Thi sĩ đoản mệnh Nguyễn Nhược Pháp
Nhưng mà thôi, một “Chùa Hương” có lẽ cũng đã đủ vị thế trong chốn thơ thiêng thấm hồn dân tộc. Tuần vận vũ trụ của trời đất này còn mùa xuân còn Giêng Hai, non nước này còn chùa Hương thì người ta còn nhắc đến “Chùa Hương” của Nguyễn Nhược Pháp!...
Thi sĩ đoản mệnh Nguyễn Nhược Pháp
Nhưng mà thôi, một “Chùa Hương” có lẽ cũng đã đủ vị thế trong chốn thơ thiêng thấm hồn dân tộc. Tuần vận vũ trụ của trời đất này còn mùa xuân còn Giêng Hai, non nước này còn chùa Hương thì người ta còn nhắc đến “Chùa Hương” của Nguyễn Nhược Pháp!
Bây chừ đang cữ Giêng Hai của mùa xuân xứ Bắc ngồi đò mộc từ đền Trình ngược dòng suối Yến về Chùa Hương, ngắm những tàn hoa gạo đang sắp bung ra những vệt son chon von trên sườn đá, tôi cứ một mực gẫm rằng, những gốc gạo cổ thụ ấy thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp đã ngắm từ những năm lẩu lâu rồi để có bài thơ Chùa Hương bâng khuâng mãi cho mai hậu?
Như Hoài Thanh đã từng hoài nhớ luyến tiếc, đại ý rằng cái người mà thơ in ra nào có bao nhiêu nhưng được người ta mến hơn cả ấy là Nguyễn Nhược Pháp! Cái năm lẩu lâu rồi ấy là bao nhiêu?
Nếu cứ căn cứ hẳn về những chi tiết trong cuốn Văn sĩ thi sĩ tiền chiến của nhà thơ Nguyễn Vỹ ( tác giả Sương rơi/ Nặng trĩu/ trên cành/ Dương liễu… hai từ một câu mà Hoài Thanh- Hoài Chân đã nhiệt thành biểu dương trong Thi nhân Việt Nam. Nguyễn Vỹ hơn Nguyễn Nhược Pháp 4 tuổi, người xứ Quy Nhơn nhưng nổi danh lại ở Hà thành và sau này càng nổi tiếng hơn với Gửi Trương Tửu) thì ta cũng mang máng xác định được thời điểm ra đời của bài Chùa Hương khoảng năm 1934 hay 1935 chi đó…
Đại để thế này: Chuyến đi chùa Hương vào tháng Giêng Âm lịch ấy, có Nguyễn Nhược Pháp và Nguyễn Vỹ cùng hai cô bạn (không rõ đây có phải là người yêu của hai chàng?).
Hai cô này thuộc dạng tân thời chắc con nhà khá giả nên một trong hai cô đem cả máy ảnh. Mà máy chụp hình khi đó là của hiếm… Qua đò suối Yến là cả nhóm bắt đầu xuyên qua rừng mơ (Ôi rừng mơ thuở ấy nay còn đâu?).
Trên lối mòn khúc khuỷu cây đá gập ghềnh, cả bọn gặp một cụ bà cùng một cô gái độ tuổi trăng tròn bận quần lĩnh áo the đang dắt cụ bà (không rõ là bà hay mẹ?) cả hai cùng khe khẽ niệm Phật.
Cả bọn vượt lên nhưng không hiểu sao Nguyễn Nhược Pháp sững lại bên hai người thì cô gái bặt luôn tiếng niệm Phật. Nguyễn Nhược Pháp khẽ hỏi tại sao cô không niệm tiếp đi, nghe hay lắm…
Cô gái nọ đỏ bừng mặt e thẹn cúi đầu không nói chi… Vừa lúc ấy, một trong hai cô bạn có máy ảnh quay ngược lại thấy cảnh ấy liền bấm máy! Từ khi đó đến lúc qua chùa Tiên Sơn rồi tối ấy ngủ lại trong chùa sáng hôm sau mới về, cả bọn đều không gặp lại bà cụ với cô gái nọ.
Cả hai cô lại có ý phiền trách thậm chí lạnh nhạt với Nguyễn Nhược Pháp và Nguyễn Vỹ về động thái người đâu gặp gỡ làm chi ấy… Nhưng về đến Hà Nội, cô vẫn đưa tấm ảnh ghi lại cái cảnh Nguyễn Nhược Pháp đứng bên cô gái quần lĩnh áo the đó!
(Tôi có hỏi kỹ ông Nguyễn Hồ, con út bà cả cụ Vĩnh và anh Nguyễn Lân Bình con ông Nguyễn Dực con trai cụ Vĩnh hiện đang lưu giữ nhiều tư liệu về cụ Nguyễn Văn Vĩnh thì cả hai cho biết không có tấm ảnh ấy trong bộ sưu tập hiện có của gia đình! Chao ôi, giá như bây giờ tấm ảnh đó đang có may mắn được ai cất giữ?).
Nhưng khi đó Nguyễn Nhược Pháp đâu có ỏ ê chi đến tấm hình. Mà chàng đang bận tâm về một việc khác. Chàng đưa bài thơ Chùa Hương viết chưa ráo mực cho Nguyễn Vỹ.
Chàng tưởng tượng thêm ra bao nhiêu sự kiện từ cái cảnh gặp gỡ bất chợt nọ và lấy làm thú vị lắm… Bài thơ lúc đầu có tên là Cô gái chùa Hương, sau đó đưa vào tập Ngày xưa bỏ hai chữ đầu còn lại là Chùa Hương.
Ngay hôm ấy Nguyễn Nhược Pháp ngỏ ý với Nguyễn Vỹ đưa bài thơ đó vào một cuốn thơ của riêng mình mà lâu nay Nguyễn Nhược Pháp đang có ý xuất bản.
Nhưng khi đó đang kẹt tiền. Nguyễn Vỹ gợi ý là xin ông bố (tức cụ Nguyễn Văn Vĩnh). Nhưng Nguyễn Nhược Pháp e dè sợ ông cụ rầy trách rồi vứt vào sọt rác khi biết Nguyễn Nhược Pháp làm bài thơ ấy!
Nguyễn Vỹ lại mách nước thế thì xin cụ bà vậy? Nguyễn Nhược Pháp đồng ý. Và tập thơ Ngày xưa của Nguyễn Nhược Pháp, trong đó có bài Chùa Hương ra đời năm 1935.
Như thế nào nhỉ? Cụ bà nào vậy? Tập thơ đầu tay và duy nhất của Nguyễn Nhược Pháp ra đời cách thời điểm thân mẫu thi sĩ mất khá chi là xa, lúc thi sĩ mới lên hai tuổi?
Lại nói về cái khách sạn ở phố Hàng Trống, một trong những gia sản chỉ là con con trong gia tài của một ông chủ nhà in Trung Bắc Tân Văn lớn nhất xứ Bắc Kỳ Nguyễn Văn Vĩnh.
Là địa danh gặp gỡ giao du của những tao nhân mặc khách và những người có máu mặt của Hà thành và mỗi khi về Hà thành thời ấy, người đẹp Hai Lựu cũng đã lọt vào mắt xanh của ông chủ bút kiêm xuất bản hào phóng Nguyễn Văn Vĩnh.
Tôi đã hỏi kỹ ông Hồ lẫn anh Nguyễn Lân Bình rằng tại sao trên bàn thờ gia tộc có ảnh rất nhiều người nhưng không thấy sự hiện diện của bà Hai Lựu tức là bà hai cụ Vĩnh là thân mẫu nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp?
Nhưng tất thảy đều lấy làm tiếc hình như đã bị thất lạc từ lâu? Cả hai cũng cho biết đến bây giờ chưa có ai biết họ tên thật của thân mẫu nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp cũng như xuất xứ quê quán!
Chỉ biết khi ấy bà là một người đẹp có danh phận, là con gái yêu của một thổ ty giàu có ở mạn ngược đâu như vùng Lạng Sơn. Và nghe đâu bà có họ gần với Tổng đốc người Tày Vi Văn Định?
Sau này, do nhiều nguyên nhân, hậu duệ cụ Vĩnh trong đó có ông Hồ đã không có điều kiện để tìm hiểu gốc gác của bà Hai Lựu là mẹ kế của mình.
Chỉ biết khi ấy, người đẹp có tên là Hai Lựu này người cao ráo, trắng trẻo, giao du rất rộng, nói thạo tiếng Pháp …
Ông Hồ còn đặc biệt nhớ một chi tiết đặc biệt là bà Hai Lựu sử dụng súng ngắn rất thành thạo! Điều trớ trêu là khi đã thành thân với cụ Vĩnh, do các mối giao du khá rộng nên bà Hai Lựu khá thân với bà Suzanne và đâu như đã một lần giới thiệu với cụ Vĩnh người bạn thân của bà tức là người đẹp Suzanne như bài trước đã nói!
Lắm loài súng sính có đôi/ Nòi tình thui thủi đi về một-không (thơ Hoàng Cầm) không biết có vận vào trường hợp này không nhỉ?
Trời cho cái giống đa đoan lẫn phong tình như cụ Vĩnh thì làm sao để tuột mất người đẹp Suzanne? Kha khá những tờ báo đứng đắn lẫn lá cải Hà thành thời ấy hình như đã lờ lớ lơ một sự kiện vợ kế cụ Vĩnh – bà Hai Lựu dùng súng ngắn đáp xe sang trang trại nổi tiếng của Suzanne bên Gia Lâm định phải quấy một phen với chính người bạn thân của mình.
Nhưng ông con út cụ Vĩnh móm mém cái cười của tuổi tám mươi rằng cũng ghê cho bà này bởi ghen thế nhưng nghĩ sao đó, phần để giữ thanh danh cho cụ Vĩnh, phần chợt trỗi chút thiên lương đã hạ súng.
Nhưng thương ôi, người đẹp Hai Lựu đã chọn cho mình một cái chết tức tưởi và bỏ lại cậu con trai dĩnh ngộ khi đó mới lên hai tuổi chính là thi sĩ đoản mệnh Nguyễn Nhược Pháp của chúng ta.
Chết cha ăn cơm với cá/ Chết mẹ liếm lá đầu đường… Mồ côi mẹ, nhưng cậu bé Nguyễn Nhược Pháp may được lọt trong vòng tay thân ái của bà vợ cả cụ Vĩnh…
Học giả Nguyễn Văn Vĩnh cao to phương phi nhưng cứ như những lưu bút của nhà thơ Nguyễn Vỹ, thì thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp chỉ cao 1,52 m.
Khác với phụ thân luôn có chất giọng khoáng đạt oang oang thì anh con trai thường lặng lẽ có cái miệng mới ngó như mom móm may có cái khiếu khôi hài kéo lại.
Cũng nói thêm chi tiết này, bồ chữ thiên hạ cụ Vĩnh không biết sở hữu bao nhiêu và được coi là người thông thạo nhiều ngoại ngữ đặc biệt là chữ Hán, Pháp nhưng cụ lại cực kỳ bình dân trong việc đặt tên cho con cái.
Ông con thứ Nguyễn Giang (bạn thân của Picasso, sẽ nói ở một bài khác) sinh ở Bắc Giang. Ông con thứ nữa tên là Nguyễn Dực sinh ở làng Phượng Dực quê nhà.
Một ông thứ khác tên là Nguyễn Phổ sinh vào thời điểm chiến tranh Pháp – Phổ.
Ngang tàng hay bình dân chả biết, nhưng cụ Vĩnh sau lần đi Pháp vào năm 1906 lẫn coi xét cục diện cuộc chiến tranh lần thứ nhất, cụ Vĩnh đã phán một cục diện một sự kiện động trời của thời cuộc bằng cái từ nước Pháp yếu và đặt luôn cái tên cho cậu con trai sinh cuối năm 1914 chứ đâu phải như sau này có người tán rằng, tên thi sĩ chính là sự hội đủ của một tư tưởng quan trọng lẫn chủ đạo của triết học Trung Hoa, phàm người ta muốn đạt mục đích gì phải lấy cái nhu để xử thế với cương lấy yếu để ứng phó với cái mạnh?!
