Tháng 7 hàng năm là tháng để toàn dân tưởng nhớ tri ân những người con đã ngã xuống, hy sinh xương máu cho nền độc lập- tự do, cho sự vẹn toàn thiêng liêng của Tổ Quốc. Họ đã để lại phía sau hạnh phúc riêng tư, những mơ ước vào trường đại học hay xếp bút nghiên từ giã giảng đường sẵn sàng nhập ngũ chiến đấu để bảo vệ bình an cho toàn dân tộc.
Một chiều tháng hai cách đây mấy năm tôi cùng bạn bè đi du lịch Hà Giang. Điểm dừng chân đầu tiên là viếng nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên. Khi hoàng hôn choàng tấm voan màu tím mỏng lên những triền đồi cũng là lúc chúng tôi dâng nén hương thơm lên đài tưởng niệm, thoảng trong gió tiếng chuông chùa, lời ai hát vọng về từ đỉnh núi mờ xa:” Chiều biên giới em ơi, có nơi nào cao hơn/ như đầu sông đầu suối /như đầu mây đầu gió/như trời quê biên cương…” Lời ca như gợi cho ta nhớ về một thời chiến tranh, có những vết thương chưa bao giờ lành lặn, có những khoảng trống không thể lấp đầy…
Gia đình tôi cũng như bao gia đình khác, đều có người thân tham gia chiến trận. Có người may mắn lành lặn trở về, có người để lại một phần thân thể của mình nơi cánh rừng xa…Ngày tôi về làm dâu, thấy tôi cứ nhìn mãi tấm ảnh treo phía bên trái ban thờ, mẹ chồng tôi bảo đó là anh thứ hai của chồng tôi. Anh hy sinh khi chưa đầy hai mươi tuổi. Tấm hình một chàng trai rất trẻ với nụ cười tươi và mái tóc bồng bềnh. Mẹ bảo trong ba anh em, anh đẹp trai nhất. Theo chồng tôi kể lại thì anh đủ tiêu chuẩn để đi học ở Liên Xô nhưng anh đã viết đơn xin nhập ngũ. Anh hát hay và đàn giỏi. Anh nhờ chồng tôi mua cho cây đàn ghi ta, nhưng chưa kịp gửi thì anh đã ra đi mãi mãi.
Tháng bẩy nào cũng mưa gió nhiều để thành bão. Với mẹ chồng tôi, đó là những cơn bão lòng. Nhìn vào mắt mẹ, tôi biết nỗi thương nhớ anh chưa bao giờ nguôi ngoai. Ngày giỗ anh chỉ sau rằm tháng bẩy có một ngày. Từ hôm trước mẹ đã ngâm gạo để nấu xôi, nấu chè sắn dây có thêm tinh dầu hoa bưởi mà anh thích. Tay mẹ run run, mắt ngân ngấn nước thì thầm khấn nguyện. Gió từ ngoài hiên như đưa anh về cùng mẹ.” Gió quyện hương hoa bưởi/hương nếp thơm mẹ chắt từ nước mắt của gió/ đặt lên ban thờ mỗi rằm tháng bẩy…” tôi từng viết vậy vào ngày giỗ anh mươi năm về trước.
Đã là thanh niên ai cũng có nhiều mơ ước. Không ai chọn cho mình cách chết cũng không ai muốn mình phải chết. Không có cái chết nào có ý nghĩa bằng được sống. Nhưng khi Tổ Quốc lâm nguy thì cái chết để đất nước được trường tồn là một lựa chọn vinh quang và cao cả. Mỗi một thân xác nằm xuống, mỗi một phần thi thể mất đi là một ánh hào quang soi sáng cho đất nước trường tồn. Cuốn sổ tay, di cảo mà anh tôi để lại cũng như bao người lính khác, trang đầu luôn là những câu thơ của bài hát ” Tự nguyện”:
Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng /nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương/ nếu là mây, tôi sẽ là một vầng mây ấm/ là người, tôi sẽ chết cho quê hương…
Tôi cũng đã từng đến viếng nghĩa trang thành cổ Quảng Trị. Đứng trước bạt ngàn mộ liệt sĩ vô danh trùng trùng điệp điệp… trong tôi trào lên một cảm xúc thiêng liêng xen lẫn tiếc thương vô hạn.
Hàng triệu anh hùng liệt sĩ đã hy sinh, có những ngôi mộ có tên tuổi quê quán được người thân thường xuyên thăm viếng khói hương. Bên cạnh đó còn có hàng ngàn mộ liệt sĩ vô danh không họ tên quê quán đang nằm ở nghĩa trang liệt sĩ này. Tôi gọi điện về nhà cho cha. Cha tôi nghẹn ngào : Con nhớ thắp hương giùm bố cho các chú nhé. Cả một đại đội toàn lính trẻ của đơn vị bố đã hy sinh ở Thành Cổ Quảng Trị đó!
Viết đến đây tôi lại nhớ trong cuốn hồi kí dày 300 trang cha tôi để lại thì có đến hơn nửa cuốn là viết về đời lính. Ám ảnh nhất là một đoạn cha tôi viết về chú Hải, cùng quê : “Ngày mai Hải dẫn một đại đội vào chi viện cho Thành Cổ. Trước lúc lên đường Hải đưa chiếc ba lô cho tôi và bảo nếu không trở về thì giữ hộ và chuyển giúp cho gia đình. Một tuần sau có tin Hải và cả đại đội đã hy sinh. Tôi mở ba lô thì ngoài một số tư trang còn có một chiếc áo lót ngực, chắc là của vợ Hải”.
Vâng. Tôi đọc và đã khóc…
Hiện chú Hải vẫn chưa thấy hài cốt, vợ chú là giáo viên, cô ấy đã viết cho chú những dòng thơ đầy nước mắt:”Em chẳng thể viếng thăm/ nơi anh nằm chiều ấy/ bóng dáng anh nào thấy /chỉ nấm mồ vô danh/anh hóa thành cây xanh /giữa muôn ngàn hoa cỏ /anh hát lời của gió/ bản tình ca không lời…!”
Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng nhưng nỗi đau thì vẫn còn đó. Những vết thương, thậm chí cả những viên đạn vẫn còn nằm trong cơ thể các anh thương binh. Nhưng những người lính đã đi qua chiến tranh thì không gì có thể khuất phục được họ.” Thương binh tàn nhưng không phế”. Họ là những thầy giáo dạy cho thế hệ sau bài học về tri thức, bài học làm người. Ngày tôi còn công tác từng chứng kiến những doanh nghiệp mà giám đốc điều hành là thương binh. Họ vẫn phát huy được phẩm chất của bộ đội Cụ Hồ, làm ra của cải cho xã hội và góp phần không nhỏ vào số thu của ngân sách nhà nước. Mơ ước về một đất nước giàu đẹp hòa bình luôn là khát vọng của các anh.
Những ngày tháng bẩy này khắp nơi từ Nam chí Bắc đều diễn ra những hoạt động tri ân. Cầu mong các gia đình sẽ tìm thấy mộ người thân, các thương binh và các mẹ Việt Nam anh hùng luôn mạnh khỏe. Cầu mong chiến tranh mãi rời xa, để những đôi lứa chỉ có socola và hoa hồng thắm đỏ. Thoảng trong nắng gió quê hương, hồn thiêng của các anh lính trẻ vẫn nhắn về cho người thương của mình:
“Chim én cũng đã quen/ không anh từ độ ấy/ hạt mầm kia vẫn nảy / khi đông tàn xuân sang..”
Vâng. Các anh các chị đã hy sinh tuổi xuân của mình để mùa xuân đất nước mãi vĩnh hằng. Trong trái tim từng thế hệ chúng tôi, các anh mãi bất tử, là niềm tin và hy vọng của hôm nay và mai sau…
12.7.24