Nhân việc Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc sắp sang thăm Việt Nam…
———————————————————
Chuyện của giới văn sĩ hiếm khi trở thành chủ đề giành được sự quan tâm lớn của người dân Trung Quốc. Nhưng khi nhà văn Thiết Ngưng trúng cử vào vị trí Chủ tịch Hội Nhà văn tại Đại hội 7, dư luận đã không còn thờ ơ.
Thiết Ngưng, là nữ chủ tịch đầu tiên và trẻ nhất trong lịch sử 57 năm của Hội Nhà văn Trung Quốc. Hai vị tiền nhiệm của bà, nhà văn Mao Thuẫn (1896-1981) giữ chức vụ này khi ông 53 tuổi còn nhà văn Ba Kim (1905-2005) trở thành người dẫn dắt văn đàn Trung Quốc khi ông đã bước vào tuổi 80. Đối với hai nhà văn bậc thầy của nền văn học hiện đại Trung Quốc này, chiếc ghế chủ tịch dường như chỉ là chức vị danh dự.
Khi kết quả cuộc bầu chọn vị trí chủ tịch Hội được công bố, dư luận đã nóng lên bởi những cuộc thảo luận về vị tân chủ tịch và khả năng mở ra một kỷ nguyên mới trên văn đàn Trung Quốc.
“Việc lựa chọn một nhà văn tương đối trẻ như thế vào chiếc ghế chủ tịch cho thấy bước thay đổi cơ bản của Hội nhà văn trong kỷ nguyên mới”, Dương Hoành Hải, một nhà văn kỳ cựu người Thâm Quyến nhận định.
“Xưa nay, chủ tịch Hội chỉ là một chức danh mang tính tượng trưng dành cho các nhà văn lớn. Bây giờ, chúng tôi hy vọng, một vị lãnh đạo trẻ tuổi sẽ mang đến sự năng động và một luồng sức sống mới cho Hội, giúp các nhà văn bắt nhịp với lối viết thiết thực hiện nay”, nhà văn Thượng Hải Diệp Vĩnh Liệt bày tỏ.
Một tác giả quan trọng
Trong thời đại Internet, khi những tên tuổi mới mọc lên như nấm sau mưa, Thiết Ngưng có thể không phải là nhà văn nữ nổi tiếng nhất trên văn đàn nhưng các nhà phê bình cho rằng, bà là người có được sự ái mộ lớn của cả độc giả lẫn dân trong nghề.
Những tác phẩm thời kỳ đầu của Thiết Ngưng như Ôi hương tuyết, Áo đỏ không có cúc đã được chuyển hóa thành các bộ phim đoạt được giải thưởng lớn vào những năm 1980. Những tiểu thuyết về sau của bà cũng được chuyển hóa thành các series phim truyền hình ăn khách suốt hàng thập kỷ qua. Sáng tác của bà được đông đảo độc giả đón nhận và đã dịch ra nhiều thứ tiếng, xuất bản tại nhiều quốc gia.
Năm 2003, Thiết Ngưng được độc giả tạp chí Tiểu thuyết chọn lọc bầu chọn là một trong “Mười nhà văn nổi tiếng nhất thế kỷ”.
Hai thập kỷ qua, bà đảm nhận vị trí chủ tịch Hội nhà văn Hà Bắc, phó chủ tịch Hội nhà văn Trung Quốc.
Bà gây ấn tượng cho nhiều người bởi tầm nhìn thiết thực và nỗ lực giúp các nhà văn địa phương tiếp cận với những cơ hội sáng tạo.
“Dù rất bận rộn nhưng bà vẫn dành thời gian đọc để đánh giá các cuốn tiểu thuyết trên thị trường”, Dương Kiếm Bình, hội viên Hội nhà văn Hà Bắc, cho biết.
Sinh năm 1957 tại Bắc Kinh trong một gia đình nghệ thuật, Thiết Ngưng trải qua những năm tháng tuổi thơ ở Bảo Định (Hà Bắc). Khi còn là một đứa trẻ, nhà văn cũng phải nếm trải mùi vị cay đắng của những biến động lịch sử và thường tìm niềm an ủi cho mình trong sách vở.
Những tác phẩm văn học nước ngoài như Jean-Christophe của nhà văn Pháp Romain Rolland (1866-1944), đã có ảnh hưởng rất lớn đến cách nhìn nhận đất nước và thế giới của nhà văn.
Tự tin, năng động nhưng rất nữ tính.
Bà bắt đầu viết truyện ngắn khi còn là học sinh năm cuối trường trung học. Sau khi tốt nghiệp trung học năm 1975, nhà văn khăn gói về nông thôn để tìm hiểu cuộc sống của người nông dân.
Cũng trong năm đó, tác phẩm đầu tiên của bà Chiếc liềm biết bay ra mắt tại Nhà xuất bản Bắc Kinh. Nhận được những lời khích lệ lớn cho sản phẩm trình làng, Thiết Ngưng tiếp tục viết một cách say mê trong khoảng thời gian sống tại một ngôi làng ở phía tây tỉnh Hà Bắc.
“Nhìn lại quãng thời gian sống ở nông thôn, tôi thấy biết ơn cuộc đời vô cùng. Những tháng ngày lao động cật lực trên đồng ruộng, làm bạn với những người nông dân đã giúp tôi am hiểu sâu sắc về thế giới tinh thần của người dân Trung Quốc”, nhà văn tâm sự.
Năm 1979, Thiết Ngưng làm biên tập viên văn học cho tạp chí Hoa Núi có trụ sở tại Quý Châu. Nhưng không lâu sau, bà trở lại Bảo Định làm việc cho Liên đoàn văn học Trung Quốc tại chi nhánh Bảo Định và bắt đầu con đường trở thành nhà văn chuyên nghiệp.
Những tác phẩm như Ôi hương tuyết và Áo đỏ không có cúc là những bức chân dung tinh tế và nhạy cảm về cuộc sống thường nhật của tầng lớp bình dân.
Quan tâm đến đời sống nông dân
Nhà văn dành tình cảm đặc biệt sâu sắc cho nông thôn Trung Quốc và cuộc sống của người nông dân. Trong rất nhiều tác phẩm của Thiết Ngưng, độc giả hình dung được bức tranh rõ nét về cuộc sống đầy rẫy đau buồn cũng như chân dung của những phụ nữ Trung Quốc điển hình. Trong những sáng tác khác, nhà văn lại vẽ nên bức tranh toàn cảnh về nông thôn Trung Quốc trong sự phát triển mạnh mẽ của xã hội.
Năm 1986 và 1988, bà xuất bản hai cuốn tiểu thuyết Mạch khiết đóa và Miên hoa đóa phản ánh thân phận người phụ nữ trong nền văn hóa và tập tục truyền thống. Hai tác phẩm này đánh dấu sự chuyển hướng sáng tác của nhà văn tới văn hóa truyền thống Trung Quốc.
Thiết Ngưng cho biết, bà muốn “qua lịch sử gia đình thể hiện những bước đi lớn của lịch sử Trung Quốc trong kỷ nguyên đầy biến đổi này”.
Khi được hỏi, tại sao bà chỉ quan tâm đến đời sống nông thôn trong khi rất nhiều nhà văn khác chú tâm đến khai thác các đề tài ở thành phố mà họ đang sống, Thiết Ngưng giải thích: “Tôi hy vọng, tôi có thể chuyển tải được vẻ đẹp trong cảm xúc và những mối quan hệ của con người ở nông thôn Trung Quốc. Những chuẩn mực cơ bản của đạo đức con người vẫn được lưu giữ trong trái tim mỗi con người”.
Thiết Ngưng tin rằng mục đích của văn học không chỉ là thể hiện những niềm vui nỗi buồn của cá nhân mà còn phải phản ánh được nhịp đập của cuộc sống hiện đại thông qua trải nghiệm của cá nhân.
“Với tôi, viết không phải là một sứ mệnh. Tôi không có sự lựa chọn nào khác ngoài viết văn. Chỉ có được làm như thế, tôi mới cảm nhận được sự thoải mái, niềm vui trọn vẹn và sự bình yên trong tâm hồn. Tiểu thuyết là những món quà tôi dành tặng độc giả”, nhà văn tâm sự. “Như người nông dân cày sâu cuốc bẫm trên đồng ruộng, tôi cũng gắn bó sâu nặng với cuộc đời để nuôi dưỡng tâm hồn mình. Tôi sẽ luôn trung thực với thời đại mà tôi sống, với ngòi bút, với lương tâm và với những độc giả yêu thương”.
Thanh Huyền
(Nguồn: vnexpress.net)