Những vụ án “động trời”, là vụ án xét xử Dương Chí Dũng và Dương Tự Trọng, hai anh em ruột trong một gia đình “Danh gia vọng tộc” từng có công với đất nước, bản thân họ cũng từng là những người tử tế, có uy tín, để rồi cuối cùng đều là tội phạm, mà không những thế, còn là tội phạm “cộm cán”, phải đứng trước vành móng ngựa, để lại những cảm giác thường ở đỉnh điểm của các thái cực: Kinh ngạc. Bàng hoàng. Căm giận và Thương cảm.
Ngay sau việc Dương Chí Dũng bị bắt trên đường chạy trốn ở nước ngoài, lúc đó còn chưa có những chuyện lùm xùm, nhà báo-nhà thơ Bùi Hoàng Tám, phóng viên báo điện tử Dân trí đã có lời bình luận khá sâu sắc: “Có lẽ người mừng đầu tiên và mừng nhất là lực lượng an ninh. Không mừng sao được khi sau rất nhiều gian nan và vất vả, “cá” đã sa lưới? Không mừng sao được khi việc Dương Chí Dũng bỏ trốn đã gây sự nghi ngờ lộ thông tin trong quần chúng nhân dân và ngay tại nghị trường, đã có đại biểu thẳng thắn đặt câu hỏi có hay không sự lộ bí mật, bao che từ phía lực lượng an ninh? Không thể con sâu làm rầu nồi canh. Không để nhân dân nghi ngờ về cả một lực lượng an ninh sau sự việc này. Người mừng thứ hai là quần chúng nhân dân. Nhân dân mừng không chỉ vì một tên tội phạm bị bắt mà mừng hơn vì đã thấy được quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước. Việc Dương Chí Dũng bỏ trốn ít nhiều đã ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của nhân dân về cuộc chống tham nhũng”.
Phân tích thêm về lời khai động trời của Dương Chí Dũng tại tòa, Luật sư Trần Viết Hưng nói “Các cơ quan chức năng cần điều tra xác minh thật kỹ, tránh bỏ lọt tội phạm, nhưng cũng không được để oan sai, mất uy tín một cá nhân nào đó. Bởi tội phạm thường có diễn biến tâm lý phức tạp, những ai theo dõi hai phiên tòa xét xử anh em Dương Chí Dũng đều có thể thấy, Dương Chí Dũng rất ung dung, tự tại, ra tòa rồi mà vẫn còn “làm thơ”, rồi bình thản nhận lời tuyên án khắc nghiệt, bởi anh ta biết mọi việc đến đó chưa phải đã kết thúc”. Và đến phiên tòa sau, phiên tòa xét xử em trai là Dương Tự Trọng, Dương Chí Dũng mới khai, và oái oăm thay, anh ta lại khai ngay cho ông cán bộ cao nhất trong ngành công an điều tra chống tội phạm, cũng là người trực tiếp cao nhất chỉ huy điều tra vụ án này, khiến người ta có thể nghi ngờ là Dương Chí Dũng đã “tận dụng triệt để cơ hội tung hỏa mù, khai theo kiểu “trâu lấm vẩy bùn”, bắn các viên đạn có sức hủy diệt đến những người anh ta tố giác và dúi cơ quan điều tra xuống bùn nhằm kéo dài thời gian vụ án và che dấu tội lỗi”.
