Trong “Chân dung Đối thoại “của Trần Đăng Khoa, Tố Hữu kể ông đã viết bài thơ “Hoan hô chiến sỹ Điện Biên” chỉ trong hai ngày và khi đó, ông chưa hề đến với Điện Biên. Có lẽ âm vang chiến thắng chấn động địa cầu và khát vọng chiến thắng, khát vọng tự do độc lập đã thổi bùng ngọn lửa cảm hứng vào hồn thơ ông ở thời khắc lịch sử trọng đại này.
Trong “Chân dung Đối thoại “của Trần Đăng Khoa, Tố Hữu kể ông đã viết bài thơ “Hoan hô chiến sỹ Điện Biên” chỉ trong hai ngày và khi đó, ông chưa hề đến với Điện Biên. Có lẽ âm vang chiến thắng chấn động địa cầu và khát vọng chiến thắng, khát vọng tự do độc lập đã thổi bùng ngọn lửa cảm hứng vào hồn thơ ông ở thời khắc lịch sử trọng đại này.
Đã 60 năm chiến thắng Điện Biên và bài thơ cũng vừa tròn 60 tuổi, nhưng sức sống của nó vẫn mãnh liệt. Đây là bài thơ dài, có thể nhiều người không thuộc hết, những lứa tuổi học trò cũng chỉ được học qua trích đoạn, song hầu hết người Việt Nam (kể cả đồng bào Việt ở nước ngoài) đều thuộc những câu thơ ấn tượng : Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/ Hoa mơ lại trắng vườn cam lại vàng…
Vanhaiphong.com trân trọng giới thiệu bài thơ này nhân kỉ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Tố Hữu
HOAN HÔ CHIẾN SĨ ĐIỆN BIÊN
I
Tin về nửa đêm
Hỏa tốc hỏa tốc
Ngựa bay lên dốc
Đuốc chạy sáng rừng
Chuông reo tin mừng
Loa kêu từng cửa
Làng bản đỏ đèn, đỏ lửa…
Hoan hô chiến sĩ Điện Biên
Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp!
Sét đánh ngày đêm
xuống đầu giặc Pháp!
Vinh quang Tổ quốc chúng ta
Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa
Vinh quang Hồ Chí Minh, Cha của chúng ta ngàn năm sống mãi
Quyết chiến quyết thắng, cờ đỏ sao vàng vĩ đại
Kháng chiến ba nghìn ngày
Không đêm nào vui bằng đêm nay
Đêm lịch sử Điện Biên sáng rực
Trên đất nước, như Huân chương trên ngực
Dân tộc ta, dân tộc anh hùng!
Điện Biên vời vợi nghìn trùng
Mà lòng bốn biển nhịp cùng lòng ta
Đêm nay bè bạn gần xa
Tin về chắc cũng chan hòa vui chung.
II
Hoan hô chiến sĩ Điện Biên
Chiến sĩ anh hùng
Đầu nung lửa sắt
Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt
Máu trộn bùn non
Gan không núng
Chí không mòn!
Những đồng chí thân chôn làm giá súng
Đầu bịt lỗ châu mai
Băng mình qua núi thép gai
Ào ào vũ bão
Những đồng chí chèn lưng cứu pháo
Nát thân, nhắm mắt, còn ôm…
Những bàn tay xẻ núi lăn bom
Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện
Và những chị, những anh ngày đêm ra tiền tuyến
Mấy tầng mây gió lớn mưa to
Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ
Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát
Dù bom đạn xương tan, thịt nát
Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh…
Hỡi các chị, các anh trên chiến trường ngã xuống
Máu của anh chị, của chúng ta
không uổng!
Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam
Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam
Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng…
III
Lũ chúng nó phải hàng, phải chết
Quyết trận này quét sạch Điện Biên!
Quân giặc điên
Chúng bay chui xuống đất
Chúng bay chạy đằng trời?
Trời không của chúng bay
Đạn ta rào lưới sắt!
Đất không của chúng bay
Đai thép ta thắt chặt!
Của ta trời đất đêm ngày
Núi kia, đồi nọ, sông này của ta
Chúng bay chỉ một đường ra
Một là tử địa, hai là tù binh
Hạ súng xuống rùng mình run rẩy
Nghe pháo ta lừng lẫy thét gầm!
Nghe trưa nay tháng năm, mùng bẩy
Trên đầu bay thác lửa hờn căm
Trông: Bốn mặt lũy hầm sụp đổ
Tướng quân bay lố nhố cờ hàng
Trông: Chúng ta cờ đỏ sao vàng
Rực trời đất Điện Biên toàn thắng!
Hoan hô chiến sĩ Điện Biên!
Tiếng reo núi vọng sông rền
Đêm nay chắc cũng về bên Bác Hồ
Bác đang cúi xuống bản đồ
Chắc là nghe tiếng quân hò quân reo…
Từ khi vượt núi qua đèo
Ta đi, Bác vẫn nhìn theo từng ngày
Tin về mừng thọ đêm nay
Chắc vui lòng Bác giờ này đợi trông!
IV
Đồng chí Phạm Văn Đồng
Ở bên đó, chắc đêm nay không ngủ
Tin đây Anh, Điện Biên Phủ hoàn thành
Ngày mai, vào cuộc đấu tranh
Nhìn xuống mặt bọn Bi-đôn, Smít
Anh sẽ nói: “Thực dân, phát xít
Đã tàn rồi!
Tổ quốc chúng tôi
Muốn độc lập, hòa bình trở lại
Không muốn lửa bom đổ xuống đầu con cái
Nước chúng tôi và nước các anh
Nếu còn say máu chiến tranh
Ở Việt Nam, các anh nên nhớ
Tre đã thành chông, sông là sông lửa
Và trận thắng Điện Biên
Cũng mới là bài học đầu tiên!”
Tố Hữu
(5-1954)
Bài thơ cùng tuổi với Chiến thắng Điện Biên – Vương Trọng
Không tính thể loại trường ca, trong tất cả các bài thơ viết về Điện Biên, “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” có dung lượng lớn nhất. Dung lượng ở đây là nói tới nội dung mà bài thơ đề cập đến, cũng là “lượng thông tin”, qua bài thơ, tác giả đã chuyển tới bạn đọc. Đó là niềm vui của mọi người khi nghe tin Điện Biên giải phóng thông qua các hình thức truyền tin trong đêm; đó là ghi công những người làm nên chiến công vĩ đại này, từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến các anh hùng liệt sĩ, các đoàn dân công phục vụ chiến dịch…; đó là ý nghĩa của chiến thắng lịch sử và cuối cùng là tuyên ngôn của người chiến thắng! Phóng viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã có dịp hỏi chuyện tác giả bài thơ này. Nhà thơ Tố Hữu cho biết, ông không tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, trong suốt thời gian chiến dịch xảy ra cũng như ngày chiến thắng hoàn toàn, ông ở vùng ATK Định Hóa, Thái Nguyên. Cái cảnh báo tin chiến thắng “ngựa bay lên dốc/ Đuốc cháy sáng rừng…” là do ông tưởng tượng ra để nói niềm vui của mọi người trước tin vui quá lớn. Dù không tham gia chiến dịch, nhưng khi viết bài thơ này, tác giả coi mình nhập vào đoàn quân làm nên chiến thắng mà cảm xúc:
Từ khi vượt núi, qua đèo
Ta đi, Bác vẫn nhìn theo từng ngày…
Nhà thơ thật công bằng khi mở đầu bài thơ là ca ngợi công lao của Đại tướng:
Hoan hô chiến sĩ Điện Biên
Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp
Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp!
Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là người có công số một trong chiến dịch này, mà nhiều nhà quân sự đã phân tích, nếu không có quyết định chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” trong hai ngày ba đêm sang đánh lấn, đánh lâu dài, chắc thắng của Đại tướng thì chúng ta không những thất bại mà tiêu vong rất lớn lực lượng của quân đội. Mới biết, trong chiến trận, sự sáng suốt của người cầm quân quan trọng như thế nào!
Kháng chiến ba ngàn ngày
Không đêm nào vui bằng đêm nay
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bắt đầu từ ngày 19/12/1946 và kết thúc 7/5/1954, làm tròn con số là ba ngàn ngày. Và “đêm nay”, đêm 7/5/1954 là đêm vui nhất, vì ta toàn thắng Điện Biên, bắt sống tướng Đờ Cát vào cuối chiều. Niềm vui đêm 7/5/1954 cũng giống như niềm vui trưa 30/4/1975, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Khi ca ngợi các chiến sĩ Điện Biên, nhà thơ viết:
“Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”
Về góc độ số liệu, tôi thấy chưa thật chính xác. Ta thường nói chiến dịch này kéo dài 56 ngày đêm là kể từ khi đánh trận Him Lam vào 13/3/1954 cho đến ngày toàn thắng 7/5/1954, nhưng chúng ta đã chuẩn bị và đi vào chiến dịch này từ trước khá lâu. Đêm 25/1/1954, Đại tướng quyết định chuyển phương án tác chiến từ đánh nhanh, sang đánh chắc, thì khi đó pháo chúng ta đã vào trận địa rồi. Như vậy, lính ta đã “khoét núi, ngủ hầm…” không chỉ 56 ngày đêm, mà ít ra, thời gian còn gấp đôi thế!
