Thảm họa tái bản ‘Người Mường ở Hòa Bình’

Tại “Ngày hội sách xưa và nay 2015” tổ chức trong khuôn viên Công viên Thống Nhất (khai mạc ngày 17/4), một số NXB cũng đem sách dự án ra thanh lý.

NNVN đã có bài phản ánh “Sách tiền tỉ… giá đồng nát”. Tiếp theo, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia xung quanh việc tái bản công trình kinh điển “Người Mường ở Hòa Bình” thuộc Dự án công bố, phổ biến tài sản văn hóa, văn nghệ dân gian Việt Nam (dự án) của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

NXB cũng bán sách Dự án

Tại “Ngày hội sách xưa và nay 2015” tổ chức trong khuôn viên Công viên Thống Nhất (khai mạc ngày 17/4), một số NXB cũng đem sách dự án ra thanh lý.

Nhiều nhất là khu vực gian hàng của NXB Khoa học Xã hội, hàng chục đầu sách giảm giá 50%, như “Từ điển bách khoa Đất nước con người Việt Nam” (GS.NGND Nguyễn Văn Chiển – TS. Trịnh Tất Đạt đồng chủ biên), “Từ điển Thành ngữ Nhật – Việt” (Nguyễn Thị Hồng Thu), “Từ điển Anh – Trung – Việt” (GS Cao Lăng chủ biên), “Trung Quốc những năm đầu thế kỷ 21” (GS Đỗ Tiến Sâm chủ biên)…

Trong đó, hàng chục đầu sách thuộc dự án được bán đồng giá 70.000 đồng/cuốn. Đó là: “Truyền thuyết dân gian người Việt” (GS.TS Kiều Thu Hoạch chủ biên, 2014, quyển 2 – 399 trang, quyển 6 – 467 trang), “Tục ngữ các dân tộc thiểu số Việt Nam” (PGS.TS Trần Thị An chủ biên, 2013, quyển 1 – 593 trang), “Tìm hiểu về Câu đố người Việt” (Triều Nguyên, 2010, 496 trang), “Truyện cổ tích người Việt” (PGS.TS Nguyễn Thị Huế chủ biên, 2014, quyển 2 – 439 trang, quyển 4 – 524 trang), “Truyện cười dân gian – Tinh hoa văn học của người Việt” (GS.TS Nguyễn Chí Bền chủ biên, 2014, quyển 4 – 521 trang), “Phong tục làm chay, tập 1: Tục làm chay bảy cờ của người Mường: Phần do Mỡi làm chủ tế” (Bùi Huy Vọng, 2011, 519 trang)…

Đáng lưu ý là, những đầu sách thuộc Dự án này đều còn mới, trừ một vài cuốn in từ năm 2010 hoặc 2011, 2013, số còn lại đều ghi nộp lưu chiểu quý 2 và quý 3/2014.

Tác hại khôn lường

Liên quan đến cuốn “Người Mường ở Hòa Bình” của Trần Từ đã được NNVN phản ánh trong số ra ngày 21/4, nhà nghiên cứu dân tộc học Tạ Đức chia sẻ: “Tôi đã không khỏi ngạc nhiên và thất vọng”.

Tạ Đức coi “Người Mường ở Hòa Bình” là một trong những cuốn “sách gối đầu giường” của ông.

Vì thế, khi cầm bản in lần đầu do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam thực hiện năm 1996 trong tủ sách cá nhân, so sánh với bản in năm 2012 do dự án của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam và NXB Thời đại thực hiện, ông thốt lên: “Một thảm họa về sự tái bản”, “thật không thể tin nổi” và “đáng kinh hãi”!

Cụ thể, nhiều câu đoạn bị cắt xén, sửa đổi tùy tiện, hình minh họa nhom nhem, lỗi chính tả, đặc biệt với các từ tiếng Anh, Pháp nhan nhản.

“Từ đó, tôi cho rằng, những “khác biệt” tệ hại trên trước hết do tính cẩu thả, chụp giật của nhóm làm sách ở NXB Thời đại, sau đó do tính cả tin của người chịu trách nhiệm về cuốn sách này ở Hội Văn nghệ Dân gian.

Tôi ngờ rằng, ông ta đã không đọc lại bản thảo cuốn sách trước khi cho in”, nhà nghiên cứu Tạ Đức nói.

Một chuyên gia khác, PGS.TS Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), người có nhiều năm được Nhà dân tộc học Từ Chi truyền bảo kiến thức và kinh nghiệm làm việc, cũng bất bình trước sự làm việc cẩu thả, tùy tiện trong việc tái bản một số tác phẩm của Từ Chi thời gian gần đây.

Đánh giá về cuốn “Người Mường ở Hòa Bình”, ông Đính cho biết đó là cuốn sách đầu tiên phác họa tương đối đầy đủ, chân thực về văn hóa Mường – tộc người anh em thân thiết với người Việt, giúp người đọc hiểu không chỉ về văn hóa Mường, mà còn là cơ sở quan trọng để tìm hiểu về cội nguồn bản địa của hai tộc người này.

Sách của Từ Chi đã vượt cả tầm bộ sách “Người Mường” của Nhà dân tộc học người Pháp J. Cusinier. Từ Chi đã chỉ ra những cái sai của học giả này về phương pháp luận cùng tư liệu và những luận điểm khoa học.

Để tránh những tác hại khôn lường trong việc tái bản cuốn sách theo kiểu cẩu thả, tùy tiện, tắc trách, PGS.TS Bùi Xuân Đính cho rằng không nên dùng “Người Mường ở Hòa Bình” tái bản 2012, mà phải trở về bản gốc in năm 1996.

Thủ quỹ dự án ra bán 1.000 đầu sách?

Trên một trang mạng rao vặt miễn phí toàn quốc, có thông tin rao bán sách như sau: “Hiện nay chúng tôi có gần 1.000 đầu sách nghiên cứu văn hoá văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam trên phạm vi toàn quốc, đã xuất bản bản đẹp, đây là các công tình rất bổ ích cho các nhà nghiên cứu, học sinh, sinh viên… Ai có nhu cầu mua buôn, mua lẻ xin liên hệ: Chị Vân – 09798987ZZ”.

Từ số điện thoại trên, PV đã tìm hiểu và được biết đó là điện thoại di động của bà Bùi Bích Vân, thủ quỹ dự án. Khi liên hệ với bà Bùi Bích Vân thì bà phủ nhận thông tin này.

Song việc hàng nghìn đầu sách được thanh lý với giá đồng nát trên địa bàn Hà Nội là một dấu hỏi rất lớn trong việc quản lý sách dự án của Nhà nước. Vì sao số lượng sách lớn như vậy, được Nhà nước đầu tư, lại có mặt được ngoài thị trường, cả hiệu sách lẫn hàng đồng nát?

 

Kiều Khải

(Nguồn: nongnghiep.vn)

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder