Thiên Hương: Truyện ngắn của Thạch Lựu

Đêm, lúc gà gáy phải kéo tấm chăn đơn đắp ngang người, lại thấy môi hơi se se; sáng, đứng góc sân nhà nghe gió heo may vuốt rì rầm trên da mặt, nhìn đàn chim chà bẻo đã về, dập dờn chao lượn theo đàn chuồn chuồn trên cánh đồng lúa đang phơi màu; vào phòng làm việc, một tay lật một góc tấm vải hồng điều, một tay áp lên bề mặt khối gỗ nằm trong đó, cảm thấy da lòng bàn tay đang khô dần… cụ Thoảng lẩm nhẩm: “Hanh heo rồi”. Cụ Thoảng làm nghề điêu khắc gỗ, tuổi nay đã cận bát tuần. Mớ tóc mượt, bộ râu dài, đôi lông mày rậm đã bạc như cước. Đôi dái tai chảy dài như tai phật. Đứng trước cụ, chỉ những người xa lạ mới nghĩ đến cái phụ danh “cụ”. Những người thân quen, hoặc đã biết danh tiếng đều gọi là Lão với vẻ tôn kính. “Lão” đối với họ không còn là phụ danh nhằm phân biệt tuổi tác, mà là gọi tắt cái chính danh họ đã tôn vinh cụ: Lão – Nghệ – Nhân. Phòng làm việc ở nhà của Lão nghệ nhân Hoàng Duy Thoảng là gian nhà phía đông của toà nhà gỗ năm gian, cao, rộng, tường xây, lợp ngói, quay hướng nam, nhiều cửa sổ. Gian ấy được ngăn cách với bốn gian ngoài bằng những tấm gỗ lim đen bóng, bưng kín từ trên bộ ngưỡng nhị ngăn gian, lên qua quá giang, xà lách tới tận nóc, chỉ để một cái cửa thông gian giáp cột quân mặt tiền. Không biết tự bao giờ ta nghiệm thấy rằng, phàm những người biết yêu quý, tôn trọng nghề nghiệp của mình, trước khi bước vào làm việc, họ thường chuẩn bị rất chu đáo – có lúc như thực hiện một nghi lễ. Cụ… Lão – Từ giờ giở đi gọi là Lão – vào phòng làm việc với bộ trang phục đặc biệt: Tấm quần lụa mềm, màu gụ sẫm, rộng thùng thình. Cạp quần thay bằng một tấm vải rộng gần hai gang – các cụ ta xưa gọi là “lá toạ”. Dây lưng là dải lụa màu vàng nhạt, thắt ngoài lá toạ, mối thắt lệch sang sườn bên phải và được che khuất bởi cả vòng lá toạ kéo qua dây lưng rồi phủ xuống ngang hông. Bằng lối thắt lá toạ như vậy khi làm việc dù đứng, ngồi, quỳ… theo mọi tư thế và lâu đến mấy, da bụng, da lườn cũng không bị lằn, bị đau, quần vẫn không bị trễ. Tấm áo cùng vải, cùng màu, rộng tương xứng với tấm quần, chỉ có vòng cửa ống tay may hơi chẽn như băng séc áo sơ mi. Dải khăn đội đầu dệt bằng sợi bông, màu nâu nhạt, được quấn hai ba vòng phía trên mang tai để tóc không xoã  xuống mắt và để cài giắt những dụng cụ nho nhỏ như bút chì, com pa… – những thứ khi làm việc nhiều lúc đùng một cái phải dùng đến, nhưng lại dễ lẫn trong đám phoi bào, dác đục, mạt cưa hoặc các dụng cụ khác – Trên bộ trang phục làm việc của Lão chỉ có một vật trắng duy nhất, đó là mảnh vải trắng, xốp, mềm, rộng hơn một bàn tay. Ở một góc mảnh vải có thùa một lỗ khuy. Khuy được mắc vào cúc ngực áo. Đó là tấm khăn lau kính lúc đang làm việc. Tấm vải hồng điều phủ trên công trình đang làm dở đã được Lão bà gấp lại, đặt lên chiếc bàn con ở góc phòng. Lão ngồi xuống một trong những tấm đệm bà đã đặt ở những chỗ lúc làm việc Lão vẫn ngồi, quỳ hoặc đứng. Hộp đồ nghề được tự tay Lão mở ra. Trong hộp những đục, những tràng, bướm tách, dao tỉa, dùi khoan… được đặt theo thứ tự to, nhỏ của từng loại. Trong những ngày mùa khô hanh chưa tới, những lưỡi, những mũi của những công cụ ấy đã nhiều lần lướt qua các loại đá mài từ nháp, đến mịn. Tất cả đều sáng xanh, sắc như nước, ngọt như kim. Vợ Lão, một người đàn bà từ thuở hoa niên sau những năm đầu chung sống với chồng, trong lòng đã có một nỗi buồn thường trực. Nhưng tình yêu chồng vẫn ngày càng sâu đậm. Đã ngoại thất thập, nhưng nét đẹp của thời thanh xuân vẫn phảng phất quanh dáng người cao cao, thanh mảnh của bà. Với bà, việc xếp đặt, thu dọn nơi làm việc cho chồng và những lúc ngồi ở gian ngoài vừa như canh gác giữ gìn sự yên tĩnh cho Lão, vừa lắng nghe tiếng đục, tiếng tràng là một niềm vui lớn. Mắt Lão đăm đăm nhìn vào chỗ đang chờ Lão tạc cái hình khối cuối cùng của công trình. Tay trái Lão cầm cái đục. Ngón tay cái, cùng ngón giữa, ngón nhẫn, ngón út nắm thân đục. Đầu ngón tay chỏ nhá nhá, gại gại trên lưỡi đục, như để thăm độ sắc, đoán độ bén của nó. Bàn tay phải đặt lên phần chuôi cái dùi đục bằng gỗ nghiến bóng mịn còn nằm trên góc đệm phía bên phải. Cái dùi đục đã mấy lần sắp được tay Lão nhấc lên, nhưng lại thôi. Ngón tay chỏ bên trái đã rời khỏi lưỡi đục thu về nằm cùng các ngón kia. Chuôi đục đã mấy lần xoay ngang khỏi cùi tay, nhưng rồi lại xoay về như cũ… Lão cứ ngồi như thế. Rất lâu… Rất lâu… Và, lại như biết bao lần trong mùa khô hanh trước, những ý tưởng Lão định gửi gắm vào cái hình khối cuối cùng ấy cứ như ánh lửa hàn, vừa loé lên đã vụt tắt. Lão buông đục, buông dùi, đưa mắt nhìn vào khoảng không. Hơn sáu mươi năm, từ lúc làm trò, đến khi làm thợ, và cả những lúc làm thầy, Lão đã đặt chân đến khắp miền thiên hạ. Đến tuổi này có thể Lão không nhớ hết những tác phẩm Lão để lại ở những nơi mình đã đến. Nhưng những nét đẹp tâm hồn của những người mà Lão đã cho họ làm chủ tác phẩm của mình vẫn in đậm trong lòng Lão. Thấm nhuần lời răn bảo của thầy truyền nghề, Lão có một lời nguyền: “Muốn đẹp trong nghề phải chọn chủ”. Mỗi khi có người vời, nếu không phải là người quen biết Lão thường qua lại đàm đạo vài lần, nếu không ý hợp, tâm đồng Lão không dám nhận làm. Đã nhận với ai, nếu không vì một lí do đặc biệt nào đó, Lão thường đến làm ngay tại nhà người ấy. Nét đẹp tâm hồn của chủ và thợ hoà quyện với nhau truyền qua lưỡi đục, lưỡi tràng vào tác phẩm. Lão thường bó tay trước những cái mà Lão đoán chắc nếu có làm ra thì người đời và chính cả Lão cũng không cảm nhận được cái gì tốt đẹp ở nó, có chăng chỉ được cái mẽ bề ngoài để loè thiên hạ. Mấy năm nay bất cứ ai vời, dù xa hay gần, dù lạ hay quen Lão cũng không đi nữa. Lão ở hẳn nhà không phải vì tuổi tác mà còn vì những lí do khác: Với vợ, càng về già Lão càng thấy mình là người chồng tồi tệ. Gần hết cuộc đời chỉ mải mê với đục, với tràng, vui cùng thiên hạ, để một mình bà gánh cả nỗi buồn của đôi vợ chồng không con cái ! Với sự đời, trong cơn lũ kinh tế thị trường, đồng tiền nhăm nhe nhẩy lên ngôi chúa tể, nhân cách, đạo đức bị xuống cấp… Lão cứ lơ ngơ, có lúc tự coi mình là “con chó bị mất chủ”. Nguồn cảm hứng nghề nghiệp của Lão cứ cạn dần !!! Lí do cuối cùng là cái công trình đang dở dang kia. Cách đây ngót bốn năm, sư trụ trì một ngôi chùa ở vùng núi nam Thanh Hoá hỏi đường về tận nhà Lão, triệu Lão đi tạc cho chùa ba pho tượng. Gỗ tạc tượng là gỗ của một cây mít đã gần một trăm sáu mươi năm tuổi. Cây mít do sư tổ của chùa trồng từ ngày ngài mới nương cửa phật. Nhân kỉ niệm tròn một trăm năm ngài lên cõi Niết bàn. Nhà chùa làm lễ xin ngài cho hạ cây mít để tân tạo ba pho tượng – trong đó có tượng ngài. Khi hạ cây mít, sư trụ trì cho hạ cả gốc – trừ những đoạn rễ ăn quá sâu, quá xa còn phải đào lấy tất cả. Sau nhiều ngày đào bới, cưa cắt, cây ngả xuống, cái gốc bật lên to gần bằng cái thuyền thúng. Tạc xong ba pho tượng Lão ngỏ ý với nhà chùa được ăn mày cửa phật cái gốc mít và Lão xin cúng lại nhà chùa tất cả số tiền công tạc tượng của Lão. Không cần suy  nghĩ gì lâu, sư trụ trì tin chắc: Cái gốc cây khườm khì kia qua tay Lão chắc chắn sẽ để lại cho đời một vật quý. Sư trụ trì chẳng những không nhận số tiền công Lão cúng nhà chùa, mà còn cho người đi thuê một cái ô tô tải cỡ vừa chở cái gốc mít về tận nhà cho Lão. Gần một tháng trời với những rìu, dao, tràng, đục… Lão cặm cụi đẽo bỏ hết phần dác, để trơ ra phần lõi. Lại gần một tháng trời Lão cưa cắt, đẽo, gọt, đánh bóng. Cái gốc mít rực lên màu vàng nghệ. Càng nhìn càng thấy hiện lên ở đấy những núi non, đất bằng, sông biển… giống như cái sa bàn mô tả bề mặt trái đất mà ta đã có lần nhìn thấy ở đâu đó. Linh tính mách bảo và thôi thúc Lão phải đưa vào đấy hình ảnh sự sống của muôn loài. Lão cầm chắc: Cái kì công của trời đất ban tặng này, nếu không bị con người huỷ hoại, tự nó sẽ bền cả trăm năm. Lão dự tính: đường nét chạm khắc phải tỉ mỉ, chính xác. Lão hình dung: sẽ có những đường chìm chỉ đặt vừa sợi cước, những nét nổi cũng bằng chừng ấy, thậm chí còn nhỏ hơn… Bởi vậy Lão quyết định: chỉ gia công vào dịp nắng ráo, những kì khô hanh, là những lúc thớ gỗ không bị ẩm để sau này các đường nét, hình khối công trình đỡ bị biến dạng. Gần bốn năm qua, trong những tháng mùa nồm và những kì mưa Lão chỉ làm những việc như chế tạo, sửa 146 chữa, mài dũa dụng cụ gia công, tạm dựng mô hình, phác hoạ đường nét cho những phần việc sẽ làm trong những kì nắng ráo và khi mùa khô hanh đến. Liên tục hai năm đầu, mỗi ý tưởng một niềm vui, lúc dạt dào, lúc sâu nặng từ tâm hồn Lão chuyền qua lưỡi đục, lưỡi tràng, bướm tỉa, dao tách, mũi khoan… vào cái gốc mít. Lão như trẻ lại, vợ Lão cũng trẻ lại theo. Giữa mùa khô hanh năm ngoái, khi bước vào tạo tác hình khối cuối cùng của công trình – Đó là những con người – Lão đâm ra hoang mang bối rối. Ngồi trong phòng làm việc suốt mấy giờ liền, đầu óc Lão có lúc như rỗng không, có lúc đau nhói, nặng chì. Có lúc Lão lạc cả không gian, thời gian: Không biết mình đang ở đâu ? Lúc này là trưa hay sáng ?! Vợ Lão đã hết hồi hộp chờ nghe tiếng đục, tiếng tràng. Ngồi cạnh mâm cơm, tiếc bát canh cua đồng đã nguội. Nhìn qua khe hở của cánh cửa thông gian, thấy Lão ngồi bất động. Biết tâm trạng của Lão lúc này, mấy lần bà định bước vào an ủi Lão, nhưng bà bất lực không tìm ra lời. Ruột gan bà như đứt ra từng khúc, cháy từng mảnh. Thỉnh thoảng bà lại cố tình gây ra những tiếng động nhỏ, hoặc cố tình ho dặng như để nhắc Lão chớ có lịm đi. Những tiếng động, tiếng ho dặng cố tình ấy không làm cho Lão khó chịu. Ngược lại, nó như những giọt nước lành tưới mát cho lòng Lão. Vất vả lắm mãi đến sang chiều Lão mới gạt được sang một bên những suy tưởng to tát, nặng nề quay về với những điều vặt vãnh. Lão lắng nghe gió thổi trong vườn; tiếng chim hót trên hàng cau trước sân; nhìn bóng râm xiên ngang trước ngõ. Lão thả hồn theo những hạt bụi li ti đang xôn xao, cuồn cuộn trong vệt nắng xiên qua khe cửa vào nhà. Lắng nghe tiếng còi tàu u u từ cửa sông, tiếng ô tô ầm ì từ trên những con đường xa vọng tới; tiếng cười của trẻ con ních rích nở đâu đây… Thấy lòng nhẹ nhõm, Lão đứng dậy bước ra cửa. Lão giật mình thấy như tất cả đều lạ lẫm. Lão thận trọng để ý. Hình như có tiếng người rì rầm bên thành giếng, phía ngoài giậu cây thanh táo? Hình như thấp thoáng một mái đầu ? Lão chợt nhớ ra hình như cả chục ngày nay có cô gái lạ, thường cứ xuất hiện ở đây vào lúc chiều chiều… Và, hình như vợ Lão cũng đang ở ngoài đó… Hình như !… Hình như !… Chợt thấy khó chịu với những “hình như” của mình, Lão quay về với cái giếng của nhà Lão. Cái giếng được khơi ở góc vườn, gần cổng vào nhà, từ ngày thân sinh Lão còn trẻ. Cũng từ ngày ấy cái giếng đã được dành  riêng cho hẳn một vuông đất khá rộng. Hai mặt giáp cánh đồng là hàng tre vân quanh năm xanh mướt; hai mặt giáp ngõ vào nhà và giáp khu vườn chính là giậu cây thanh táo cao ngang người. Giếng, nền giếng và cả vuông đất ấy quanh năm nằm dưới bóng râm của hai cây nhãn cổ thụ. Lão nhớ cả vùng này chỉ có cái giếng nhà Lão là cái giếng có mạch nước tốt nhất. Ở vùng ven biển, mùa khô hanh nước mặn từ biển theo cửa sông lấn sâu vào đất liền, nước giếng nhà Lão vẫn trong, vẫn ngọt. Ngày xưa và cả bây giờ, khi nhiều nhà đã có giếng khoan, nhà tắm nhưng trong mùa khô hanh và những kì nắng hạn kéo dài, nhiều người vẫn muốn ăn uống, tắm gội bằng nước giếng nhà Lão. Từ khi Lão dựng cái nhà tắm lộ thiên bằng giậu cây cúc tần cao ngang đầu vây quanh cái nền láng xi măng bên cạnh máng thoát nước, giáp bờ tre vân, nhiều người trong lúc rảnh rang muốn được thư thái tâm hồn vẫn đến tắm gội ở cái nhà tắm lộ thiên thoáng đáng ấy. Để bớt phiền cho khách và chủ, trước một trong hai cái trụ xây hai bên một khoảng trống của giậu cây thanh táo làm lối ra vào giếng, Lão dùng sơn đỏ viết chân phương mấy chữ “Miễn hỏi, cứ tự nhiên”. Người qua cổng rẽ vào giếng nhìn mấy chữ ấy, dù bất kể họ ở dạng người nào, tính nết ra sao, quanh thành giếng cũng trở nên nhuần nhã. Lòng không định, nhưng đôi chân đã đưa Lão ra tới mép sân. Sau giậu cây thanh táo, cô gái lạ bê chậu quần áo vừa giặt xong ngẩng lên. Trông thấy Lão, miệng cô há hốc, mắt nhướng lên như bất ngờ trông thấy tiên ông từ trong truyện cổ tích hiện hình. Cô lắp bắp chào, rồi đưa mắt hướng ra cổng. Lão giơ một bàn tay nhẹ vẫy: “Khoan đã. Khoan đã. Cháu vào chơi ta hỏi”. Trên thềm nhà, như thường lệ cứ xế chiều Lão bà trải sẵn một tấm chiếu, trên chiếu đặt bộ chuyên chén, một phích nước, một lọ chè. Lão vừa ngồi xuống một góc chiếu, vừa chỉ cho cô gái ngồi góc đối diện. Lão bà tự ngồi giáp phía ngoài cô gái, có ý làm chỗ dựa cho cô. Thấy cô còn lúng túng, Lão bà giúp cô giới thiệu cô với Lão: Cô là một kĩ sư mới về làm việc ở Trạm nghiên cứu bảo vệ hệ sinh thái vùng nước mặn ven biển, vừa thành lập. Trạm đặt ở phía ngoài đê, gần với cửa sông, giáp biển. Trong lúc Lão bà nói giùm, cô gái có đủ thời gian lấy lại bình tĩnh. Cô chợt nhận ra nửa mớ tóc vừa gội chưa kịp cặp lại của mình đang vắt qua vai, chẩy qua ngực, xuống eo sườn, cô len lén hất lại sau lưng. Gương mặt vừa chớm bắt nắng của cô nổi bật lên với đôi tai nho nhỏ, mong mỏng, trắng hồng, trông như hai cái vỏ sò huyết. Đôi mắt to, sâu như đang chứa chất những cái nhìn xa vời vợi. Lão vừa rót nước vừa hỏi: “Cháu tên gì?”. Cô gái ngường ngượng: “Thưa cụ tên cháu là Thiên Hương”. Lão gật đầu: “Thiên Hương. Tên hay lắm”. Thiên Hương mạnh dạn hơn lên và nói như để thanh minh: “Thưa cụ không phải cháu định lấy tên làm mẽ đâu. Bố cháu tên Thiên, mẹ cháu tên Hương. Sinh cháu, bố mẹ cháu ghép hai chữ ấy lại làm tên khai sinh cho cháu”. Lão gật đầu khen: “Vậy càng đẹp”. Lão sợ Thiên Hương cho mình là người xoi mói, Lão đắn đo: “Cháu vui lòng cho ta hỏi nhé ! Trong thời buổi này, vì cớ gì mà một cô gái thành thị như cháu lại về nơi xa xôi hẻo lánh này ?”. Thiên Hương vui vẻ trả lời: “Thưa cụ đấy là… vì ý thích của cháu thôi ạ. Hồi còn đi học, ở thành phố đất chật, cháu phải xo xúi nuôi, trồng hàng chục loại cây, con trên lan can, sân thượng. Bây giờ… tự nhiên cháu được cả một vùng đất đai, sông biển rộng mênh mông, cháu thích lắm”. Lão gật đầu: “ờ ờ” và lại hỏi: “Cháu thì vậy… bố mẹ cháu nghĩ sao?”. Thiên Hương trả lời lưu loát: “Thưa cụ. Mẹ cháu đến bây giờ vẫn chưa bằng lòng đâu ạ. Cháu là đứa con duy nhất của bố mẹ cháu. Hồi cháu mới vào đại học, mẹ cháu bảo cố kiếm lấy cái bằng đại học cho bằng chị bằng em. Ra trường nếu được làm việc ở thành phố thì thủng thẳng đi làm cho vui. Nếu phải đi xa thì ở nhà lấy chồng… Bố cháu là một nhà doanh nghiệp lớn… Bố cháu giàu lắm. Mẹ cháu dụ: Sẽ xin bố cháu cho cháu một cửa hàng, hay một xưởng thợ làm của hồi môn. Nhiệm vụ duy nhất mẹ cháu giao cho cháu là lấy chồng, sinh con. Còn ý thích của cháu thì mẹ cháu bảo: “Đàn bà con gái ham hố giời ơi đất hỡi làm gì. Nếu thích thì cứ những lan can, sân thượng kia cũng nuôi, cũng trồng, cũng nghiên cứu chán”. Lão cảm thấy hơi lo lo cho Thiên Hương. Lão hỏi cắt ngang: “Bố cháu nói sao?”. Thiên Hương nói như reo: “Bố cháu thì tuyệt vời cụ ạ. Bố cháu bảo nếu cháu không thực hiện được ước mơ của cháu thì công bố cháu lao tâm khổ tứ kiếm tiền sẽ là công bỏ đi. Tiền của mà bố cháu chắt chiu tích góp cũng chẳng có ý nghĩa gì… Thế là cháu như chim xổ lồng, lại được chắp thêm lông cánh. Bố cháu còn hứa sẽ mua sắm cho cháu đầy đủ những thứ cần thiết cho làm việc và nghiên cứu, không phải ngồi chờ trông đợi ở cơ quan”. Thiên Hương ngừng lời, đưa mắt nhìn lên cao và hạ thấp giọng: “Cháu cầu giời khấn phật mách bảo mẹ cháu, để mẹ cháu sớm hiểu cho bố con cháu”. Thấy nét mặt Lão thay đổi khác thường, Thiên Hương chột dạ, lúng túng, ngừng lời. Lão nhìn Thiên Hương như nhìn một cái gì lạ lắm (?). Thiên Hương ngồi đó!… Nhưng Lão lại cảm thấy Thiên Hương đang bay đi rất xa… Lão bay theo, đuổi bắt! Mãi Lão mới quay về thực tại. Lão hỏi: “Cháu làm việc, ăn ở ngoài trạm có khó khăn lắm không?”. Thiên Hương đang bị những thay đổi khác thường trên gương mặt Lão cuốn đi. Nghe Lão hỏi chợt bừng tỉnh: “Dạ thưa cụ…”. Lão vừa giơ tay ngăn lại vừa nói lời âu yếm: “Đừng gọi chúng ta là cụ… Chúng ta là ông bà”. Thiên Hương vừa ngỡ ngàng vừa chớm thấy một cái gì đẹp lắm đột ngột đến. Thiên Hương lấn bấn: “Dạ… Thưa… không có gì khó khăn lắm… ông ạ. Chỉ có sinh hoạt cá nhân có lúc hơi bất tiện. Vì ở trạm hiện giờ lộc ngộc toàn đàn ông”. Lão gật đầu xác nhận, rồi nói điều như đã được bàn rồi: “Đây ra đấy không xa. Cháu về nhà ở với ông bà”. Lão bà bất ngờ, nhưng chỉ thoáng cái, tâm trạng bà chuyển sang hồi hộp chờ đợi một niềm vui mới. Thiên Hương lúng túng, nhưng thành thực: “Thưa… ông bà, cháu làm việc ở đây không phải chỉ tính tháng, tính năm, mà là lâu dài. Vì cháu thấy cần phải thế. Có khó khăn gì cháu phải tự khắc phục và tìm cách ổn định cho mình. Ông bà già rồi cháu đâu dám làm phiền ông bà nhiều như vậy”. Lão đưa tay ngắt lời Thiên Hương, rồi nói lời quyết định: “Phiền toái gì ! Nhà ông bà đây, cháu ở mười năm… trăm năm !… Kể cả khi ông bà chết rồi, cháu vẫn cứ ở !”. Vì quá bất ngờ Thiên 153 Hương ngả xuống lòng bà. Bà một tay vuốt nhẹ trên mái tóc, một tay vỗ vỗ trên tấm lưng tròn lẳn của Thiên Hương như âu yếm, cưng nựng đứa cháu thơ. Ngôi nhà đang trong chuỗi ngày gần như hoàn toàn im lặng. Có lúc sự lụi tàn đã thập thò ngoài ngưỡng cửa, nay lại lách cách tiếng đục, tiếng tràng, lúc thưa, lúc nhặt, lúc khoan thai, lúc dồn dập nhịp ba, nhịp bốn. Bên ngoài, quanh thành giếng nơi góc vườn, sau những tiếng rì rầm là những chuỗi cười của một già, một trẻ hoà quyện vào nhau rung rinh giậu cây thanh táo. Vào một buổi chiều vừa tỉa xong những đường nét mà trước khi đặt mũi dao vào khối thực, Lão phải tỉa trong giả tưởng đến cả chục lần, rời nơi làm việc, Lão bước ra ngồi trên chiếc chiếu Lão bà vừa trải. Lão khoan khoái thưởng thức sự thành công trong những đường nét vừa tỉa. Ngồi trong gian buồng vừa ở, vừa làm việc lúc ở nhà, nhìn ra thấy Lão hiền như tiên ông, vui như đứa trẻ, Thiên Hương bước đến đứng đằng sau vừa bóp vai cho Lão, vừa nũng nịu: “Ông đang làm tác phẩm gì đấy ? Cháu vào xem được không ?”. Lão: “ờ ờ… được chứ, nhưng phải chờ ít ngày nữa. Từ hôm nay đến hôm ấy, ông vẫn cấm cháu không được vào. Nhớ đấy”. Thiên Hương bậm bịu: “Sao lại phải thế hả ông ?”. 154 Lão: “ờ ờ là… vì phải thế”. Thiên Hương vừa ấn mạnh vừa dồn hai bàn tay về phía cổ Lão, hai chân giậm, giậm, mồm bậm bịu như đứa trẻ lên năm lên bảy: “Ông hóm lắm”. Lão ngúc ngắc gỡ cổ ra, cười khà khà: “Cha mày”. Lão hoàn tất công trình vào một ngày chủ nhật. Hôm ấy trời đẹp lạ thường. Da trời xanh trong cao vời vợi. Ánh sáng như không phải từ mặt trời phát ra, mà là từ chốn cao xanh kia rót xuống. Sau một giờ kiểm tra lau lọt lại công trình, Lão tự tay thu dọn đồ nghề, xếp lại những tấm đệm vẫn ngồi làm việc. Nền nhà được quét dọn lau chùi sạch sẽ. Hai tấm thảm mới được trải ra. Tầm già buổi non trưa, khi ánh sáng trời đẹp nhất, Lão mở hết các cửa sổ, cửa chính và cửa thông gian, rồi gọi bà cháu Thiên Hương cùng vào. Chờ Thiên Hương bớt ngỡ ngàng trước cái vật to lù đang phủ tấm vải hồng điều, Lão bảo: “Cháu mở ra”. Thiên Hương run bấn cả người. Lão phải giúp một tay mới gạt được tấm vải sang bên cạnh. Vừa ngẩng lên, Thiên Hương đã choáng ngợp trước một công trình kì lạ. Không gian, ánh sáng, con người trong căn phòng càng yên lặng, cái lung linh, kì ảo của cái công trình ấy càng lấp lánh, xao động. Đã định 155 thần được từ lâu, Thiên Hương cũng mới chỉ quan sát được một chút: Kia là sông biển, suối khe có những đàn cá tung tăng bơi lội. Kia, những cánh đồng mênh mông, những con trâu, con bò đang gặm cỏ, những con bê, con nghé đang nhởn nhơ quanh mẹ. Kia, những cánh rừng bạt ngàn. Bên bìa rừng những đàn hươu đang nghển cổ bứt lá; những đàn voi đang trầm mặc dạo bước. Trên những cành cây cao cao những chú khỉ, con đang hái quả, con đang đùa giỡn. Trên cao nữa, những con chim đang bay lượn, nhảy nhót chuyền cành. Trên những ngàn hoa, những bầy ong đang mải mê hút mật. Quanh gốc cây, những đàn kiến đang mải miết tha mồi. Đây, những núi non trùng điệp. Bên những hang hốc trên vách núi, những con thằn lằn, tắc kè, kì đà, con cắn đuôi nhau, con thập thò vào ra… Kìa… Kìa, trước một cửa hang dưới chân núi, con hổ mẹ đang nằm nghiêng mình cho con bú, đuôi ve vẩy, mắt lim rim; con hổ bố nằm xoay ngang, ngẩng mặt ngắm nhìn… Ở nơi quang đãng giữa công trình có một đài cao. Đứng trên bậc giữa thân đài, một người đàn ông đứng tuổi, gương mặt đôn hậu, nghiêm nghị, mang dáng dấp người cha, giơ tay nâng đỡ người con gái đang tuổi trưởng thành, đứng ở trên đỉnh. Trong tư thế đứng thẳng người, mớ tóc dài theo gió bay về phía sau, đôi mắt nhìn bao quát, người con gái một tay giơ lên như vẫy gọi, bàn tay kia hơi úp xuống đưa ngang ra xa, như đang che chở cho tất cả những gì có ở chung quanh… Biết không thể quan sát hết ngay một lúc, Thiên Hương lùi lại bên Lão băn khoăn hỏi: “Ông ơi, ông định đặt tên công trình của ông là gì?”. Lão bước lên vừa nhấc cái khăn lau kính mắc ở một mảng phẳng, dựng đứng, ở gần đế công trình mà nãy giờ Thiên Hương chưa để ý đến, vừa bảo: “Tên nó đây”. Thiên Hương sững sờ khi thấy hai chữ THIÊN HƯƠNG trùng với tên mình, Thiên Hương lấn bấn giật giật cánh tay Lão: “Ông ơi, thế là thế nào”. Lão rưng rưng nước mắt âu yếm vỗ vai Thiên Hương: “Là của cháu đấy, cháu giữ lấy”. Mắt Thiên Hương hoa lên, tai ù ù, chân tay bủn rủn. Lão bà ôm lấy Thiên Hương./.

Tháng 8 – 2005

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder