
Nhà thơ Phạm Ngà vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà Văn cho ra mắt bạn đọc Tuyển tập “Thơ và Trường ca”. Đó là một tuyển tập chắt chiu những gì quý báu nhất của anh, với những sáng tác đằm cảm xúc, chiều sâu chiêm nghiệm và suy tư về nhiều đề tài khác nhau. Tuyển tập được sắp xếp theo trình tự thời gian của những tập thơ và những trường ca của anh đã từng in riêng trước đây, để bạn đọc có thể hình dung một cách hệ thống hóa về những bước đi, những chuyển động trong quá trình sáng tạo nghệ thuật thơ ca hơn nửa thế kỷcủa tác giả. Đọc cuốn tuyển tập này, bạn đọc có điều kiện hiểu được một đời thơ từ thời trẻ cho đến nay của Phạm Ngà – một người say thơ, sống hết mình cùng thơ, vì thơ, mê mải đi tìm cái chân, thiện, mỹ – những giá trị đích thực của thơ đã giúp anh tạo rõ nét một bút pháp, một phong cách riêng cho mình.
Tuyển tập gồm 2 phần, chia theo thể loại. Trong phần thơ, người đọc được thưởng thức những câu thơ, tứ thơ giàu sức sáng tạo, nhiều suy cảm của các tập “Hoa nắng” (1981), “Lời ru con của người yêu cũ” (1991); “Trầm tư” (1995); “Mảnh vỡ” (2001); “Đêm trở giấc” (2018).
Những bài trong tập thơ đầu tay của Phạm Ngà mang tên “Hoa nắng”, đã toát lên được tình cảm nồng nàn, thẳm sâu mà lãng mạn của tác giả đối với mảnh đất, con người quê hương.Đáng kể nhất là những bài: “Nghe tiếng ve kêu”, “Nét cong trên mái đình Trà Cổ”, “Giấc ngủ của người con gái”. Nhà thơ Phạm Ngà làm thơ từ ngày còn ngồi trên ghế trường phổ thông, là sinh viên Khoa Ngữ Văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nơi khởi nguồn sáng tác cho một thế hệ nhà thơ ra trường những năm 1964 – 1965 với nhiều cái tên quen thuộc sau này như Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật, Trịnh Hoài Giang, Vũ Đình Minh… Ngay những năm đầu ra nhận công tác giảng dạy văn học ở Hải Hưng rồi Hải Phòng, Phạm Ngà đã có những bài thơ đầu tay: “Nghe tiếng ve kêu”; “Quê em”; “Lửa Hải Phòng”… in trên tạp chí Văn nghệ quân đội và các báo Văn Nghệ, Cứu Quốc, Hải Phòng, gây được ấn tượng trong bạn đọc. Câu thơ “Không gian sôi mãi tiếng ve sôi” trong bài “Nghe tiếng ve kêu” của anh đã tạo hấplực mạnh với nhiều cây bút trẻ và bạn thơ Hải Phòng ngày đó.Những câu thơ trong bài “Lời của sóng” sao đáng yêu và trân trọng đến thế:
“Nhà tôi ở quay về phương mặt trời
Biển quanh năm gối đầu trong giấc ngủ
Tiếng sóng như đập cửa/Trời thì cao và đất thẳm sâu
Nên tình yêu đầu/Là ngàn năm sóng vỗ…”.
Trong thơ Phạm Ngà, “Màu hoa gạo trên đảo Đình Vũ” với sắc thăm thẳm thực sự ấn tượng:
“Chợt ngẩng nhìn: đường đột màu hoa
Bông gạo đỏ ngỡ trong ảo giác
Giữa hiếm hoi một vùng khô khát
Những chùm hoa thăm thẳm đến nao lòng…”.
Đây là chặng đầu tiên của thơ Phạm Ngà, với khá nhiều câu thơ bình dị, có phần trau chuốt, nhưng chân thành và thực tâm. Những bài thơ “Rét Nàng Bân”, “Phố đảo”, “Bàn tay vũ nữ Cămpuchia”,… đã tạo sức hút bạn đọc đáng kể. Từ đó, Phạm Ngà không chỉ là một nhà giáo tâm huyết ở Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Phòng, rồi là biên tập viên và sau là Giám đốc, Tổng Biên tập của Nhà xuất bản Hải Phòng, mà còn cùng với Thanh Tùng, Đào Cảng, Thi Hoàng là những nhà thơ tiêu biểu của Hải Phòng, bản thân là một cán bộ nhiệt tình với phong trào thơ của thành phố Cảng. Dù ở vị trí nào anh cũng là người sống hết mình vì nghiệp thơ và bạn thơ.
Bạn đọc như được sống trong một miền hoài niệm, đầy yêu đương, nhớ nhung, luyến tiếc – những cung bậc của tình yêu – khi đến với những bài thơ tình trong tập thơ “Lời ru con của người yêu cũ”.Thơ của Phạm Ngà chính là nỗi lòng và cũng chính là cuộc đời mà anh đeo đuổi. Bài thơ “Lời ru con của người yêu cũ” như kể một câu chuyện tình:
“Một thời thân thiết dạo xưa
Người con gái ấy bây giờ ru đây
Tròng trành tiếng gió tiếng mây
Nửa ru bé ngủ, nửa lay gọi lòng…”
Hay những câu thơ trong bài “Biển không em”:
“Con sóng nào ném anh lên đây
Như vỏ ốc vỏ hà trụi trơ bờ cát
Anh thảng thốt một cái gì đánh mất
Như suốt đời tìm kiếm điều chi”
Ngoài ra phải kể đến những bài: “Vũ điệu”, “Người vợ ngồi tựa cửa cho con bú”, “Đêm vùng biển nhớ con”, “Kỷ niệm”, “Trầm tư Côn Sơn”, “Lá non”, “Chạm cốc cùng Ê-va”,…Đọc thơ của Phạm Ngà, nhiều người như bắt gặp một phần chính mình ở trong đó.
Ở tập thơ “Trầm tư”, Phạm Ngà thể hiện sự thủy chung với thơ ca truyền thống,nhưng không vì thế mà nhà thơ thỏa mãn và bằng lòng với cái đã có. Anh luôn đau đáu trăn trở tìm đường, mở lối để bứt phá, và không ngừng tự đổi mới thơ mình. Là Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng kiêm Hội trưởng Hội Văn học nhiều năm và là Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt – Tiệp (từ ngày đầu thành lập), nhà thơ Phạm Ngà có vị trí đi đầu của phong trào thơ thành phố Cảng, tạo rõ uy tín và ảnh hưởng tích cực trong đội ngũ sáng tác văn chương Hải Phòng. Phạm Ngà dứt khoát không làm lạ thơ, dẫu đã có không ít người làm thơ đương thời cố gồng lên theo cách đó. Trên từng trang thơ, anh vẫn giữ được phong cách dung dị mà đằm thắm, sâu sắc. Những bài thơ “Viết riêng một người”, “Thắp hương trước mộ Nguyên Hồng”, “Heo may” chứng minh điều đó.
Sang tập thơ “Mảnh vỡ”,Phạm Ngà đã khẳng định rõ nét nhất cho quá trình sáng tác thơ của mình. Mỗi bài thơ đều chứa đựng suy tư nỗi niềm của tác giả về cuộc sống, tình yêu, về những gì anh đã trải nghiệm trong cuộc đời mình. Bạn đọc không khỏi xúc động và sẽ chia sẻ, đồng cảm với tác giả khi thưởng thức những bài thơ “Tự ngẫm”, “Gia đình”, “Phiên bản”, “Mảnh vỡ”, “Trên cáp treo”,…
Những năm gần đây, Phạm Ngà vẫn giữ được sức viết, nhưng quan trọng hơn, qua từng bài thơ, vẫn tiếp tục bộc bạch lòng mình với bao chiêm nghiệm, suy tư, cóchút đớn đau, xót xa trước cuộc đời. Trong tập thơ “Đêm trở giấc”, sẽ thấy rất rõ điều đó khi đọc những bài thơ “Bản nháp”, “Đêm trở giấc”, “Nghịch lý”, “Sau cơn bão”, “Lời giã từ”…Bài thơ “Không em” khác nhiều với những bài thơ tình thường viết về nhớ nhung, khát khao, đổ vỡ, mất mát, trách cứ, giận hờn và những cung bậc muôn thuở của tình yêu. Đấy là những suy tư, một kiểu triết luận về tình yêu của tác giả:
“Không có em chim hót cũng ngập ngừng
Cái tươi xanh thoáng chớm màu héo úa
Cái sắp sửa đã rêu thành xưa cũ
Cái mong chờ bỗng chốc hóa nguôi quên.”
Theo anh, tình yêu rất cần thiết trong cuộc sống và cần được vun đắp tình yêu chân chính bởi đó là điểm tựa của mỗi chúng ta:
“Không có em giấc mộng chẳng bình yên
Bao ước vọng đâu mãi còn nguyên vẹn
Câu thơ viết dở chừng khô cạn
Đến chính mình như cũng hóa ai kia.”
Quan trọng hơn cả là chất nhân văn ẩn trong những trang viết ấy đã gợi mở vẻ đẹp giữa đời thường để người đọc thơ anh thêm yêu cuộc sống.
Phạm Ngà có nhiều câu thơ giàu sức gợi và lay động bạn đọc. Chẳng hạn như bài thơ “Lỗi hẹn với mùa thu” sau đây:
“Mải mê những bận rộn không đâu
Những nhọc nhằn hoang phí
Chợt một ngày
Ta mơ hồ nhận ra trong cái gió se se chớm lạnh
Hàng cây xanh chấp chới lá hoe vàng
Mây ủ giột lang thang
Bỗng giật mình thảng thốt
Có lẽ nào mùa thu sắp úa tàn ?”.
Trong phần trường ca, có 2 tác phẩm được tác giả Phạm Ngà giới thiệu tới bạn đọc là “Đi dọc thời mình” và “Độc thoại mưa”.Trường ca “Đi dọc thời mình” ngay khi ra mắt bạn đọc đã nhanh chóng đứng ở vị trí là một tác phẩm ấn tượng trên văn đàn Hải Phòng.Có thể coi đây là bản tự thuật bằng thơ theo tuyến tính thời gian đã trải qua của Phạm Ngà. Ở mỗi chương, nhà thơ nói điều tưởng như chẳng mới mẻ gì, nhưng anh vẫn cứ nói như là một điều tự răn, tự ngẫm sau những năm tháng trải nghiệm cuộc đời. Từ những thực tế đó, Phạm Ngà như đã thấu tỏ muôn nỗi thăng trầm, buồn vui, được mất của thân phận con người. Có lẽ đómà qua thời gian, Phạm Ngà mới có cơ hội gửi vào từng con chữ, từng dòng thơ những gì nhà thơ đã ấp ủ suy tư, những ý nghĩ tinh lọc, nhiều chi tiết sống động, tâm đắc nhất,để hiến dâng cho bạn đọc.
Lấy không gian nghệ thuật xuyên suốt là những cơn mưa và cách nói với chính mình về từng trạng huống thơ ấy, trường ca “Độc thoại mưa” của Phạm Ngà là một minh chứng cho sự ứng xử mềm mại uyển chuyển nhưng rất sáng tạo của tác giả trước mê lộ trường phái, trào lưu và cả sự lạm phát, bội thực thơ ca của thời hiện tại. Mỗi chương là một vấn đề, nhưng chúng kết dính bao trùm với nhau theo kiểu xoáy trôn ốc. Những gì đang dung chứa, ký thác, gửi gắm bằng cả cái tâm lẫn cái tình của nhà thơ Phạm Ngà trong trường ca này là rất đáng trân trọng. Trường ca “Độc thoại mưa”có lẽ là một tác phẩm tiêu biểu của thơ Phạm Ngà về tầm vóc phổ quát, vốn cảm thức và cảm xúc sung mãn cùng bản ngã của tác giả. Đây cũng có thể là điều may mắn của duyên kiếp và một cơ may phát tiết không dễ gì bắt gặp trong đời của một người gắn cả sự nghiệp với thơ ca như Phạm Ngà.
Gửi gắm qua tuyển tập thơ và trường ca này, những tâm tư, tình cảm của Phạm Ngà đều ít nhiều thể hiện thần thái và bản sắc của nhà thơ về gia đình, bản thân, về tình yêu, thế cuộc, về cả một chút phiêu bồng lãng mạn của anh.Xa hơn là cả những trăn trở, đắn đo vềxã hội. với cách cảm có tính nhân văn, Phạm Ngà đã phần nào khơi dậy được cái đẹp của con người
Mặc dù thơ anh có thể đưa ra những góc khuất nào đó, nhưng sau đấy vẫn toát lên được phẩm chất chân – thiện – mỹ, những giá trị đích thực của con người, để kích thích bạn đọc thấy yêu cuộc sống hơn qua mỗi trang thơ. Đó chính là sứ mệnh của người cầm bút./.
- H.K