đề cập tới một công trình nghiên cứu của chính Ủy ban sông Mekong VN (VNMC) là vô cùng nguy hiểm và bất lợi cho đất nước. Đó là câu kết luận của báo cáo của Ủy ban này: “Tác động của 11 đập thủy điện trên sông MeKong lên đồng bằng sông Cửu Long là không đáng kể!”.
Cụ thể cái tác động được gọi là “không đáng kể” này được chứng minh bằng những con số dự báo (hay đoán mò): Tác động dự kiến của 11 đập trên dòng chính lên mực nước ở đồng bằng sông Cửu Long là “tương đối nhỏ” (!?), trung bình thấp hơn 2cm, các thay đổi về độ mặn (g/l) là tương đối nhỏ ở châu thổ, khoảng dưới 1g/l cho năm 2007 với chế độ vận hành hằng ngày của đập; đỉnh lũ do vỡ đập tại châu thổ, dưới 0,4m; 11 đập dự kiến trên dòng chính không tác động một cách có ý nghĩa sự xói lở bờ sông trên phần lãnh thổ Việt Nam…(theo trích dẫn của TS Nguyễn Ngọc Trân).
Báo cáo là sản phẩm một dự án nghiên cứu do Chính phủ Việt Nam giao Bộ TN&MT và VNMC điều hành. Dự án lên tới 3,5 triệu USD (gần 80 tỉ đồng, được quốc tế tài trợ), và công ty tư vấn là DHI của Đan Mạch.
Nó có tầm quan trọng sống còn do đánh giá tác động của các con đập đến môi trường, sản xuất nông nghiệp, đánh bắt thủy sản trên sông, trong đồng, tóm lại là toàn bộ đời sống cũng như sự tồn tại của 18 triệu đồng bào đang sống trong vùng hạ lưu MeKong hàng ngàn năm nay.
Lạ thay, với báo cáo này, hình như tất cả đều “tương đối nhỏ” sau khi xây các con đập. Mức nước bị hạ thấp “tương đối nhỏ”(khoảng 2cm), độ mặn tăng “tương đối nhỏ”. Nếu vô phúc người Trung Quốc vô ý làm vỡ đập thì cũng chẳng lo 18 triệu người thành cá cả đâu, mức nước chỉ cao hơn bình thường dưới 0,40 mét thôi mà!
Cha mẹ ơi! Mới chỉ có 8 đập trên dòng chính MeKong của Trung Quốc xây dựng xong, trong đó có đập Cảnh Hồng mà mùa khô năm nay nhiều kênh lớn đồng bằng sông Cửu Long đã trơ đáy (trong khi báo cáo dự đoán chỉ thấp hơn 2 cm), độ mặn được đoán mò là “tương đối nhỏ” ấy, thực tế năm nay đã tăng gấp hàng chục lần, kéo sâu vào đất liền gần trăm cây số, phủ khắp các tỉnh miền Tây. Hàng chục ngàn hecta lúa bị chết đứng do cái độ mặn “tương đối nhỏ” của các vị nghiên cứu trong dự án ấy.
Tạo sao TS Trân lại cho rằng câu kết luận của bản báo cáo là vô cùng nguy hiểm? Nó nguy hiểm vì, nếu được công bố như là một văn bản chính thức, đó là văn bản hàm ý tỏ sự đồng tình của nhà nước ta với 11 con đập đã và sẽ xây dựng trên dòng chính con sông chảy qua 5 quốc gia, những con đập từ lâu gây tranh cãi, trong đó các nhà khoa học nghiêng về xu lướng phản đối vì chúng sẽ giết chết con sông vĩ đại, gây hại nhiều mặt cho những quốc gia phía hạ lưu, nặng nề nhất là đồng bằng sông Cửu Long của ta.
Hãy trở lại bài báo của TS Nguyễn Ngọc Trân. Ông cho biết, sau khi nghiên cứu bản bản báo cáo, thấy phương pháp luận không đúng, số liệu chưa được cập nhật, mô hình chưa được bạch hóa, ông đã đề nghị tạm ngừng, chưa công bố ra quốc tế, đồng thời yêu cầu Bộ TN&MT giải thích, điều chỉnh.
Nhưng như chúng ta đã thấy, một vấn đề quan trọng như thế, nguy hiểm đến vận mạng đất nước như thế, được một nhà khoa học khả kính quan tâm và phát hiện, đã không được báo chí và giới khoa học, thậm chí cả những người có trách nhiệm đối với sông MeKong quan tâm đúng mức. Báo chí nhà nước vẫn tràn ngập tin Hari Won hôn Trấn Thành hay Hồ Ngọc Hà đang bị nghi giật chồng người ta, nhưng không thấy có ai bàn tới bài báo của TS Nguyễn Ngọc Trân. Dù nó được đăng tải trên một tờ báo lớn như Tuổi trẻ.
Chỉ đến khi, mấy tháng sau bài báo ra đời, lưỡi hái thiên tai ập xuống Miền Tây, vùng đất thành lũy an ninh lương thực của đất nước với 18 triệu người nông dân sống nhờ vào tấm lòng thơm thảo của sông Mekong. Nhiều tỉnh tuyên bố tình trạng thiên tai khẩn cấp. Chính phủ đang khẩn thiết yêu cầu Trung Quốc xả nước, đúng hơn, trả lại cho dòng MeKong những gì họ đã tham lam giữ lại làm của riêng. Thực tế cuộc sống đã lật tẩy những mỹ từ ru ngủ “không đáng kể” , “tương đối nhỏ” v.v. và những thái độ vô trách nhiệm trong khoa học, nghiên cứu.
Chúng ta biết không thể có phép lạ nào chặn được sự tham lam tài nguyên nước của những quốc gia đang tận dụng mối lợi của sông MeKong cho riêng mình. Chuyện dài sông MeKong đòi hỏi thời gian và sự hoàn thiện của pháp luật quốc tế. Nhưng hãy đặt một vấn đề nhỏ hơn, hẹp hơn và cũng người hơn: nhân một bài báo bị ngó lơ, Xin hãy tự hỏi: chúng ta đang quan tâm đến gì? Đến “vợ người ta”, đến Cường đô la có bồ mới hay 18 triệu nông dân Miền Tây đang đối mặt với tai họa thế kỷ?
N.Q.T