
Không ít người cao tuổi coi việc làm thơ là một thú chơi tao nhã. Càng thú vị hơn khi sử dụng cái đẹp của tiếng Việt vào quá trình chọn nghĩa tìm vần cho mỗi dòng thơ. Tác giả Đào Quang Khải đã làm điều đó và tập thơ “Tiếng Việt kỳ diệu”, (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn – 2022) trở thành một ấn phẩm thơ độc đáo.
Sinh năm 1935, Đào Quang Khải có mặt ngay từ khi thành lập Câu lạc bộ thơ Bến Hàn của Trung tâm Văn Hoá Thông tin và Thể thao huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Từ năm 1992 đến nay, mặc dù đã cao tuổi, ông vẫn tham gia sinh hoạt thơ thường xuyên. Trong sinh hoạt Câu lạc bộ cũng như giao lưu với bạn bè, ông khá kiệm lời. Hình như vì thế mà ông nghe được nhiều và thường suy nghĩ kĩ về những điều đã nghe đượcđể chọn lọc tiếp thu. Ông viết bền bỉ và càng ngày càng chắc tay bút. Ông thử sức với nhiều thể loại thơ khác nhau, chứ không chỉ chú mục vào thể thơ Đường Luật hay thơ lục bát như nhiều cây bút thơ cao tuổi khác.
Thoạt nghe tên sẽ tưởng đây là sách nghiên cứu về ngôn ngữ tiếng Việt, nhưng hóa ra là một tập thơ. Những bài thơ: Tình quê hương, Tình làng xóm, tình xuân, Duyên hội ngộ… của Đào Quang Khải đều đong đầy yêu thương, nồng ấm và giàu cảm xúc, gắn với những ý thơ đáng trân trọng. Bài “Em gái đồng dưa” nằm trong số ấy:
“Sương mơ thoáng rải khắp đồng dưa
Hát khúc em chăm bón kịp mùa
Vườn thắm nụ khoe đang sắc tỏa
Bãi vàng hoa nở thoảng hương đưa”.
Khác lạ với những tập thơ thường thấy, ở tập sách này, Đào Quang Khải đã đưa ra một số đề tài và trong mỗi đề tài lại đưa ra 3 bài thơ thuộc 3 thể loại thơ Đường Luật, thơ lục bát và thơ tự do. Mỗi bài cùng số chữ, số câu trong đó, nhưng có thể thay đổi vị trí câu, chữ thành nhiều bài, nhưng vẫn giữ nội dung, ý tứ của bài gốc. Chẳng hạn bài ‘” Tình Xuân ” được viết theo thể thơ Thất ngôn bát cú chuyển thể sang thể đường luật với 10 cách đọc, sang thơ lục bát với 4 cách đọc và sang thơ tự do với 9 cách đọc.
Với tuổi đời 87, vẫn từng giao lưu thơ ở nhiều nơi, Đào Quang Khải có nhiều bài thơ chứa đựng tình người, tình quê hương, nghề nghiệp với cảm xúc thật chân thành, cao đẹp. Bài “Nơi làng xóm” như vẽ một bức tranh quê :
“Làng xóm mới xuân non trải rộng.
Bóng mát trùm tre tỏa mướt xanh”.
Thơ Đường khi du nhập sang Việt Nam thì một số thú chơi thơ được phát huy ngày càng phong phú. Nào là kiểu làm xen các câu 6 âm tiết bên những câu 7 âm tiết thành như một thể thơ riêng của Việt Nam mà sau gọi là thể Hàn luật. Nào là kiểu thơ xướng họa hỏi đáp như một số làn điệu dân ca hát đúm, hát xoan lời cổ. Từ đó các ngón chơi câu chữ trong bài thơ Đường luật ngày càng nhiều cách chơi, nhiều ngón nghề chơi, rất phong phú, phức tạp, như xen kẽ chữ Hán với chữ Nôm, đọc xuôi rồi đọc ngược… Thơ lục bát cũng có những thú chơi tương tự. Trong tập thơ Tiếng Việt kỳ diệu, Đào Quang Khải rất công phu, dồn nén nhiều trí tuệ để dàn dựng một số ngón chơi thơ cho chúng ta cùng thưởng thức và thấy được sự kỳ diệu của tiếng Việt.
Đào Quang Khải viết nhiều, nhưng rất cẩn trọng với câu chữ, ý tứ. Ông là người quảng giao, lại có những bài thơ được bạn bè trân trọng, nên bản thân ông đã có nhiều dịp tiếp cận, đàm đạo, học hỏi kinh nghiệm sáng tác, với những nhà thơ, người yêu thơ cùng thế hệ của mình ở khắp nơi trong nước. Những cuộc giao lưu, xướng họa thơ ấy đã giúp cho ông có thêm ý tưởng sáng tác luôn tươi mới và càng trau dồi sức viết. Hơn 30 năm gắn bó với phong trào thơ ở huyện nhà và thành phố Cảng, đến nay ông đã có 5 tập thơ và 2 tập văn xuôi do Nhà xuất bản Hải Phòng và Nhà xuất bản Hội Nhà văn cho ra mắt bạn đọc gần xa. Ông còn góp mặt trong các tập sáng tác của những người yêu thơ trong và ngoài thành phố.
Trong tập thơ “Tiếng Việt kỳ diệu”, Đào Quang Khải đã viết nhiều bài, rồi chuyển thể từ thơ Đường luật sang thơ lục bát, thơ ngũ ngôn, thơ tự do theo cách hoán đổi khá tài tình,dẫu việc này cầu kỳ, khó hay, nhưng ông đã làm được, chứng tỏ tác giả rất kinh nghiệm và dày dạn về thơ. Bạn đọc có thể tìm được những phút vui khi đọc tập sách này rồi thử biến đổi một vài bài thơ nào đó của mình theo sự gợi mở của tác giả.