
CHƯƠNG V
Mọi việc mau chóng được thực hiện. Tố dẫn đầu đoàn quân đi Thái Bình, không phải bằng xe đạp hay xe máy mà bằng ô tô hẳn hoi. Một chiếc ô tô mười sáu chỗ chật ních người hào hứng đi trong ngày nắng tháng Sáu. Ai cũng muốn mình được vinh dự đứng trong thành phần ban cốt cán. Vừa được mang tiếng là người nhiệt tình lại được chơi. Ngồi trong xe điều hoà mát lạnh lòng ai chả lâng lâng. Tình yêu họ hàng tưởng vô bờ bến. Gắn kết giọt máu đào không khó, một thằng cháu chi dưới cũng làm được. Hôm qua thằng May còn hằm hè vì thằng Công dám mò vào nhà bà Thu tán con Xoan người yêu nó. May vác dao nhét bụng định cho Công một nhát tối qua. Ma xui quỷ khiến thế nào khi nó chui từ bụi rậm xông vào Công thì ông Hình đi qua. Ba người giáp mặt nhau nên May đành giắt dao vào thắt lưng. Sự việc không qua được mắt ông Hình. Bàn tay ông kín đáo luồn sau lưng nó nói nhỏ: “Mày là con cháu họ Hoàng. Việc này chỉ tao biết, nhớ đấy!”. Thằng May mặt tái đi nhưng trời tối Công không nhận ra. Thật phúc tổ nhà nó. Sáng nay May lấm lét nhìn ông Hình rồi mới trèo lên ô tô. Hai thằng rì rầm chuyện to chuyện nhỏ, thỉnh thoảng còn rinh rích cười.
Ông Tấn ngồi ghế trên cùng đang ật cổ sang phía thành xe. Nước dãi thỉnh thoảng nhỏ xuống chiếc khăn mặt màu cháo lòng. Ông cố gắng chợp mắt và tận hưởng sự sung sướng lần đầu tiên được hưởng. Cũng là người mà sao người ta sướng thế? Một bước lên xe có điều hòa mát rượi, hai bước xuống xe vào nhà cũng mát rượi điều hòa. Chất độc da cam gặm dần thân thể ông. Chỉ chút tâm trí hình như ngày càng sáng hơn. Điều đó làm ông buồn nhiều hơn vui.
Mỗi khi cơn đau hành hạ và nhìn con gái tập tễnh lê đôi chân nhỏ xíu quanh sân, ông muốn chết quách đi cho xong. Kí ức từ những ngày nằm rừng hiện rõ mồn một. Không ai hiểu được chất độc da cam lẫn trong làn sương sớm lại dã man đến thế. Nếu biết ông và đồng đội đã giữ gìn. Một ngày nhịn ăn uống chờ tiếp tế sẽ không chết. Mấy chục năm bát canh rau tàu bay nấu với nước suối vẫn chao đảo trước mắt ông. Người nào cũng tranh nhau húp lấy húp để sau mấy ngày lạc rừng. Con suối là vị cứu tinh tức thời nhưng lại là kẻ huỷ diệt sau này. Sau cuộc chiến ông không biết tại sao mình lại phải trải qua nhiều sự việc kinh khủng đến vậy. Đứa con nào ra đời cũng là nỗi khát khao vô bờ bến của gia đình ông và dòng họ. Nhưng lần nào những sinh linh bé nhỏ cũng trở thành nỗi kinh hoàng. Đứa thì chỉ là một cái bọc lùng nhùng, đứa thì thiếu miệng, thiếu mắt. Đẻ ra đứa nào dài thì sống được vài giờ, đứa không kịp cất tiếng khóc chào đời. Vùng quê yên bình chưa bao giờ trải qua sự việc tương tự. Bao nhiêu lời xì xầm. Tốt có xấu có, hả hê có, thương cảm có. Bởi ông cũng có không ít người hậm hực, thậm chí thâm thù.
Sau bao nhiêu năm trận mạc ông trở về quê hương. Một anh bộ đội lập nhiều chiến công góp phần vào thắng lợi của đất nước thì vị trí cán bộ xã không thể có ai thay thế. Ông lao vào làm việc. Tất nhiên trên bước đường xây dựng hợp tác xã giàu mạnh thế nào cũng có kẻ ngáng đường. Lười lao động, trốn tránh trách nhiệm là ông ghét. Giáo dục nhiều lần không được, ông liệt vào danh sách chậm tiến. Trong số đó có người theo đuổi con đường học hành. Ông cho là không được. Phải đặt mục tiêu việc gì quan trọng thì làm trước. Bây giờ nhà nào nhà nấy đói dài họng, phải tập trung đi làm đồng. Chữ nghĩa có mài ra ăn được không? Cấy hái trồng trọt để có cái ăn đã. No bụng mới tiến tới cái xa hơn. Đó là chuyện học hành. Thế là trong xã ai đỗ đạt, muốn thoát li là ông gác lại. Có người đi được vì nhiều lí do nếu có thành đạt và được cất nhắc vẫn phải qua tay ông. Họ về xã nhờ ông chứng nhận lí lịch gia đình trong sạch để được kết nạp Đảng. Nhưng đâu có dễ thế. Nếu vượt ra thì một là thành phần không trong sạch hai là có tư tưởng tiểu tư sản dày ăn mỏng làm. Chứng thực cho họ khác gì nối giáo cho giặc. Địa phương còn không quản lí được huống hồ ra xã hội. Thế là mọi việc về đến xã phải dừng bước. Không ít người hậm hực thù ghét ông. Ông không lấy đó là mối bận tâm vì hầu hết anh em trong cấp uỷ đồng tình. Ông làm đúng sao phải sợ? Nhưng những đứa con ra đời và lời bóng gió độc ác làm ông bừng tỉnh. Sau khi đứa con thứ sáu không có tứ chi sinh đúng ngày đúng tháng chết thê thảm ông đã xin thôi mọi chức vụ. Ông không thể quên đôi mắt trừng trừng của con nhìn thẳng vào ông. Một điều lạ là khi ông sợ ánh mắt ấy tránh ra chỗ khác thì đứa bé vẫn hướng về phía ông. Ông di chuyển đến đâu ánh mắt theo ông đến đấy. Hay là mình ăn ở độc ác? Hay là bàn tay mình đã siết cò quá nhiều? Hay là mình đã chặn đường sống của nhiều người? Hay là mình chịu sự trừng phạt của những linh hồn?
Tất cả không ai lí giải cho ông, chỉ là nỗi đau khổ âm thầm dẫn tới cách phản ứng bằng lời nói tiêu cực với cuộc sống hiện tại. Ông không tin ai và tin bất cứ việc gì sẽ mang lại cho ông điều tốt lành. Tại sao miệng lưỡi người đời cay độc giáng vào ông mà ông phải mang lòng nhân nghĩa? Họ mạc có thật lòng không khi mọi việc chỉ do lòng tham và mong muốn lợi lộc? Việc gì họ cũng tính toán thật kĩ. Làm việc này thì có lợi gì cho mình? Như thằng Tố, bỏ một chút tiền ra nó vừa được lòng họ mạc vừa được tiếng là đứa có hiếu với tổ tiên. Nó không dại đâu. Ông đọc được những gì trong mắt nó.
Xe đến nơi có chiếc nhà cổ thì trời đã gần trưa. Nắng dãi vàng khắp làng quê. Cây cối hai bên đường rũ rượi như bị đổ nước sôi, lộc non cháy sém. Nắng liền cả tháng trời thì làm gì còn sinh khí. Ruộng nẻ khô vì thiếu nước làm lúa táp hết. Kiểu này năm nay mất mùa như chơi. Ai hay lo xa và sống dựa vào mấy sào ruộng suốt ngày phàn nàn. Bao nhiêu việc trông vào hạt thóc mà. Tham gia việc họ việc hàng tốt thật đấy nhưng còn miếng ăn hàng ngày. Hỏi ai cho ai cái gì? Chỉ có thằng Tố hoạ hoằn cho người già cả được tí chút nhưng nó có phải thần Phật đâu mà rải hết làng. Như thế cũng là tốt rồi, tốt nhất họ Hoàng rồi. Nhiều người nói như thế. Ông Vấn lương bổng cao thế nhưng bà Vấn kẹt nõ đít. Đố có cho ai tí gì dù chỉ bằng cái móng tay.
Mọi người lục tục xuống xe. Ngay lập tức cái nóng phả vào mặt khiến nhiều người hắt hơi liên hồi. Ông Tấn phải bám vào vai thằng May mới bước nổi. Đường làng lởm chởm đá. Chắc sắp tới người ta sẽ rải nhựa. Hai bên đường nhà cửa san sát. Vùng quê tận cuối tỉnh mà giàu có thế. Ông Thìn trầm trồ. Nhà chóp nhọn mái cong ở làng Đông Phong chỉ có nhà chị Hãn nhưng bên này đầy rẫy. Đầy đủ kiểu dáng, đầy đủ màu sắc, cái nọ chen cái kia. Chỉ mấy mét mặt đường họ cũng dựng lên một cái chóp nhọn hoắt. Màu sắc ở quê thì thật hổ lốn. Nhà màu nâu chen với ghi, xanh lơ lẫn hồng cánh sen, rồi xanh đỏ tím vàng đủ cả. Những hoạ sĩ đại tài mới phối màu kiểu này. Bức tranh nông thôn vì thế càng khó tả, ai hiểu theo cách nào thì hiểu.
Việc một ngôi nhà gỗ lim chen giữa thiên la địa võng kiểu dáng và màu sắc như thế rõ ràng là lạc điệu. Bây giờ ai còn dùng đồ cũ kĩ từ hàng trăm năm về trước. Ông Phong chủ nhà dù bản lĩnh đến mấy cũng lung lay vì bị đám con cháu chê bai. Thằng con tóc xanh tóc đỏ nghe có người mua nhà sướng quá, chạy như tên bắn ra đầu làng đón khách.
Đúng là một ngôi nhà cổ gỗ lim đen bóng. Bên ngoài trời gay gắt là thế mà trong nhà mát rượi. Ngôi nhà năm gian được xây dựng từ thế kỉ 16 mà cột lim vẫn đen bóng. Từ ngoài vào trong kiến trúc ngôi nhà đều toát lên sự khéo léo của người thợ thủ công. Các nét chạm khắc hoa văn, gờ, chỉ, chạm lộng, chạm nổi được các nghệ nhân xử lí linh hoạt nên nhìn ngôi nhà vừa sinh động vừa sang trọng. Đôi câu đối bằng chữ Hán, các bức tranh bằng gỗ trắc trong nhóm tứ linh (long, ly, quy, phượng) cùng nhóm tứ quý (mai, đào, cúc, trúc) được trưng bày hợp lí trên từng vị trí của ngôi nhà. Từ bố cục tổng thể, hình khối không gian đến các nét chạm trổ tinh xảo làm nên ngôi nhà thực sự là một tác phẩm nghệ thuật.
Những người có tuổi trong đoàn như bị thôi miên. Ông Vấn không thể rời mắt khỏi bộ tứ linh và tứ quý. Ông đã đi nhiều nhưng chỉ biết tham gia trận mạc. Ngày giải phóng miền Nam ông cũng từng bị choáng ngợp trước sự giàu sang của người miền Nam, nhưng đó là trang thiết bị hiện đại. Ông và đồng đội tiếp quản một ngôi biệt thự của viên sĩ quan nguỵ khét tiếng. Cái gì cũng bóng lọng. Ngày ấy ông ngơ ngác vì không hiểu sao người ta lại sống xa hoa thế. Việc ăn uống không biết họ thế nào nhưng đầu tư cho sinh hoạt thì thật quá thể. Ngay cái nhà vệ sinh không phải ai dùng một lần là quen ngay. Chỉ vài ngày tiếp quản cái bồn cầu đã vỡ toang hoác. Các bố lính nhà ta lúc cần giải quyết cứ nhảy thẳng hai chân lên chứ không ai chịu ngồi bệt. Vòi hoa sen nóng lạnh vài hôm đã lắc lỉu như quả su su. Rồi cửa rả long bản lề, kêu ken két. Cánh lính quen cầm súng chứ nào biết sử dụng đồ hiện đại của tư bản. Bao nhiêu bà con cô bác phải sống chui lủi ăn rừng nằm rú để người thành phố được hưởng một cuộc sống của thằng xâm lược mang lại. Thế thì cần gì phải cẩn thận. Hỏng thì thôi. Không đầy một tuần ngôi biệt thự đã xác xơ vì không được dọn dẹp, sửa chữa những thứ hỏng hóc. Trăm thứ bà rằn cần giải quyết, để ý làm gì ba thứ lặt vặt. Chính ông cũng nghĩ như thế. Đơn giản thì dễ sống. Ông đã phải làm quen, thậm chí vượt qua sự tự ti để làm nên tư thế của người chiến thắng. Ông giáo dục chiến sĩ không được mờ mắt vì chút vật chất tầm thường. Chúng ta phải trả giá rất đắt để làm nên chiến thắng thì tại sao ta phải lệ thuộc? Ông quán triệt từ cán bộ đến chiến sĩ không được tơ hào dù chỉ là cái kim sợi chỉ. Ai thu được chiến lợi phẩm đều xung công quỹ. Tất cả đều phải nộp cho chính quyền, còn họ làm gì ông không biết.
Nhưng ông không thể hiểu được những người lính hiền lành của mình. Hơn một năm sau ngày giải phóng ông thấy lính của ông thay da đổi thịt rất nhanh. Ai nấy cũng có vẻ vương giả. Họ như được lột xác. Góc khuất dần được lộ ra khi thằng Long binh nhì bị phát hiện. Nó làm cho một cô gái có bầu trong nhà hàng. Cô ta đến đơn vị bắt đền. Cậu Long chối đây đẩy nhưng không xong. Thì ra các anh lính mới ở rừng về đang là mơ ước của các cô gái nơi này. Cặp kè với các anh vừa được tiếng là thành phần cơ bản vừa được anh vung tiền giao đãi. Ông hỏi tiền ở đâu? Cần vụ của ông nói cậu Long có một ba lô vừa hạt xoàn, nhẫn, đô la và vàng. Nhưng nó lấy ở đâu? Cậu Long có chân trong việc quản lí tài sản thu được mà. Nó không tham đồ cồng kềnh hoặc đồ nhỏ nhặt cái kim sợi chỉ. Nó chỉ thích đồ trang sức và đô la. Long thực hiện đúng chỉ thị của thủ trưởng.
Ông Vấn giật mình đánh thót. Thì ra lính của ông khôn hơn ông tưởng. Nó biết món lợi nào nên tóm. Còn những cậu khác thì sao? Cậu cần vụ lấp liếm chỉ có thằng Long là khôn ranh nhất. Ông nhìn mắt cậu giúp việc và biết cậu ta nói dối. Một cuộc điều tra không báo trước một số chiến sĩ ông tình nghi. Thì ra ba lô anh nào cũng có vàng, nhẫn. Các chiến sĩ khóc như ri xin ông tha thứ. Nhà chúng nó nghèo quá, không bao giờ biết tiền vàng là gì. Cuộc đời chiến trận quá nguy hiểm. Sống được đến ngày toàn thắng là một giấc mơ. Người thân của họ đã chịu bao khổ cực vì chờ đợi. Vậy nên họ phải có chút quà cho ngày gặp mặt. Họ cũng không dám tham lam. Chỉ là một chút rất nhỏ những gì thu lượm được.
Nghe đồng đội của mình kể lể, mắt ông mờ đi. Ông cũng có người thân, nhưng ông có ý nghĩ ấy đâu? Bây giờ phải làm sao? Đúng là người lính đã phải chịu đựng, mất mát quá nhiều. Họ được gì sau khi giành được vinh quang? Đằng sau họ là người thân lam lũ, mờ mắt vì trông chờ. Ông suy nghĩ rất lâu và tất cả giải tán. Ba lô người nào có thứ gì vẫn thuộc về người ấy. Cuộc xé rào đầu tiên và là cuối cùng để rồi sau đó ông nhận quyết định nghỉ hưu.
Cuộc thăm viếng mua bán làm ông hồi tưởng lại nhiều điều. Cũng là đồ đạc toát lên vẻ sang trọng nhưng ở đây ông thấy hồn quê thấm đậm từng góc gách của mỗi chi tiết. Mọi thứ đều trầm lắng một màu. Đó là cái tĩnh tại pha chút u tịch. Phía bên kia ông Tấn cũng đang run rẩy sờ từng cái cột mát rượi. Có mơ ông cũng không nghĩ mình được sở hữu một ngôi nhà thế này. Đời ông chỉ có cái mái rạ, nâng cấp lên cũng chỉ ba gian ngói móc.
Riêng có mấy thằng tóc xanh tóc đỏ là thờ ơ. Chúng dửng dưng nhìn những vì kèo, xà, cột to cột bé, những chữ Nho gạch ngang gạch dọc như khỉ nhìn mắm tôm. Thằng Công nhoách cái đã ra sân mồm năm miệng mười tán cô con gái chủ nhà. Nó đang hoa chân múa tay điều gì mà cô gái cười như nắc nẻ. Đôi má lúm đồng tiền xoáy nhẹ như một điểm nhấn trên khuôn mặt trái xoan. Lại là một tác phẩm thuần Việt nơi đồng quê. Không biết ông chủ nhà là người thế nào mà được sở hữu ngôi nhà như thế, cô con gái dễ thương như thế? Tố mặc các ông thầm thì bàn tán cũng chạy ra nhập cuộc với thằng Công. Phút chốc không gian ngôi nhà biến thành hai phe. Một bên là những thằng thanh niên quần áo diện như diễn viên Hàn Quốc, một bên là những ông già cũ kĩ tư lự. Một bên tươi hơn hớn sôi nổi ồn ã để lấy lòng cô gái còn một bên lo lắng không biết chủ nhà sẽ đối xử thế nào với những người đang thích mê ngôi nhà nhưng đồng tiền có hạn.
Ông Phong ngồi trên chiếc sập gụ đen bóng vê thuốc lào vào điếu rít liên hồi. Chờ mọi người ngó nghiêng sờ nắn chán xong tụ lại trên chiếc sập, ông chậm rãi:
– Các ông xem xét kĩ chưa? Thực tình tôi muốn giữ lại ngôi nhà của các cụ để lại nhưng mấy cháu nó phản đối mạnh quá.
Thằng con tiếp ngay lời bố:
– Đúng quá còn gì! Nhà tối om om kê đồ cũng khó nói gì đến ở. Sống như thế mệt mỏi lắm. Đồ đạc phải sáng sủa thì nhà cửa mới thông thoáng. Người ngợm lúc ấy mới khoẻ khoắn.
Ông Hình quay sang ông Phong:
– Ông nói đúng đấy! Các cháu nhà tôi cũng giống con ông. Nếu tôi mua ngôi nhà này không đời nào chúng nó đồng ý. Nhà có thanh niên thì không thể để không khí trầm lắng u buồn như vậy. Ông thấy người ta đang làm ăn ầm ầm. Nhà cửa ai cũng muốn đua ra chứ đâu có úi xùi như anh em mình. Nhà này chỉ để làm nhà thờ họ là thích hợp. Gớm! Trước đây nhà tôi cũng lạnh lẽo thế này, các cháu nó đả phá mạnh quá tôi phải phá đi xây nhà kiểu mới đấy.
– Các cháu nhà tôi chẳng đứa nào chịu học hành đến nơi đến chốn mới có suy nghĩ không thấu đáo về giá trị của ngôi nhà. Nhiều lúc tôi nghĩ hay là mình bảo thủ quá con cái nó không được thoát ra được? Cháu nhà ông làm gì?
– Chúng nó ở nhà giúp tôi nhiều việc lắm. Khi cần nó có thể thay tôi làm việc lớn rồi.
– Thanh niên bây giờ khác thế hệ chúng ta nhiều quá. Suốt ngày cưỡi xe máy lè vè ngoài đường. Cách làm ăn của chúng nó cũng khác. Ngôi nhà này tôi là đời thứ chín nối dõi. Nhưng bọn trẻ nó không nghe. Nó bảo bên ngoài người ta phát triển ầm ầm tại vì họ dám phá bỏ cái cũ để xây cái mới đẹp hơn, hiện đại hơn. Tôi nghĩ thôi đằng nào cũng phải bán. Có tiền tôi cho mỗi đứa một ít rồi xây một cái nhà kiểu mới cho cháu nó ở.
– Ông suy nghĩ như thế là phải. Mình có con trẻ thì suy nghĩ phải tích cực thì chúng nó mới phục. Có nhà như thế này mà bố mẹ con cái hục hặc nhau cũng chả hay. Cháu nhà tôi chúng nó cũng hiện đại lắm. Bên ngoài có cái gì chúng nó có cái ấy.
– Thanh niên ở đâu cũng thế. Cháu nhà bác nó có chịu khó làm ăn không?
– Nó cũng dễ bảo, cũng chí thú. Thằng lớn nhà tôi đang nói chuyện với cháu nhà ông ngoài sân kia.
Ông Hình chỉ tay ra ngoài. Ông Phong gật gù:
– Trông nó cũng na ná thằng con tôi.
Ông Hình biết ông Phong ám chỉ điều gì. Ông sượng sùng cúi xuống rót nước vào các cốc. Ông không biết mặt ông Tấn cũng đang tối lại vì nghĩ ông Hình cạnh khoé gia đình ông ấy. Nhà ông cũng có người trẻ đấy nhưng không thể vươn ra đánh đu với người đời được. Cái Gái thua tất cả mọi người. Từ sinh hoạt đến ăn uống phải có mẹ nó phục vụ. Ông đã thấy đầu ong ong và muốn nói vài câu nhưng ông Vấn giơ tay ra. Không khí trở lại yên ắng. Ông Vấn ghé tai ông Tấn nói nhỏ:
- Anh đừng nghĩ ngợi nhiều. Chỉ là câu chuyện làm quà thôi.
Ông Phong đỡ lấy ấm trà từ tay ông Hình:
– Ấy chết! Ông để đấy cho tôi. Giống trà này rót nước sôi để khoảng năm phút nó mới ngấm, uống mới đượm. Tuần trước tôi đi Thái Nguyên, chè đặc biệt chú em sao riêng cho tôi đấy. Nào mời các ông xơi nước!
D.T.N