Xem ra hai giai thoại về câu đối nhanh trí của hai thần đồng có vẻ na ná như nhau. Chỉ có điều là thần đồng Nguyễn Hiền của ta sinh vào năm 1234, còn thần đồng Thái Ngạc sinh vào năm 1882, sau Nguyễn Hiền những gần 650 năm. Liệu có phải thần đồng Trung Quốc học thần đồng Việt Nam chăng?…
Giai thoại văn học Việt Nam còn truyền lại nhiều chuyện của thần đồng Nguyễn Hiền (1234 – 1255), người làng Dương A, huyện Thượng Hiền, phủ Thiên Trường, ( nay là làng Dương A, xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Ông thông minh từ khi còn thơ ấu, đã đỗ trạng nguyên khi mới 12 tuổi.
Chuyện kể rằng: Hồi mới lên bảy tuổi, Nguyễn Hiền thường hay chơi trò nặn đất với bọn trẻ mục đồng. Một lần trạng nặn con voi đất, rồi lấy bốn con cua để vào bốn chân, lấy đỉa làm vòi, lấy bướm làm tai, thành ra voi đất cũng cử động được, khiến bọn trẻ vui thích reo hò ầm ĩ.
Chợt một ông quan đi qua đứng lại xem và hỏi chuyện cậu bé Hiền. Thấy cậu bé khéo léo lại láu lỉnh, ông quan liền đọc đùa một câu: “Ðồng tử ngũ lục nhân, vô như nhĩ xảo!” (Bọn trẻ năm sáu đứa, không đứa nào khéo bằng mày).
Cậu bé Hiền thấy vậy, hỏi ông quan rằng: “Trước hết xin ông cho biết ông làm chức quan gì?”. Quan nói: “Ta là quan thái thú ăn lương hai ngàn hộc”.
Thấy quan có ý khoe khoang, cậu bé Hiền liền đọc rằng: “Thái thú nhị thiên thạch, mạc nhược công …” Quan thái thú ăn lương hai ngàn hộc, chẳng ai. . . bằng ông).
Quan cười bảo: “Ðối còn thiếu một chữ!”. Nguyễn Hiền nài cho tiền rồi sẽ đối nốt. Quan cho tiền xong, cậu bé Hiền liền bổ sung rằng: “Thái thú nhị thiên thạch, mạc nhược công liêm ( Thái thú ăn lương hai ngàn hộc, chẳng ai liêm bằng ông).
Quan chịu là giỏi, nhưng vui miệng hỏi thêm: “Thế nếu ta không cho tiền, thì cháu đối chữ gì?”.
Nguyễn Hiền trả lời: “ Khó gì? Nếu ông không cho tiền thì tôi chỉ việc điền chữ “tham” vào thôi!”.
Quan biết thằng bé láu cá, đành phải bỏ đi không dám trêu chọc gì nữa, kẻo lại mang tiếng “to đầu mà dại”!.
Trong giai thoại Văn học Trung Quốc, thấy có một câu chuyện về cậu bé Thái Ngạc, cũng nổi tiếng thần đồng, tương tự câu chuyện trên.
Thái Ngạc (1882- 1916), tên thật là Thái Cấn Dần, tự Tùng Pha, một lãnh tụ cách mạng và quân phiệt Trung Hoa, ông đã nổi tiếng với vai trò thủ lĩnh lực lượng chống lại mưu đồ đế chế của Viên Thế Khải. Trong dân gian phổ biến rộng rãi nhiều giai thoại và câu đối thời tuổi trẻ của ông.
Vào một ngày, cậu bé Thái Ngạc đến thị trấn để mua đồ dùng học sinh, ông chủ hiệu rất thích cậu bé vừa có văn hóa vừa có lễ độ này liền trêu đùa cậu ta và nói: “Tiểu tướng quân, nhìn cậu giống như một thư sinh vừa có văn hóa vừa lễ phép, tôi ra cho cậu một vế đối, cậu mà đối được hôm nay cậu mua bất cứ đồ vật gì tôi đều không lấy tiền.
Thái Ngạc nghe và vui vẻ và trả lời: “Xin ông hãy ra đối để cháu thử xem!”
Chủ hiệu suy nghĩ một chút rồi đọc vế ra đối: ” Tiểu thư sinh tam niên hữu khánh” ( Học trò nhỏ ba năm có lời chúc) .
Thái Ngạc thốt ra vế đối lại: “ Đại lão bản tứ quý phát tài” ( Ông chủ lớn bốn mùa phát tài). Nghe xong, ông chủ ngạc nhiên vô cùng, sau đó tặng cậu ta 4 pho sách quý.
Ngày khác, Thái Ngạc, xuống sông tắm, quần áo treo trên các cành liễu bên sông, một vị danh sĩ ở địa phương tên là Tác Phàn Trĩ nhìn thấy, tức thì ra vế đối: “ Thiên niên liễu thụ tác y giá” ( Ngàn năm cây liễu làm giá áo).
Thái Ngạc đang dầm mình dưới sông liền đối lại: ” Vạn lý sơn hà đương táo bồn “ (Vạn dặm núi sông đang là bồn tắm). Tác Phàn Trĩ nghe xong, thấy cậu bé nhanh trí liền ca ngợi mãi không thôi.
Sau đó, cậu bé Thái Ngạc lên thành phố tham gia “ trẻ con thi “. Cậu được bố kiệu trên vai. Ngồi trên vai bố, cậu bé gọi là ” kỵ mã mã” (cưỡi ngựa). Viên quan huyện làm chủ khảo thấy thế liền ra một vế đối: “ Tử tướng phụ tác mã” (Con lấy cha làm ngựa ).
Thái Ngạc liề ứng đối: “ Phụ vọng tử thành long” ( Cha muốn con thành rồng).
Quan huyện nghe xong liền ca ngợi: “ Tuyệt vời, tuyệt vời, đúng là thần đồng rồi!”
Trong một dịp khác, Thái Ngạc và các bạn thả diều, bất ngờ diều rơi vào sân nha phủ của một viên thái thú, cậu và các bạn của mình phải vào phủ tìm diều giấy. Ngài Thái thú đi tới, yêu cầu cậu phải đối câu đối, đối được thì ông ta mới trả diều. Viên quan đọc vế ra đối : “ Đồng tử lục thất nhân, vô như nhĩ xảo”( Trẻ con sáu bảy đứa không đứa nào ranh mãnh như mày)
Tuy nhiên, vế đối ra rõ ràng điều này xúc phạm coi khinh Thái Ngạc, nhưng mà Thái Ngạc suy nghĩ một lúc, sau đó đọc vế đối lại: “ Thái thú hai nghìn thạch, duy hữu công…” ( Thái thú lương hai nghìn thạch…) đọc xong liền dừng lại cố ý để mọi người đoán, không nói hết câu. Viên thái thú liền nhắc nhở còn chữ cuối nữa…
Thái Ngạc liền nói: “Nếu ông trả lại diều cho tôi, tôi nói “duy hữu công liêm” (chỉ có ông là liêm) nếu ông không trả diều cho tôi, tôi nói “duy hữu công tham” (chỉ có ông là tham). Thái thú nghe xong, tức thì trả diều cho bọn trẻ, không vì lợi ích của một chiếc diều nhỏ bé mà mang tiếng là một kẻ “tham lam”.
Xem ra hai giai thoại về câu đối nhanh trí của hai thần đồng có vẻ na ná như nhau. Chỉ có điều là thần đồng Nguyễn Hiền của ta sinh vào năm 1234, còn thần đồng Thái Ngạc sinh vào năm 1882, sau Nguyễn Hiền những gần 650 năm. Liệu có phải thần đồng Trung Quốc học thần đồng Việt Nam chăng?
P. T. C