Cậu bé được cha mẹ coi sóc cẩn thận cho học hành tử tế. Bằng cớ là Nguyễn Nhược Pháp sau khi đậu tú tài rồi vào trường Cao đẳng Luật Đông Dương. Hình như nối chí hay có gien ông thân, Nguyễn Nhược Pháp không sung vào bất kỳ ngạch quan lại lẫn công chức nào mà đi làm văn làm báo…
Truyện ngắn và kịch của Nguyễn Nhược Pháp có lẽ không phổ biến rộng và nổi tiếng bằng thơ? Ngoài Chùa Hương, Nguyễn Nhược Pháp còn có bài thơ khá nổi Tay Ngà và Sơn Tinh Thủy Tinh viết tặng ông anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Giang…
Tôi đồ rằng, có lẽ Nguyễn Nhược Pháp cố hữu là một người nhân hậu. Đã đành thường trực cái bản tính cái thiên lương đó nên mới man mác tinh tế thuần hậu muôn đời phong tục Việt để mai hậu lòng người, dù bất kể thời nào cũng chùng lại cân bằng lại với Chùa Hương?
Và trong Sơn Tinh Tuỷ Tinh cũng vậy, người ta dễ mà cao đàm khoát luận triết lý lằng nhằng này nọ về mối thù dai dẳng truyền kiếp nhưng Nguyễn Nhược Pháp đã thấp thoáng chút umua làm cho nó nhẹ nhõm lên bao nhiêu Trần gian đâu có người dai thế/ Cũng bởi thần yêu nên khác thường!
Nhưng mà, nhưng mà… Cho dù vô tâm lẫn nhân hậu, cho dù cái tuổi hai mươi chưa đủ độ lắng lẫn sự chiêm nghiệm này khác nhưng tôi dám chắc cái chết tức tưởi của người mẹ thân yêu ấy ít nhiều có ám vào chàng trai vốn có tâm hồn nhạy cảm kia?
Nhưng may (hay dở đây) tuyệt nhiên trong sáng tác của Nguyễn Nhược Pháp, không lề vương vất hay hệ luỵ lẫn ám ảnh cái chết bất đắc kỳ tử của mẹ chàng!
Hay là đấng Cao Xanh ghen ghét chi đây mỹ nhân tự cổ như danh tướng/ bất hứa nhân gian kiến bạc đầu (người đẹp lẫn tướng tài, chớ để cho thiên hạ thấy đầu mình bạc) bắt người tài hoa ấy đi sớm khi Nguyễn Nhược Pháp mới tròn 24 tuổi để Nguyễn Nhược Pháp không đủ quỹ thời gian để chi dùng cho việc đôi hồi chiêm nghiệm?
Nhưng ai cũng như có trời mà biết sẽ như thế nào nếu Nguyễn Nhược Pháp thọ đến 70 và thêm nữa, Vũ Trọng Phụng 80 tuổi? Mà Nguyễn Nhược Pháp 24 tuổi, cũng như Vũ Trọng Phụng đã cháy hết cháy sáng đời mình ở tuổi 27 rồi…
Năm 1935, hai mươi hai tuổi, danh đang nổi với tập Ngày xưa. Cái chết bất đắc kỳ tử của ông cụ thân sinh năm 1936 và gia cảnh cái đại gia thế ấy bỗng dưng sa sút chừng như khiến cuộc đời thi sĩ trẻ tài hoa này ngoặt sang một hướng khác?
Từ thời điểm năm 1935 cho đến khi mất, 3 năm sau, Nguyễn Nhược Pháp không có thêm tập thơ nào cũng như một bài nào nổi? Hoặc giả Nguyễn Nhược Pháp không viết hay rẽ ngang kiếm một nghề chi khác kiếm sống?
Đây có lẽ cũng là một khúc khuất trong cuộc đời Nguyễn Nhược Pháp mà kể cả người gần gụi Nguyễn Nhược Pháp về mặt tinh thần cũng không đề cập đến trong cuốn Văn thi sĩ tiền chiến?
Nhưng mà thôi, một Chùa Hương có lẽ cũng đã đủ vị thế trong chốn thơ thiêng thấm hồn dân tộc. Tuần vận vũ trụ của trời đất này còn mùa xuân còn Giêng Hai, non nước này còn chùa Hương thì người ta còn nhắc đến Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp!
X. B.
(Nguồn : Vạn xuân thi đàn)