Đây là một vấn đề lớn, rất lớn, đòi hỏi phải có câu trả lời nghiêm túc và có sức thuyết phục của cơ quan điều tra trước Đảng, trước Dân. Nhiều lúc tôi cứ lẩn mẩn nghĩ, một người dày dạn kinh nghiệm chống tội phạm, lại là cán bộ lớn trong ngành công an, lẽ nào lại thông đồng với tội phạm, giải cứu cho tội phạm? Đành rằng, cái việc chạy án có thể cũng đã từng nhiều lần xảy ra ở nơi này, nơi kia. Nhưng đó là những vụ án thông thường, có những khoảng mù mờ, với nhiều tình tiết, vụ việc có thể ném sang phải mà cũng có thể hất sang trái, nghĩa là phải có những dấu hiệu có thể xáo trộn được hiện trường. Còn trường hợp này lại là vụ án điểm, vụ án lại rất lớn, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, làm sao có thể nhập nhẹm được. Đành rằng số tiền đút lót lớn, cũng có thể khiến có người mờ mắt, mụ mị, nhưng đó là đối với những kẻ thông thường, lại tham lam vô độ vì quá đói khát, còn với những người thông thường, chỉ cần có một chút hiểu biết tối thiểu, cũng không ai lại dại dột biến mình thành một con thiêu thân? Không những không thể “giải cứu” được mà còn chết chìm theo kẻ tội phạm. Tuy thế, cũng không thể vì nghĩ vậy mà đơn giản phủi toẹt ngay rằng, đối tượng bị tố cáo “không có chuyện đó”, hoặc “không có một cuộc gọi liên lạc nào”, nói thế không thể thuyết phục được, khi kẻ tội đồ lại khai rất tỷ mẩn, rất cụ thể là đối tượng đã tư vấn hướng dẫn kẻ phạm tội dùng sim rác, gọi xong là vứt đi ngay. Với cách xóa dấu vết đầy kinh nghiệm nhà nghề như thế, thì làm sao còn có bằng cớ ghi dấu các cuộc gọi? Nếu muốn biết sự thật phải điều tra theo hướng khác. Đây là vấn đề cần phải làm rõ để xác định đúng người đúng tội, còn nếu không thì cũng phải minh oan cho người bị vu cáo. Chúng ta không để lọt tội phạm, nhưng cũng không thể để cho người tốt lại mắc chuyện oan sai. Để khách quan trước một vấn đề rất nhạy cảm, có người còn đề xuất Bộ Công an cần kết hợp với An ninh quân đội cùng Ban Nội chính Trung ương cùng tham gia điều tra để tránh những sự ì xèo.
Lần giở những trang viết của các phóng viên, các học giả theo dõi rất kỹ mấy vụ án này với cái nhìn khoa học và khách quan, ta không khỏi ngậm ngùi và nuối tiếc. Thật có lý khi ký giả Hoàng Chiến Thắng cho rằng, nếu vụ án Dương Chí Dũng ở Vinalines được coi là “đại án tham nhũng” thì vụ xét xử Dương Tự Trọng lại được xem là một “đại án nhân tâm”. Gọi “đại án nhân tâm”, vì vụ án này từ khi bắt đầu cho đến lúc kẻ phạm tội đứng trước vành móng ngựa, cảm giác trong công chúng là sự nuối tiếc hơn là căm giận. Hầu hết từ dư luận cho đến đồng nghiệp trong ngành công an đều có cảm giác chung là tiếc cho Dương Tự Trọng.
Cũng theo Hoàng Chiến Thắng, một người có sự am tường khá sâu sắc về các vụ việc, thì trong thập kỷ 90 của thế kỷ trước, nói về đánh án hình sự ở phía Bắc, có mấy cán bộ công an được coi là có biệt tài, đó là Phan Văn Vĩnh (GĐ Công an tỉnh Nam Định – nay là Trung tướng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát điều tra phòng chống tội phạm), Nguyễn Đức Nhanh (Trưởng phòng Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội, rồi sau là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh 2, Giám đốc Công an TP Hà Nội – Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh vừa mới nghỉ hưu) và Dương Tự Trọng.
Như vậy, Dương Tự Trọng là một cán bộ nằm trong số những người có tài, có công đối với ngành công an, một “khắc tinh” của những kẻ tội phạm, và rồi trớ trêu sao, nói như Hoàng Chiến Thắng, sau hàng chục năm cống hiến cho sự nghiệp, làm nên vẻ đẹp của ngành công an, anh lại phải đứng sau song sắt cùng với những kẻ đầu trộm đuôi cướp trước đây đã từng “đầu hàng” anh. Âu đó cũng là sự trớ trêu của số phận. Dương Tự Trọng cũng vì liều mình cứu anh mà vi phạm pháp luật để rồi dẫn đến thân bại danh liệt. Thật đáng trách nhưng cũng rất đáng thương. Nhiều lúc, tôi cứ nghĩ, giả sử nếu đặt mình ở hoàn cảnh của Dương Tự Trọng, mình sẽ ứng xử thế nào? Quả là rất khó thoát khỏi vòng “tội lỗi”
Tôi không bênh vực Dương Tự Trọng. Nhưng những hệ lụy vì tình nghĩa, cả anh và những người đồng đội của anh, những người cũng vì anh, vì cái tình đồng nghiệp, bạn bè không vụ lợi, mà rồi mắc trọng tội, âu cũng cần nhìn nhận thấu đáo. Cha ông chúng ta xưa, trong bộ luật Hồng Đức từng có quy định: Cấm con cái tố cáo cha mẹ, vợ tố cáo chồng, anh em tố cáo nhau… nếu tố nhau thì chịu “lưu châu xa”, nghĩa là đày đi làm việc ở xứ xa. Điều cơ bản của luật này là để giữ đạo nghĩa trong gia đình. Tiếc là luật pháp mới của ta không còn giữ điều này – mặc dù, xã hội chúng ta luôn kêu gọi xây dựng một cuộc sống tốt đẹp với hạt nhân là gia đình. Và nói như Hoàng Chiến Thắng: Giá như Dương Tự Trọng sa ngã vì danh vọng, tiền bạc chứ không phải chỉ vì tình anh em ruột rà, máu thịt, có lẽ, người ta sẽ thấy đỡ tiếc hơn.
Và không phải chỉ những kẻ vị tình mà mắc tội, ngay cả những nhà kinh tế, những nhà doanh nghiệp cũng cần được nhìn nhận một cách thấu đáo hơn, nhất là trong hoàn cảnh nước ta hiện nay. Nhìn lại nhiều vụ án kinh tế, quả có bao chuyện đáng phải lưu tâm. Nhiều người đúng là có tội lớn, để thất thoát hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng mồ hôi nước mắt của dân, nhưng họ đâu có tham nhũng. Xin đơn cử như Lã Thị Kim Oanh. Bà vốn là cô giáo ở Hải Phòng. Rồi bỏ dạy đi làm kinh tế. Bà làm thất thoát một khoản tiền rất lớn, từng bị tuyên phạt tử hình vì tham nhũng. Rồi sau hạ xuống Chung thân. Bị coi là tham nhũng, nhưng nhìn vào tài sản riêng, bà chẳng có gì cả. Một căn hộ hơn 30 mét vuông trên tầng tư nhà tập thể, bán không nổi một tỷ bạc. Làm sao bà có thể tham nhũng khi cả chồng và con đều đói rách, bần hàn. Nhiều vị khác từng dựa cọc hay đứng trước vành móng ngựa cũng thế. Họ có thể có tội. Thậm chí tội rất lớn. Nhưng không phải tội tham nhũng. Nói cho đúng hơn, họ chỉ làm thất thoát tài sản. Mà thất thoát là tất yếu. Để có công trình, họ phải chạy dự án. Có dự án rồi, họ lại phải “chạy” tiếp để qua được tất cả các cửa thủ tục. Nói như một đồng chí lãnh đạo cấp cao: “Làm gì cũng phải có tiền bôi trơn thì việc mới xong!”. Và đến khi xảy ra sự cố thì chính kẻ khốn khổ ấy phải chịu hết mọi tội lỗi, còn kẻ tham nhũng thật sự, nghĩa là kẻ nhận tiền từ chính họ thì vẫn sống nhởn nhơ, sống bình yên vô sự vì “chẳng có gì liên quan”
Thật đáng sợ!
TĐK