Thấy gã cứ lơ ngơ chào hỏi mọi người, vợ gã phải huých mấy lần: ” Chú ý! Người ta đang quay camera đấy! Tươi tỉnh lên! Sau này xem lại mặt đần như thế khác nào ông ngố!” Gã nhất nhất làm theo lệnh của vợ. Nàng dạy chồng chứ không phải gã dạy vợ như lẽ thường. Gã biết tỏng điều đó và phải chấp nhận….
Thấy gã cứ lơ ngơ chào hỏi mọi người, vợ gã phải huých mấy lần: ” Chú ý! Người ta đang quay camera đấy! Tươi tỉnh lên! Sau này xem lại mặt đần như thế khác nào ông ngố!” Gã nhất nhất làm theo lệnh của vợ. Nàng dạy chồng chứ không phải gã dạy vợ như lẽ thường. Gã biết tỏng điều đó và phải chấp nhận.
Gã sống với vợ được hai chục năm có lẻ. Chấp nhận như một cái bóng của vợ không phải là một điều dễ dàng với gã, một tiến sĩ chuyên ngành năng lượng. Tham dự một cuộc hội thảo lớn gã thấy thoải mái hơn là ngồi ăn uống giữa một đám đông toàn gia đình nhà vợ. Họ hàng nội ngoại bên vợ gã ít học nhưng bù lại rất giỏi giang trong việc kinh doanh buôn bán. Mấy cái nhà mặt đường, vài cái xưởng may công nghiệp và một công ty trách nhiệm hữu hạn chuyên về vận tải cũng để cho từng ấy con người trong đại gia đình nhà vợ gã vênh mặt lên với bà con phố xá.
Ngày trước gã là một anh trai cày ra tỉnh trọ học. Để có tiền ăn học, gã xin một chân làm thêm trong gia đình nhà vợ. Thấy gã hiền lành lại thông minh, ông bố vợ gã tạo điều kiện và vạch kế hoạch quây chặt gã lại. Mấy năm đại học, mấy năm nghiên cứu sinh, gã cứ thế tiến. Ngày gã tốt nghiệp cũng là lúc cái thòng lọng là con gái ông chủ quàng lên cổ gã. Ông chủ muốn lấy gã về để chứng tỏ với thiên hạ rằng nhà ông cũng danh giá lắm, có con rể là tiến sĩ cơ đấy.
Một đám cưới linh đình chưa từng có ở làng Hạ khêu gợi tính tò mò của những người dân quê hiếu kì. Có người chả có dây mơ rễ má gì với nhà gã cũng đến. Đám cưới làm tắc cả đoạn đường quê. Trẻ con trèo cả lên cây hồng, cây mít để xem. Chúng gọi nhau í ới, chỉ trỏ cho nhau xem cái máy quay đen xì cứ chĩa thẳng vào mọi người. Ngày ấy đám nào có máy quay là độc đáo lắm. Chả thế mà làng xóm cứ náo loạn cả lên. Họ hàng nhà gã ăn mặc như trong phim ảnh, nước hoa xức thơm lừng. Đường quê đang vàng óng lên vì màu vàng của rơm rạ ngày mùa bị đoàn người to béo đẫy đà ở phố về dẫm cho tan tác, bụi bay như hoa cà hoa cải. Gã xúng xính trong bộ comple, vui chăng ra vui, hớn hở chẳng ra hớn hở, ngượng nghịu nhìn mọi người. Gã đâu biết rằng có một người nấp trong vườn chuối vừa nhìn gã vừa thổn thức. Ai bảo nàng nặng lòng với gã. Ngày xưa còn ở tuổi học trò ngây thơ trong sáng, ánh mắt của gã đã vời vợi nhìn nàng. Gã chưa một lần thổ lộ, chưa một lần được hít thở không khí trong lành của tình yêu nơi thôn dã thì đã phải kí một bản án chung thân. Nhìn đám người khúc khích cười chỉ trỏ thằng cu Mít ngày xưa giờ thành ông tiến sĩ Đinh Mạnh Dũng gã cũng thấy chạnh lòng. Mình không thuộc về nơi này nữa. Cuộc chiến đấu với miếng cơm manh áo buộc gã phải bán rẻ thân mình. Bố mẹ gã sẽ không phải khổ, các em gã sẽ được vào thành phố. Nhà gã ba đời làm mõ, ở làng bây giờ người ta còn nhắc đến. Ngày đêm gã tâm niệm rằng phải cố gắng làm rạng rỡ gia đình nhà gã lên.
Thấy gã cứ lơ ngơ chào hỏi mọi người, vợ gã phải huých mấy lần: ” Chú ý! Người ta đang quay camera đấy! Tươi tỉnh lên! Sau này xem lại mặt đần như thế khác nào ông ngố!” Gã nhất nhất làm theo lệnh của vợ. Nàng dạy chồng chứ không phải gã dạy vợ như lẽ thường. Gã biết tỏng điều đó và phải chấp nhận.
Vợ chồng gã phất lên nhanh chóng. Ông bố vợ cho vợ chồng gã một cửa hàng ở phố lớn để kinh doanh. Ngày ấy mặt hàng nhôm kính còn ít người sử dụng nhưng được thị trường chú ý vì nó có những đặc tính mà các chất liệu khác không có được. Nhờ sự quen biết và cái danh của gã, vợ gã lùng sục vào các công sở, nhà máy để tìm kiếm hợp đồng. Chỉ cần nghe nói ông giám đốc nào đó có quen biết chút ít là vợ gã không ngần ngại đến chào hàng. Nhìn cơ quan, văn phòng sáng bừng lên khi lắp đặt lại các loại cửa, tủ, bàn làm việc… bằng nhôm kính ai cũng thích. Thế là các nơi đua nhau làm. Nhà gã thợ thuyền cứ quay như chong chóng. Một mình vợ gã quản lí tài sản, tiền bạc một cách tài tình. Gã nhìn mà loá mắt. Phải đến vài năm gã mới phân loại được kính mười li với kính năm li nói gì đến giá cả hàng hoá. Vợ gã luôn mồm ca cẩm rằng học cao mà làm gì, làm nhà nước làm gì, chỉ một cái vẩy tay của nàng cũng bằng gã cặm cụi cả tháng trong phòng thí nghiệm(?).
*
Vợ chồng gã cưới nhau đã lâu mà chưa đẻ được mụn con nào. Gã sốt ruột, vợ gã sốt ruột, hai bên gia đình cũng mong mỏi từng ngày. Ai hỏi vợ chồng gã chỉ cười trừ :” Còn kế hoạch”. Nói thế thôi chứ trong lòng hai vợ chồng cũng thấy lo lo. Nhìn cơ ngơi ngày một mở rộng và vợ gã ngày một đẫy ra, người ngoài không khỏi bĩu môi :”Giàu có mà làm gì. Lúc chết khênh của đi mà chôn.” Gã đã cố gắng lắm rồi. Mỗi ngày gã tẩm bổ đủ loại thuốc Tây thuốc Tàu mà cái chất khí đàn ông trong gã nó cứ mềm oặt xuống. Có lúc vợ gã cáu quá hất tung gã xuống nền nhà. Không hiểu sao nhìn thân thể vợ như một cái bao tải nhờ nhờ trong ánh đèn ngủ, gã không còn hứng thú gì nữa. Bố mẹ gã nhìn con dâu lần đầu tiên đã nói nhỏ với gã :”Rồi mày khổ cả đời con ạ. Mày không phải cố gắng quá đâu, mấy đời nhà ta không giàu có, không học hành cũng có sao. Hay là không cưới nữa.” Nhưng cái ý nghĩ thoát khỏi đói nghèo nó cứ cào cấu cơ thể gã, nó hành hạ gã bao năm làm gã không còn biết phân biệt phải trái. Thế là vợ chồng gã cứ tồn tại như một sự trớ trêu của cuộc đời. Gã gầy sọp đi, người gã nhẳng nhẻo như một cái que. Mỗi khi hai vợ chồng đi ra đường bà con hàng phố nhìn rồi quay đi cười. Gã thấy thế còn may chứ nếu vợ chồng gã hoán đổi cho nhau về hình thức chắc gã chẳng thể tồn tại được với gia đình nhà vợ.
Ở bệnh viện về gã như người mất hồn. Gã giấu nhẹm kết quả xét nghiệm vào cái tủ ở cơ quan. Gã thấy tất cả sụp đổ. Sao ông trời lại bắt tội gã như thế chứ. Phải đến dăm sáu ngày gã không ăn hạt cơm nào. Vợ gã thấy gã cứ nằm ườn ra trên giường, mắt mở thao láo nhìn lên trần nhà thì cáu :” Ông nhìn cái gì ở trên trần nhà thế? Trên ấy có cái gì hay mà mắt cứ trợn lên như mắt lợn luộc thế? Nếu ốm đau thì phải đi khám bệnh. Nhà này có phải trại tế bần đâu mà ông nằm ườn ra. Tôi không chịu được đâu! Nếu ông thích thì về quê mà dưỡng bệnh.”
Thế rồi gã về quê thật. Gã không nói cho ai biết vì sao mình lại phải chữa bệnh. Gã không muốn bà vợ của mình hàng ngày ra ngấu vào nghiến vì sự vô tích sự của gã. Vợ gã quen ăn nói như vỗ vào mặt người khác nên gã chẳng mấy tức giận khi bị xỉ vả. Chả bao giờ gã làm được việc gì nên hồn, ngoài công việc ở phòng thí nghiệm.
Hàng ngày gã đi dạo ở con đê đã gắn bó với gã suốt thời thơ ấu mà thấy lòng dần nhẹ đi. Bầu trời xanh ngăn ngắt bỗng chao nghiêng dưới dòng sông xanh. Ngày còn bé đi đánh dậm hoặc chăn trâu, mỗi khi khát gã đã từng vục miệng xuống dòng sông này mà uống cho thoả thích. Thế mà chẳng đau bụng hay bệnh tật gì cả. Những buổi trưa nắng chang chang đi coi trâu, gã và mấy đứa bạn hun chuột nướng ăn. Nghĩ tới đấy gã chóp chép miệng như đang thưởng thức hương vị đồng quê thuở nào. Gã tiếc cho ngày xưa. Nhị bỏ làng ra đi từ ngày gã lấy vợ. Sao lại có người nặng lòng với gã như thế chứ? Có đêm gã đứng tần ngần bên cái giếng bỏ không để tìm lại hình bóng Nhị ngày xưa. Hồi ấy Nhị hay gánh nước ở đây. Khi Nhị cúi xuống nghiêng người vục gầu nước trong vắt gã đã nhìn thấy ngực Nhị như trái đào tiên lấp ló. Gã đỏ bừng mặt quay đi. Hình ảnh ấy cứ quấn lấy gã. Gã thấy rạo rực cả người. Ngày ấy khí chất đàn ông của gã đã trỗi dậy như dòng sông Hoá khi trời mưa bão. Gã phải cố nén tình cảm của mình. Nhị cũng biết gã hay nhìn trộm mình… Tình yêu nơi thôn dã không ồn ào, không lộ liễu mà đầy chất thơ. Ngày ấy bên dòng sông uốn lượn, khi ánh trăng non lơ lửng trên không, gã và Nhị đi bên nhau. Họ muốn lắng nghe tiếng rì rầm của lúa đang thì con gái, tiếng xào xạc của đồng cói, tiếng dế kêu ngân nga dưới đất… Gã đi xa để mưu cầu việc lớn khi trong lòng muốn gửi gắm chút tình với Nhị mà không dám. Giữa cái gọi là tình yêu đích thực và tiền bạc gã biết rõ là gã đã chọn bên nào.
Về quê được vài tháng gã thấy khoẻ khoắn lên nhiều. Gã không còn hứng thú với việc ngày ngày chúi đầu vào phòng thí nghiệm nữa. Những công trình nghiên cứu của gã vẫn còn nằm trên giấy. Chúng không thể thực hiện được trong thời điểm hiện tại. Khi nghiên cứu gã đã không tính đến các yếu tố con người, điều kiện vật chất và tính thực thi của công trình. Lúc gã đưa ra bản dự trù kinh phí thì ông viện trưởng nhìn gã như nhìn người ngoài hành tinh. Ông đã nói thẳng vào mặt gã :”Anh thử tính hộ tôi xem thu nhập của những người nông dân quê anh một năm được bao nhiêu? Anh tính xem những máy móc này lấy ở đâu? Anh tính xem điện, nước ở đâu?…” Ông bỏ lửng câu nói và chúi vào đọc tài liệu. Mấy lần như vậy gã thấy nản lòng. “Sao ông ấy lại so sánh kiểu ấy nhỉ?”
Gã ở quê và hay nghĩ vẩn vơ. Thấy bố mẹ gã rê thóc bằng cái quạt bằng tre to bè, gã mày mò chế ra một cái quạt quay kiểu như chong chóng làm cho bà con nông dân mê tít. Khi quạt quay, bao nhiêu trấu, bụi bay đi hết mà chả phải tốn sức là mấy. Thế là ngày đêm gã túi bụi với việc chế tạo quạt rê thóc. Lần đầu tiên gã thấy mình có ích và trong lòng cảm thấy rất phấn khích.
Một ngày đẹp trời vợ gã về quê. Thấy gã cặm cụi đục đục đẽo đẽo, vợ gã la toáng lên :” Thế này có khổ tôi không? Cái bằng tiến sĩ của ông không phải để làm những việc ba lăng nhăng này nhá! Nhà tôi nuôi ông không phải để ông thí thân với những việc vô bổ này nhá!” Mẹ gã đang hái chè sau nhà tưởng gã làm sao lật đật chạy về. Bà nhìn cô con dâu :”Chị không biết chứ ở quê người ta quý cái quạt này lắm. Thằng Mít nó làm không hết việc đâu. Nó nuôi được cả nhà đấy!” Vợ gã cũng không vừa. Nàng vẩu cái môi đỏ chót lên :”Giời ạ! Nuôi cả nhà thì khó gì ! Con biết ở quê chỉ vài trăm là xông xênh rồi. Đâu có như ở phố chúng con mới tốn kém đủ đằng. Mẹ không sống ở phố không biết. Anh ấy chả làm được cái gì. Mọi thứ trong nhà một tay con lo hết. Anh ấy lại còn trốn về quê để nhàn thân thì con thấy trên đời có anh ấy là một. Bây giờ xin phép mẹ con đưa anh ấy đi.” Mẹ gã ngập ngừng :”Dưng mà nó còn cái quạt của ông Hào với bà Sinh, với cả nhà Loan nữa. Họ đang cần.” Vợ gã át đi :”Ôi dào! Mấy thứ vớ vẩn ấy để ý làm gì! Con đưa mẹ vài trăm, mẹ cho mỗi người một ít là mắt họ sáng lên ấy mà.” Vợ gã dúi nắm tiền vào tay bà mẹ gã rồi hối hả giục gã chuẩn bị lên xe.
Vợ gã không cho gã đi làm nữa. Với cái danh có trong tay, nàng mở cho gã một công ty trách nhiệm hữu hạn chuyên cung cấp các thiết bị gia đình. Những ngày đầu gã hoa mắt với các loại gạch men, bồn tắm, bình nóng lạnh và trăm thứ bà rằn khác. Thấy gã lóng ngóng, vợ gã lại nghiến ngấu và cho gã là đồ vô tích sự. Gã không thể đứng đấy mà làm bù nhìn. Gã lao vào tìm hiểu tất cả các mặt hàng. Ngày ngày gã lẩm nhẩm như người đọc kinh, vợ gã thấy thế thì thích thú lắm. Chả mấy chốc gã nghiệm ra một điều là những vòi nước, bồn tắm, bồn cầu… tưởng như vô tri vô giác, thậm chí khi nghĩ đến việc sử dụng chúng như thế nào thì không được lịch sự cho lắm (cô bạn ở cơ quan bảo gã là người thanh cao), nhưnng khi nó được đặt trong ngữ cảnh thích hợp thì nó lại sáng bừng lên và có giá trị tuyệt vời. Có lúc ngồi buồn gã tháo tung vài thứ để xem họ chế tạo như thế nào. Có những thứ lắp được, có thứ lại thừa ra. Ai nhìn cũng buồn cười. Những cái bình nước nóng này chẳng có gì phức tạp. Gã nghĩ mình cũng có thể chế tạo được. Thế là gã lại lao đầu vào nghiên cứu, vợ gã ngăn thế nào cũng không nghe.
Việc kinh doanh và sản xuất bình nóng lạnh của gã đang hồi suôn sẻ thì vợ gã chết vì tai nạn ô tô. Vợ gã chết khi đang áp tải một ô tô hàng. Chân tay vợ gã nát nhừ, xương lòi ra trắng hếu. Trong đám tang, đầu gã bịt cái khăn trắng, mắt vô hồn mà chả rỏ tí nước mắt nào. Mọi việc gia đình nhà vợ gã đứng ra lo hết, gã chỉ việc túc trực bên quan tài. Cô Hảo cùng cơ quan đến viếng còn ghé sát và tai gã thầm thì :”Anh phải làm ra vẻ đau khổ một tí chứ ai lại cứ hơn hớn cái mặt lên thế kia! Thế là thoát hiểm rồi nhá!” Gã nhếch mép cười như mếu. Ngày trước Hảo chưa lấy chồng cũng hay để ý đến gã nhưng gã chẳng mảy may bận tâm. Nhìn cái mặt hơn hớn của Hảo mà ghét. Gã đáp lễ như một cái máy. Khi anh em nhà vợ khóc thương cho vợ gã bạc phận thì gã cũng cố ghé mắt vào quan tài để nhìn lần cuối khuôn mặt đã gắn bó với gã bao năm. Khuôn mặt vợ gã tím bầm vì máu tụ. Mọi ngày nhìn vợ gã đã thấy no nê vì sự đầy ngụt lên của thịt mỡ dư thừa. Đôi môi, lông mày, sống mũi, cái gì cũng cố tình làm cho rõ nét nên trông có vẻ dữ tợn. Thế mà bây giờ tất cả trở về nguyên bản, nghĩa là cùng một màu tai tái. Bất giác gã rùng mình, mồ hôi mồ kê túa ra ướt đầm cả lưng.
Gã trả hết nhà vợ của cải, hàng hoá kinh doanh, chỉ giữ lại xưởng sản xuất do gã lập ra. Gã rời căn nhà mặt đường năm tầng nơi vợ chồng gã ở bấy nhiêu năm để về ngay trong xưởng. Đêm đầu tiên nằm một mình trong khu nhà xưởng rộng thênh thang, gió hun hút, gã thấy cuộc đời mình đã sang một trang mới. Không ngủ được, gã vào nhà trong thắp cho vợ nén hương. Nhìn ảnh vợ tươi cười trong chiếc áo dài trắng gã thấy nhưng nhức mắt. Phải chi ngày còn sống vợ gã đừng nghiến ngấu gã nhiều quá, vợ gã đừng lấn át gã nhiều quá thì khuôn mặt kia đáng yêu biết bao. Hay đây không phải là vợ gã. Vợ gã làm gì có nụ cười kiều diễm kia! Vợ gã làm gì có ánh mắt thân thiện kia. Xung quanh đang chìm vào giấc ngủ để quên đi sự vất vả khó nhọc và sáng ra lại đón chào một ngày mới với những khó khăn mới. Thế mà gã cô đơn làm sao. Gã không có ai để chia xẻ nỗi cô đơn. Bất giác gã ôm mặt. Người gã rung lên từng chập. Vừa khóc gã vừa gọi tên vợ. Bây giờ gã thèm được nghe tiếng rít, tiếng nghiến ngấu của vợ biết mấy…
Lần những thứ tờ giấy cho gọn, gã tìm thấy một quyển y bạ đã úa vàng được giấu kĩ dưới cái tủ lim. Thì ra vợ gã bị bệnh vô sinh. Trong bệnh án ghi là nhiễm độc chì. Mắt gã hoa lên. Tại sao cả gã và vợ đều bị nhiễm độc nhỉ? Hồi ấy gã cũng đã đi khám. Gã lập cập tìm quyển y bạ của mình. Hai câu kết luận ở hai quyển bệnh án y hệt nhau. Không thể thế được. Gã đưa tay lật vẩn vơ mấy trang còn lại. Ở cuối trang vợ gã ghi đặc những chữ. Gã gí cặp mắt cận vào những dòng chữ đã ngả màu vì thời gian :”Sao cuộc đời mình lại khổ sở như thế chứ? Mình đã chữa chạy nhiều nơi mà không được. Nhà mình đã làm hại anh ấy. Phải chi bố mẹ đừng sĩ diện hão, đừng cột chặt cuộc đời vợ chồng mình. Mình biết mình không xứng đáng. Nhưng chẳng lẽ cuộc đời mình lại chịu cô quạnh suốt đời? Dù sao cũng được tiếng là có chồng…” Vợ gã còn viết rất nhiều. Gã không muốn đọc hết. Thế là gã và vợ cứ phải âm thầm giấu đi sự thật để lừa dối nhau. Gã nở nụ cười chua chát và hằn học. Gã biết hằn học cũng chả được tích sự gì. Trả thù làm sao được người ở dưới mồ! Gã ngước mắt nhìn ảnh vợ. Lúc này gã cứ nghĩ vợ gã đang cười nhưng đấy là cái cười nhạo báng gã.
Gã thấy lòng thanh thản khi tìm ra sự thật của vợ. Vợ gã cố làm ra vẻ đáo để hòng làm cho gã nhụt chí và đổ cho gã là người có lỗi trong cuộc sống. Gã có cần thế đâu. Ngày xưa khi lấy vợ, gã đã chấp nhận tất cả, kể cả bỏ đi người nấp trong vườn chuối năm nào. Thế mà vợ gã lại không hiểu, cứ cố gồng mình lên. Gã thấy cũng tội. Do vậy gã rất chăm chút cho phần hồn vợ. Bàn thờ lúc nào cũng nghi ngút hương khói, vài ba ngày gã lại ra thăm vợ một lần. Trên tấm bia mộ gã thuê khắc lên đó những dòng chữ tràn ngập thương yêu và nuối tiếc. Dòng chữ “Anh yêu em” được trình bày hết sức hoa mĩ và cuối cùng là “Tiến sĩ Đinh Mạnh Dũng luôn bên em” được lồng trong hai trái tim đan vào nhau. Lần đầu tiên đặt tấm bia lên mộ gã đã khóc. Gã nói thầm là gã trả lại cho vợ tình yêu của gã, trả luôn cả cái bằng tiến sĩ để vợ gã ôm ấp cho bớt cô đơn. Gã không cần những thứ đó nữa, gã muốn sống một cuộc đời không còn vấn vương chút tình nào đượm nghĩa hàm ơn. Gã trả hết.
*
Một buổi sáng khi còn cuộn mình trong cái chăn ấm mới mua hôm trời chuyển tiết heo may, gã thấy trước cửa nhà mình lao xao tiếng cười nói, cả tiếng doạ dẫm. Mấy cô người làm hay dậy từ sớm để chuẩn bị ra xưởng. Trước khi đi làm các cô mở son phấn, quần áo ra diện thử xem có đẹp không, có hợp mốt không? Nhiều cô thấy gã cũng đã hấp háy miệng định mời chào tình tứ nhưng gã tỉnh queo. Bây giờ gã lại không thấy có hứng thú với mấy cô gái quê mùa đỏm dáng. Vả lại gã vừa trải qua một biến cố lớn. Hảo bảo gã thoát hiểm nhưng nào gã có thấy vui trong lòng. Thấy tiếng nói mỗi lúc một to gã lồm cồm bò dậy hé cửa nhìn ra. Thì ra các cô ấy đang mua bánh cuốn ăn sáng. Một cô cầm cái cân giơ lên mắng té tát :”Bà cân điêu nó vừa vừa chứ! Nhìn thăng bằng đây này! Chổng ngược lên mà cứ xoen xoét cái mồm!” Thế là các cô châu đầu vào mắng người phụ nữ bán bánh. Chị ta cúi gằm mặt xuống không dám cãi. Một cô đứng lên đá tung cái nón để dưới đất :”Này thì cân điêu này!” Cái nón văng ra một đoạn dài rồi lao xuống sông. Cái nón quay quay vài vòng rồi bị nước thuỷ triều đang lên cuốn đi. Mấy cô gái cười hơ hớ chí choé huých nhau. Gã không chịu được cảnh lố bịch ấy bước ra quát lớn :”Ai cho các cô làm thế? Các cô chui ở đâu ra mà không biết thương người lao động hả? Các cô có còn là người nữa không?” Người đàn bà nhìn gã. Môi chị run run. Bất giác chị lấy cái đĩa che mặt rồi ù té chạy. Nếu như người đàn bà bán bánh cuốn không có hành động ấy thì gã cũng chẳng để ý làm gì, gã chẳng nhìn mặt làm gì. Gã thấy lạ quá! Đáng lẽ chị ta phải thu dọn đồ nghề rồi mới đi. Đằng này…Mà gã cũng thấy có nét quen quen.
Gã đuổi mãi mới kịp người đàn bà. Gã không túm lấy chị mà chạy lên trước đón đầu không cho chị chạy tiếp. Gã chăm chú nhìn lại. Môi gã chúm lại, rồi giãn ra. Gã không thể nhầm được. Gã mấp máy :” Nhị phải không?” Người đàn bà né người định đi nhưng gã không cho. Hai bên giằng co nhau. Cuối cùng để thoát thân, người đàn bà đâm bừa vào gã. Cái húc quá mạnh làm người đàn bà và gã ngã ập vào nhau. Gã túm chặt lấy tay người đàn bà :” Đúng là em rồi!” Gã hồ hởi kêu lên :”Anh đã tìm em bao nhiêu lần. Đi về nhà anh đã. Mọi thứ vứt hết đấy!” Gã quay ra và nói như ra lệnh :”Này các cô! Hôm nay cho các cô một bữa miễn phí. Tôi bao hết!” Các cô hi hí cười rồi chạy lại chỗ gánh hàng. Gã lôi tuột Nhị vào trong nhà. Gã không ngờ sau chừng ấy năm gã lại có đủ bản lĩnh của một thằng đàn ông đến vậy. Nhị e dè với mọi cử chỉ thái quá của gã. Chị ngồi nép vào tận góc trong của cái ghế bành to tướng. Gã nhìn chị mà xót xa. Người Nhị xác như con ve, bàn tay bàn chân nổi đầy gân. Đôi mắt ngày xưa long lanh là thế mà giờ đây trở nên u tối và luôn cúi xuống. Chị không dám nhìn thẳng vào gã. Chị không thể tưởng tượng được người con trai nhỏ nhắn thư sinh ngày xưa giờ lại ăn nói ầm ào, người đẫy ra như thế. Gã ôm chặt Nhị vào lòng, ôm chặt đến nỗi chị gần như nghẹt thở, cố vùng ra nhưng không được. Sức vóc của người đàn bà phải một mình bươn chải ngoài đời bì thế nào được với gã. Từ ngày vợ mất, gã thấy cơ thể mình cứ đẫy ra bất chấp những biến cố. Gã thấy trong người nảy sinh một sự thôi thúc mới. Hôm nay gặp lại Nhị, người mà gã ao ước bao năm qua đang trong vòng tay gã thì gã mới cắt nghĩa được.
Chưa bao giờ gã ngủ một giấc say đến thế. Khi gã giật mình tỉnh dậy thì Nhị đã đi từ lúc nào. Gã hoảng hốt gọi tên chị. Gã chạy ngược chạy xuôi, nhờ người làng quen biết tìm Nhị mà không được. Gã không còn thiết làm ăn gì nữa. Ngày cũng như đêm, gã toàn mơ thấy Nhị. Gã mơ thấy mình cùng Nhị đi trên con đê ngày nào. Lần này gã quàng tay ôm Nhị chứ không nhút nhát như ngày xưa, thậm chí gã còn kéo Nhị xuống đám cỏ mềm như nhung ở triền đê. Hai người cùng áp tai xuống đất nghe tiếng dế đang hát lên những âm thanh trong vắt, véo von…
Có người nói khi gã đã hết hi vọng thì một người bạn thời thơ ấu đến báo tin cho gã. Gã chạy ào đến bệnh viện. Từ trong phòng hộ sinh, nhìn thấy gã, Nhị cười. Nụ cười của một thiên sứ
D.T.N