Chương II
Họ Hoàng có tiếng trong việc học hành cứ tưởng phải biết ơn tiên tổ, cúng tế phải thành kính lắm? Nhưng không phải! Một loạt trai thanh gái lịch không mấy nghe theo những ông bà già cổ lỗ. Mặc cho bề trên quỳ lạy phía trước, mấy hàng sau cho chuyện ấy như trò vui. Đứa nọ húc vào mông đứa kia, rồi đùn đẩy nhau. Thỉnh thoảng có đứa lại cắm đầu xuống đất hoặc sấp mặt xuống chiếu do đứa đằng sau trêu đùa. Tiếng cười khinh khích cố nén vẫn bật ra. Bị những cái lườm phía trên quay xuống lập tức tiếng cười im bặt, quay lên lại tiếp tục. Thấy chướng quá, ông Hình phải ngồi xen vào giữa đám thanh niên:
– Ai cho chúng mày làm điều xằng bậy trong lúc cúng tổ, hở? Chúng mày không thành kính các cụ về phạt chết.
Tiếng thằng Hát vọng lên thì thào:
– Chúng cháu chỉ đùa cho vui thôi.
– Đùa vui cũng không được. Chúng mày xem, thành hoàng làng ta là ông tổ họ Hoàng. Gốc rễ làng Đông Phong từ họ Hoàng mà ra. Họ Hoàng phải biết tự hào chứ! Những quân ngụ cư khác có muốn cũng chẳng lấy đâu ra.
– Tự hào nhưng không được tự kiêu. Mình có ra gì mà chê bai hoặc khinh thường các họ khác.
Ông Hình nhìn sang bên. Thằng Công con nhà Cống mà cũng lên giọng gớm. Mẹ nó hôm nọ còn nài nỉ vay mấy trăm bạc mua thức ăn cho cá. Ông nhìn nó gườm gườm:
– Ai bảo họ ta không ra gì. Mày xem xe cộ người ngợm họ ta đấy. Không tự hào mới là chuyện lạ.
– Ông ơi! Chỉ được cái khoe mẽ thôi. Ông có biết thằng Tố ra thành phố làm gì mà về làng tinh tướng thế không? Nó chứa cờ bạc đấy! Nó buôn ma tuý đấy. Làng ta có nghiện rồi.
– Không bắt được tay day được trán nói thế nó vả vỡ mồm. Ăn với nói!
– Ông chả có thiện cảm với nó, cháu biết thừa.
Chuyện có nghiện trong làng ai cũng biết. Mấy thằng ra thành phố có tí tiền đua đòi học cách ăn chơi ai cũng biết. Mà học hành gì không học, đi học đòi cái chuyện tiêm chích. Chúng nó bảo hút vào người lâng lâng khó tả lắm, sướng lắm. Thế là đứa nọ rủ rê đứa kia. Nhưng dính vào là coi như xong đời. Chuyện nàng tiên nâu ông lạ gì. Ông quyết không cho hai thằng con trai ra ngoài cũng vì sợ. Nhà ông có hai cái mậm ông phải quyết giữ. Ông phải có người nối dõi.
Ông Vấn mặc áo chùng đen đầu đội khăn xếp đang cao giọng ngâm ngợi những điều tốt đẹp của dòng họ. Càng ngày ông càng thấy cuộc sống đảo lộn. Năm tháng tuổi trẻ ông đã cống hiến cho lí tưởng cao đẹp và được tôi luyện thành ý chí kiên cường. Lí tưởng tuy xa vời mênh mông trừu tượng nhưng nó thiêng liêng cao cả lắm. Thời ông miếng cơm manh áo chả là cái gì. Ngày ấy giữa trận đánh, ông và đồng đội thường đọc thơ hoặc hát hò chứ không có trò giải khuây rẻ tiền như đám thanh niên bây giờ. Bữa cơm trong rừng chỉ có củ mài với bát canh rau tàu bay nhưng trong lòng luôn hừng hực một niềm tin chiến thắng. Không ai nghĩ phải trải qua quãng thời gian ăn rừng ở rú, muỗi vắt nhiều đến thế, sốt rét dài đến thế. Không ai nghĩ người lính nhỏ bé lại kiên cường đến thế. Chiến thắng rồi mọi người nhìn nhau mới giật mình. Người hay là quỷ hiện hình? Anh giải phóng quân hay thằng thổ phỉ? Còn đâu những đôi mắt tinh anh, những thân thể cường tráng? Người lính chấp nhận tất cả, trên hết vẫn là niềm tin chiến thắng. Ông và đồng đội ôm nhau khóc, bởi những người nằm xuống đâu được thưởng thức niềm hạnh phúc, được tự do đặt chân trên con đường mấy chục năm khao khát. Do vậy sống giữa những người không biết trân trọng máu xương của cha ông khiến ông đau nhưng chưa biết làm thế nào?
– Sao không thấy thằng Vớ đâu?
Ông Vấn khấn xong nhìn trước nhìn sau. Tưởng nó sà vào chỗ bếp núc, ông bảo đứa cháu gọi nó lên. Cái thằng, thấy ăn là xoắn đến.
– Ông ơi thằng Vớ bỏ về rồi!
– Nó sợ bị hành quyết đấy!
Có tiếng chen vào. Mấy đứa chỉ thích người lớn hở ra cái gì đấy là hùa theo bày trò.
– Đứa nào điệu nó về đây. Không thể để con sâu làm rầu nồi canh được. Phải hỏi cho ra nhẽ.
Ông Hình hùng hồn.
– Ông ơi! Nồi canh có sâu từ lâu rồi! Có phải ai cũng biết làm gương cho con cháu đâu.
– Này! Đừng có xỏ xiên! Để tao ra ngoài xem nó đâu.
Hát:
– Ông ơi kệ thằng Vớ đi! Nó lớn rồi. Đừng tưởng nó dại, nó vượt rào giỏi hơn chúng cháu nhiều.
Ông Hình lỉnh nhanh ra ngoài. Thế là mọi việc lại như cũ, chẳng ai tìm được cách giải quyết bởi động đến người là người khác giật mình tanh tách.
Ông Vấn buồn cho thân thế thanh danh họ Hoàng nhà ông. Một dòng họ lớn trong làng nhưng bài vị và đồ thờ cúng đều mới được sắm sửa. Từ ngai, khám thờ, mâm “chân quỳ dạ cá” đến bát hương, lư hương, đôi hạc… đang rực rỡ trên ban thờ kia là của con cháu công đức mấy năm nay. Ông Tấn trưởng họ ốm đau bệnh tật đi một nhẽ, đằng này ông ấy lại là người vô thần. Ông vẫn cười nhạo những ai quá mê si chuyện cúng bái. Ông cho rằng làm gì có hồn ma của bà cô ông mãnh nào hại được nhà ông, chẳng qua ông bị nhiễm chất độc hồi chiến tranh nên gia đình ông mới ra nông nỗi thế. Tất nhiên khi ông lên giọng với cái miệng méo xệch và đôi mắt lênh láo của người qua cơn bạo bệnh chẳng thuyết phục được ai, nhiều người còn cho là ông bị tổ tiên phạt. Một người như thế làm gì có ý thức giữ gìn nền nếp gia phong cho cả một dòng họ lớn được. Mất thiêng! Nhưng sự đời thường thế. Cờ trong tay nhưng không phất, thậm chí còn xé nát cho đã cơn khát nhạo báng. Cả họ không được hưởng lộc có lẽ cũng vì người đứng đầu bất tín. Đau thế đấy!
Mâm bát được bày từ trong nhà ra ngoài sân. Ông Thìn đi lại xem các mâm xếp đủ người chưa. Cỗ toàn thịt, có chăng đá thêm đĩa nhỏ rau lộc và bát nước chấm. Đĩa nào bát ấy đầy tú hụ. Nhà quê chỉ ngày giỗ Tết mới dám phô, ngày dưng ai dám. Không phải có miếng ăn mà vênh vang. Đời người vài ba cơn sóng cồn là đi đời.
– Xin mời các cụ các ông các bà và toàn thể mọi người trong họ thụ lộc của tiên tổ.
Ông Vấn cao giọng mời. Tức thì đám thanh niên ngoài sân bắt nhịp hô “một…hai…dô” vang xóm làng. Đây là lúc giương oai với các họ khác. Chẳng gì cũng có một số họ ở xen vào họ Hoàng. Ngày này mọi người đóng kín cửa hoặc kiếm cớ đi đâu đó. Họ không thích thấy cảnh người họ Hoàng ra vào tấp nập với những bộ mặt giương giương tự đắc nghênh nghênh trên đường làng. Xe máy bấm còi inh ỏi phóng như trên đường lớn, chó sủa mỏi mồm đuổi cắn những thằng con trai tóc xanh đỏ thích trêu chọc, đến con chó cũng không tha. Tạp nham hổ lốn tựa trọc phú. Nhưng thanh niên nó thế, tuổi ăn tuổi lớn thích làm điều khác người.
Ông Vấn trịnh trọng đứng trên hiên nhà quay vào trong rồi nhìn ra ngoài hắng giọng mấy lần, chắp hai tay vào nhau lên tiếng:
– Hôm nay tôi muốn có vài lời với bà con họ hàng nhà ta. Chúng ta muốn bảo tồn và phát huy những giá trị của dòng họ Hoàng thì ai cũng phải có ý thức. Nền nếp gia phong của dòng họ đang có vấn đề, ý tôi muốn nói ở đây là họ ta phải xây dựng lại những gì chúng ta tàn phá.
Ông Vấn muốn tranh thủ lúc mọi người đang ăn bàn chuyện là chất lượng nhất. Nhưng tiếng nói của ông bị át đi bởi đám đông ồn ào và cả những ánh mắt đang chăm chắm vào mâm cơm.
– Thôi đi ông ơi! Trời đánh còn tránh miếng ăn. Để lát nữa.
Đám thanh niên la lớn. Lại một chập “dô dô”, lại tiếng cốc chén chạm nhau…Mọi người lờ đi không muốn bàn việc vào lúc này. Đành chịu.
Ông Vấn đứng nhìn cảnh tượng nhốn nháo lắc đầu mấy cái rồi quay vào chỗ ông anh. Ông Tấn đang cắn miếng thịt gà luộc chưa chín bằng cái miệng méo thật khó khăn. Mép ông trào cả nước tiết gà chưa chín theo nước dãi rơi xuống chiếc áo màu cháo lòng đỏ lòm. Thấy ông Vấn chăm chú nhìn, ông cười:
– Khổ thế đấy chú ạ! Già rồi không chết được.
– Anh phải chịu khó luyện tập. Với lại nếu không cắn được thì xé bằng tay trước rồi xúc ăn sau chứ.
– Chú xem, tay tôi run thế này xé làm sao được. Tay còn yếu hơn cả răng. Khổ thế!
– Để tôi xé cho. Chốc nữa tôi sẽ bảo bác gái từ nay chuẩn bị trước thức ăn cho anh. Người thế làm không thật nó vãi hết. Trông khó coi lắm.
– Chú không phải bảo. Tôi còn làm được thì tôi tự làm. Cái gì cũng nhờ người khác phục vụ khác nào thằng chết rồi.
Ông Vấn nhìn anh. Không ngờ ông Tấn lại có tính tự lập cao như vậy. Chỉ vì cuộc sống bức bách không được như ý ông mới đâm cáu cẳn. Gặp chuyện gì ông cũng bàn ngang.
– Anh xem mấy chuyện trong họ lùm xùm thế tìm cách giải quyết cho êm đẹp. Mất uy tín quá. Chuyện thằng Vớ, chuyện mấy thằng nhà chú Hình trộm trâu…
– Chú bảo giải quyết thế nào? Thằng Vớ nó yên bề gia thất thì phải mừng cho nó. Nó lấy đĩ về làm vợ chứ có lấy vợ về làm đĩ đâu mà lo. Con mẹ ấy cuối cùng cũng cần một chỗ nương thân. Chú phải mừng cho nó chứ.
– Mừng cái gì? Con mẹ nạ dòng cò cưa với thằng đàn ông có tí tuổi đầu. Tôi thấy nó chướng thế nào ấy!
– Chướng làm sao? Thằng Vớ khôn ngoan gì mà cành cao cành bổng? Chú đừng lo nghĩ làm gì! Họ Hoàng còn nhiều việc lắm. Bố con ông Hình làm bậy còn đáng trách gấp vạn lần thằng Vớ. Thằng đàn ông chọc trúng lỗ nào được lỗ ấy. Hỏi có ai được như nó. Mà nhà cái chị Hãn cũng khôn ra phết.
– Anh bảo chị ta khôn cái gì? Một thằng đàn ông chỉ biết hùng hục như trâu húc mả.
– Người ta chỉ cần thế. Bao nhiêu thằng đàn ông ngủ với chị ta nhưng cuối cùng chị ta được cái gì? Chỉ có thằng Vớ cho chị ta cái quyền làm người đàng hoàng. Nhờ có nó chị ta mới có danh phận. Trai chưa vợ gái chưa chồng chứ có trai trên gái dưới thậm thụt như ối người đâu.
– Được cái gì thì chị ta thừa biết. Phải thế nào chị ta mới chịu làm kiếp cave chứ. Nhưng tôi vẫn thấy nó chướng thế nào ấy.
– Chú đã từng lăn lộn nơi đầu tên mũi đạn mà không biết quý chút yên hàn của người khác, nhất là cái thằng tứ cố vô thân chẳng khôn ngoan gì. Chú đang muốn họ hàng yên ổn mà lại đi bới ra những cái thối để một số người lợi dụng.
Ông Trọng bưng miệng cười. Ông ngồi ngay đằng sau anh em ông Vấn. Ông đã nghe thủng chuyện. Chẳng đâu vào đâu. Một người thủng thẳng như bắn đại bác, một người nôn nóng cứ nhấp nha nhấp nhổm như súng liên thanh. Chuyện của thằng Vớ thì nó tự giải quyết. Mà cần gì nhiều lời, nó cứ tự nhiên thế thôi. Các ông đòi làm thịt nó chắc. Đã thế hai ông còn dùng một từ mới xâm nhập về nông thôn nghe gượng gạo quá.
– Thế còn chuyện xây lại chùa. Nhiều người tỏ ý muốn công đức, nhưng nghe chừng tốn kém lắm.
– Chùa là của cả làng. Khi nào họ Hoàng có thiện ý thì phải họp làng. Tôi lại chưa muốn xây chùa. “Thứ nhất là tu tại gia/ Thứ nhì tu chợ thứ ba tu chùa”. Chú xem nhà thờ họ đã ra hồn đâu. Chú nhìn bàn thờ có khác nào cửa hàng bán đồ thờ. Xếp hổ lốn thế vì chật chội. Chẳng lẽ con cháu công đức không trưng lại cho là tôi trọng người nọ khinh người kia. Chú thừa biết tôi bị chỉ trích chán rồi đấy thôi.
– Có người cho rằng đất nhà anh chật nhà thờ sẽ không bề thế. Nếu có chỗ đất rộng rãi hơn, tiện lợi hơn thì sao. Nhà thờ mà ăn uống sinh hoạt chung e không tiện.
Ông Tấn trợn mắt:
– Chú cho là uế tạp chứ gì. Tôi già rồi còn làm gì bẩn tưởi đến tổ tiên đâu. Con Gái như đứa trẻ. Có gì phải ngại. Đứa nào nói chú chỉ tôi xem. Chỉ giỏi khích bác. Muốn xây nhà thờ ở giữa làng cho tiện mọi nhà chứ gì? Thế theo chú nên xây chùa Đông ở đâu?
– Trước ở đâu sau ở đấy.
– Đấy nhá! Chùa ở mãi góc làng phía Đông, toàn lúa với má, xa nhà dân đến hơn cây số. Thế sao không kéo về nhà ai đấy cho tiện.
– Bác cũng biết họ ta rồi đấy. Mỗi người một phách. Tôi muốn xây chùa xong rồi xin thành phố cấp cho cụ tiến sĩ nhà ta cái bằng danh nhân văn hoá.
– Chú có hồ đồ không? Chú sống đời thuở nào mà dám nhận sằng? Người ta khới lên một tí đã vơ vội vào. Ông có biết cụ đỗ đạt bao giờ, thuộc chi nhà ai? Ngày sinh ngày chết bao nhiêu ? Bằng chứng đâu? Hay chỉ là đống đất đùn lên như cái tổ mối rồi chạy ra nhận đấy là phần mộ cụ Hoàng Sang?
– Anh nói thế tôi càng thấy đau lòng. Họ nhà ta mang tiếng là có văn hoá, đỗ đạt nhiều nhưng hỏi còn gì để gìn giữ? Gia phả không còn, các chi, ngành nhiều khi cãi nhau xem ai vai trên, ai vai dưới?
– Lỗi là do chiến tranh, li tán loạn lạc chứ đâu phải một cá nhân ai. Mới có ít năm trở lại đây người ta mới nghĩ đến dòng họ, nghĩ đến việc xây dựng lại các giá trị tâm linh chứ như trước đây thì… chán bỏ mẹ. Mà chú cũng thay đổi nhanh gớm, mới hôm nào còn phản đối chuyện đình chùa cúng bái đấy thôi.
– Giờ khác rồi anh ạ. Không ai giải thích được chuyện tâm linh, chỉ cần tin thôi.
– Chú từng phản đối chuyện cúng bái mà sao thay đổi nhanh thế ? Tôi nghĩ chú bất lực mới nhờ đến tâm linh. Chú về làng tưởng cân bằng được các mối quan hệ mà bất lực rồi chứ gì ? Tâm linh mà tin mù quáng là chấm hết cho mọi thứ lý luận rồi đấy !
– Nhưng tôi không mù quáng. Tôi chỉ muốn nhờ tâm linh để hướng thiện thôi.
– Ranh giới của tín ngưỡng nó mong manh lắm, chỉ cần một chút là bị nghiêng. Làm được thì chú cứ làm.
Ông Tấn buông thõng câu cuối rồi lóng ngóng cầm miếng thịt gà nham nhở. Ông đã chán cảnh phải giãi bày vì cứ ai về thắp hương tổ tiên cũng ý kiến này nọ. Cuộc đời ông trải qua trận mạc kinh người song cuối cùng chỉ là một ông nông dân được sở hữu mười thước ruộng. Bom Mĩ vùi, chất độc hoá học hành hạ đến nỗi một bên tai ù đặc, người ngợm u cục nổi đầy, cuộc sống khó khăn, con cái không lành lặn, một dấu chấm hết cho cuộc đời. Hỏi ông còn tin vào ai? Ông còn vui thú nỗi gì? Gia cảnh nhà ông chỉ mái nhà tuyềnh toàng với vài tạ thóc mỗi mùa. Con cháu có công đức song trong lòng chỉ nghĩ đến điều lợi lộc. Người có tâm bây giờ ít lắm.
Hai anh em mải chuyện chẳng biết mấy ông em cùng mâm đã lấy tăm xỉa răng. Không khí lắng xuống. Tiếng “dô dô” nghe như từ đâu vọng về dội vào óc. Tự nhiên ông Tấn ôm mặt. Ông Vấn còn đang nghĩ ngợi đâu đâu bỗng thấy tiếng nấc. Mắt ông Tấn tràn nước, người run lên bần bật. Người bị tai biến rất nhạy cảm, chỉ cần chạm một chút thân phận không may là tủi thân. Nghe chừng ông Tấn xúc động mạnh. Ông Vấn đưa tay khoác vai ông Tấn:
– Thôi anh ạ! Mỗi người một hoàn cảnh. Ai cũng có nỗi khổ riêng. Nhà tôi đây cũng có sung sướng gì! Thằng Húng dở dại dở khôn có khỏi được đâu? Trước đây tôi không để ý thật nhưng thời nay không làm không được. Mình nhớ đến tiên tổ ngoài việc cầu mong gia đình dòng tộc được trong ấm ngoài êm còn giáo dục cho con cháu giữ gìn nền nếp gia phong. Anh không làm được thì để tôi bàn lại với các chi xem. Anh đừng cố chấp những lời thị phi. Không phải anh ăn ở thất đức mà do chiến tranh. Anh đã góp công cho hòa bình ngày hôm nay còn gì nữa. Đừng dằn vặt mình nữa.
– Nhưng người trong họ không thương nhau còn đòi hỏi làm sao tình thương của người khác. Chú phải giải quyết cho xong chuyện thằng Vớ. Nó là người họ Hoàng thì con nó cũng phải là người họ Hoàng.
– Anh yên tâm. Tôi không để ai nói ra nói vào nữa. Tôi sẽ cho người đi tìm nó về.
D.T.N