
Ông Hình mặt đỏ gay như cổ gà chọi bước ào qua mấy mâm cúi sát tai ông Vấn thì thầm điều gì. Nghe xong mặt ông Vấn nghệt ra rồi lập cập đứng dậy. Ông không uống rượu nhưng người ông ngất ngư như say ra sân. Bằng Anh níu tay ông lại:
– Bác ơi! Chẳng mấy khi họ mình vui thế này. Bác uống với chúng cháu một chén.
Nó dúi cái chén vào tay nhưng ông gạt đi. Ông rèn được tính nghiêm khắc từ những năm quân ngũ và cũng coi thường lũ cháu ham vui nên nét mặt không thể giãn ra được. Tức thì Bằng Em mặt đỏ như cổ gà chọi hằm hè:
– Bác coi thường chúng cháu rồi! Mời có một chén trong ngày cúng tổ mà không được thì hỏi bác đoàn kết ở đâu? Bác cứ bảo phải đoàn kết. Chỉ có rượu mới đoàn kết được bác ạ. Bác không uống chứng tỏ bác khinh chúng cháu?
Hai anh em Bằng gí sát mặt khiến ông phải lấy tay gạt hai thằng ra.
– Các cháu đừng ăn nói hàm hồ. Rượu không phải là thứ gắn kết tình máu mủ họ hàng. Các cháu có biết rượu nó uống người chưa? Uống vào là hết khôn dồn ra dại đấy.
Mấy thằng ngồi xung quanh tức thì đứng cả dậy. Mỗi đứa một chén nâng trước mặt ông. Bằng Anh cầm tay ông ấn mạnh chiếc chén đầy rượu khiến ông không thể không cầm. Một ít rượu sánh ra. Ông cảm nhận rõ tay mình tê đi. Bọn này đang say máu. Chúng muốn kiếm cớ để gây chiến đây. Vụ trộm trâu hôm trước còn chưa đâu vào đâu. Ông sẽ không vào uỷ ban xã làm gì cho muối mặt. Chúng nó tự làm tự chịu.
– Uống đi bác! Uống rượu vào bác mới thấy được cuộc đời nó tươi đẹp thế nào. Bác phải say một lần mới hiểu sự sung sướng của cuộc đời. Nói thật với bác, chúng cháu không muốn sống mấy mươi năm với súng ống đạn dược đâu. Chúng cháu chỉ muốn thỉnh thoảng anh em gọi nhau đi nhậu. Thế là lên tiên rồi. Một tháng bác được mấy triệu bạc nhưng phải trả giá quá đắt. Có tiền bác cứ việc đi giữ gìn nền nếp gia phong. Chúng cháu chỉ muốn giữ gìn sự sung sướng của chúng cháu thôi. Uống đi bác!
Bằng Anh gí chén rượu vào miệng ông. Chưa uống được ngụm nào song mặt ông đã đỏ lên vì tức giận. Một lũ cháu vô lại. Nó quyết hại thanh danh ông đây mà. Muốn thoát được bọn này đâu dễ. Ông giơ tay ra hiệu cả bọn im lặng :
– Thôi được rồi! Chúng mày ngồi cả xuống. Sợ gì mà bác không uống. Thử hỏi tửu lượng của chúng mày được bao nhiêu mà lớn tiếng thế. Muốn thử bác hả? Nhưng bác ra điều kiện, nếu bác thắng, chúng mày không được tụ tập uống rượu một cách bừa bãi nữa. Họ Hoàng nhà ta không thể xuống dốc không phanh được. Còn bao nhiêu chuyện phải làm.
– Bác yên tâm đi! Quân tử nhất ngôn. Chúng cháu muốn xem bác có chịu chơi không? Nói thật với bác, ngày thường chúng cháu sợ bác lắm.
– Tao có gì chúng mày phải sợ?
– Bác là anh hùng. Chúng cháu tưởng tượng bác đứng giữa ba quân oai hùng lắm. Bác giết được bao nhiêu thằng giặc không biết ghê tay. Bác bắn súng hai tay như một. Chúng cháu giết mỗi con trâu mà sợ giun sợ dế ra rồi. Thằng Công đái cả ra quần.
– Thằng này láo! Ai cho mày dám bỡn cợt. Động cơ của việc giết giặc với chọc tiết trâu giống nhau là sao?
Bằng Em chép miệng:
– Thì cũng đều một mục đích là hạ gục đối phương thôi mà bác.
– Có được ngày hôm nay là sự hi sinh của bao nhiêu người. Sao chúng mày ví von kiểu ấy. Mất đạo đức.
Thằng Công nhăn nhở:
– Bác bảo chúng cháu làm gì có đạo đức mà mất. Bà Thoan cho vay lãi thì có đạo đức không? Cháu cam đoan với bác là có. Nhà Chiến không có tiền kịp thời cho con nhập viện giờ chắc thịt thối dưới âm phủ rồi.
Mặt ông Vấn thêm sượng đi. Chiến có đến vay tiền nhưng bà nhà ông từ chối. Nó chạy đến nhà bà Thoan vay lãi. Chiến bóng gió rằng người trong họ không bằng người dưng. Chả thế mà hôm nay nó vắng mặt. Không khí trầm hẳn.
– Thôi không nói chuyện đạo đức nữa, uống đi bác!
Mấy thằng cùng săm soi vào ông. Gắng để nét mặt bình thản, ông cầm chén:
– Chúng mày có chấp tao không?
– Bác nói hay thật. Cháu đã nói ngay từ đầu rồi.
Ngồi xếp bằng trên chiếu, ông khoan thai nhìn sát mặt từng đứa. Mặt ông giãn ra và cố để cho bọn cháu biết ông rất vui vẻ.
– Nào! Thằng Công đưa chén đây! Chén của mày vơi quá. Đã đều thì đều cả. Nào!
May đếm lạc cả giọng để cả bọn hò theo. Sau tiếng hô là từng ấy cái cốc đưa vào từng ấy cái miệng. Đặt chén xuống May lại nhấc chai rót tiếp. Hết lần này đến lần khác. Mắt đứa nào cũng vằn lên đỏ như máu. Riêng ông Vấn vẫn tỉnh táo. Mặt ông chỉ sẫm lại đôi chút. Bọn này ngựa non háu đá chứ chả mấy là quay đơ. Ông từng ăn ở với người dân tộc, vài chén rượu hạt mít này thấm gì. Mấy thằng có vẻ khoái.
– Bằng Em rót tiếp đi. Hôm nay bác cháu mình phải say mới được. Có uống mới biết đến cái sự sung sướng của người say. Nói thực với các cháu, mọi ngày bác phải cố nhịn đấy.
Bằng Anh lưỡi đã líu lại vẫn bám vai ông:
– Cháu phục bác! Bác cho cháu gọi bác là sư phụ. Từ nay bác phải đưa đường dẫn lối cho bọn cháu. Bác bảo gì chúng cháu cũng nghe.
– Thôi đi các tướng. Hay gì suốt ngày say sưa. Thanh niên thì phải biết làm việc này việc kia giúp gia đình và xã hội chứ. Sống như chúng mày bác thấy tiếc lắm. Bằng tuổi chúng mày, bác…
– Thôi đi bác ơi! Khúc ca ấy cổ lỗ lắm rồi. Chúng cháu nghe mòn cả lỗ tai rồi. Bác nhìn bác Tấn đây, bác nhìn bác Phúc đây, bác nhìn cô Xanh đây…- thằng Công chỉ từng người – Bác còn có tí chế độ chứ nhiều người thân tàn ma dại mà chẳng được đãi ngộ gì. Cháu hỏi bác? Bây giờ chúng cháu muốn học tập nhưng tiền đâu ra? Chúng cháu muốn xin đi làm nhưng tiền đâu mà đút lót? Hay chúng cháu đi làm thuê cho mấy thằng tư bản để nó bóc lột đến tận xương tuỷ, ráo mồ hôi là hết tiền? Ra ngoài thấy người ta giàu có lại nổi máu tham? Phạm tội như chơi bác ơi. Bác có giúp được chúng cháu không? Làm người tốt bây giờ khó lắm.
Ông Vấn không thể trả lời cho mấy thằng cháu dày ăn mỏng làm này. Ông biết kiểu gì chúng nó cũng lái được. Lí lẽ thì nhiều nhưng thực hiện chẳng ra làm sao. Người họ Hoàng thật lạ, người nào giỏi giang thì học hành đâu ra đấy, còn đứa nào sợ chữ thì ngổ ngáo bất cần đời.
Ông Hình lại nhảy vào chỗ ông Vấn lần nữa.
– Chúng mày có giải tán để bác đi có việc không? Uống thì phải có cữ thôi chứ!
– Bố ơi! Chúng con đang tranh luận với bác. Ngày vui bố phải để chúng con tâm sự một chút. Chẳng gì bác cũng là người đại diện cho thế hệ đi trước. Người thành đạt phải truyền kinh nghiệm cho con cháu chứ.
– Nhưng giờ bác phải đi có việc.
– Việc gì cũng không quan trọng bằng việc giỗ tổ hôm nay. Có thế này chúng con mới hiểu bác. Bác nhỉ?
Bằng Em ghé sang ông gật gật. Ông Vấn biết bọn chúng muốn nhạo báng và hạ thấp uy tín của ông. Chúng muốn ông bao che việc làm dại dột vừa qua. Lại mỗi người một chén. Lần này thêm cái chén cho ông Hình.
– Uống đi bố! Việc gì cũng cứ để đấy!
Ông Vấn đang nghĩ cách đứng lên thế nào cho êm xuôi thì ngoài ngõ có tiếng ồn ào. Tiếng khóc của một người đàn ông to dần. Mọi người quay ra. Ông Vấn nhỏm dậy. Thôi chết! Em ông lại dở trò rồi.
Ông Húng như một mũi tên lao thẳng vào nhà thờ tổ. Người ông trắng toát từ đầu đến chân. Hơn năm mươi mà tóc đã trắng hết, không còn một sợi đen. Bộ đồ trắng dường như mới mặc lần đầu còn nguyên li thẳng tắp. Mặc dù tính cách lúc nọ lúc kia nhưng ông vẫn là người có học vấn cao nhất trong họ vào thời điểm hiện tại. Người ta bảo vệ tiến sĩ tận đẩu tận đâu, nơi có những ông Tây mắt xanh mũi lõ săm soi, thế mà vẫn đỗ, hỏi người ù ờ có qua được không? Thế nên ông vẫn được mọi người kính phục. Lúc lên cơn có quá khích một chút, mọi người không khinh thường mà chỉ lắc đầu cảm thông: “Tại học nhiều quá, loạn chữ”. Cái việc loạn chữ so với người vô học nó khác một trời một vực, mất khôn đấy nhưng vẫn danh giá.
Mặc cho mọi người nhốn nháo, ông run run đứng trước bàn thờ tổ, mắt hấp háy cố ngăn những giọt nước đang rơi mà không được. Hai tay ông vái lên vái xuống trong tiếng than khóc nghe nẫu cả ruột.
– Ối cha ơi mẹ ơi! Ngày giỗ tổ mà con không về thắp hương tổ tiên. Con sẽ bị trừng phạt đến chết thôi. Con tha phương cầu thực nhưng con có quên tổ tiên đâu. Thế mà các hồn không báo mộng cho con. Người sống không thương con thì các hồn phải thương con chứ, hồn ơi là hồn….hờ hờ…hồn ơi….ời…
Ông Húng quay ra tiến sát đến ông Vấn. Hai tay ông bấu chặt vai anh:
– Sao anh không báo cho em? Anh không coi em là người họ Hoàng à? Họ Hoàng không còn thằng nào tên là Húng hay sao?
Bằng Anh không để ông Vấn kịp trả lời. Nó gạt tay ông Húng, giọng kẻ cả:
– Việc gì mà bác bức xúc thế? Về thì làm chén rượu với các cháu rồi thắp hương cho tiên tổ cũng có sao! Việc hiếu nghĩa không bao giờ muộn cả. Bác Húng không phải người họ Hoàng thì là họ nhà ai? Vứt đi đâu được. Nào bác!
May dúi vào tay ông Húng chén rượu đầy:
– Bác uống đi! Khóc lóc cũng thế thôi. Bác đi xa mà cảm thấy có lỗi với tổ tiên thì về đây mà sống. Ngày nào cũng được giáp mặt ông bà ông vải sướng lắm đấy. Chúng cháu muốn thoát đi không được đây này. Xa thơm gần thối.
Mặc cho mấy thằng cháu lải nhải, ông Húng vẫn thổn thức. Ông cứ lặp đi lặp lại “hồn ơi ời…”. Tiếng ông dãi ra vuốt âm thanh nhỏ dần. Không ít người bưng miệng cười khi thằng Công bảo ông khóc bị “nhịu” rồi. Giỗ tổ mà ông gọi những linh hồn đáng kính như thế là không ổn. Chẳng lẽ mấy trăm năm gìn giữ mà ông cho tất cả chỉ như “cái ấy” của phụ nữ thôi sao? Mấy đứa nhăn nhở không lấy linh hồn tổ tiên là việc nằm lòng. Thì ai nhìn thấy “hồn” đâu mà sợ. Chúng nó kệ các ông cả bà lớn lo việc cúng bái. Chỉ a dua cho vui thôi. Tu nhân tích đức chưa đến lượt chúng nó.
Ông Vấn hiểu tiếng khóc ấy là của một người bị kích động. Em ông đã phải trả giá nhiều đến nỗi được tấm bằng tiến sĩ rồi nhưng nào có được yên.
Những năm đầu về nước ông Húng hào hứng bao nhiêu thì sau này thất vọng bấy nhiêu. Làm việc ở một cơ quan có uy tín mà anh em không phục. Người ta nhìn một người đỗ đạt từ bên Tây về như nhìn người ngoài hành tinh vì ông đưa ra những luận cứ này, học thuyết kia trong công việc cũng như đời sống. Mọi việc trên đời này đơn giản chứ cần gì mớ lí thuyết rắc rối ấy cho mệt người. Lòe thôi! Khoe thôi!
Thế là người ta không chuộng ông nữa. Người ta hùa nhau cùng hại ông. Mất chức, công việc có cũng như không, thế là chán. Thỉnh thoảng ông lại bỏ cơ quan lên gặp các đồng chí cấp trên khiếu nại về việc kinh phí nghiên cứu đề tài của ông không cánh mà bay. Tại sao thằng Thịnh lại được đặc cách ngồi vào hội đồng chuyên môn? Nó từ thằng bảo vệ chuyên gác cổng, biết gì đề tài với cả dự án? Ông trình bày theo kiểu tiền của nhà nước bị một thế lực lừa đảo xuyên quốc gia đột nhập vào két sắt cơ quan dùng sức mạnh vô hình rút hết chứ không phải thất thoát do bàn tay con người. Trong phòng làm việc có kẻ còn đặt máy nghe trộm, thậm chí cả mìn để hại ông. Nghe trình bày thế bố ai tin được. Họ cho là đầu óc ông có vấn đề. Công trình của ông đưa lên người ta không hiểu ông lấy tài liệu ở đâu, hành văn bằng thứ ngôn ngữ gì? Vậy là người khác được nhảy vào. Bao công sức ông trăn trở bị nhổ toẹt.
D.T.N