Những đồng chí, thân chôn làm giá súng
Đầu bịt lỗ châu mai…
Những đồng chí chèn lưng cứu pháo…
là tác giả muốn nhắc đến các liệt sĩ Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện. Nhưng tác giả không điểm tên từng người, mà chỉ nhắc đến chiến công, ý muốn nói những tấm gương hy sinh quả cảm như vậy không phải là cá biệt.
Ghi công các đoàn dân công phục vụ chiến dịch:
Dốc Pha Đin, chị gánh, anh thồ
Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát
Dù bom đạn xương tan thịt nát
Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh
Hàng vạn dân công phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ đi bằng hai con đường chính: Đường từ Sơn La lên, qua đèo Pha Đin, còn đường từ Yên Bái, Nghĩa Lộ sang thì qua đèo Lũng Lô. Tác giả khéo sử dụng hai địa danh, là trở ngại tự nhiên lớn nhất mà các đoàn dân công phải vượt, để ghi công sự đóng góp của dân công, làm nên chiến thắng.
Khi đọc hai câu thơ:
Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam
Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng
chúng ta không chỉ biết ý tác giả muốn nói sự hồi sinh của Điện Biên sau khi chiến trận kết thúc, mà còn thấy tác giả “chơi màu sắc” trong cặp lục bát này. Với ba địa danh quen thuộc Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam, nhà thơ Tố Hữu đã phát hiện ra chúng chứa ba màu: xanh (thanh), đỏ (hồng), xanh (lam). Ba màu đó nằm trọn vẹn trong câu lục, thì câu bát cũng cần có màu sắc và chắc tác giả thật thích thú khi viết được: “Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng” chứa được đến bốn màu: Mơ, trắng, cam, vàng! Người làm thơ thường thế, ngoài nhiệm vụ chính là chuyển tải nội dung, không bỏ qua dịp thưởng thức ngôn ngữ!
Còn cặp lục bát:
Chúng bay chỉ một đường ra:
Một là tử địa, hai là tù binh
cũng được nhiều người nhắc tới, nhưng không phải để khen. Câu bát có bản in: “Một là tiêu diệt…”. Ở đây cần lưu ý với bạn đọc rằng, Tố Hữu là nhà thơ thường sửa lại thơ mình, thậm chí còn sửa nhiều lần, sau khi đã in báo hoặc xuất bản thành sách. Bởi vậy, thơ ông có nhiều dị bản, cho nên nếu bạn đọc nào đọc bài thơ này ở đây có khác với các bản mình đã đọc, đã thuộc thì cũng đừng ngạc nhiên. “Một là tử địa, hai là tù binh”, tác giả muốn nói cái ý: Một là chết tại trận, thứ hai là bị bắt, nhưng dùng hai chữ “tử địa” hơi tối nghĩa. “Tử địa” là từ Hán Việt, nó có nghĩa là “đất chết” chứ không mang ý chết tại trận!
Nói về ý nghĩa của Chiến thắng Điện Biên Phủ thì thật nhiều, ở bài thơ này, nhà thơ nói về tác động của chiến thắng này tới cuộc đàm phán ở Giơ-ne-vơ, mà đồng chí Phạm Văn Đồng là trưởng đoàn của ta. Rõ ràng nhờ chiến thắng này, mà cuộc hội đàm đó thành công, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Kết thúc bài thơ là tuyên ngôn của người chiến thắng:
Tổ quốc chúng tôi
Muốn độc lập hòa bình trở lại
Không muốn lửa bom đổ xuống đầu con cái
Đó là đối với người chiến thắng, còn với kẻ bại trận thì Điện Biên là bài học lớn.
“Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” là bài thơ cùng tuổi với Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Niềm vui chiến thắng được tác giả dồn nén vào từng đoạn, từng câu, sáu mươi năm qua đọc lại, chúng ta như được sống trong ánh hào quang của chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” này.
Vương Trọng