
Nhạc sĩ Phú Quang, người phổ thơ thành công nhiều ca khúc nổi tiếng như “Em ơi Hà Nội phố” (phỏng thơ Phan Vũ), “Đâu phải bởi mùa thu” (thơ Xuân Quỳnh), “Hà Nội ngày trở về” (thơ Thanh Tùng)… đã từng nói: “Tôi hay phổ thơ không phải bởi không viết được ca từ, mà coi đây là sự chuyên nghiệp, như nghề đặc thù, phân công xã hội. Nhạc sĩ viết nhạc, ngôn ngữ chất thơ sao bằng thi sĩ, nên mỗi người một việc”.
Người nhạc sĩ đến với một bài thơ hay, để rồi phổ nhạc, song hành cùng nhà thơ mang đến một giá trị thưởng thức cao hơn nhưng dễ phổ biến hơn – đó là ca khúc. Nhà thơ và nhạc sĩ đã tìm được tiếng nói chung, tìm được sự đồng điệu trong tâm hồn, và âm nhạc chắp cánh cho thơ để biên độ lan tỏa xa hơn, rộng hơn. Có một sự thật hiển nhiên là nếu thơ được phổ, ca khúc được phổ biến, thì nhà thơ được biết nhiều hơn, thêm phần nổi tiếng hơn, thơ được tìm đọc nhiều hơn.
Tuy nhiên trong hàng ngàn nhà thơ Việt Nam đương đại, trong hàng trăm nhà thơ ngày đêm miệt mài sáng tác tại Hải Phòng, thì việc thơ Bùi Thu Hằng được phổ nhạc đến 76 ca khúc, có thể coi là một hiện tượng, cũng lại là cái duyên hy hữu.
Rất nhiều bài thơ được nhạc sĩ sử dụng phổ nhạc, thì nhạc sĩ đều phải dụng công tổ chức lại từ ngữ, khúc thức. Họ thường không bê nguyên xi lời thơ sang bài hát, mà đôi khi chỉ phỏng ý thơ, đảo lại thứ tự các khổ thơ, thay đổi một vài chữ nghĩa cho phù hợp thang âm và điệu thức âm nhạc, để ca từ cũng góp phần làm thành sợi dây liên kết âm thanh lại với nhau tạo thành một chuyển động độc đáo, riêng biệt cho nhạc điệu. Trong phổ nhạc cho thơ lục bát, thì khó nhất là khó thoát khỏi nhịp điệu có sẵn của thể thơ này, bởi vậy nhạc sĩ Phạm Duy đã từng nói “Nếu phổ thơ mà cứ theo tiết tấu có sẵn của thơ lục bát thì vô duyên quá, mình phải sửa lại thôi”.
Ở Bùi Thu Hằng – người phụ nữ đằm thắm, mặn mà như muối biển ấy, sự chân tình và ấm áp, sự sâu sắc về nội dung, cái đẹp lấp lánh ở từng con chữ và những câu thơ giàu nhạc tính được sắp xếp nhịp nhàng trong chuyển động đã lọt “mắt xanh” của nhiều nhạc sĩ. Nhiều bài thơ lục bát thể 6/8, nhịp điệu thơ 5 chữ tươi tắn, mượt mà đã được các nhạc sĩ phổ nhạc.
Những bài thơ của Bùi Thu Hằng đi cùng âm nhạc đều hội đủ những yếu tố: Ý tứ đặc sắc, cô đọng, độc đáo, có những phát hiện mới lạ. Thơ chị kết cấu chặt chẽ, hợp lý, tạo tiết điệu phù hợp, từ ngữ có sức chuyển tải thông tin cao nhất. Điều lạ là thơ Bùi Thu Hằng khi đi với nhạc, vẫn nguyên là những con chữ chứa đựng nội tâm, đầy sức nặng, nhưng lại dung dị, dễ nhớ, dễ thuộc, dễ gần. Thơ của chị gợi cảm hứng, được chuyển hoá từ đường nét, tiết tấu, giọng điệu thơ để trở thành đường nét, tiết tấu của âm nhạc. Như một sự hiển nhiên, thơ Bùi Thu Hằng đã có sẵn 3 yếu tố là Âm thanh – Giai điệu – Cung bậc như để dành cho nhạc sĩ tìm đến và thấu cảm.
Bài thơ cùng tên trong tập thơ đầu tay “Lặng lẽ cánh buồm em” được nhạc sĩ Tùng Ngọc phát hiện ngẫu hứng như anh đã nói “Khi tôi đọc đã thấy từng câu có sự uốn lượn của âm thanh, phong phú của giai điệu mà không cầu kỳ nhàm chán tai nghe” – Những câu thơ của chị đậm chất dân gian đương đại: “Ước neo bến đậu thuyền anh/ Một đời nặng lòng dĩ vãng/ Cánh buồm em đi về mưa nắng/ Biển giận hờn cơn khát chẳng bình yên/ Gió gầy guộc sắc đêm/ Sóng da diết vùi mình trong câu hát/ Em đã khóc hơn một lần biết khóc …” , từ đó đã mang lại nét tương đồng trong ca khúc. Tiếp theo, nhiều bài thơ của Bùi Thu Hằng được các nhạc sĩ tiếp tục phổ nhạc như “Thác Bạc nghiêng – nhạc Nguyễn Kim”, “Thơ tình tháng Năm – nhạc Tùng Ngọc”, “Yêu mãi một màu hoa – nhạc Nguyễn Hương”, “Mùa hè xanh – Nhạc Quốc Thắng” , “ Tình quê An Lão “ nhạc sĩ Duy Kỳ v.v…
Tiếng lành đồn xa, nhiều nhạc sĩ đã mến cái duyên trong con chữ mà “đặt hàng” ca từ với Bùi Thu Hằng như các ca khúc: “Hát về mái trường Đồ Sơn”, “Hương quê”, “Khát vọng Hải Phòng”, “Khát vọng Dương Kinh”, “Gửi về Tân Liên”…
Cũng chính vì sự sẵn có về âm thanh, giai điệu và cung bậc, mà những bài thơ của Bùi Thu Hằng đã được nhạc sĩ suy ngẫm và sáng tạo ra bài hát bằng điệu thức phù hợp, hòa âm trùng khớp. Những khúc đoạn hay nhất trong thơ chị đã được thăng hoa bằng âm nhạc. Sức sống của thi phẩm, danh tiếng của nhà thơ cũng nhờ đó mà lan tỏa thêm.
Một mảng ca khúc xinh yêu, thể hiện tâm trạng tươi xanh trong thơ thiếu nhi Bùi Thu Hằng đã được các nhạc sĩ cảm nhận và phát triển giai điệu. Những sáng tác ấy đều bảo đảm yếu tố: dễ hát, các nốt nhạc không quá thấp hay quá cao; giai điệu đẹp, rộn ràng; lời ca giản dị, trong sáng, dễ thương, cập nhật với đời sống trẻ em hôm nay. Nguồn thơ Thu Hằng với chất liệu đồng dao, ca dao, dân gian rất phù hợp với trẻ em, khi nhạc sĩ khai thác kết hợp tiết tấu, hòa âm, phối khí, sử dụng hơi thở ca từ hiện đại, rất thu hút được các em nhỏ, cho ta thấy niềm vui, lạc quan và tràn đầy năng lượng; Tiêu biểu như các bài hát “Chạy thi” – nhạc Phan Lạc Long: “Bé chạy thi với gió/ Vạt cỏ theo lon ton/ Mặt trời cười nghiêng ngả/ Chị mây xoay vòng tròn”; hoặc: “Bay lên nào gió ơi/ Thơm lên ngàn hương sắc/ Bay lên vàng hoa nắng/Tiếng ve hóng tuổi thơ” (Cùng em bay – nhạc Tùng Ngọc); “Này nắng này gió/ Chúng ta cùng múa/ Này lá này hoa/ Chúng ta cùng thơm” (Mùa hè vui – nhạc Tùng Ngọc)… 6 ca khúc thiếu nhi phổ thơ Thu Hằng đã được dùng giảng dạy tại các lớp phổ cập kiến thức giáo viên hè cho các trường Trung học cơ sở toàn thành phố.
Trong số những bài thơ được phổ nhạc của Bùi Thu Hằng, có một số bài được nhạc sĩ tìm đến bởi có ý, tứ phù hợp với ý định sáng tác ca khúc của họ, mặc dù có thể bài thơ chưa hẳn đã đặc sắc, hoàn chỉnh. Nhưng chính sự đồng điệu nào đó với chị về cảm xúc trong ý tứ, tư tưởng của bài thơ lại giúp người nhạc sĩ tạo nên bài hát hay. Các ca khúc phổ thơ chị có sự gắn kết giữa thơ và nhạc, nhạc thoát thai từ thơ, thơ trước, nhạc sau, nhịp thơ gợi hứng cho giai điệu nhạc. Cấu trúc cung bậc trong nhiều bài thơ, âm thanh lên xuống uyển chuyển, cách phân đoạn, ngắt đoạn gần như đã phù hợp với tiết tấu âm nhạc, điều đó thể hiện “chất nhạc” trong thơ Bùi Thu Hằng. Nếu muốn tim hiểu sâu hơn, có lẽ cần một nhạc sĩ có chuyên môn cao đánh giá cụ thể. Bản thân tôi, như một khán giả yêu thơ và yêu nhạc phổ thơ Bùi Thu Hằng, chỉ có thể đưa ra những cảm nhận bước đầu như vậy về nhạc tính trong thơ chị.
Hơn hai mươi năm theo đuổi nghiệp thơ, trong hành trình sáng tác của mình, với 3 tập thơ “Lặng lẽ cánh buồm em”, Sinh nhật gió”, “Hoa tặng mình”, Bùi Thu Hằng đã chứng tỏ tình yêu bền bỉ với thơ ca. Mặc dù trên thực tế, có lẽ chẳng ai minh định giá trị một nhà thơ lại căn cứ vào việc nhà thơ ấy có được nhiều hay ít bài thơ được phổ nhạc, nhưng với Bùi Thu Hằng, với 76 ca khúc phổ thơ, thì hai phần ba sự nghiệp sáng tác lại là thơ chắp cánh cùng giai điệu âm nhạc – Bởi vậy, thật khó tách rời mối quan hệ tương giao, gắn bó cộng hưởng giữa thơ Bùi Thu Hằng và các tác phẩm âm nhạc phổ thơ chị. Nói đến Bùi Thu Hằng là nói đến con người của thơ và nhạc.
Hải Phòng, ngày 06/11/2021
V.T.H