Mới đây, Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải đã tổng kết và trao giải Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài giao thông vận tải. Nhà thơ Nguyễn Đình Tâm, Hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng đã được trao giải nhất cho trường ca “Thức với biển”.
Vanhaiphong xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà thơ Vương Trọng về trường ca này.
Mới đây, Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải đã tổng kết và trao giải Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài giao thông vận tải. Nhà thơ Nguyễn Đình Tâm, Hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng đã được trao giải nhất cho trường ca “Thức với biển”.
Vanhaiphong.com xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà thơ Vương Trọng về trường ca này.
Nhà thơ Nguyễn Đình Tâm (đứng thứ ba từ trái sang) trong Lễ tổng kết và trao giải (Ảnh internet)
Trong cuộc thi sáng tác văn học của Hội Nhà văn Việt Nam kết hợp với Bộ Giao thông vận tải tổ chức năm 2014 – 2015, Ban Giám khảo phần thơ thật vui mừng khi đọc xong “Thức với biển”, trường ca của Nguyễn Đình Tâm, mừng vì trước đó đã đọc hàng trăm tác phẩm dự thi bao gồm những tập thơ và trường ca về đề tài này, nhưng chưa tìm được “ngọn cờ”. Lúc đó các thành viên chấm thi chưa biết tác giả Nguyễn Đình Tâm là ai, nhưng đều có chung nhận định, đây là trải nghiệm của người trong cuộc. Trường ca này là ký-ức-thơ của thủy thủ đoàn tàu biển vận chuyển vũ khí, lương thực, thuốc men, hàng hóa… chi viện cho chiến trường, là bản hùng ca của vận tải biển trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nói đến các đoàn tàu vận tải biển trong giai đoạn này, bạn đọc thường nghĩ đến những con tàu không số huyền thoại mà văn học, điện ảnh… đã có nhiều tác phẩm đề cập. Nhưng bên cạnh những con tàu không số đó, là những đoàn tàu có số, số lượng đông đúc hơn, làm công tác vận chuyển từ cảng Hải Phòng vào miền nam khu Bốn. Chúng ta biết rằng, thời đó tất cả những nhịp cầu trên đường bộ đều bị phá hủy, các bến phà bị đánh phá tan nát, công việc vận tải đường bộ gặp rất nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, năm 1968, để thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải là tăng cường tối đa vận chuyển chi viện cho chiến trường. Cục đường biển mở chiến dịch VT5 huy động các đội tàu Giải phóng (GF), Tự lực (TL), Quyết thắng (VS) và tàu Tankit (TK-chở xe tăng) vào chiến dịch. Ngày đó Nguyễn Đình Tâm là giảng viên đại học, dạy bộ môn động cơ đốt trong, nên được điều giữ chức danh sĩ quan Máy hai, rồi Máy nhất của tàu GF 01 trực tiếp tham gia chiến dịch này và anh đã có mặt trong suốt 14 chuyến vận tải, vượt qua bao thử thách ác liệt, được bầu là Chiến sĩ thi đua và Dũng sĩ Giao thông vận tải. Anh tâm sự rằng anh viết trường ca này để ghi lại một giai đoạn lịch sử ác liệt và hào hùng của dân tộc mà mình trực tiếp tham gia, đồng thời tri ân những đồng đội đã hy sinh vì sự nghiệp cao cả:
Tôi là người may mắn hơn các anh
sóng dạt sang bờ sống
để đứng về phía biển
dâng những lời tri ân
Là người trong cuộc, viết về những công việc của mình, của đồng nghiệp với cảm xúc chân thành với nhiều chi tiết nếu người không trực tiếp tham gia khó có thể nghĩ ra mà mô tả:
Tàu dồi dọc rồi tàu lắc ngang
đứng không vững, bám vội vào nắp máy
bàn tay bỏng rộp khét lại mùi da…
Hay:
Tàu lắc quá thì nằm xuống sàn
buộc mình vào chân giường mà ngủ
con sóng tràn ướt đẫm giấc mơ
Hoặc:
Mũ bảo hộ vỡ rồi
ta bện mũ rơm
mũ rơm đập va êm hơn mũ nhựa
đoàn thủy thủ mũ rơm
thêm chở che của lúa…
Hay như cảnh xẩy ra trên tàu khi cơn bão kinh khủng ập đến:
Cần cẩu đứt dây đập thủng boong tàu
thuyền cứu sinh bay vù xuống biển
kim la bàn quay không định hướng
từ trường như đang đổi chiều
trái đất như đang đổi cực
nếu không từng trải, khó mà tưởng tượng được!
Có những chi tiết vừa thực, vừa cảm động. Quê Nguyễn Đình Tâm ở Cửa Hội, thế mà bao lần đưa tàu vào phía nam, qua quê nhà mà không ghé thăm mẹ được:
Tôi đi qua quê mình mà không dừng lại
Hòn Ngư mờ trong sương
giờ này chắc mẹ còn thao thức…
Con muốn kéo hồi còi thật vang
chào quê hương mà chẳng thể…
xin con sóng tạo nên từ tàu con
vỗ về bờ với mẹ
Ngọn hải đăng trên vách đảo chớp hoài
Vận chuyển một chuyến hàng trót lọt từ cảng Hải Phòng đến sông Gianh (Quảng Bình) là một kỳ công vì phải vượt qua bom đạn dội xuống từ trên trời, thủy lôi lập lờ trong nước, những chiếc tàu biệt kích luôn luôn rình rập. Đó là chưa kể những cơn bão bất thần nổi lên, ập đến. Trường ca này, Nguyễn Đình Tâm viết trong hồi tưởng, khi cuộc chiến tranh đã lùi xa hơn bốn mươi năm, nên nhiều sự mất mát hy sinh hiện ra một cách trần trụi:
Tàu GF 28 bị nổ tung
Sĩ quan lái đầu và tay chân bay lên cầu mười một
Thuyền trưởng bị cắt đứt ngang thân
ba thợ máy xác tan bên bệ súng
bốn thủy thủ ruột trào khỏi bụng…
Đấy là chưa kể những thủy thủ chìm sâu vào đáy biển khi con tàu bị máy bay Mỹ bắn chìm để lại nỗi hẫng hụt, đau thương cho người đang sống:
Ta gào lên ngọn sóng:
Huyên ơi!…
Ta ngụp lặn trong chiều tìm bạn
ta ngồi chong mắt vào đêm
nhìn sâu vào lòng biển
nơi con tàu bị bắn chìm
bạn đã neo vào khoảng lặng
chiếc ghi ta bạn chơi
bập bềnh trên sóng
rung dây đàn thổn thức lòng ta…
Sở dĩ tôi gọi “Thức với biển” là ký-ức-thơ vì tác giả đã kết hợp nhuần nhuyễn ký ức với thơ. Trong cuộc thi về đề tài Giao thông vận tải lần này có nhiều trường ca viết khá công phu. Chỉ tiếc rằng, với một số nhà thơ chuyên nghiệp, vốn không phải là người trong cuộc thì thường gặp nhược điểm là “viết theo khái niệm”, “một số tác giả trong ngành thì bề bộn chất sống nhưng thiếu chất thơ. Nguyễn Đình Tâm tránh được hai nhược điểm ấy nên tác phẩm của anh thuyết phục được từ những người trong ngành đến các nhà thơ chuyên nghiệp. Ý thức thơ trong ký ức của tác giả “Thức với biển” khá thường trực, giữa “lời trần tình” trước biển rất thực mà vẫn lấp lánh vẻ đẹp của thơ “cho tôi hiểu mặn chát/ cho tôi những trong lành/ cho tay tôi khoát mềm lên vai sóng/ để chân mình chân sóng chạm vào nhau”, cứ sau mỗi đoạn mô tả thực tế thì thế nào cũng có một vài câu giàu chất thơ gói ghém lại. Ta trở lại khổ thơ đã trích “Tàu lắc quá thì nằm xuống sàn/ buộc mình vào chân giường mà ngủ” là câu thơ tả thực, khá đặc sắc nhưng khổ thơ sẽ kém đi nhiều nếu thiếu câu thứ ba: “Con sóng tràn ướt đẫm giấc mơ”
Hay như đoạn con tàu bị bão đánh tơi bời, đoàn thủy thủ dạt vào đảo, vào hang tìm củi nhen lửa sưởi chống rét:
Bạn thiếp đi trong ánh lửa ảo mờ
Ta ngồi chất thêm cành, thêm cỏ
Khoảng cách giữa ta và lửa là bập bùng bóng mẹ đêm đêm
Chính những “câu gói” như hai câu cuối trên đây đã dứt hẳn lối viết nghiệp dư đơn thuần kể lể, đưa tác phẩm đứng đàng hoàng về phía chuyên nghiệp.
Chúc mừng nhà thơ Nguyễn Đình Tâm, mừng đề tài Giao thông vận tải có thêm một tác phẩm hay. Xin trân trọng giới thiệu trường ca “Thức với biển” cùng bạn đọc.
Hà Nội, tháng 7 – 2015
V.T