Từ thế kỷ 20 bước sang thế kỷ 21, đất nước đã hòa bình thống nhất. Bước sang thời kỳ Đổi mới, tiếp đến là sự hội nhập của Việt Nam với toàn cầu, hoàn cảnh đời sống xã hội, nhà trường và gia đình đều đã thay đổi toàn diện, bởi thế đề tài nhà trường trong văn học đương đại cũng đã có sự biến đổi lớn.
Từ thế kỷ 20 bước sang thế kỷ 21, đất nước đã hòa bình thống nhất. Bước sang thời kỳ Đổi mới, tiếp đến là sự hội nhập của Việt Nam với toàn cầu, hoàn cảnh đời sống xã hội, nhà trường và gia đình đều đã thay đổi toàn diện, bởi thế đề tài nhà trường trong văn học đương đại cũng đã có sự biến đổi lớn.
Trước hết, từ xu hướng văn hóa giải trí lan truyền trong nhiều lĩnh vực từ ca nhạc, điện ảnh, truyền thông… đã ít nhiều tràn vào văn học. Những tác phẩm viết cho trẻ em nói chung và viết về đề tài nhà trường nói riêng đã nghiêng về cách viết nhẹ nhàng, đi vào những câu chuyện sinh hoạt đời thường, tạo nên những nhân vật học trò ngây thơ, khơi gợi một cảm hứng thiện lành trong trẻo.
Người thành công hơn cả trong xu hướng này là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Từ những tác phẩm ban đầu như Bàn có năm chỗ ngồi, Thằng quỷ nhỏ… đến bộ sách lớn Kính vạn hoa (gồm 45 tập) kéo dài trong sáu năm, có thể nói rằng đó là những cuốn sách viết về nhà trường khá phù hợp với tâm lý thưởng thức của học trò, nhất là học trò thành thị. Vốn cũng là một thầy giáo, Nguyễn Nhật Ánh thật sự rất thành công trong việc thể hiện tâm lý trẻ em, cách viết của anh rất “trúng” với những cung bậc vui buồn của bạn đọc nhỏ tuổi. Tất cả các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh đều ca ngợi tuổi thơ, đều ước mơ con người được sống trong một thế giới ngây thơ (Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ). Các nhân vật của Nguyễn Nhật Ánh, dù là trẻ em hay là những con vật (Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ) đều có lời nói và hành động như đang ở một thế giới mà ở đó các cô bé và cậu bé đều không bao giờ lớn! Có lẽ đây là sở trường của anh và dù có rất quý mến anh, tôi cũng phải nhận ra rằng đó cũng là điểm hạn chế. Dù trẻ em có rất thích đọc sách của Nguyễn Nhật Ánh thì bạn đọc vẫn luôn luôn nhận ra khoảng cách giữa các “nhân vật và đời sống trong sách”, với con người có thực cùng đời sống phức tạp dữ dội của nhà trường hiện nay.
Trong thời gian qua, bên cạnh Nguyễn Nhật Ánh cũng có không ít các tác giả đã dấn thân vào công việc viết cho trẻ em. Bạn đọc nhớ đến nhà văn Trần Hoài Dương, vốn là một tác giả từ thời kháng chiến chống đế quốc Mỹ, ông đã vào thành phố Hồ Chí Minh sinh sống và đam mê viết cho đến lúc lìa đời vẫn còn khao khát viết cho thiếu nhi. Ông cũng đã có những truyện ngắn động chạm đến bức xúc của vấn nạn quá tải học đường như truyện “Ước gì cháu được về hưu” (trong tập truyện Nàng công chúa biển).
Với đề tài nhà trường, có những tác phẩm khá xông xáo cập nhật vấn đề gai góc như Học trò phố huyện của Nguyên Hương (TP Buôn Ma Thuột, Đác Lắc). Trong tác phẩm này, tác giả đã thể hiện đời sống của các em ở lứa tuổi 14, 15, 16 từ các vùng quê xa lên trọ học ở thành phố, có em vượt lên được số phận, nhưng cũng có em sa vào vòng nghiện hút ma túy để rồi được tình bạn học trò nâng đỡ, những em học sinh sa ngã đã đứng dậy bước tiếp vào đời sống lành mạnh.
Trong những năm tháng đổi mới, cũng có những tác giả xuất thân là giáo viên với tấm lòng yêu nghề mến trẻ đã cầm bút viết như Lưu Thị Lương (TP Hồ Chí Minh) với Ngôi trường không nổi tiếng; tác phẩm của chị cũng đã được nhiều bạn đọc mến mộ.
Ở vùng miền núi xa xôi, tác giả Lục Mạnh Cường, một thầy giáo trẻ ở Hà Giang cũng đã liên tiếp giành được những giải thưởng cao trong các cuộc thi của Dự án hỗ trợ Văn học thiếu nhi Việt Nam- Đan Mạch… Có thể kể ra ở đây nhiều tên tuổi nữa như Cao Xuân Sơn, Trần Quốc Toàn (TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Đức Quang, Nguyễn Thụy Anh, Thu Hằng (Hà Nội), các anh các chị đang là những nhà văn, nhà giáo, nhà báo ngày đêm bám sát thực tế phong trào văn học cho thiếu nhi, lặng lẽ làm việc cho sự tồn tại của dòng chảy văn học thiếu nhi không hề dừng lại…
Tuy nhiên khi nhìn vào bức tranh tổng thể của các nền văn học viết về nhà trường những năm tháng vừa qua, những người theo dõi văn học Việt Nam vẫn có một cách đánh giá chung chung là không có tác phẩm hay! Phải chăng chúng ta đang rất thiếu những nhà nghiên cứu phê bình văn học bám sát thực tế thị trường sách để đọc và biểu dương những tác phẩm hay viết cho thiếu nhi? Một khi phải đi trong “khu rừng im lặng” (chữ của nhà văn Võ Quảng), sẽ không ít các tác giả nản lòng. Dù có yêu trẻ và yêu văn học, dù có kiên trì lặng lẽ sáng tác để cho ra đời hết cuốn sách này đến cuốn sách khác, họ cũng không được xã hội chú ý xứng đáng, điều ấy có phải chỉ thiệt thòi riêng cho người viết? Có lẽ đã có một sự thiệt thòi lớn hơn cho người đọc và cho cả sự phát triển của nền văn học hiện nay của chúng ta. Ngay cả trong giới văn chương chính thống như Hội Nhà văn Việt Nam, bộ phận Văn học thiếu nhi cũng chưa được đánh giá đúng đắn. Trong Đại hội Nhà văn lần thứ VIII, Ban Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn đã bị giải thể và sáp nhập vào là một thành viên của Ban Văn học chuyên đề (bao gồm văn học công nhân, nông dân, dân tộc thiểu số, công an, quốc phòng và thiếu nhi). Việc quan niệm “Văn học thiếu nhi” như một “đề tài”, một “chuyên đề” có lẽ là một quan niệm chưa đúng về lý luận. Văn học thiếu nhi có đặc điểm cơ bản khác với các đề tài hay chuyên đề văn học khác chính là đối tượng hưởng thụ văn học (trẻ em – người chưa trưởng thành-vị thành niên).
Nhà văn viết cho thiếu nhi không chỉ là người viết văn hay mà còn phải hiểu tâm lý trẻ em, phải là người yêu trẻ.
Nhà nghiên cứu văn học thiếu nhi không chỉ có lý luận văn học nói chung mà còn cần hiểu biết về tâm lý học trẻ em nữa. Sự yếu kém của Văn học thiếu nhi Việt Nam hiện nay (trong đó có bộ phận quan trọng là văn học viết về nhà trường) có phần nguyên nhân từ sự lúng túng ở đội ngũ các tác giả, nhưng cũng có phần ở sự chỉ đạo của các cơ quan chức năng, chưa quan tâm và đánh giá đúng vai trò ý nghĩa của văn học thiếu nhi. Trong một hội thảo khoa học quốc tế, tôi được biết có một học giả nước ngoài đã nói “Văn học cho trẻ em là tương lai của văn học thế giới”, tôi thiết nghĩ nói như vậy cũng không có gì là quá.
Đứng trước thực tế sôi động hiện nay, hơn bao giờ hết trẻ em cần có những tác phẩm viết về nhà trường của chính các em, động chạm đến những câu hỏi, những vấn đề bức xúc của thế hệ trẻ hôm nay. Trong văn học thiếu nhi, mảng văn học về nhà trường, cập nhật trực diện đời sống lớp người vị thành niên, đang đòi hỏi những tác giả mới dám dấn thân vào một hiện thực mới, để sáng tạo ra những tác phẩm mới thức tỉnh một thế hệ bạn đọc vươn dậy tự hoàn thiện nhân cách của mình nhằm tạo ra một sức sống mới cho văn hóa dân tộc Việt Nam. Chính vì sự cần thiết cấp bách này, người cầm bút hiện nay mong muốn sự quan tâm, chú ý của các cơ quan chức năng và của toàn xã hội.
Nhà văn LÊ PHƯƠNG LIÊN
Nguồn: Báo Nhân Dân