Nguyễn Thị Kim Lan
THÁNG BẢY DẶN LẠI
Bao năm làm giỗ hai người anh liệt sĩ
Mẹ vẫn băn khoăn không biết họ thích gì
Để người sắm lễ
Họ thích gì trước ngày ra trận
Mười sáu tuổi
Đói rách theo trống giục
Mấy năm chiến khu sắn lùi nước độc
Hai mươi tuổi họ chết
Ngày đầu quân rét buốt
Chưa có người con gái nào ra tiễn
Không có người con gái nào đan áo chờ
Những đêm dài đứng gác trong sương
Mẹ cha mất cả rồi
Thư nhà không mường tưởng
Những cuộc càn như lũ rừng trút xuống
Súng đạn phong phanh
Trận tuyến nước non tự đem thịt xương đắp đổi
Họ ngã xuống như chiếc lá non nằm trong nôi cội
Có ai ra đi kịp biết mình không còn sống nữa
Cuộc đời hòa tan vào nhau sau tạc đạn nổ
Hai mươi tuổi trút máu vào lòng đất
Viết tên vô danh trên bia tiết liệt
Ngày mừng họ lại là ngày nhiều trai trẻ chết
Hoa nở cho triệu người hai mươi dưới huyệt
Mẫu đơn rỏ máu mẹ đau con
Cúc vàng nỗi cha mùa thu nước non ngàn năm chát mặn
Những bông hoàng lan cho giấc mơ hơi ấm đàn bà chưa kịp mọc
Một ít tiền vàng mua chỗ ở chỗ ăn
Một ít bánh quà cho con trẻ lại thăm
Khói hương hóa thân từ cỏ cây trong vườn
Những vật phẩm xót đau không có cách nào huyên náo
Cái chết không có cách nào xoa dịu
Mẹ châm hương
Nước mắt ướt tay áo một đời tần tảo
Giỗ năm nay bố khấn rất dài
Hình như bố làm theo ông ngày xưa
Thương nhau chỉ biết dặn lại.
25.7.2021
N.T.K.L
Trần Nguyên Phúc
VỀ LẠI SÔNG TRÀ
Kính tặng hương hồn Mẹ VNAH Phạm Thị Văn.
Sau bốn mươi năm giờ về lại với sông Trà
Tim nghe nước thở nguồn tim buốt
Lòng đá lăn xuôi,
lòng người lăn ngược
Lòng nước mở ra nâng bước chân về.
Thế sao đành lỗi hẹn sông Re
Sao đành lỗi hẹn Trà Câu, sông Vệ
Thì gắng vậy để về nhanh với bể
Trà Khúc khúc nhôi quên kể nỗi lòng.
Đâu hầm kèo vạt nhọn ngọn tầm vông
Đâu bến nước bờ xe* ngày bom dội
Con cá bống sông Trà lầm lụi
Lầm lụi tôi, lầm lụi ngược nguồn.
Xin được quỳ vốc nước Bàu Sen
Xoa dịu trái tim đau ngày cũ
Má ráng đợi mà con thì lần lữa
Sau bốn mươi năm giờ về lại với sông Trà.
Xin được làm ngọn cỏ nhành hoa
Trên mộ má mộ ba ngày gian khổ
Những ngọn nến cháy kiệt cùng tim đỏ
Giọt tàn chiều thăm thẳm mắt má trông…
_____________
* Má Phạm Thị Văn (1910-1997) quê ở xã Nghĩa Thắng, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Má có 3 con là liệt sĩ, 2 con là thương binh và nhiều thế hệ con cháu tham gia kháng chiến chống Mỹ.
* Bờ xe: một loại guồng nước ở Quảng Ngãi, nay không còn nữa.
Quảng Ngãi, tháng 7.2008
T.N.P
Đỗ Văn Xuân
CỔNG HOA THÁNG BẢY
Kính tặng các chị thanh niên xung phong!
Chuyến hàng tải đạn nghén thời gian
chỗ kia xe anh qua đèo khét gió
thần sấm, con ma đã hàng chục ngày quần thảo
rùng rùng vạt núi
sầm sập khung trời
đất đá lẫn khói, bụi
Mưa!
Anh phải nghỉ lại lán sương cùng chị tôi và các em
rưng rưng nhận bát nắng hè
uống cạn bao ánh cười roi rói
rồi họ thì thầm với nhau vài lời gió, vài câu thơ viết vội
hẹn khi nào đàn chim lợp trời đan tay trước cổng hoa
Lớp lá rụng tầng xếp tầng biền biệt nhớ
Chị và anh lạc mất những khung trời
Chân tay chị rạc rời tre gỗ mục
khi hay tin vạt áo, ngôi sao trên vành mũ anh
lẫn vào đất, bay lên cây
lấp lánh cả khu rừng!
Khu nhà tập thể mi ni vẫn chưa kịp khắc tên anh
giữa đồi cát Hải Lăng nhòe khói
chị tôi gấu quần lò xo vắt sổ hoa may
tay rịn nhàu vạt áo
những hàng mưa nghiêng đẫm cát
nhoi nhói tiếng chuông chiều
Chị lại tất tả tìm về phía cửa Tùng
Tựa lưng hàng phi lao thì thầm mộ gió
Đợi ngọt hoàng hôn
chắc anh sẽ về đan tay chụp ảnh chung
nhấp nháy khuôn hình mặt nước
dưới vòm cổng hoa đăng!
Đ.V.X