Thuyền nghiêng – Tiểu thuyết của Dương Thị Nhụn

Hồi chiến tranh ông cũng vác ba lô lên đường, nghe đâu được vài tháng đã về. Người bảo ông “B quay”, người nói do ông bị bệnh. Mọi việc lập lờ chưa được sáng tỏ thì đùng một cái ông được đi nước ngoài học tập. Đấy cũng là một cách thể hiện lòng yêu nước. Ông Vấn giải thích cho cán bộ xã và bà con làng xóm như thế. Đi học tập ở nước ngoài, giải phóng đất nước xong phải có người tài giỏi xây dựng đất nước chứ. Bấy giờ ông làm chức gì đó to lắm trong quân đội nên lời ông nói có trọng lượng ngay. Ông Húng lên đường một cách êm nhẹ. Dù sao làng quê có người được ra nước ngoài học tập cũng không phải xoàng. Địa phương ta phải biết tự hào. Ông Vấn kết luận như thế.

Mắt còn đọng đầy nước, ông Húng dốc cạn chén rượu rồi đứng dậy. Ông run run đi tới bàn thờ tổ, nhìn như thôi miên vào cụ tổ họ Hoàng được đặt chính giữa ban thờ. Nào ai biết mặt ngang mũi dọc cụ tổ thế nào song để ban thờ đỡ trống, thằng cháu học hội hoạ đã phác thảo cụ như một ông quan thời phong kiến. Cũng trang phục quan lại, cũng mũ cánh chuồn. Mắt cụ hiền như Bồ Tát. Có điều màu má cụ hồng hơn bình thường nên sắc mặt cụ có vẻ thiên về nữ giới hơn. Bọn trẻ bảo cụ tổ nửa nạc nửa mỡ. Thảo nào! Đàn ông trong họ học hành giỏi giang thế nhưng có ai làm quan to đâu. Ông là tiến sĩ xịn vẫn chỉ là anh chạy giấy quèn. Thậm chí đề tài mình làm từ A đến Z , mỗi cái tên là của người khác. Hỏi thế sao không hậm hực. Đứng trên đầu người ta mà ăn hết giày đến tất, chổi cùn rế rách xơi hết. Đã thế còn bị đè nén, còn bị đánh hội đồng. Nghĩ sao không ức.

Ông Húng hết nhìn cụ tổ lại gục xuống khóc ròng. Mọi người cho là ông thực lòng lúc này. Không thiếu người lòng tham kế hiểm cúng bái tế lễ linh đình hòng được phù hộ. Nhưng ông có thế đâu. Ông chỉ cần người đời công bằng với mình. Học hành tử tế chứ có như mấy thằng chưa học hết cấp Mỗi đâu mà ông phải chịu nước lép mãi. Mấy thằng nịnh bợ sếp cho ông là thần kinh. Đúng là đổi trắng thay đen quá dễ. Vài năm trước cũng mấy thằng ấy lúc nào cũng loe xoe bên ông khen viện trưởng đẹp trai, viện trưởng tài giỏi. Cũng chúng nó cho ông ăn quả đắng chứ ai. Khi không còn quyền nữa bọn chúng quay ngoắt đi ôm chân người mới.

Ông thừa biết tâm địa của những kẻ cơ hội nên chẳng bắt thân với ai. Nhưng ông tức. Trong cuộc họp thì nói ngon ngọt ông là người quan trọng, ông là người có tâm với công việc. Thế mà chỉ cần ông quay lưng là bọn họ họp nhau lại. Họ bảo ông khinh người, coi thường anh em, hay chọc ngoáy. Trong một buổi tổ chức nghiệm thu đề tài ông đã vạch ra vô số khuyết điểm. Đề tài làm ẩu, số liệu ma. Chết cái chủ đề tài lại là viện trưởng. Tay này vừa nhảy vào ghế của ông đã ti toe. Sau đó ông ăn đủ. Đến cơ quan chỉ mỗi một việc ngồi chơi xơi nước. Mép mốc ra chúng nó chẳng đoái hoài trong khi nhiều thằng đi xe hơi ở nhà lầu. Đã thế ông không sợ nữa. Ông đã nhìn thấy hết chân tướng của bọn đục nước béo cò. Ông phải làm cho ra nhẽ. Nhưng mả nhà ông chưa phát nên đi đến đâu ông cũng bị xua đuổi. Cô đơn giữa một lũ giòi bọ khiến ông phát điên. Nhìn lũ ấy chỉ tổ hại mắt, thế là ông cứ ngửa mặt lên giời khi gặp bọn họ. Và thế là lũ giòi bọ lại tức. Chúng yêu cầu ông đi bệnh viện tâm thần khám bệnh. Khám cái mả mẹ nhà nó. Tiến sĩ mà tâm thần được à? Có chúng nó là một lũ tâm thần thì có. Ông không cần làm nữa. Ông lao vào viết thuê để kiếm sống. Tưởng gì chứ việc liên quan đến chữ nghĩa ông làm ngon ơ. Thời nay chuyện bằng cấp đặt lên hàng đầu. Muốn chui vào các vị trí cao có màu mè thì phải có bằng cấp. Nhưng học tại chức mà ngồi viết được luận văn luận án là chuyện lạ đời. Từ một anh làng nhàng học bổ túc hai năm ba lớp, rồi làm sinh viên vài năm trong khi vị trí đã có ông anh ông bác làm to xí chỗ. Thế là tiến sĩ Húng cắt dán vài hôm đã được một tập luận văn vài chục trang đúng theo yêu cầu đặt hàng. “Em học chỉ làng nhàng anh đừng viết hay quá, sợ thầy cô không tin”, “Em muốn luận văn của em phải khác với các bản luận văn thông thường và có dấu ấn riêng, thỉnh thoảng anh phải chêm vài câu danh ngôn của ông “Mét”, ông “cốp” tận đẩu tận đâu vào”….Chuyện nhỏ! Chỉ cần nhìn qua người ông cũng biết phải viết thế nào. Những anh chàng tiến thân kiểu này để ông đồng ý viết luận văn cũng phải chi số tiền không nhỏ. Cũng may tiền cứ thế chui vào tài khoản, ông không phải mặc cả hay ngửa tay cầm tiền.

Không hiểu sao tiếng tăm ông vang xa và nhanh đến thế, người nhờ viết ngày càng nhiều. Mà không chỉ luận văn đại học, thạc sĩ, sau này cái gì ông cũng chơi. Nói như cánh trẻ bây giờ, nhạc nào ông cũng nhảy được. Thế là nhẹ lòng, ông không phải tiếp xúc nhiều với lũ giòi bọ. Lũ ấy muốn yên nên cũng không động chạm gì. Những lúc cần giải toả, ông về quê. Ông muốn được thanh thản đi trên đường làng, được ngồi hàng giờ trước bàn thờ tổ để giãi bày nỗi phiền muộn. Vậy mà những người cùng máu mủ ruột rà coi ông như chết rồi. Hu hu…

Ông Vấn nhẹ nhàng đến cạnh ông em. Nước mắt đầm đìa của người đàn ông luống tuổi đỗ đạt cao khiến đám thanh niên buồn cười. Thằng nào thằng nấy mặt mũi đỏ lựng cầm chén rượu vào nhà. Bằng Anh cười hô hố:

– Bác Húng ơi! Người khóc phải là chúng cháu, những thằng không học hành, không nghề nghiệp này mới khổ chứ sao bác lại phải khóc?

– Chúng mày không thể hiểu được! Chỉ có ở nơi chôn rau cắt rốn người ta mới biết thương nhau, thực lòng với nhau. Bác đi xa thiệt thòi quá.

Mấy thằng dúi vào nhau đổ kềnh ra nhà. Rượu tung cả vào mặt ông Vấn. Ông lặng im không biết nói gì với mấy thằng bợm rượu này. Nó còn cười cợt chế nhạo em trai ông:

– Bác sung sướng khác gì vua con mà sao tiêu cực thế? Bác nói gì cháu nghe không hiểu. Ai bảo ở quê mới thực lòng với nhau. Còn khuya bác ạ.

Ông Húng ngẩng lên:

– Đúng thế mà! Ở quê là sướng nhất. Ngày nào cũng được thắp hương cho cụ tổ. Cụ nhỉ?

Ông ngước lên cao nhìn cụ tổ. Không ai nín được cười vì cử chỉ ấy. Đúng là hành động của một người không bình thường. Mấy thằng uống rượu nhìn ông Húng tồi tội cũng động lòng. Từng lọn tóc dài bết nước, khuôn mặt nhàu nhĩ vì đau khổ. Chúng xúm vào ôm lấy ông và thổn thức khóc. Mấy khuôn mặt đàn ông đầm đìa nước mắt quây thành vòng tròn hướng vào nhau như những người tri kỉ. Không biết người khóc hay rượu khóc đây? Ngày giỗ tổ mà như đám ma. Ông Vấn không chịu được cảnh ấy đập đánh “rầm” xuống mâm quát lên:

– Thôi đi! Các người đừng làm trò nữa. Ai có tấm lòng thì người ấy tự khắc biết. Đã là con cháu đừng ham hố thì mọi sự mới tốt được. Đằng này cứ như cái nhọt chưa vỡ. Hôm nay không bàn chuyện gì nữa.

Ông đùng đùng bỏ ra ngoài. Ông Húng vừa khóc lóc vừa chạy theo. Ông kêu gào sao anh bỏ mặc em. Mỗi mình em ở đây nhỡ chúng nó hại thì sao. Em biết thế nào chúng cũng lập một đường dây xuyên quốc gia để giết em. Anh cứu em với.. anh ơi…ời…

Mặc cho thằng em mặt mày đầy râu ria chạy theo như một đứa trẻ, ông Vấn đi như chạy khỏi nhà thờ tổ. Đến lối rẽ về nhà ông thấy bóng thằng Vớ thấp thoáng trong vườn chuối. Nhìn ông đi như chạy nó sợ quá thụt sâu vào trong vườn. Ông chẳng còn hơi sức đâu đứng lại hỏi han. Ông Húng đang cun cút sát sau lưng, miệng lảm nhảm toàn câu không đầu không cuối.
D.T.N

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder