Thế nào là thơ hay?

Thơ hay là cái đích vươn tới của tất cả các thi sỹ. Từ xưa đã có hàng ngàn quan niệm về thơ hay, số quan niệm nhiều tới mức, dường như mỗi người làm thơ đều có một quan niệm riêng cho mình.

vanhaiphong – Thơ hay là cái đích vươn tới của tất cả các thi sỹ. Từ xưa đã có hàng ngàn quan niệm về thơ hay, số quan niệm nhiều tới mức, dường như mỗi người làm thơ đều có một quan niệm riêng cho mình.

Dưới đây chúng tôi xin đăng tải hai quan niệm về thơ hay của hai tác giả. Ở họ có những mảng trùng khít hoặc giao thoa trong quan niệm, song mỗi người vẫn có cách nhìn riêng. Nếu Huỳnh Thuý Kiều coi trọng căn cứ là các phẩm chất đặc biệt của thơ và sự phát hiện táo bạo, thì Nguyễn Trọng Hoan lại có cách đánh giá thơ hay bằng biện pháp lượng hoá thông qua điểm số…

Huỳnh Thuý Kiều:

Thơ thế nào là hay?

Câu hỏi này đã, đang và sẽ cứ tiếp tục treo lơ lửng trên đầu, bất kỳ ai, từ những nhà thơ nổi tiếng đến người vừa cầm bút. Đã có hàng ngàn người trả lời, trả lời ngay khi loài người có thơ, thơ song hành cùng với loài người. Tuy vậy, nếu quy ra thành mẫu số chung thì lại rất khó có một định nghĩa làm thỏa mãn tất cả mọi người.

Nhà thơ Lưu Trọng Lư cho rằng: “Một câu thơ hay là một câu thơ có sức gợi”. Một câu thơ có sức gợi có thể tạo ra muôn ngàn cách nghĩ, dường như rất khó đọc hết một câu thơ, một bài thơ hay. Một trong những bài thơ theo tôi hay nhất trong thơ Việt Nam hiện đại là bài Tiếng Thu. Đây cũng là bài thơ rất giàu sức gợi, gợi từng câu, từng chữ. Hồn vía nhà thơ đã hòa nhập vào từng con chữ, biến ảo mà thành ảnh, thành thơ. Từng câu thơ cho người đọc nghe được âm thanh, quạnh hiu và có nhiều liên tưởng. Sự liên tưởng này tùy theo tình cảm của từng người và cả từng lúc, từng nơi, từng tâm trạng, tạo nên sự phong phú lạ thường.

Nhưng tôi đã đọc có câu thơ, bài thơ cũng chẳng phải gợi mà lại  nhập tự nhiên vào tâm thức người đọc. Đó là trường hợp Màu tím hoa sim của nhà thơ Hữu Loan. Ông cứ tự sự, như kể chuyện, có sao kể vậy, không hoa lá, thêm thắt gì, những hình ảnh và ngôn ngữ rất đỗi quen thuộc. Khi bài thơ kết thúc ta mới thấy toàn bộ nỗi đau của nhà thơ trước sự mất mát của người vợ trẻ. Ý thơ được giấu tận cùng và bung ra nhưng không bi lụy. Bài thơ là tấm gương mà bất kỳ ai soi vào cũng thấy mình trong đó.

Nếu gợi là đúng thì cũng phải chấp nhận chân thành cũng không sai. Nhưng bí ẩn của thơ cũng không chỉ có thế. Nhà thơ Tố Hữu cho rằng: “Thơ là chuyện đồng điệu”. Khi khác ông lại nói: “Thơ chỉ bật ra trong tim ta khi cuộc sống đã tràn đầy”. RaxunGamzatop rất có lý khi ông nói: “Anh có thể viết chừng nào cảm thấy không thể không viết”. Nhà thơ Xuân Diệu cho rằng:“Thơ là tiếng gọi đàn.” Có lúc ông lại nghĩ: “Thơ là bà chúa của nghệ thuật”. Thơ hay, hoàn hảo đến mức không có bất kỳ vết gợn nào. Sự hoàn hảo bắt đầu từ những con người có tâm hồn đặc biệt. Có phải vì thế mà nhà thơ Chế Lan Viên viết: “Thi sĩ không phải là Người, nó là Người Mơ, Người Say, Người Điên. Nó là Tiên, là Ma, là Quỷ…”

Chỉ nghe ý kiến của những nhà thơ có vị trí đặc biệt trong nền thơ hiện đại Việt Nam cũng thấy, muốn hiểu thế nào là thơ hay, thật khó. Tôi rất thấm với ý kiến sâu sắc của nhà thơ Thạch Quỳ khi ông cho rằng: Thơ cao hơn tất cả mọi nhận thức về thơ.

Thơ là gì, thơ là ai, nó ở trong hay ngoài nhà thơ? Nếu không có những vui, buồn trong cuộc sống với nhà thơ, nếu trong trái tim nhà thơ không còn sự rung động, liệu nhà thơ có thơ không? Sau tất cả những vui, buồn đã gặp, đã ăn sâu vào tiềm thức của nhà thơ, nhà thơ đặt bút viết, bài thơ tự nhiên chảy một mạch liền. Khi nhà thơ viết xong bài thơ, tôi có cảm giác nhà thơ như người mẹ trẻ đi ra từ nhà hộ sinh, trên tay bế đứa con vừa mới chào đời. Lòng bỗng nhẹ nhõm và tràn ngập niềm vui. Thơ đòi hỏi sự trải nghiệm bao nhiêu thì thơ lại đòi hỏi phải tươi non bấy nhiêu. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, thơ đã làm tròn bổn phận vinh quang, đã tạo ra những bài thơ hay, những thế hệ nhà thơ xứng đáng với lịch sử dân tộc. Những chi tiết thơ từ thực tiễn kháng chiến đã vào thơ, đẩy thơ Việt Nam lên một tầm cao mới. Vì thực tiễn phù hợp với lịch sử mà thơ Việt Nam âm vang một niềm kiêu hãnh hướng về phía trước với niềm tin vô hạn. Tất cả sức mạnh của dân tộc Việt Nam đã được huy động, tạo cho thơ một thời đại không phải bao giờ cũng có. Có lẽ vì thế mà các nhà thơ thời thơ mới như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên… đã chuyển mình kịp thời cùng với các nhà thơ lớn lên cùng kháng chiến: Tố Hữu, Nguyễn Khoa Điềm, Hồng Nguyên, Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Trần Hữu Thung, Lê Anh Xuân, Phạm Tiến Duật, Bằng Việt, Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy, Thạch Quỳ, Xuân Quỳnh, Nguyễn Trọng Tạo… và rất nhiều nhà thơ khác tạo nên đội ngũ các nhà thơ cách mạng hùng hậu.

Nếu thơ mới (1930-1945) đã vượt qua quá khứ trì trệ và  góp phần đào tạo ra thế hệ các nhà thơ kháng chiến thì chính thơ kháng chiến đã làm mẫu mực cho những người cầm bút thế hệ sau. Thơ kháng chiến không tạo ra thêm những thể loại mới nhưng nó có công rất lớn trong việc đưa ngôn ngữ mới vào thơ. Ngôn ngữ ấy là của nhân dân lao động, những ngưới lính cầm súng góp phần tạo ra. Các nhà thơ đã thuần dưỡng và sử dụng một cách rất hồn nhiên. Thơ cổ vũ nhân dân và đến lượt, nhân dân đón đọc và cổ vũ làm cho thơ Việt Nam không ngừng phát triển và tươi mới. Sự cộng hưởng giữa thơ với người đọc tạo nên một bức tranh sinh động và huyền ảo, góp phần làm phong phú hơn vẻ đẹp tinh thần của con người.

Thơ là cảm xúc dâng tràn, nhưng cảm xúc nào cũng chứa đựng nội dung. Nội dung hay hình thức đều bắt đầu từ cảm xúc mà hiện hình lên. Những hình thức mà các nhà nghiên cứu phát hiện không thể bao trùm hết thơ. Thơ bao giờ cũng muốn bứt tung ra ngoài các hình thức đã được khái quát. Thơ là riêng biệt. Thơ trừu tượng, khái quát bằng hình tượng nên không thể lấy sự cảm nhận của người đọc này áp đặt thành sự rung động cho người đọc khác. Thơ hay còn cần thiết chờ đợi sự kiểm nghiệm qua thời gian và qua nhiều thế hệ tiếp nối khác nữa. Tất cả những nhà thơ lúc nào cũng hồi hộp cùng những bài thơ của mình đi trên cầu dẫn đến phía cuối đường, nơi có cánh cửa cuối cùng. Không phải bài thơ nào cũng qua được và nếu qua được cánh cửa vô hình ấy, thơ sẽ tồn tại và đó chắc chắn là thơ hay. Có người cho rằng thơ có thể một thời và thơ hay mới của nhiều thời! Nói thế nào là thơ hay, khi trả lời tôi sợ chủ quan trước “ban giám khảo” quá khó tính, đó là thời gian và công chúng.

Lớp trẻ chúng tôi thật may mắn khi lớn lên, thơ Việt Nam đã có bề dày lịch sự đầy đặn, đã tạo nên một vườn hoa tỏa nhiều hương sắc. Lịch sử văn học nói chung và riêng thơ rất công bằng khi đòi hỏi thơ phải vượt lên khẳng định mình thì chính cuộc sống cũng tạo ra tiền đề để các nhà thơ tài năng có cơ hội bứt phá. Các nhà thơ trong hai cuộc kháng chiến, thực tiễn thời ấy cũng tạo ra các điều kiện để họ vượt lên khẳng định mình cao hơn, xa hơn. Đó là đất nước có chủ quyền và tiến hành hai cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc. Và như trên tôi đã nói, những nhà thơ kháng chiến đã thành công, kế tục, phát triển xứng đáng với nền thơ Việt Nam hiện đại mà thơ mới đã mở đường.

Mang trong mình niềm tin đã được kiểm chứng đó, tôi nghĩ về thơ của các nhà thơ trẻ hiện nay. Nếu các nhà thơ kháng chiến đắm mình trong các cuộc chiến đấu với mục tiêu giành độc lập dân tộc thì các nhà thơ trẻ hiện nay lại đắm mình vào cuộc chiến khác, cuộc chiến thoát nghèo vươn lên giàu có trong nền kinh tế thị trường. Trong giai đoạn đất nước mò mẫm tìm đường đi, đời sống khó khăn, thơ cũng mất mùa. Nhưng sau 1986 thơ Việt Nam đã có khởi sắc và vượt lên, phải kể từ các nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Tuyết Nga, Mai văn Phấn, Dương Thuấn, Phạm Thị Ngọc Liên, Trương Nam Hương… Trong thơ họ, tính khái quát khá cao. Bước qua lối mòn của thơ vần điệu mà vươn lên nhạc điệu. Hình thức thơ vượt qua các thể loại đã mòn, tạo ra hình thức thể hiện mới hơn. Ngôn ngữ dày, đa vỉa tầng, đọc phải suy ngẫm. Cái hay của thơ thời kinh tế thị trường thường nằm sâu hơn. Có người cho thơ dễ nhớ, dễ thuộc như một đặc điểm vốn có của thơ. Tôi nghĩ không hẳn như vậy. Ngày nay càng thấy rõ vì cuộc sống không chỉ một mục tiêu mà nhiều mục tiêu. Thực tiễn mở ra rộng lớn, tình cảm con người phức tạp hơn nhiều lần. Thơ phải khái quát các tình cảm trừu tượng bằng các hình tượng vừa thực vừa mơ, phải thuần dưỡng ngôn ngữ mới còn nhiều xa lạ. Thơ các nhà thơ trẻ không thể dễ thuộc như xưa.

Nói đến thơ hay là phải nói tới người đọc hay. Thời thơ mới, được đón nhận từ những người trẻ tuổi, trong số đó đa phần là học sinh, sinh viên, thanh niên. Thơ kháng chiến dường như toàn dân đọc nhưng trước hết vẫn là những người trẻ tuổi đang hướng về cuộc chiến đấu. Thơ mới và thơ kháng chiến ăn sâu vào tâm trí người đọc đến mức nhiều bạn đọc an nhiên, thơ là như thế! Người đọc thơ vài chục năm nay bị ảnh hưởng quá khứ quá nhiều nên ít đọc thơ các nhà thơ trẻ. Ngay một số ít nhà thơ thành danh cũng chưa thoát ra khỏi thơ truyền thống nên đọc thơ mới theo mắt cũ. Khi thế giới, các nước nương tựa vào nhau, hội nhập thì thẩm mỹ thơ đang có nhiều thay đổi. Hội thơ rằm Nguyên tiêu hàng năm thả thơ lên trời, dư luận  năm nào cũng còn nhiều ý kiến. Điều này cho thấy thơ hay còn nhiều quan niệm khác nhau. Tuy vậy, xu hướng đang dần tiến bộ. Tôi tin thơ trẻ sẽ đến lúc chiếm lĩnh thi đàn vì nó vừa biết kết hợp hài hòa những ưu điểm vượt trội của các thế hệ cầm bút đi trước, vừa bứt phá mạnh mẽ, táo bạo nên nhanh chóng đáp ứng được nhu cầu đọc của lớp trẻ. Tuy nhiên, trong thơ trẻ hiện nay có khá nhiều tác giả viết quá bế tắc trong cách nhìn. Họ chưa nhận thức được con người cụ thể có thể bế tắc nhưng cuộc sống thì không. Bản chất cuộc sống luôn tự tìm được đường đi, những cái nhìn bế tắc không phù hợp với cuộc sống. Cuộc sống phát triển rất nhanh, cái mới bị cũ đi nhanh chóng. Con người đang tập trung cho cái ăn, cái mặc, chừng mực nào đó nhiều người chưa quan tâm nhiều đến thơ.

Thơ trẻ có hay không? So với những người trẻ tuổi làm thơ hiện nay thì những nhà thơ trẻ có thơ hay chưa nhiều. Nhưng nếu đọc kỹ sẽ thấy thơ trẻ có nhiều phát hiện mới, lạ, táo bạo trong hình ảnh và hình thức thể hiện. Thơ trẻ phần lớn vượt qua thơ vần điệu để đến với những câu thơ có nhạc. Ngôn ngữ thơ mới được thuần dưỡng cần có thời gian chiêm nghiệm. Đã hiện hình lên những khuôn mặt mới từ nhiều vùng trong cả nước, bước đầu được công chúng quan tâm: Đinh Thị Như Thúy, Lê Vĩnh Tài, Phan Huyền Thư, Trần Tuấn, Nguyễn Phan Quế Mai, Trịnh Sơn, Nguyễn Đăng Khương, Trương Trọng Nghĩa…

Thơ hay, đặc biệt là thơ của các tác giả trẻ đã và đang dần phát lộ, rồi cũng sẽ được kiểm chứng qua thời gian.

Nguyễn Trọng Hoan

CÙNG XÂY DỰNG TIÊU CHUẨN : ĐÁNH GIÁ THƠ THẾ NÀO LÀ HAY ?

I . ĐẶT VẤN ĐỀ :

Thơ thế nào là hay ?  Đây là một câu hỏi có thể đã được đặt ra từ khi loài người  biết đến thơ . Người xưa đã bàn , người nay còn nói . Phương Đông và Phương Tây đều đã bàn đến . Chúng ta thật khó lòng biết được đầy đủ .
Qua một số ý kiến của các nhà thơ chuyên nghiệp , các thi nhân và các nhà giáo gần đây cho thấy có vài cách nhận biết thơ hay như sau :
– Một là cách nói vo “ Thơ hay cũng giông giống như phở …”
– Hai là  cách nói chung chung : thơ hay về nội dung và hình thức …, Thơ hay cũng bởi người  đọc thơ và hiểu thơ …
– Ba là để nhận biết thơ hay cần phân tích chi tiết và hội đủ 3 yếu tố : Lời hay , ý đẹp và truyền cảm .

Trong những lời bàn về thơ hay , theo cách  hai và cách ba  có nhiều nhà thơ và nhà giáo đã đưa ra một số ý kiến tương đối cụ thể và hữu ích . Đó là đánh giá thơ trên các yếu tố về kỹ thuật thơ . Song qua câu chuyện của nhà thơ Chử văn Long kể lại một chi tiết của của ban chung khảo thi thơ báo Người Hà nội để nói  quan niệm thơ của các nhà thơ cũng rất khác nhau .
Chúng ta đều biết thơ là tư tưởng , tâm hồn , tình cảm và số phận của con người . Vậy thì thước nào có thể đo được kích cỡ của tâm hồn con người . Đổng trọng Thư ( Đờỉ Hán ) đã nói : “Thơ ca không thể giải thích được “ . Vương Sĩ Trinh ( Đời Minh ) cũng nói : “ Thơ khó ở chỗ nếu không giải thích được thì thơ vô vị , mà nếu giải thích được thì hết thi vị “ . Có lẽ vì thế nên Nguyễn Đức Mậu đã cho rằng:” Khó trả lời cho khúc triết gãy gọn. Bởi những câu thơ hay như hoa nở trăm loài chim kêu trăm giọng…”
Là một người làm công tác khoa học kỹ thuật , khi nghiên cứu đánh giá về điều kiện tự nhiên thường rất đa dạng và phức tạp , có những vấn đề dùng toán học hoặc phần mềm chuyên ngành cũng hạn chế , chúng tôi đã sử dụng phương pháp cho điểm để đánh giá . Trên cơ sở này tôi cho rằng với thơ ta cũng có thể xây dựng tiêu chuẩn để đánh giá . Việc xây dựng tiêu chuẩn và trong quá trình thực hiện sẽ từng bước bổ sung để hoàn thiện tiêu chuẩn . Có thể có những khiếm khuyết do đặc tính vi diệu và ý ngoài lời của thơ hoặc có ngoại lệ không tính hết , song chắc chắn sẽ tránh được cảm tính và tùy tiện khi khen chê . Tuy không chuyên sâu , hiểu biết có giới hạn , song thấy rằng có thể góp được phần nào chăng vào tiếng nói chung của những người yêu thơ .
Dưới đây là phác thảo để đánh giá :
– Thế nào là một câu thơ hay
– Thế nào là một bài thơ hay

II . TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ  CÂU THƠ HAY :

Căn cứ để đánh giá : Dựa trên 4 yếu tố cơ bản sau đây
– Tứ thơ: Câu thơ phải có tứ. Đây là tứ mới , được phát hiện từ đời sống gần gũi , phổ quát với mọi người , hàm chứa một nội dung sâu sắc . …..          Thang điểm ( 0 – 4 điểm )
– Hình ảnh và biểu tượng . .  ……………                          Thang điểm (0 – 2 điểm )
– Từ ngữ , nhạc điệu .   …………………                           Thang điểm ( 0 – 2 điểm )
– Câu thơ nếu có tính đột ngột bất ngờ , tạo ấn tượng .      Thang điểm ( 0 – 2 điểm )

Mức đánh giá câu thơ : có 4 mức tính theo tổng số điểm của các yếu tố trong câu thơ
9 – 10 điểmS                                          –  Trác tuyệt  
6 – 8   điểmS                                          –   Hay           
4 – 5 điểmS                                          –   Trung Bình 
–   Dưới trung bình    < 4   điểm

Ví dụ :
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn
( Chế lan Viên )     
Phân tích và cho điểm với 4 yếu tố của câu thơ theo thang điểm ở trên

– Tứ của câu thơ : sâu sắc , phổ quát            4 điểm
– Hình ảnh                                                      2
– Ngôn ngữ , nhạc điệu ;                                2
– Câu thơ nếu có tính đột ngột bất ngờ          1

9STổng cộng : Đánh giá câu thơ : Trác tuyệt

Ôi chị một em em một chị
Giời làm xa cách mấy con sông
(Nguyễn Bính)…       
Phân tích và cho điểm với 4 yếu tố của câu thơ theo thang điểm ở trên
S0 +2 + 2 +0 =  4                                                                                                     
Đánh giá câu thơ :   Trung bình
Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng
Nở hoa vàng dọc suối để ong bay
(Phạm Tiến Duật)… 
Phân tích và cho điểm với 4 yếu tố của câu thơ theo thang điểm ở trên
7S     3 +2 +2 +0 =  Đánh giá câu thơ :   Hay

Tường vi dại trong vườn yên lặng
Thành phố như vừa tỉnh lại vừa mơ

(Ngô thế Oanh )   
Phân tích và cho điểm với 4 yếu tố của câu thơ theo thang điểm ở trên

4   S  0 +2 +2 +0 =  Đánh giá câu thơ :  Trung bình

Hỡi cô tát nước bên đường
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi

( Bàng bá Lân – Ca dao )  
Phân tích và cho điểm với 4 yếu tố của câu thơ theo thang điểm ở trên
8  S   2 + 2 + 2 +2 =  Đánh giá câu thơ :  Hay

III . TIÊU CHUẨN ĐÁNH GÍA BÀI THƠ HAY :

Căn cứ để đánh giá : Dựa trên 5 yếu tố cơ bản sau đây

– Tứ thơ biểu hiện ý tưởng bao quát của bài thơ . Phát hiện vấn đề , mới mẻ , sâu  sắc.  Cấu tứ chăt chẽ , toàn bài thống nhất , tạo được ý ngoài lời .
Thang điểm ( 0 – 3 điểm )
– Từ ngữ : tinh tế , kiệm lời , phù hợp , có những kết hợp mới lạ tạo được giọng điệu riêng .
Thang điểm ( 0 – 2 điểm )
–  Hình ảnh , biểu tượng :  sống động , chọn lựa , mớí mẻ .
Thang điểm ( 0 – 2 điểm)
– Nhac điệu : nội tại và từ ngữ cuốn hút , âm vang
Thang điểm (  0 – 1 điểm )
– Trong bài thơ có những câu thơ hay  , có nhãn tự gây ấn tượng .
Thang điểm (  0 – 2 điểm)

Mức đánh giá bài thơ :  có 4 mức tính theo tổng số điểm của các yếu tố trong bài thơ
9 – 10 điểmS                                        – Trác tuyệt   
6 – 8   điểmS                                        –  Hay            
4 – 5 điểmS                                        – Trung Bình 
– Dưới trung bình    < 4   điểm

Ví dụ :             Tắm ở khe Bàn Thạch

Sáng lên Hoành Sơn trông
Chiều xuống Bàn Thạch tắm
Nhặt hòn đá hai nơi
Núi sông không đầy nắm
( Cao Bá Quát )

Phân tích và cho điểm với 5 yếu tố của bài thơ theo thang điểm ở trên
– Tứ thơ : Ý tứ sâu xa                    3      điểm
– Từ ngữ : Kiệm lời                       1,5
– Hình ảnh  :   Sống động               1.5
– Nhạc điệu :                                   0.5
– Có câu thơ hay :                           2
8,5S   Tổng cộng :   Đánh giá bài thơ :  Bài thơ thuộc loại hay

Bài Thông báo chọi trâu

Dù ai buôn bán nơi đâu
Mồng mười tháng tám chọi trâu thì về
Dù ai buôn bán trăm bề
Mồng mười tháng tám cũng về chọi trâu

Phân tích và cho điểm với 5 yếu tố của bài thơ theo thang điểm ở trên
– Tứ thơ : câu thông báo trực tiếp         0      điểm
– Từ ngữ :                                              1, 0
– Hình ảnh  :                                             0                            
– Nhạc điệu :                                           1
– Có câu thơ hay :                                   0
2S                                                      Tổng cộng :    
Đánh giá bài thơ :  Bài thơ thuộc loại dưới trung bình , loại vè

Bài  Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng

Phân tích và cho điểm với 5 yếu tố của bài thơ theo thang điểm ở trên
– Tứ thơ : Ý tứ rộng  , dàn trải , song nhất quán    2      điểm
– Từ ngữ : Đẹp , phong phú                                    2
– Hình ảnh  :     Sống động , mới lạ                        2
– Nhạc điệu :    âm vang , biến ảo , đa cung bậc    1
– Có câu thơ hay :  Có nhiều câu đọng lại              2
9S                                                      Tổng cộng :    
Đánh giá bài thơ :  Bài thơ thuộc loại trác tuyệt
Ghi chú :
Trong các thang điểm để đánh giá về các yếu tố của câu thơ cũng như bài thơ ở trên chúng tôi chỉ đưa ra khoảng . Mỗi khoảng này tương đối rộng để người bình giá thơ sẽ lựa chọn trị số điểm , số điểm có thể là số thập phân tùy theo mức độ hay dở và cảm nhận của mình . Ở đây chúng tôi không đưa ra chi tiết . Vì tỷ mỷ quá sẽ thành phức tạp , rối rắm . Mặt khác cũng để người bình giá thơ cảm nhận và lựa chọn cho phù hợp với từng dạng thơ .

III . KẾT LUẬN  VÀ KIẾN NGHỊ :

1. Đây là phác thảo tiêu chuẩn đánh giá về thơ mong rằng sẽ góp phần tạo cơ sở để đánh giá thơ một cách đúng đắn , tránh được cảm tính . Với người học thơ và làm thơ cũng có thể tự xem lại những bài thơ của mình ,  tự lượng giá và bổ sung cho thơ mình .
2. Với bất kỳ tiêu chuẩn phân loại nào đều phải ngắn gọn để dễ dàng phổ biến và sử dụng , vì vậy không tránh khỏi những hạn chế nhất định . Người bình giá thơ tất phải là người có tay nghề , với mỗi yếu tố của câu thơ và của bài thơ cần được cân nhắc kỹ lưỡng để cho điểm . Việc đánh giá thơ sẽ chuẩn xác hơn khi ta chỉ thẩm bình theo kiểu nói vo .
3. Tiêu chuẩn để đánh giá định lượng . Song với mỗi bài thơ đều cần người đọc  có hồn thơ và hiểu biết cơ bản về kỹ thuật thơ để cảm nhận , phân tích nhanh và đánh giá thơ . Tùy theo yêu cầu , trong từng yếu tố có thể cụ thể hóa và chi tiết thêm để đánh giá chính xác hơn .
4. Vì là phác thảo , nên cần được nhiều người đóng góp . Có như vậy mới xây dựng được tiêu chuẩn phân loại đánh giá thơ . Rất mong các bạn thơ và các nhà thơ cùng đóng góp xây dựng
để tiêu chuẩn thơ có thể khả thi và phổ biến .
5 . Giới hạn sử dụng tiêu chuẩn : Đánh giá chất lượng thơ trên tiêu chí các yếu tố kỹ thuật thơ cơ bản .
Cuối cùng xin cảm ơn những ai đã yêu thơ và đọc tiêu chuẩn này . Mong được góp ý để cùng xây dựng được một tiêu chuẩn đánh giá thơ chung và phù hợp , hữu ích cho những người yêu thơ . Về phần người viết : Xin lĩnh hội mọi ý kiến .

———————————————————————————————————————
Tài liệu tham khảo :
– Mỹ học đại cương
– Các tiểu luận phân tích đánh giá thơ trên Internet và một số tài liệu đã xuất bản về ngôn ngữ thơ
Và thi pháp đã được phổ biến của Việt nam , Trung hoa và phương Tây ( Vì vậy xin phép các tác giả không thống kê chi tiết )

 

 

ì

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder