Cơ nghiệp nhà ông có chiếc thuyền, ai thuê gì cũng chở. Vì thế bố con ông chỉ nhờ ăn no vác nặng mà có chứ không phải dùng chữ nghĩa để kiếm tiền. Ông không sợ ai thường ngày. Lúc cần giương oai như hôm nay ông lại không có. Đành chịu nước lép từ nhà nhìn ra. Ngoài kia họ quần là áo lượt, miệng nói rang rang những điều cao siêu. Con ông không được như thế. Vậy mới chướng mắt. Nếu không phải họ Hoàng nhà ông thì đừng có đùa. Ông cho thằng Vớ với hai thằng con trai ra bẻ kính, chọc lốp, rạch xước sơn xe là cái chắc. Nghĩ tức lắm nhưng không sao được.
– Sao họ lại thích vẽ hả ông?
Ông Hình giật mình quay lại. Vớ chình ình ngay sau lưng mà ông không biết. Nó kềnh càng thế nhưng có bước chân của một con mèo.
– Vớ đấy à? Tao nói chơi thế thôi chứ có nói ai đâu. Ai bảo mày đi sau tao làm gì? Hôm nay không cần mày. Mà sao mày không sang nhà bác Cả giỗ tổ.
– Cháu không có tiền đóng suất đinh. Ông cho cháu xin tiền.
– Mày đừng nói láo! Tao nợ gì mày! Sao dạo này mày dai như đỉa đói thế? Cứ gặp là tiền! Mà ai nhận tiền của mày làm gì cho bẩn tổ tiên họ Hoàng ra. Con cháu họ Hoàng xịn mới phải đóng.
– Tiền nào chả thế mà ông bảo tiền của cháu là tiền bẩn. Cháu cũng mồ hôi nước mắt với chui lủi đêm hôm mới kiếm được. Thế tiền của ông thì sạch sẽ chắc? Ông cho cháu xem đồng tiền sạch sẽ nó như thế nào?
Vớ dài giọng ra. Mắt nó nhìn xói vào ông như thách thức. Ông Hình chột dạ. Thằng này hôm nay khác quá. Nó ăn nói như một người khôn ngoan giảo hoạt. Ông đành đưa tay vào túi móc ra mấy đồng:
– Thôi tao thí cho mày! Từ nay đừng có cù nhầy nữa. Cạch mặt bố con tao ra, nhớ chưa? Vớ!
Vớ không chịu. Nó cúi xuống nhẩm đếm tiền một lát rồi lại nhìn thẳng vào mặt ông. “Hôm nay thằng này táo tợn thật”, ông nghĩ bụng:
– Ông không giữ lời! Ông nợ cháu hai trăm sao giờ ông đưa cho cháu có ba chục. Cháu không chịu đâu. Ông có muốn chốc nữa cháu “phát biểu” ở đám giỗ không?
Ông Hình lần này sợ nó thật. Nhìn nó ông biết chắc chắn nó sẽ làm thế. Ông móc tiếp trong túi số tiền còn lại:
– Thôi đi! Mày đừng doạ tao! Bố con tao không thích người khác doạ đâu nhé, càng không thích người doạ lại là mày. Biến đi cho khuất mắt. Nhớ chốc mà nói năng linh tinh thì tao cho hai chú rạch miệng. Giờ hồn!
Ông Hình giơ tay dứ dứ. Vớ nhoẻn miệng cười:
– Cháu biết rồi!
Nó chạy biến vào con ngõ nhỏ um tùm. Ông Hình còn kịp nghe giọng nó lảnh lót:
– Ê! Chuyện lạ có thật bà con ơi! Ai có muốn xem vẽ thì ra đây!
Ông Hình nghiến chặt răng đi nhanh về nhà thờ tổ.
Nhà thờ tổ đã đầy đủ vai vế ngồi thành hàng trên mấy cái chiếu. Mặt mũi ai nấy đều đăm chiêu và tỏ ra quan trọng. Hình như mấy cụ bà mắt loáng ướt. Chuyện gì vậy? Tưởng ngày giỗ tổ phải quần chùng áo dài cúng bái tế lễ chứ sao lại ngồi ngây ra một loạt thế này? Ông Hình len lén ngồi sau anh Bái. Lúc này ông Vấn mới nói, giọng nói không mấy hùng hồn như khi họp xóm mà nó đùng đục trầm trầm:
– Họ ta chưa bao giờ muối mặt như thế. Con sâu bỏ rầu nồi canh. Tôi nghĩ thằng Vớ làm thế là tát thẳng cánh vào họ Hoàng chúng ta. Ai có cách xử lí nào thì đưa ra ý kiến.
– Theo tôi cứ cho thằng Vớ về ở với cô Hãn. Nó ra khỏi họ ta có khi lại là một điều hay. Mất đi một thằng dở hơi cho họ đỡ muối mặt.
– Thằng Vớ nó có tội tình gì mà các vị đuổi nó ra khỏi họ? Trai chưa vợ gái chưa chồng có gì sai đâu?
– Nhưng mà nhục! Họ Hoàng giờ lại có kẻ hủ hoá. Mà với ai chứ với cái con đã tanh bành ra từ đời tám hoánh. Đẻ con ra nó mang họ Hoàng hay họ Ngô? Dùng đồ thừa không biết xấu hổ. Chẳng lẽ các vị để nó ngồi chung mâm chung chiếu sao? Ai cho mặc kệ. Tôi xin kiếu!
Ông Hình nghiêng đầu lắng nghe. Thì ra mọi người đang bàn đến chuyện của thằng Vớ. Thì ra con mẹ Hãn dụ dỗ nó. Con mẹ nạ dòng ấy mà lại đi ve vãn thằng Vớ? Thế mà với ông thì nó chửi thẳng cánh. Thật nực cười!
Vớ chẳng biết mọi người đang rối ruột vì nó. Nghênh ngang như mọi hôm, nó vứt bó rau to tướng giữa sân:
– Cháu xin góp tí chút. Rau cháu tự trồng dưới bãi đấy. Chẳng thuốc sâu gì mà tốt ngập. Ăn không hết còn được bán.
– Ai bán cho mày? Tiền bán rau đâu?
Nghe bà Vấn hỏi Vớ bỗng ngắc ngứ. Nó ngại nói đến tên chị Hãn. Nó biết một số người trong họ không ưa chị. Chợt ông Thìn gọi giật giọng:
– Vớ! Vào đây cho các cụ hỏi!
Vớ len lén đi vào. Không khí nặng nề bao trùm khiến nó chờn chợn. Hai cái vai hộ pháp rơi đánh uỳnh vào cánh tủ. Người nó ép chặt vào cánh tủ dần dần tụt xuống. Trông nó không hung hăng như lúc nãy.
– Sao mày ngu thế? Người họ Hoàng chơi bời đâu chả được, sao mày lại đi lại với con Hãn? Mày phải nói thật không họ sẽ phạt vạ mày. Cho mày vào nhà giam thả cho chuột bọ gặm chân. Nói mau!
– Nói gì hở ông?
– Làm sao mày để con Hãn nó dụ dỗ?
Mặt Vớ đực ra. Nó nhớ lại những gì diễn ra trong thời gian vừa qua. Mọi ánh mắt đều hau háu chờ đợi. Nó nhìn khắp lượt những người vai trên với vẻ sợ sệt:
– Cháu… không…biết… Chị Hãn…bảo…bảo…cháu…
– Bảo làm sao?
Có tiếng quát của người nào đó làm nó giật nảy mình.
– Chị Hãn…bảo về nhà chị …cho…cho ăn nhiều thứ…
– Ăn thứ gì?
– Nhiều thứ lắm. Uống nhiều…nhiều… rượu lắm.
– Vào lúc nào?
– Cháu…cháu không nhớ. Trời…tôi…tối lắm. Lại có mưa nữa. Cho ăn xong chị bảo đi ngủ. Chị dìu…dìu… cháu lên…lên… giường. Chị bảo…bảo… cháu…
– Bảo làm sao?
– Chị bảo có muốn….muốn không?…Cháu xấu hổ lấy tay che mặt thì chị giật tay cháu ra. Cháu thấy chị ấy trắng hếu, hai đầu tí rung rung…Chị ấy cứ cầm…cầm…tay…tay…
Sau sự ấp úng ban đầu, thằng Vớ như được thần linh ban cho sự hoạt ngôn. Nó liến láu kể không sót một chi tiết. Ban đầu nó khờ khạo lắm, chả biết gì. Chị Hãn phải dạy mãi nó mới hiểu. Bây giờ không cần nữa, cứ tối nó mò đến là xong, chuyện ấy làm ngon ơ. Thảo nào có nhiều đàn ông đến nhà chị Hãn đến thế. Nhưng từ nay đừng hòng, chị Hãn sẽ là của riêng nó. Ai động đến nó sẽ xin tí tiết.
– Chị Hãn đẹp lắm nhá, da thịt mát như nước đá!
Đôi mắt Vớ long lanh, da thịt hồng lên đầy phấn khích.
– Thôi! Không nói nữa. Điên cả hay sao mà đi căn vặn một thằng dở hơi như thế? Các ông bà muốn nó diễn lại trò ấy hả? Giải tán!
Ông Vấn mặt đỏ phừng phừng. Mặt ông đỏ lên là vì tức giận chứ mấy ông kia đang muốn Vớ kể chi tiết cái việc nó làm với chị Hãn vào những đêm tối trời, càng tỉ mỉ càng hấp dẫn. Đàn ông mà! Người lớn cũng tò mò như ai. Mấy mẹ già khú đế ngoài sân sánh sao được. Thanh niên choai choai lộ liễu hơn cả, hơ hớ cười.
Vớ chẳng hiểu ông Vấn quát ai, mặt nghệt ra. Lúc này nhà tổ đã chật cứng. Mọi người tự tìm chỗ ngồi. Ông Vấn lúc ấy mới ngớ ra. Việc cúng bái chưa đâu vào đâu.
– Thôi chết! Các cụ giúp tôi xếp đồ lễ lên bàn thờ tổ. Gọi con cháu vào hết trong này. Việc của thằng Vớ để sau.
Vớ được thả sau một hồi chất vấn làm nó toát mồ hôi. Nó lủi nhanh ra ngoài, chả dám chầu với lạy nữa. Ông Vấn bảo chuyện đó để sau mà. Năm nay nó không theo hầu vái lễ tổ tiên được đành chịu. Trời tối nó sẽ cùng chị Hãn sắm cái lễ ra tận mộ tổ. Chị Hãn bảo ban nó nhiều điều. Nó sẽ nghe lời chị dạo này sẽ không làm bậy nữa. Ông Hình cùng họ Hoàng nhưng ông ấy hiểm độc lắm, hay trả thù người khác. Chị Hãn bảo làm điều ác sau này sẽ bị quả báo. Muốn con cái nên người phải biết tu nhân tích đức. Chị Hãn bảo sắp có con rồi, chị chỉ tay vào bụng bảo con của nó. Làm ra được một thằng người cũng dễ thật. Chỉ ít nữa đã có đứa gọi nó bằng bố! Ô hô! Bố Vớ! Hơ hơ…
Dân làng Đông Phong được một mẻ bàn tán rôm rả vì hệ luỵ người họ Hoàng gây ra. Ông Cung bắt quả tang đám thanh niên họ Hoàng trong đó có hai thằng con ông Hình bắt trộm trâu đem ra bãi tha ma làm thịt. Mấy thằng dẫn nhau ra tận sân mộ tổ họ Hoàng vẫn là nơi cúng bái lột da xẻ thịt con trâu. Có thằng chứng kiến sau kể lại nhìn con trâu sợ lắm. Khi chiếc búa giáng xuống đầu trước khi chọc tiết, mắt nó đỏ rực lên trong đêm tối, miệng phun ra tia máu đỏ lòm té vào mặt thằng Bằng Anh. Chắc nó không muốn bị hoá kiếp bởi bàn tay của kẻ xấu.
Nhưng có lẽ sự bàn tán được cho là rôm rả, nóng hổi và dai dẳng nhất là tin thằng Vớ đã đổi đời và phục thiện bởi tình yêu của Hãn. Hai trái tim lầm lỡ cô đơn chập vào nhau thành một gia đình hoàn hảo. Kể cũng hay thật!
Những chuyện thời sự động trời ấy được phơi bày đúng ngày giỗ tổ.
(còn tiếp)
D.T.N