Thuyền nghiêng – Tiểu thuyết của Dương Thị Nhụn

Chùa Đông nghe nói to nhất, xây dựng kì công nhất trong các đình chùa. Ngày ấy người trong làng làm quan nhiều nên việc cúng tiến xây dựng chùa Đông thu được rất lớn, từ tiền mặt đến vàng bạc. Làng cho người đi mượn thợ tận Thanh Hoá, Ninh Bình dựng mấy năm trời mới xong. Chùa Đông được làm theo kiểu chữ Đinh. Từ toà đại bái đến hậu cung đều nổi bật hoa văn chạm khắc công phu của thợ thủ công lành nghề. Tại toà đại bái, hai vì kèo được các nghệ nhân sử dụng lối chạm khắc kênh bong rất độc đáo. Đó thực sự là tác phẩm nghệ thuật mà thời nay khó có thể thực hiện được. Sau ngày bị phá, một số người tham đẹp đem của chùa về bày chơi nhưng cuối cùng phải hò nhau khênh ra sân chùa. Chả là trong đêm tối các mảng gỗ được chạm trổ như bức tranh phong cảnh hoặc rồng bay phượng múa phát ra những luồng ánh sáng ma mị. Đầy đủ các hình thù kì dị đảo qua đảo lại trên mái nhà như ma tà dưới âm phủ. Lạ là chỉ vào lúc đêm hôm khuya khoắt trời tối sầm, mưa lâm thâm gió thổi ào ào cảnh ấy mới hiện lên. Nhiều người còn nghe thấy từng tràng cười ằng ặc sau đó là tiếng khóc thút thít vang từ rất xa. Các bức chạm trổ lớn dần dần được mọi người chẳng ai bảo ai khiêng về tụ tập trên sân chùa Đông. Thời gian và nắng gió phá huỷ nhưng đường nét chạm khắc vẫn đẹp lung linh và màu gỗ vẫn đen bóng. Lại là lũ trẻ chăn trâu được những buổi chiều nướng khoai sắn, chuột đồng và sưởi ấm. Có lẽ thần thánh không nỡ bắt trẻ con sớm bị cắt hộ khẩu nơi trần thế nên chúng cứ lớn tự nhiên và vui đùa trên sân chùa mà chả sao. Cũng có thể của thần linh bị phơi bày ra chỗ tầm thường làm đồ chơi cho con trẻ và lũ trâu bò ỉa đái đã dần mất thiêng. Người lớn cấm nhưng ai lạ gì bọn trẻ, càng cấm càng tò mò. Thần linh tha cho vì trẻ con thường vô tâm. Không phải lúc nào chúng cũng phải gánh tội cho người nhiều tuổi hơn chúng, trải đời hơn chúng. Thằng cu Bảy con anh cả Thêm và mấy đứa trẻ bị phạt chỉ là chút cảnh báo của thần linh để người lớn giật mình.

Không hiểu sao từ khi phá chùa thỉnh thoảng trong làng có vong nhập toàn xưng là cụ tiến sĩ đỗ đạt thời nhà Mạc. Cụ tiến sĩ nói sa sả việc dân làng ngu dốt không biết bảo vệ vốn quý của làng. Thỉnh thoảng có người đang khoẻ mạnh tự nhiên lăn quay ra là do làng bị động. Sao không dựng lại chùa để sám hối và cầu thần Phật phù hộ. Chùa Tây ở cuối làng ấy gánh sao được một cái thuyền? Lật là cái chắc. Người làng còn bàn ra tán vào vì những giấc mơ họ gặp phải trong đêm. Ấy là hàng đàn ma đói ma khát tụ tập ở cây đa đầu làng, hễ thấy người là bu vào. Chính vì thế nên giữa trưa hay đêm khuya người yếu bóng vía chả dám qua đó một mình, nếu không cũng phải ù té chạy.

Chuyện bán tín bán nghi trong làng. Ai cũng muốn dựng lại chùa. Nhưng họ Hoàng to nhất, chùa Đông nằm ở nơi cư dân họ Hoàng trú ngụ thì phải do họ Hoàng đứng lên. Liệu đưa ra họp làng họ có chịu nghe? Đành nhờ ông Vấn. Nhưng chết nỗi, ông Vấn là cán bộ lão thành, cả cuộc đời ông đi diệt cái gian cái ác cái mê tín dị đoan, lẽ nào ông nghe? Nói ra ông sẽ dẹp ngay. Có muốn làm loạn mới đem đình chùa ra ru ngủ. Làm ăn chả tính cứ suốt ngày đình với chùa. Nhiều người chắc chắn ông sẽ nói thế khi được hỏi. Vậy nên đừng đưa ra làm gì cho phí nhời.

Thằng Vớ đi thẳng vào chùa Tây khi các già đang sì sụp quỳ lạy cúng vái hôm rằm. Nó nuốt vội nước bọt khi thấy đĩa xôi gấc đỏ au và con gà luộc vàng ươm đang chễm chệ trên ban thờ. Bao nhiêu lần nó thấy ông Húng nói đức Phật ăn chay, không được cúng đồ mặn nhưng nào có ai nghe. Ai cũng thích sắm lễ thật to và nhiều để tỏ lòng thành kính, để được báo đáp. Dương sao âm vậy. Càng may, nó no làm sao được khi trong bụng chỉ có mấy thứ hoa quả vớ vẩn. Cứ mùng một hôm rằm ra chùa thế nào cũng căng rốn. Kệ ông Húng!

Một tuần rồi ông Hình vẫn chưa trả tiền. Nó nghe lời mật ngọt của ông làm thêm mấy vụ nữa. Đã thế nó sẽ làm mất mặt cả họ chứ chẳng riêng gì ông Hình. Trong các cuộc họp làng ông Hình chỉ giỏi to mồm át mọi người. Nó biết thừa những việc ông sai nó là xấu. Ông Hình lúc nào cũng “Mày phải giữ mồm”. Mồm của Vớ, thích thì nói, bực thì rao, thế thôi.

Của đáng tội tuy kềnh càng thế nhưng khi cần Vớ chẳng chịu thua kém ai, nhất là độ lì và liều. Ai dám ra chùa vào những đêm mưa gió ếch nhái kêu nẫu ruột? Ai dám bê ông Phỗng bụng phệ ra ngồi trên bờ đê những đêm trăng thanh gió mát? Thế mà Vớ dám. Nó cho ông chơi chán lại bê trả về chỗ cũ. Bao năm rồi mà chả ai phát hiện ra, có chăng chỉ ông Chiếu quét dọn chùa. Ông hay thắc mắc không hiểu sao ông Phỗng thường sạch sẽ hơn những ông tượng khác. Thằng Vớ thích chơi với ông Phỗng chỉ đơn giản là ông có cái bụng to nhìn vào đã thấy no nê. Nó muốn được như ông, không phải làm mà vẫn căng rốn. Nó thích vuốt ve hai cái tí nhô lên mát rượi. Vừa mân mê hai đầu tí nó vừa mường tượng ra bộ ngực tròn căng của chị Hãn nhà cạnh chùa. Nó hay nhìn trộm khi chị trồng rau ngoài vườn. Chị có chiếc áo rộng cổ mở hết cỡ khi cúi xuống nhặt cỏ. Cả một toà thiên nhiên màu men sứ mê hoặc nó. Nó ngây ra trong bụi cây. Không hiểu sao việc khác nó liều được chứ tuyệt nhiên nhìn trộm chị Hãn xong nó cứ co rúm người lại, mặt đỏ nhừ rồi lủi mất. Chỉ khi ngồi mân mê ông Phỗng trên bờ đê nó mới mường tượng và ao ước. Thỉnh thoảng nó thưỡn bụng đi đi lại lại trên con đê mát lộng rồi ôm lấy ông mà hôn hít. “Ông phù hộ cho cháu không phải làm điều xấu xa chui lủi mà vẫn no nê như ông”. Nói xong nó ngắm nghía thật kĩ xem khuôn mặt ông thế nào. Nó chỉ thấy ông thật hiền từ và cười cười.

Bàn tay hộ pháp của Vớ tát nhẹ vào má ông Phỗng: “Sao không nói gì? Hả? Ngậm miệng ăn tiền hả”. Vớ nằm ngửa để ông Phỗng trên bụng ngẫm ngợi. Sao ông không khuyên nó điều gì? Nhìn ao bà Cần chết cá, lợn nhà ông Giáng quay táng hoặc cả một vườn rau xanh mởn nhà bà Loan tan hoang nó cũng xót lắm. Toàn thứ ăn được mà vứt bỏ. Còn nhiều nhà ông Hình thuê nhưng chỉ là những phi vụ nhỏ lẻ. Ông Hình với hai thằng con cứ ngọt nhạt cho vài chén rượu khiến nó quên trời đất luôn. Làm xong một phi vụ nó mới có cái đút bụng. Thế mà đợt này bố con ông Hình nuốt lời. Nó đang đói. Bụng đang réo ầm ầm.

Vớ chờ lâu quá không chịu nổi. Phải chi nó ra muộn một chút thế nào các già cúng xong cũng bố thí cho nắm xôi với vài miếng thịt. Là cái loa của làng nên việc thu phát nó làm tất. Ai muốn biết hoặc truyền tin gì, cứ gọi nó. Chỉ cần có cái nhét bụng là nó làm. Với nó, họ nào cũng thế cả. Người họ Hoàng không hay ra chùa Tây vì chùa nằm tận cuối làng. Ông Đương nói họ Hoàng tỏ vẻ khinh những họ khác trong làng là dân đồng bãi, dân ngụ cư không có gốc rễ. Nhưng người họ Hoàng nhầm và cố chấp. Ngày nay việc học hành của các họ khác trong làng chả kém gì, thậm chí chức tước còn cao hơn, oai hơn. Kinh tế điểm mặt nhà giàu không chỉ hoàn toàn họ Hoàng. Sự đời vốn thế, cái anh cho là mình có gốc rễ, có bề dày mà không biết giữ gìn thường rỗng. Đành tỏ ra ta đây vì sĩ diện. Vớ nhớ mặt ông Đương lúc ấy đỏ lên, môi mắm vào. Chính vong ông tiến sĩ nhập vào chị Tươi cũng nói ra hôm họp làng.

Con đê cạnh chùa Tây ngăn cách làng Đông Phong và vùng đồng bãi mênh mông. Chả cần giỏi giang gì, chỉ cần cầm cái rổ xuống bãi ngày nước ròng là có mớ tôm cá về nấu canh chua, ấy là nhiều người khác, không phải Vớ. Đứng trên đê lộng gió, xung quanh cây cối tươi tốt thích mê. Vớ vui sướng vì chỉ nó nhận thấy điều đặc biệt này. Đêm trăng mùa hè chỉ có mỗi mình Vớ được tắm thứ ánh sáng mê hoặc ấy, chỉ mình Vớ được làn gió mát vuốt ve. Trên đê Vớ được tự do ngắm nhìn trời đất, được mân mê ông Phỗng thỏa thích và nghĩ về người làng Đông Phong. Người họ Hoàng nghĩ xấu về người khác, họ không thích các họ khác bằng mình. Vớ chả thấy có gì hay.

Chùa Tây nằm nhỏ nhoi ở rẻo đất nhô ra cuối làng. Từ ngày mạnh ai nấy sống, chùa như càng nhỏ hơn vì đối diện với nó là ngôi nhà ba tầng mái nhọn cong vút. Kiến trúc châu Âu nhập về tận vùng bãi thuần lúa ngô khoai sắn như một sự thách thức. Bọn thanh niên thì bảo đấy là sự dung hoà của hai mảng đối lập. Dung hoà cái mả lớn nhà chúng nó chứ người ấy, nhà ấy chỉ làm uế tạp chốn linh thiêng. Chả trách làng cứ động.

Đấy là nhà của chị Hãn đi lao động nước ngoài. Được nhìn những ngôi nhà tráng lệ khi xa xứ, Hãn quyết làm một cuộc cải cách cho người làng lác mắt. Chị thích ở riêng một góc để không phải dính líu đến ai. Trước khi xây chị thuê hẳn một kiến trúc sư ở thành phố về xem xét khu đất được thừa kế. Trước khi xây, người khuyên nên tạo mái cong cho hợp với chùa Tây, có người khuyên xây thêm củ hành theo kiểu kiến trúc châu Âu. Bàn đi tính lại, chị chọn kiểu mái nhọn như tháp nhà thờ Thiên chúa giáo. Nhiều người bóng gió chị là con giời vật, dám nhạo báng thánh thần. Ông Giê su đứng cạnh Đức Phật liệu có hoà bình được không? Mặc kệ! Tại sao chị phải chịu trách nhiệm về mối quan hệ của hai trường phái tôn giáo? Thích thì làm thôi. Hai ông ấy cao vòi vọi thế nếu có mâu thuẫn cũng chẳng nỡ giáng xuống đầu chị.

Chiều mùa hạ, sau khi dọn xong mấy cái chuồng lợn phía cuối vườn, chị leo lên chỗ có cái tháp chọc thẳng lên trời, phóng tầm mắt ra xa, lòng thầm nhớ những năm tháng làm thuê xứ người mà thấy hởi lòng hởi dạ. Trên cao nhìn xuống, chùa Tây nhỏ nhoi lúp xúp được bao bọc bằng vườn nhãn xanh um. Những cây nhãn cổ thụ đồng hành cùng ngôi chùa đã vài trăm năm mà vẫn xanh tốt và năm nào cũng sai trĩu quả. Chị biết nhiều người tham lắm, đến của nhà chùa cũng không tha. Chả thế mà nhãn ăn được chỉ nhoáng cái đã hết. Trên cao chót vót chị nhìn những khuôn mặt lơ láo mà buồn cười. Chị chả thèm nếu như đấy không phải là mồ hôi của mình đổ ra. Trời đất thật công tâm với những người có chí. Chồng con chị không có, một tay làm nên rinh cơ này, quả là tài. Người ta khen, và cả ghen tị nữa. Chị biết, lời khen của người làng này một phần đúng thì có tới chín phần là ghen tị.

Chị Hãn hay thấy Vớ ra chùa. Người làng ngại nó chứ chị thấy bình thường. Nó nhớ những việc lặt vặt rất nhanh, và tốt bụng nữa. Vớ kém chị vài tuổi, không hoạt bát nhưng được cái khoẻ mạnh. Mà có khôn nó đâu phải chịu cảnh đầu chày đít thớt nơi đồng sâu nước mặn này. Trai làng còn mấy người đâu. Họ muốn vươn ra với đời, muốn được thể hiện mỗi khi có việc về làng. Khoe cái mẽ chứ nhiều người bết lắm. Chị biết rõ sự giả dối của không ít người. Vớ không thế. Nhiều lúc chị gọi cho cái gì đút bụng, nhưng không hiểu sao ăn xong lỉnh luôn, đố có ở lại để chị hỏi chuyện.

Hôm nay các cụ đọc kinh lâu thế. Đã đành ngày rằm thì việc cúng lạy lâu hơn nhưng cũng vừa vừa thôi! Chân tay Vớ bắt đầu nhũn ra, cả khối thịt muốn đổ nhào xuống. Nó nhìn trân trân vào ông Phỗng mà chẳng thấy ông cười cười như mọi hôm nữa. Đĩa xôi đỏ tươi mà mắt nó đang nhảy múa. Con gà vàng ươm hướng về Đức Phật, giơ cái phao câu nần nẫn. Phải ra tay thôi!

Vớ chui vào hậu cung nhẹ nhàng như không. Nó đỡ lấy đĩa xôi đúng lúc các già phủ phục dưới đất. Ngón trỏ và ngón cái lập tức như gọng kìm xiên vào. Nửa đĩa xôi đỏ au ngoan ngoãn nằm gọn trong tay. Nó nhanh chóng xoay phần còn lại về phía trước và kiên nhẫn chờ đợt vái tiếp theo. Nửa con gà gãy đánh rắc trong bàn tay hộ pháp. Không ai phát hiện ra. Nó nhẹ nhàng chui khỏi hậu cung. To lớn kềnh càng nhưng khi cần nó cũng khéo léo ra phết. Cũng may nó sinh sau đẻ muộn chứ vào thời phá đình chùa chắc gì chùa Tây còn đến bây giờ?

Khi đã yên vị trong bụi chuối um tùm, Vớ nghiến ngấu như một con hổ đói. Miệng nó bành ra, mắt trợn ngược vì miếng thịt gà quá to. Nếu ở những nơi cỗ bàn chả mấy ai cho Vớ hẳn cái đùi gà ngồi gặm như thế này. Dọn dẹp bưng bê chán nhưng bao giờ cũng ăn sau, ăn cả những thức ăn thừa dồn lại.

– Này! Ăn từ từ thôi không hóc!

Một giọng nói khe khẽ êm ái ngay cạnh làm Vớ giật nảy mình. Chị Hãn hiện ra như ma. Vẫn là cái áo rộng cổ, vẫn là mái tóc dài óng ả và nụ cười hiền chưa bao giờ nó được nhận của người đời. Vớ lúng búng đứng dậy định chạy thì chị Hãn ấn nó xuống “Cứ ăn đi! Không ai biết đâu mà sợ! Lần sau có đói thì vào tôi cho. Đừng ăn cắp của chùa, có tội đấy!”.

Miếng xôi tự nhiên đắng nghét trong cổ. Vớ cứ thế ngậm lúc lâu khi chị Hãn đã về nhà. Mùi hương khiến đầu nó ngây ngất, ngọt và thơm. Bàn tay chị ấn nó xuống mới êm ái làm sao! Một bên vai cứ rười rượi tê tê. Tự nhiên nước mắt Vớ túa ra. Nó cứ để cho nước chảy thành dòng tràn ra má, vào miệng đắng ngắt. Nó cảm nhận được tình người trong giọng nói và bàn tay ấy.

Vớ ngồi bất động mà không biết trong chùa đang nhốn nháo. Phật hiển linh về hưởng lễ vật hay các đệ tử của Bồ Tát nghịch ngợm thụ lộc trước? Các cụ nghi ngờ người sắp lễ không đầy đủ? Chuột bọ không thể nào nhanh thế được. Vớ mặc tiếng cãi vã nhìn trân trân vào ngôi nhà chóp nhọn.

Đúng là Hãn nhìn người không nhầm. Có thể Vớ ngu ngơ trong mắt người khác vì không còn người trông nom dạy bảo nhưng với chị, nó thực sự là một người đàn ông. Không ít lần chị đã rưng rưng trước thân hình vạm vỡ đầy sức mạnh của Vớ. Thân phận hiện tại chị chỉ cần đến thế. Từ ngày cảm nhận được bàn tay mềm mại mời gọi, thỉnh thoảng Vớ mạnh dạn bước chân vào ngôi nhà chóp nhọn. Cái áo cổ rộng dẫn dắt Vớ đi xa hơn mà không phải đỏ mặt hay run rẩy trong bụi chuối nữa.

Ngày giỗ tổ, con cháu họ Hoàng tề tựu đông đủ. Xe to xe bé bấm còi inh ỏi. Con đường trải xi măng trở nên chật hẹp. Người nào cũng muốn có xe đẹp, quần áo đẹp để khoe.

– Bố tổ cha cái bọn thích vẽ.

Vớ nghe ông Hình nói lén trên đường. Ông tưởng không có ai nên mới nói thế. Chả là con cái nhà ông chỉ giỏi nghênh ngang trong làng, bắt nạt mấy anh ít học yếu bóng vía.

D.T.N

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder