Thuật cắt dán của chiến tranh – Truyện ngắn của Frederix Whitehurst

VHP: Frederix Whitehurst là một nhà văn – một chuyên gia hóa học phục vụ trong quân đôi Mĩ ở Đức Phổ (Việt Nam), là người làm nhiệm vụ tiêu hủy những tài liệu bí mật đã không còn cần thiết. Nhưng khi phát hiện ra các tài liệu về Bác sĩ Đặng Thùy Trâm ông đã lưu lại với ý định sẽ trao trả cho gia đình người nữ anh hùng VN sau này khi có điều kiện…

VHP: Frederix Whitehurst là một nhà văn – một chuyên gia hóa học phục vụ trong quân đôi Mĩ ở Đức Phổ (Việt Nam), là người làm nhiệm vụ tiêu hủy những tài liệu bí mật đã không còn cần thiết. Nhưng khi phát hiện ra các tài liệu về Bác sĩ Đặng Thùy Trâm ông đã lưu lại với ý định sẽ trao trả cho gia đình người nữ anh hùng VN sau này khi có điều kiện…

Tôi ngồi đợi. Phần lớn cuộc chiến này là chờ đợi. Tôi đang nhìn một dãy kiến nhỏ xíu cõng những mẩu lá đi xa khỏi tôi, qua hàng cỏ và biến mất từng con một trong dãy dãy vô tận. Hàng kiến dẫn tôi đến cánh đồng phía dưới, nơi sương mù buổi sớm dịu dàng lơ lửng trên những cánh đồng lúa xanh.
Đám sương mù đưa tôi đi xa hơn, trôi dạt qua những cây chuối và cây dừa, cuộn lên mái những nếp nhà tranh trong ngôi làng phía dưới. Và từ những ngọn cây bay lên làn khói bếp sớm mai, khói đưa đến một làn hương khiến tôi liên tưởng tới vùng Viễn Đông xa xôi, nơi mà những cánh cổng cổ kính với tên gọi xa xưa được dựng nên để ngăn chặn những tên cướp Mông Cổ lang thang.
Ngọn lửa hướng tầm mắt tôi qua ngôi làng, về phía những cánh đồng bừng sáng một màu xanh lấp lóa ánh vàng. Những dòng nước nhỏ vào mùa tưới tắm cho những bông lúa, thân lúa chỉ nhô khỏi mặt ruộng ẩm ướt vài centimet.
Hàng triệu thân lúa dập dờn ngút mắt ngả theo cánh rừng bao phủ núi non phía xa, tạo nên một bảng màu nhẹ nhàng đối lập với màu xám và màu đen của những triền núi cấm. Vẻ đẹp và sự tĩnh lặng ấy bị quấy rầy bởi một cậu bé ở xa dưới kia đang quát tháo chú trâu khổng lồ thong dong như một con muỗi tí hon đang lúng búng lệnh cho con vật vĩ đại hướng về phía cánh đồng.
Chú trâu dừng lại giây lát để ngoái nhìn cậu bé, cậu cũng dừng bước thoáng chốc như muốn tìm đường tháo chạy. Rồi trâu lại thong thả bước, vừa ngoan ngoãn, vừa như tảng lờ con muỗi nhỏ tưởng như đã chỉ huy được người bạn khổng lồ.
Được dạy dỗ cẩn thận để trở thành vị tướng quân tương lai, cậu bé tin rằng cậu có thể thuần phục được con trâu và con trâu sẽ tuân theo một tiến trình, như người dẫn trò trong một tuồng hề cổ xưa. Tôi theo dõi cậu bé cắt ngang qua ruộng lúa và mắt tôi dừng lại ở những người đàn ông xung quanh. Mặt trời nhiệt đới đang hâm nóng chúng tôi. Và chúng tôi đang chờ đợi.
Đây là lần đầu tiên nhưng không phải là lần chờ đợi cuối cùng. Tôi nhìn người lính ngồi bên tôi. Anh ta đang nhìn về phía trước, già cỗi, mệt mỏi, trẻ và bẩn thỉu. Anh ta nhìn điều gì đó mà tôi không thấy. Anh ta ngồi lặng yên… chờ đợi. Vết sẹo màu hồng của vết thương mới lành. Một khuôn mặt hốc hác cho thấy anh ta đã 100 tuổi trong hình hài mới chỉ 20 tuổi. Bộ quần áo bụi bặm và mùi mồ hôi bay tới tận chỗ tôi ngồi. Mồ hôi chảy thành vệt trên khuôn mặt phủ bụi của anh ta. Bộ râu của anh ta đã qua một ngày, hai ngày. Đôi mắt của anh ta đã qua cả thế kỷ. Anh ta nhìn thấy điều mà tôi không thấy, chưa thể thấy…
Tôi động cựa, cốt để hỏi xem tôi có thể đi cùng anh ta không. Anh ta thậm chí không thèm để ý đến sự hiện diện của tôi, chỉ nhìn ra xa vào một cái gì đó tôi chưa trông thấy. Và ở đằng kia là bốn người đàn ông, cũng mệt mỏi, đầy bụi trong bộ quân phục xanh lá, vết sẹo hồng của vết thương mới lành, nói chuyện thì thầm như không muốn phá vỡ vẻ diệu kỳ của phong cảnh sớm mai dưới kia.
Đây là những sự thật khủng khiếp mãi mãi ghi dấu trong ký ức của một người lính Mỹ trong chiến tranh VN.
Ông mô tả những hình ảnh thô ráp và phũ phàng mình từng chứng kiến, cảm thấy mình đã từng có những hành động xấu xa đến nỗi vừa viết vừa tự dằn vặt, vừa khóc.
Nhưng Frederic Whitehurst sẽ không chịu nổi sự hành hạ của những ký ức nếu ông không viết chúng ra trên giấy.
Frederic Whitehurst, mà tên thường gọi Fred, là người đã lưu giữ nhật ký của nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm.

Hút thuốc, nói tục đem lại những nụ cười hiếm hoi trong khoảng thời gian ngắn ngủi tôi ở đây. Họ ngồi chơi bài, chờ đợi, chờ đợi. Và ở đằng kia, đằng kia nữa, những người đàn ông đang đứng. Một người đang kiểm tra. Kiểm tra khẩu 16mm, khẩu 45, băng đạn, áo khoác, mũ sắt, băng đạn, mũ sắt, lựu đạn, gần như điên rồ, sợ hãi, lo lắng, nhìn quanh, lại kiểm tra, bụi bặm, mệt mỏi và hốc hác.
Anh ta trông có vẻ lạc lõng trong cảnh bình yên này, trong sự tĩnh lặng của buổi sáng. Làn khói bếp lại bay đến đưa tôi tới những nơi xa kia vẫn còn nằm trong sương mù, quên bẵng đi trong một khoảnh khắc rằng tôi đang ở đây… chờ đợi.
Viên trung sĩ nhất đã cướp mất khoảnh khắc đó bằng tiếng gọi rống lên, trực thăng sắp tới. “Sẵn sàng lên máy bay ngay khi hạ cánh!”. Và sau đó: “Chúng ta có thương vong. Một bị thương. Một chết. Họ trúng đạn trước khi ra khỏi máy bay. Chúng ta phải hạ cánh trong tầm hỏa lực”.
Tôi nhìn những khuôn mặt. Những người chơi bài cất đi những lá bài, dụi thuốc lá, khoác balô và bắt đầu kiểm tra. Kiểm tra khẩu 16, lựu đạn, mũ, áo khoác. Người lính cạnh tôi tiếp tục nhìn chằm chằm vào một cái gì đó mà tôi không thể biết. Còn người đồng đội lo lắng của tôi ở đằng kia đang chạy xuống sườn đồi về phía nhà xí chắc chắn sẽ bị lỡ máy bay và sẽ đi chuyến sau, sẽ sống lâu hơn một vài người trong chúng tôi.
Trung sĩ nhất quát cậu ta nhưng cậu ta đã chạy đi rồi. Tôi nghe tiếng chúng. Rất mơ hồ từ phía chân trời. Điểm hạ cánh cách đây 15 dặm. Thoạt tiên chúng chỉ là những chấm, tiếng hốp hốp hốp của cánh quạt và động cơ thông báo một câu chuyện sắp diễn ra. Năm, rồi sáu, bảy, tám chấm nhỏ lớn dần thành con ruồi, con bọ dừa, rồi thành con chuồn chuồn tiến đến rất nhanh.
Đây là chuyến hạ cánh đầu tiên của tôi, món điểm tâm chiến tranh của tôi, lần đổ máu đầu tiên. Chúng đang đến rất ồn ào, đảo vòng thấp xuống cánh đồng, cách một tầm bắn, lên xuống sân đỗ. Chúng to lớn, màu xanh, gầm thét dữ dội, đem theo hai phi công ngồi sau tấm kính và hai tay súng máy, mỗi người một bên. Lính cứu thương đang chạy tới một con chim khi nó hạ cánh. Chiếc thứ ba, không phải màu xanh mà là màu đỏ, đỏ, đỏ khắp bên trong. Tôi không còn thời gian.
Trong khi tôi nhìn chăm chăm, những người đàn ông khác đã kịp chui vào chiếc máy bay thứ nhất, rồi thứ hai. Tôi chạy tới chiếc thứ ba và sững lại trong một thoáng khi những người khiêng cáng vượt qua tôi.
Chúa ơi, cái gì thế kia? Lạy Chúa, những miếng thịt, như con lợn bị mổ. Chỉ còn phần thân, một nửa cái đầu và hốc mắt, một cánh tay gãy gập như thân cây đổ lủng lẳng dưới đống thịt. Người khiêng cáng lại chạy qua. Cái hình người ở đó giãy lên, bị xẻ ra từng mảnh, chẳng còn hi vọng gì nữa, cái thân hình bị xé nát vẫn còn sự sống cứ giật lên. Tôi còn nhớ những cơn co giật. Mãi mãi tôi còn nhớ những thân hình giãy chết, giật giật. Tại sao họ lại mang thứ này về? Tại sao không? Tôi không còn thời gian để nghĩ nữa.
Tôi phải lên trực thăng. Nhưng máu ở khắp nơi. Không còn thời gian nữa. Tôi nhảy vào con chim đang gầm rú khi nó cất mình lên khỏi mặt đất. Chúng tôi ngồi, chín thằng chúng tôi, ba người ba phía với cẳng chân thò ra ngoài, hai người bám lấy vỏ máy bay, một người bám lấy hai người kia. Ba người ngồi giữa, trên ghế. Cái thứ máu đáng nguyền rủa ở khắp nơi. Tôi thấy dinh dính nơi bàn tay, quần áo, dưới chân, thấm qua quần áo, làm ướt cẳng chân. Mẹ kiếp, máu khắp người tôi và cả ở người hai thằng cha tôi đang bíu vào. Làm sao tôi có thể ngừng suy nghĩ về nó?
Chúng tôi cất cánh nhanh chóng và rồi lao về phía cánh đồng, viên phi công chú mục ném chúng tôi vào cái màu xanh dịu dàng trải rộng đang lấy đi lòng dũng cảm giả tạo. Trong thoáng chốc, chiếc trực thăng nghiêng về phía trái và tôi thấy mình đang nhìn xuống dưới đất, chỉ khoảng 20 feet phía dưới, di chuyển với tốc độ ánh chớp.
Viên phi công quyết lao xuống mặc cho cánh quạt xén ngang thân lúa và tiếp tục thi hành nhiệm vụ đưa những người lính đến chiến trận và cái chết. Tôi chỉ có thể chăm chắm vào nỗi kinh sợ không thể tưởng tượng nổi khi chiếc trực thăng quay lại và chuẩn bị cất cánh. Chúng tôi đã quét bóng ma của những xác chết đầy máu ra khỏi tâm trí trong mối khiếp đảm gần kề. Những phi công và đội bay đã bỏ lại những thứ hàng chết chóc, đương đầu với ký ức để lao xuống mặt đất.
Và sau đó khi chiếc trực thăng bay lên cao, cao nữa, xuất hiện hình ảnh cuối cùng của phương Đông bí ẩn. Tôi nhìn thấy mặt trời buổi sớm ban ánh sáng xuống những ruộng lúa phía dưới, làm tôi lóa mắt trong phút chốc khi chiếc trực thăng đảo vòng. Mặt đất trở thành màu vàng và màu xanh lá cây, lấp lánh như kim cương.
Trên đầu là tiếng động cơ gầm rú và tiếng cánh quạt, tôi vẫn nhìn thấy những hình ảnh đẹp đẽ cuối cùng trước khi tôi bắt đầu thấy những gì không thể trước đó. Nó lờ mờ và từ từ trở nên sáng rõ hơn. Tôi chắc rằng người đàn ông ngồi cạnh tôi lúc nãy không thèm nhìn tôi đã thấy nó là gì. Tôi bắt đầu nhìn kỹ hơn và mặt đất bằng vàng ròng biến khỏi tầm mắt.
Chúng tôi ở đó, lượn vòng tròn. Tôi có thể nhìn thấy phía dưới súng bắn liên hồi, những luồng khói phụt ra từ rocket khi chúng chạm mục tiêu không thấy rõ. Tôi có thể nhìn thấy những người lính chạy đến một ngôi làng khiêm tốn với nhà tranh bé nhỏ và những cây chuối, cây dừa… như tôi từng nhìn thấy trước đó. Tôi có thể nghe tiếng bom nổ và súng bắn. Những tay súng ngồi ở cửa máy bay nâng vũ khí lên trong khi chúng tôi nhảy xuống. Chúng tôi đang nhanh chóng vào cuộc. Mùi cỏ cháy và thuốc súng xông lên mũi tôi. Tiếng thét, tiếng thét át cả tiếng động cơ trực thăng. Còn 20 feet, 10, rồi 5 feet cách mặt đất. Người đàn ông cạnh tôi nhảy xuống.
Tổ sư, chúng ta còn chưa hạ cánh mà. Ra ngoài! Ra ngoài! Giêxuma, người ta nổ súng khắp nơi. Bắn vào cái gì? Tôi chẳng thể trông thấy gì cả. Họ đang nhắm bắn vào hàng cây. Tôi nhìn thấy lá chuối di chuyển vòng vòng, nhưng mục tiêu ở đâu? Kẻ thù tôi phải giết đâu rồi? Họ đang bắn vào cái gì thế nhỉ?
Chẳng có cái gì ở đó. Không, phải có chứ. Rồi nó xộc vào tâm trí tôi khi người đàn ông cạnh tôi bỗng khựng lại, xoay tròn, chảy máu, ngã vật xuống đất và giật lên từng hồi quằn quại hòng xua đuổi đau đớn. Lẽ ra anh ta có thể hét nhưng anh ta không có khuôn mặt. Hàm của anh ta biến mất… hay là gì đó. Tôi phải nổ súng thôi. Sau đó tôi nghe thấy tiếng “Cứu thương! Cứu thương!” lặp đi lặp lại. Ai đó đang thét lên, thét điên cuồng!
Cứu thương! Cứu thương! Hét mãi như thể ngôn từ sẽ giúp tránh khỏi sự hoảng loạn. Người đàn ông vừa nãy sẽ lại chạy và bắn. Ai đó đang hét. Đó chính là tôi. Tôi quay lại và biết rằng hàng cây chính là kẻ thù. Tôi sẽ giết tất cả những gì tôi thấy chuyển động. Tôi vừa chạy vừa bắn, vừa hò hét và lao xuống một con mương dẫn nước. Tôi vẫn chưa nhìn thấy gì cả. Không, có ánh chớp lóe lên từ họng súng. Bắn về hướng đó. Đừng ngắm, chỉ bắn thôi. Sau đó chúng tôi nhô lên và tiến lại gần hơn. Tiếng rên rỉ làm tôi ngạc nhiên. Một tiếng rên kỳ quái đáng sợ làm rung động cả những đám mây, cây cối, cuộc đời tôi, tâm tư tôi. Tiếng rên phát ra từ những họng súng của chiếc Cobra (*), tôi nghĩ vậy. Nòng 20mm xả đạn hạ gục tất cả những thứ trên đường đi của nó. Cây cối, những ngôi nhà tranh, bất kỳ cái gì. Không phải là từng viên đạn mà là một xung động liên hồi, một tiếng rền rĩ kinh hoàng. Âm thanh là của những thân thể đang thét lên, người ta hét lên như thế để trốn khỏi nỗi kinh hoàng.
Người đàn ông vừa mới hôm qua lẽ ra còn được khóc đòi mẹ, giờ đây đang gào “Cứu thương!”, hét “Cứu thương!”. Tiếng kêu phát ra từ những khúc thịt mà từ vài giây trước còn nguyên vẹn là những đồng đội. Tôi bắt đầu nhìn thấy cái điều mà trước đó còn lờ mờ. Con Hổ mang (*) tiếp tục lùng sục, rền rĩ, phóng ra những quả đạn rocket nhằm về phía ngôi làng. Tôi thấy khói và lửa bùng lên trên những đám cây và mái lều.
Chúng tôi theo dõi cảnh đó, thỉnh thoảng bắn vài phát đạn cho đến khi máy bay phản lực lao tới. Có khoảng ba hoặc bốn chiếc. Chúng vẽ một vòng tròn trên bầu trời giống như bánh đu quay khổng lồ. Chiếc đầu tiên bay đến đem theo súng lớn, rồi chiếc thứ hai, và sau đó chiếc thứ ba phóng ra những quả trứng màu xanh lá cây. Mọi âm thanh trên trái đất này bỗng biến mất. Tôi điếc đặc. Mọi thứ dừng lại. Tôi không nhìn, không nghe thấy gì từ chiến trận trừ cái vật màu xanh lục vừa mới lọt ra từ bụng máy bay. Nó vừa rơi vừa lắc lư. Không giống một viên đạn mà người ta không nhìn thấy, nó đúng là một quả bom đến sau một cái lắc đầu, một cái nháy mắt. Tôi biết rằng tôi phải tiếp tục chiến đấu, nhưng vật ấy làm tôi mê muội, nó rơi, rơi, rơi và sau đó biến mất bên dưới những hàng cây và túp lều.
Ngay lập tức, một vầng lửa chói lòa nở rộng trước mắt. Chấn động vồ lấy tôi với sức nóng khủng khiếp. Đó là napalm! Không gì có thể sống sót nếu gặp phải nó, không còn gì, không còn gì. Cú sốc đưa tôi trở lại chiến trận. Nhưng có cái gì đó vẫn tồn tại. Từ phía làng, kẻ nào đó vẫn bắn vào chúng tôi. Thêm một chiếc phản lực, một quả bom napalm nữa. Lại một chiếc phản lực, một bom napalm. Chiếc thứ tư nhả ra quả trứng của nó. Ôi nhầm rồi. Chết mẹ, nó đang tiến về phía chúng tôi. Chúa ơi. Tôi đánh rơi mọi thứ và chạy. Súng trường, balô. Chạy cuống cuồng.
Người đồng đội cạnh tôi không chạy mà cuộn lại như một bào thai dưới con mương nước. Quả bom lắc lư trong không trung, và tôi chạy. Tôi ngã vào con mương, chúi vào nước. Quả bom chạm đất. Một quầng nóng sáng lóe trùm lên tôi. Đợt chấn động quá gần. Tiếng nổ làm tôi điếc đặc. Sau đó tôi trở lại vơ lấy súng. Người đồng đội không chạy trốn đã bị bỏng nặng ở cánh tay và cẳng chân…
Cứu thương! Cứu thương! Tiến lên. Chẳng còn gì có thể sống sót ở đó nữa. Đến bìa làng. Thấp, nằm khuất sau đám cây, những con bò chết, những ngôi nhà tranh. Cúi thấp xuống. Cẩn thận không bắn vào một trong số chúng ta. Khói quá nhiều đến nỗi chẳng nhìn thấy gì cho đến khi ở gần mục tiêu. Xuống, nằm xuống. Di chuyển! Trong ngôi nhà đó. Người lính cạnh tôi ném một quả lựu đạn M79 vào trong nhà. Bùm. Chúng tôi rải hàng trăm loạt đạn trong nỗi khiếp hãi. Tiến lên bằng cách bò sát đất, bắn, di chuyển, bắn, di chuyển. Thêm một quả M79. Bùm! Chúng tôi đã ở đó. Nấp đằng sau thân cây, tôi từ từ đứng lên.
Nhìn quanh, quan sát những chuyển động. Nhìn vào nhà. Tôi thấy một thân thể ngã vật trong góc. Một ông già, không phải lính chiến, đã chết và rách nát bởi lựu đạn và súng trường. Tiến lên. Canh chừng cho nhau. Đừng để chúng bắn ta! Tiến lên. Chiếc radio ra lệnh tạm nghỉ. Ơn Chúa. Cảm giác căng thẳng! Cầm lấy vũ khí! Đại đội Bravo đang tiến đến khu vực của chúng ta. Nằm xuống. Quan sát. Không nói chuyện. Quan sát. Và Bravo xuất hiện từ trong đám khói. Thế là xong rồi. Ngừng bắn. Tôi còn sống, tôi còn sống. Tôi tựa lưng vào một cái cây và nhìn quanh. Ôi cứt thật, nhìn kìa. Kia hẳn là một em bé, bị nướng. Giêxuma. Và cái người đang ngả về phía trước với cánh tay vòng qua em bé, thịt đã bị cháy đến tận xương, một người phụ nữ, bị lọt vào luồng napalm đang cố đẩy đứa con nhỏ ra phía trước. Cả hai đều bị đốt cháy, nướng chín, chết rồi…
Chúa ơi! Những tên lính kẻ thù ở đâu? Chỉ có một ông già. Có ba đứa trẻ hoảng sợ ở ngay cổng làng đã bị xé rách bởi súng. Và có một con bò mẹ và con bê. Một con chó chết bên căn nhà cháy rụi. Mùi khét của thịt cháy quyện đặc trong không khí. Chúng tôi thế là xong nhiệm vụ một ngày. Trận càn quét đã qua. Và có một cậu bé cầm cây gậy nhỏ nằm chết bên người bạn trâu khổng lồ đang rên rỉ, đầu ngóc lên, than vãn, cũng muốn chết, dù không hiểu chuyện gì xảy ra. Tôi đến bên cái đầu khổng lồ, hạ khẩu 16 xuống và bóp cò. Không ngờ máu và óc lại văng tóe lên tôi như thế, khiến tôi sững người. Tôi như đã chết, như cậu bé vậy. Mọi âm thanh không còn. Trận chiến đã kết thúc.
Không! Có súng bắn từ phía trái. Xuống, nằm xuống! Cứt, một trong số chúng vọt ra khỏi cái hố bí mật và khạc đạn vào những người lính đằng kia bằng súng tự động. Cứt, họ trúng đạn tan tành. Họ đang chạy tìm mục tiêu. Cái hầm để mở. Một quả lựu đạn được thả vào trong. Im lặng. Bùm! Im lặng. Bò đến miệng hầm. Bắn, bắn và bò. Chạy, chạy, bắn vào trong cái hầm ấy. Thằng cha mà ló đầu ra thì bắn cho cái đầu nó vỡ tung. Giết cái thằng khốn bé nhỏ đó đi! Hình như hắn ta chẳng động tĩnh gì! Rồi di chuyển chậm rãi. “Chiêu hồi!”. “Tôi đầu hàng”. “Chiêu hồi”. Mẹ mày, đồ cứt đái. Bắn nó. Bắn nó đi. Bắn cho tan cái đầu nó.
Hai trăm loạt đạn lao tới hăm hở ban phát đặc ân cuối cùng. Nhưng chẳng có gì nữa để mà bắn. Cái thân thể không đầu ngã trở lại vào trong hầm. Cứu thương! Cứu thương! Tiếng thét cứ vang lên mãi. Mẹ ơi, tiếng thét cứ vang lên mãi. Một trong những người lính bị thương lải nhải: “Lucy, anh đang chết! Lucy, anh đang chết”. Ôi Chúa tôi! Tôi không khóc được. Tôi không khóc được! Tôi phải khóc. Tôi khóc. Tôi khóc từ tất tần tật tâm hồn. Và chẳng có dòng nước mắt nào chảy ra trên lớp bụi phủ bộ mặt ngàn năm tuổi của tôi. Đã chấm dứt rồi. Trực thăng đang quay lại với một đám người sẽ mang đi xác chết và lính bị thương.
Chúng tôi ngồi giữa những thân thể, theo dõi lính cứu thương gắng gỏi giành giật cuộc sống từ những thân hình co giật, tìm cách ngăn không cho máu chảy khỏi chân tay đã rời ra, túm chặt lấy người đàn ông còn nguyên vẹn về thể chất, nhưng đã trở nên điên dại hoàn toàn khi nhìn thấy em bé bị nướng chín. Những người bị thương khe khẽ động cựa. Những người chết rồi cứ co giật, giật, giãy chết. Người đàn ông bị điên đang được ba người khác ôm giữ. 11 thằng. Anh ta hét lên từng chập, khóc lóc, quẫy đạp và bỗng ngừng lại, ngồi yên và bắt đầu nhìn chăm chắm… vào một cái gì đó mà giờ đây tôi đã thấy được. Phải, tôi đã thấy rồi. Nó đấy, cái điều mà cách đây chỉ một giờ đồng hồ lúc ở trên đồi chờ đợi trận đánh đến tôi đã không thể thấy.
Viên chỉ huy đại đội ghé qua, nói thì thầm, theo dõi những cử động, một hầm bí mật khác, một trong những tay lính của hắn “bất cẩn” chĩa súng vào hắn. Hắn dừng lại trước mặt tôi: “Này, cậu vừa giành được huy hiệu bộ binh đánh trận hôm nay. Chúc mừng nhé!”.Và giờ đây tôi đã thấy rõ điều tôi chưa được biết trước đây.
Tôi vừa đánh đổi màu xanh ánh vàng của đồng lúa, hương thơm của khói bếp sáng sớm, tiếng nói ríu rít của cậu bé nhỏ xíu như con muỗi dắt theo chú trâu ra đồng, bảng màu nhẹ nhàng, huyền hoặc của thế giới, để lấy một mẩu kim loại màu xanh dương, trên có khắc hình khẩu hỏa mai đen kịt với hai vòng lá sồi bao quanh, một cái huy hiệu bộ binh đánh trận.
Tôi vừa đánh đổi sự thanh bình vĩnh cửu lấy hình ảnh một em bé bị nướng chín, một người lính điên dại, một người mẹ chết trong tư thế cánh tay vươn ra mãi mãi đỡ lấy con mình, tiếng rên của khẩu pháo 20mm và ánh chớp tàn khốc của napalm. Chỉ để lấy một mẩu kim loại xanh lợt. Tôi đã thấy rõ rồi. Tôi đã thấy rất rõ. Tôi thấy rất rõ, tôi đã thấy r…õ…

(Kho tư liệu của Hội NVHP)

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder