Không rõ cuộc đời đưa Minh Nga đến với thơ từ khi nào, nhưng tin chắc rằng, mỗi khi đặt bút làm thơ thì chị càng thêm yêu cuộc đời hơn. 57 bài thơ trong tập “Viết cho người chưa về” vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà Văn cho ra mắt bạn đọc vào mùa thu năm 2020 toát lên điều đó.
Không đề cập tới những gì xa vời, to tát, Minh Nga chỉ viết về những chuyện của riêng mình. Đó là những năm tháng ngắn ngủi đi thanh niên xung phong từ khi 16 tuổi mà chị rất lấy làm tự hào, gắn với chuyện tình yêu thời thiếu nữ tràn đầy đắm say, thao thiết. Chị đề cập gia cảnh đơn sơ mà thấm đẫm tình chồng, nghĩa vợ, những người thân yêu trong gia đình, họ hàng, làng xóm. Hình ảnh đồng đội năm xưa, đồng nghiệp gắn bó trong ngành Giao thông – Vận tải cùng những người bạn văn chương ở Hải Phòng đáng yêu hơn trong thơ chị. Minh Nga còn viết về miền quê châu thổ sông Hồng và một vài nơi chị từng đặt chân đến. Mỗi bài như thể một trang viết riêng lẻ của cuộc đời tác giả, thoáng thấy chẳng khác mấy mọi người, nhưng soi chiếu kĩ lại nhận ra không ít nét khác biệt.
Minh Nga làm thơ trước hết để ghi lại quãng đời mình vừa trải qua hoặc đang nhập cuộc. Bởi thế nên khá nhiều trang viết như những dòng nhật kí chưa dụng công nhiều cho con chữ lấp lánh mà nhờ nội dung phản ánh mang lại những rung cảm để bạnn đọc đồng điệu.
Mảng thơ về một thời son trẻ tham gia lực lượng thanh niên xung phong đã tạo được ít nhiều dấu ấn riêng cho thơ chị. Từ công việc san lấp hố bom cho thông đường, bắc cầu phao qua sông, đến những chuyện hái hoa rừng ngập ngừng tặng nhau, tổ chức biểu diễn văn nghệ, đám cưới, rồi chuyện sinh con trong thời chiến… được tác giả ghi chép bằng tiếng lòng chân thành, lạc quan với cảm xúc trong sáng. Những đứa trẻ ra đời dưới mưa bom bão đạn cũng thật đáng yêu và cảm phục:
Những đứa con đêm rừng sinh ra
Khóc cho bom ngừng rơi
Cười cho bừng lá hát
(Viết cho con)
Những bài thơ tình của Minh Nga là những câu chuyện tình yêu với bao cảnh nhớ nhung, khao khát, có cả sự mất mát, trách hờn, giận dỗi. Tình yêu thời chiến dung dị mà không kém chất lãng mạn:
Bước lên cửa sóng là Anh
Em sang sông giấu vài nhành hoa tươi
Hoa này từ một miền đồi
Cho là dan díu như lời trang thư
(Tự sự)
Khi yêu, buổi chia tay dưới vòm trời phượng đỏ cũng thật đẹp:
Người quê thương mấy cho vừa
Kẻ đi người ở như thừa nắng say
Bâng khuâng tay nhớ bàn tay
Mùa hoa kỷ niệm đừng thay sắc màu.
(Hoa phố biển)
Không dừng lại ở những dòng chữ mộc mạc nảy từ bao xúc cảm bộc trực khi yêu đương, kết hôn và nuôi dạy con cái của một người phụ nữ quá nửa đời vất vả mưu sinh và kiếm tìm hạnh phúc, thơ Minh Nga còn mang tới nhiều giá trị nhân văn về tình đồng đội, tình chồng vợ, tình mẹ con trong những năm đánh giặc, rồi tái thiết đất nước. Và bao trùm lên trên tất cả là tình yêu quê hương, yêu Tổ quốc. Thật cảm động khi những chàng trai, cô gái thanh niên xung phong năm xưa gặp lại nhau lúc hòa bình:
Giờ đứa về đây, đứa nằm lại chiến trường
Chúng tôi điểm danh cả những người vắng mặt
Bầu trời trên cao vẫn xanh ngăn ngắt
Còn vọng tiếng cười nơi nắng lửa Trường Sơn.
(Tiểu đội tôi)
Bằng thủ pháp tự sự, tác giả đưa bạn đọc đến với những câu chuyện cảm động về những anh thương binh, những chị dân công hỏa tuyến trở về sau chiếm tranh. Cô gái xa quê khi hồi hương vẫn cảm nhận được sự yên bình của nơi chắp cánh ước mơ tuổi thơ:
Bao năm xuyên núi mở rừng
Nay bàn chân bỗng ngập ngừng đường thôn
Mải nghe diều sáo véo von
Về quê gặp ánh trăng non cuối trời.
(Về quê)
Với tác giả, những kỉ niệm vui buồn ngày nào không thể lãng quên:
Thôi không hỏi nữa lá ơi
Vườn xanh đừng nhắc chuyện thời đã xưa
Nặng mây đổ xuống thành mưa
Cung đàn thương liệu có thưa nguội dần…
(Cung đàn)
Trong đội ngũ đông đảo những người làm thơ ở Hải Phòng, nhà thơ Minh Nga có chặng đường thơ khá dài và ít được chú ý. Thơ chị thấp thoáng có mặt tại một vài cuộc sinh hoạt thơ hoặc đăng lác đác trên báo chí. Nếu tiếp cận loạt thơ của Minh Nga sẽ thấy thơ chị khá dung dị, có đôi bài lắng sâu, ít nhiều tạo hấp lực bằng cảm xúc khi xếp đặt những chi tiết của cuộc sống thường ngày vào trong tình huống có phần éo le, trĩu nặng. Nhờ vậy, không ít tứ thơ ngỡ quen mà lạ được bật ra, có sức hấp dẫn nhất định. Bằng cách đi riêng ấy, Minh Nga góp một giọng điệu trong dàn hợp xướng của thơ Hải Phòng, dẫu có chút muộn màng.
HOÀI KHÁNH