Loại hình thơ Tân hình thức diễn ra ở Việt Nam khoảng 15 năm nay trên hai phương diện: lí thuyết và thực hành. Trong quá trình hình thành và phát triển, như những tìm tòi thể nghiệm khác, thơ Tân hình thức vừa được đón nhận, vừa bị từ chối với nhiều lí do khác nhau.
Loại hình thơ Tân hình thức diễn ra ở Việt Nam khoảng 15 năm nay trên hai phương diện: lí thuyết và thực hành. Trong quá trình hình thành và phát triển, như những tìm tòi thể nghiệm khác, thơ Tân hình thức vừa được đón nhận, vừa bị từ chối với nhiều lí do khác nhau.
Tại buổi sinh hoạt về thơ Tân hình thức diễn ra ngày 29/10/2014 tại Đại học Văn hóa Hà Nội. các đại biểu tham dự đã bàn thảo nhiều vấn đề, góc cạnh liên quan đến câu chuyện thơ Tân hình thức và thơ Tân hình thức Việt.
Mượn ý Hegel, nhà nghiên cứu phê bình Đỗ Lai Thúy khẳng quyết rằng, cái gì tồn tại cũng đều có tính hợp lí của nó. Ông nói: Thơ hiện đại từ chỗ của quần chúng dần trở thành thứ đặc tuyển, chỉ dành cho một bộ phận người đọc và đến lúc này lại phát sinh nhu cầu ngược lại: được trở về với quần chúng, với số đông, đây là lúc Thơ Tân hình thức hình thành và phát triển. Tính hiện đại của thơ Tân hình thức nằm ở ý tưởng độc sáng, chỉ đến một lần, ở tâm thức, tinh thần thời đại, ở ngôn ngữ đời thường sống động… Tuy nhiên, đến thời điểm này, thơ Tân hình thức Việt vẫn đang có khoảng cách so với số đông.
Nhà nghiên cứu phê bình Phạm Xuân Nguyên phát biểu: Cảm xúc của con người thì muôn đời vẫn thế, cho nên con đường đổi mới thơ khả dĩ là làm mới hình thức. Thơ Tân hình thức có thể không bén rễ, không sống lâu ở thổ nhưỡng Việt, nhưng tinh thần thơ Tân hình thức thì hoàn toàn đủ sức kết đọng, tạo trường ảnh hưởng. Thơ Tân hình thức là một chi lưu của thơ thị giác nên không nên nghe bằng tai mà phải được đọc bằng tất cả trực quan sinh động với sự sắp đặt, bài trí câu chữ của văn bản thơ.
Nhà thơ Đặng Thân, người đã và đang nhiệt tình thực hành thơ Tân hình thức, lại cho rằng: Đồng ý là đọc thơ Tân hình thức hay nhất là đọc bằng mắt, tuy nhiên, cứ tự nhiên tận hưởng nó, không nên mặc định nó là thơ thị giác; cũng vậy, đọc nó ở đâu là tùy thích chứ không nhất thiết phải mang nó ra đọc ở quảng trường.
Nhà thơ Vũ Quần Phương chia sẻ rằng, thường ban đầu đọc thứ gì “khó” thì ông luôn nỗ lực nâng tầm đón nhận của mình lên để hiểu. Và càng ngày, thơ Tân hình thức càng mang đến cho ông nhiều thú vị. Đằng sau những câu chuyện có vẻ bằng chằn chặn mà bài thơ kể lại là nhiều câu chuyện khác. Tân hình thức là một trong nhiều hình thức biểu đạt, tồn tại của thơ. Hãy tôn trọng nó.
Nghi ngại câu chuyện duy hình thức của thơ Tân hình thức, nhà thơ Trần Hưng phát biểu: Cái quyết định vẫn là hồn cốt của thơ, vẫn là tinh thần, cảm quan thời đại mà người làm thơ chuyển tải chứ không phải là vỏ hình thức. Về quan điểm này, nhà nghiên cứu phê bình Đỗ Lai Thúy không tán thành. Ông cho rằng, khi sáng tác thì tư tưởng của người viết nằm trong chính ngôn ngữ nghệ thuật của họ. Thơ Tân hình thức, bằng một hình thức mới để chuyển tải một hệ thống tư tưởng mới.